Đây là vấn đề được bàn luận sôi nổi tại hội nghị các tỉnh đồng bằng sông Hồng trao đổi kinh nghiệm về xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ năm 2016, được tổ chức ngày 24/11, tại Hưng Yên; với sự tham gia của 9 tỉnh gồm: Bắc Ninh, Hà Nam, Hải Dương, Hưng Yên, Nam Định, Ninh Bình, Quảng Ninh, Thái Bình, Vĩnh Phúc.
Đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở đã dự và chỉ đạo hội nghị.
Tại hội nghị, các đại biểu tập trung trao đổi nhiều kinh nghiệm, cách làm hay trong thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở; trong đó, các tỉnh Hà Nam, Ninh Bình, Thái Bình, Hưng Yên, Vĩnh Phúc tăng cường đối thoại giữa chính quyền với người dân, giữa doanh nghiệp và người lao động; lắng nghe tiếp thu ý kiến dân, thực hiện phương châm "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra", đặt lợi ích của nhân dân lên hàng đầu. Tại các tỉnh Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Hải Dương qua đối thoại với doanh nghiệp đã giúp người lao động chia sẻ thông tin, tạo mối quan hệ lao động hài hòa tại nơi làm việc.
Đoàn công tác Ban dân vận Trung ương làm việc với tỉnh Hưng Yên. Ảnh: Mai Ngoan-TTXVN |
Để nâng cao hiệu quả thực hiện quy chế dân chủ trong cơ quan hành chính, các tỉnh đã thực hiện tốt công tác cải cách hành chính theo cơ chế "một cửa", "một cửa liên thông". Điển hình là tỉnh Vĩnh Phúc, Quảng Ninh đã triển khai thực hiện tốt Chính phủ điện tử mang lại thuận tiện, tiết kiệm cho người dân, tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, góp phần thu hút các nhà đầu tư.
Riêng tỉnh Quảng Ninh đã thành lập Trung tâm hành chính công, triển khai mô hình "Bộ phận nhận và trả kết quả hiện đại cấp xã" giúp giảm bớt phiền hà, chi phí cho nhân dân, nâng cao ý thức trách nhiệm của đội ngũ cán bộ công chức ở cơ sở. Bên cạnh đó, công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại tố cáo của công dân được các tỉnh Hưng Yên, Ninh Bình, Nam Định, Bắc Ninh, Thái Bình duy trì thường xuyên, kịp thời giải quyết các khúc mắc của người dân, không để phát sinh phức tạp.
Năm 2016, các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị xã hội ở các tỉnh đồng bằng sông Hồng đã nghiêm túc chỉ đạo tổ chức thực hiện Quy chế dân chủ ở các loại hình cơ sở; tạo bước chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức, được đông đảo nhân dân đồng tình hưởng ứng, thực hiện có hiệu quả, tạo không khí dân chủ, cởi mở, đồng thuận trong xã hội.
Cấp ủy, chính quyền đã đổi mới phong cách làm việc theo hướng gần dân, sát dân hơn; tôn trọng và lắng nghe ý kiến nguyện vọng chính đáng của nhân dân, chăm lo đến quyền, lợi ích hợp pháp của nhân dân. Mối quan hệ giữa chính quyền với mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể được tăng cường; vai trò tự quản của cộng đồng dân cư ngày càng phát huy hiệu quả.
Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Trương Thị Mai yêu cầu các tỉnh tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, quán triệt, triển khai thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước về thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở.
Đánh giá cao việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở tại ba loại hình từ cơ quan nhà nước, xã, phường thị trấn và doanh nghiệp, đồng chí Trương Thị Mai lưu ý các tỉnh tiếp tục tăng cường đối thoại và giải quyết kịp thời, dứt điểm các kiến nghị, khiếu nại của công dân ngay từ cơ sở không để phát sinh thành "điểm nóng", khiếu kiện đông người, vượt cấp, kéo dài; phát huy quyền làm chủ của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân trong các lĩnh vực của đời sống xã hội.