Sin Suối Hồ là xã biên giới của huyện Phong Thổ (tỉnh Lai Châu) nằm cheo leo trên sườn núi, đỉnh núi, cao gần 1.400 mét, cách huyện lỵ khoảng 50 kilômét. Phong cảnh ở đây tuyệt đẹp, khí hậu mát mẻ vào mùa Hè, rất lạnh vào mùa Đông, phù hợp để phát triển du lịch hơn là trồng trọt, chăn nuôi.
Xã có diện tích rộng lớn – 91,33 km2, phần lớn là đất rừng, nhưng chỉ có 890 hộ dân (4.790 khẩu) sinh sống, trong đó đồng bào Mông chiếm 70%, đồng bào Dao Đỏ chiếm 28,7%, còn lại là người Kinh (chủ yếu là cán bộ, giáo viên).
Đảng bộ Sin Suối Hồ có 121 đảng viên sinh hoạt trong 14 chi bộ (trước khi thực hiện việc sáp nhập các chi bộ và bản nhỏ là 16 chi bộ), trong đó có 10 cơ sở nông thôn và 4 cơ sở thuộc các đơn vị sự nghiệp.
Thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Khóa XII về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy hệ thống chính trị (Nghị quyết 18) và các Nghị quyết của Tỉnh ủy Lai Châu, Huyện ủy Phong Thổ, trong giai đoạn 2018 đến năm 2020 Đảng ủy xã Sin Suối Hồ đặt ra mục tiêu có 5 bí thư chi bộ kiêm nhiệm chức trưởng bản. Tuy nhiên, đến thời điểm đầu năm 2020 mới có 2 bí thư chi bộ trúng cử chức trưởng thôn.
Chàng trai người Dao có cái uy của già bản
Trao đổi với phóng viên TTXVN, Bí thư Đảng ủy xã Giàng A Vư (dân tộc Mông) cho biết: Do đặc thù cơ cấu dân tộc mà ở Sin Suối Hồ việc kết hợp hai chức danh bí thư chi bộ và trưởng bản gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, tại địa bàn đã nổi lên một điểm sáng là đảng viên Tẩn Lão Xủ, Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng bản trẻ nhất tỉnh Lai Châu và có thể là trẻ nhất toàn quốc.
Tẩn Lão Xủ sinh năm 1994, dáng cao gầy với biểu hiện bề ngoài rụt rè thường thấy của thanh niên vùng cao. Nhưng trong công việc chàng trai này lại rất quyết liệt và khéo léo. Phải am hiểu tập tục, thiết chế xã hội của dân tộc Dao thì mới đánh giá được việc kết hợp chức danh Bí thư Chi bộ và Trưởng bản trong cộng đồng này khó đến mức nào. “Lổng” nghĩa là bản, theo ngôn ngữ của người Dao Đỏ, thường có quy mô 30 – 40 hộ gia đình, nhưng cũng có thể lên tới 80 – 90 hộ.
Già bản là những người nắm giữ kinh nghiệm sản xuất, hướng dẫn người dân trồng trọt, bảo vệ mùa màng, xem thời tiết, xem các ngày kiêng kị đối với việc đồng áng, động viên dân bản làm cầu, đường, đắp suối, làm máng nước... phục vụ sản xuất nông nghiệp.
Trưởng bản là người đại diện cho dân bản giao thiệp với bên ngoài, vừa đại diện cho việc thực hiện các phong tục tập quán của cộng đồng bản. Người được bầu chọn làm Trưởng bản phải gương mẫu, hiểu biết về pháp luật và có kinh nghiệm tổ chức sản xuất, chăm lo đời sống cộng đồng dân cư, có khả năng vận động nhân dân thực hiện một số công việc mà chính quyền giao. Trưởng bản còn tiến hành hòa giải khi trong bản có xích mích hoặc mâu thuẫn giữa người dân mà nội bộ các dòng họ không tự giải quyết được.
Đối với người Dao, Trưởng họ cũng đóng vai trò rất quan trọng trong thiết chế xã hội. Trưởng họ là người đứng đầu một họ, là con trai cả của chi trưởng, được cha truyền con nối. Trưởng họ là những người có quyền uy lớn nhất trong dòng họ, am hiểu các quy định, các bài cúng của dòng họ mình, hiểu biết thành thạo phong tục tập quán dân tộc mình, có tài ứng xử, giỏi lý lẽ, giỏi về tổ chức và có kinh nghiệm trong các hoạt động sản xuất… Ý kiến của Trưởng họ được mọi người trong dòng họ tin cậy và thực hiện.
Người có uy tín trong bản là những người có tư cách đạo đức, có tri thức nhất định, biết tính toán làm ăn, sẵn sàng giúp đỡ người khác; ý kiến của họ được dân nghe, dân tin nên có ảnh hưởng khá sâu rộng trong cộng đồng. Người uy tín có thể tham gia công tác xã hội, giữ các cương vị quản lý trong Đảng, chính quyền, các đoàn thể ở cấp xã hoặc tổ chức xã hội ở thôn, bản, cũng có thể chỉ đơn thuần là người tốt, biết tính toán làm ăn, sẵn sàng chỉ bảo, giúp đỡ người khác.
Trong đời sống hiện tại, nếu Đảng, chính quyền địa phương không tranh thủ được sự ủng hộ từ phía các già bản, trưởng bản, trưởng họ, người có uy tín trong cộng đồng người Dao thì các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước khó đi vào cuộc sống, kể cả khi chủ trương, chính sách đó vì lợi ích chính đáng của đồng bào.
Việc một đảng viên trẻ có được sự tín nhiệm của Chi bộ bản Sáng Chí để trở thành Bí thư Chi bộ là điều không dễ dàng. Nhưng việc một thanh niên mới ngoài 20 tuổi, thuộc hàng con cháu, “vượt qua” các già bản, trưởng họ, người có uy tín để được dân bầu làm Trưởng bản càng khó khăn hơn rất nhiều.
Trước đó, Đảng ủy, UBND xã Sin Suối Hồ cùng với Chi bộ bản Sáng Chí đã rà soát kỹ các đảng viên tại cơ sở, đánh giá, cân nhắc toàn diện năng lực, đạo đức, triển vọng phát triển của từng cá nhân và lựa chọn người xứng đáng nhất để đề cử vào chức Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng bản. Tiếp theo, Đảng ủy và chính quyền xã tổ chức nhiều cuộc họp để tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa của Nghị quyết Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, ngày 25 tháng 10 năm 2017 (Nghị quyết 18).
Tại các cuộc họp lãnh đạo Đảng ủy, UBND xã vừa tuyên truyền, vận động quần chúng vừa tham khảo ý kiến đánh giá của bà con về các đảng viên trong chi bộ để chuẩn bị công tác cán bộ. Khi lòng dân đã thuận về chủ trương, sự lựa chọn nhân sự đảm bảo hội đủ các điều kiện thì việc bầu cử tại bản và trong chi bộ mới được tiến hành.
Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng bản Sáng Chí cho biết: “Tôi còn ít tuổi, sự hiểu biết xã hội cũng như tập tục của dân tộc chưa nhiều, lại một lúc giữ luôn hai chức vụ mang nhiều trọng trách nên ban đầu rất lo lắng. Được các anh, các chú động viên và không muốn phụ lòng tin của Chi bộ và bà con dân bản nên tôi tự hứa sẽ làm hết sức mình, luôn luôn vì tập thể, không tư lợi”.
Thế mạnh của Tẩn Lão Xủ là nhiệt huyết, sức trẻ, đã có bằng tốt nghiệp Trung học phổ thông và Trung cấp nông lâm nghiệp. Trong những năm làm cán bộ Đoàn xã anh đã chứng minh cho dân bản biết năng lực, phẩm chất của mình. Anh cũng xuất thân từ một gia đình được người dân trong bản kính trọng, bố anh từng là Trưởng bản, hiện là một trong những người có uy tín trong cộng đồng người Dao Đỏ ở xã.
Mỗi khi đưa một chủ trương, chính sách mới của Đảng, Nhà nước đến với bản Sáng Chí, anh Xủ đều suy nghĩ kỹ về kế hoạch hành động, đề ra đường đi nước bước cụ thể, tham khảo ý kiến của các đồng chí trong chi bộ, của già bản, người có uy tín, Trưởng họ. Từ khi hai chức danh Bí thư Chi bộ và Trưởng bản được kết hợp làm một thì những chỉ đạo từ xã đến với cơ sở nhanh hơn, chuẩn xác hơn, tránh được sự chuệch choạc khi không có sự thống nhất, phối hợp giữa Bí thư Chi bộ và Trưởng bản.
Tuy nhiên, như Tẩn Lão Xủ tâm sự, nhiều khi anh cảm thấy rất áp lực vì công việc nhiều, trọng trách lớn mà thiếu người san sẻ. Anh cần sự hỗ trợ mạnh mẽ hơn nữa từ phía Đảng ủy, UBND xã Sin Suối Hồ, từ những đảng viên lâu năm.
Những điều trăn trở ở Phong Thổ
Nghị quyết 18 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng nêu rõ: Tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị vẫn còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc, nhiều đầu mối; hiệu lực, hiệu quả hoạt động chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ. Số người hưởng lương, phụ cấp từ ngân sách nhà nước rất lớn, nhất là ở các đơn vị sự nghiệp công lập, người hoạt động không chuyên trách cấp xã và ở thôn, tổ dân phố. Nhiều trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố không phải là đảng viên… Nghị quyết đặt mục tiêu đến năm 2021 cơ bản hoàn thành việc sắp xếp, kiện toàn một số tổ chức và các đầu mối bên trong của từng tổ chức theo hướng giảm đầu mối.
Huyện ủy Phong Thổ đã tích cực triển khai Nghị quyết 18 vào cuộc sống, song tiến trình nhất thể hóa hai chức danh Bí thư Chi bộ và Trưởng bản gặp nhiều rào cản không chỉ ở xã Sin Suối Hồ mà tại nhiều xã khác.
Phong Thổ là huyện biên giới của tỉnh Lai Châu với thành phần dân cư là 8 dân tộc, trong đó dân tộc Dao chiếm 36,6%, dân tộc Mông – 26,3%, dân tộc Thái 17,13%, tiếp đến là dân tộc Giáy, Hà Nhì…
Đảng bộ huyện có 3.185 đảng viên (gần 1.000 đảng viên là người các dân tộc thiểu số) sinh hoạt tại 171 thôn, bản thuộc 17 xã và 1 thị trấn, không còn tình trạng “trắng” đảng viên ở các bản biên giới vùng cao.
Hiện tại các Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn, Trưởng bản đang ở mức 30%. Lộ trình phấn đấu là đến năm 2021 nâng tỷ lệ này lên 50%. Thực tế cho thấy, việc kiêm nhiệm hai chức danh ở các thôn vùng thấp được triển khai dễ dàng hơn so với các bản vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt là trong cộng đồng người Mông do thiết chế xã hội đặc thù.
Để bảo vệ, duy trì sự ổn định và tồn tại của cộng đồng trên vùng núi cao theo cách thức phân tán, đồng bào Mông từ lâu đã xây dựng một hệ thống quy ước ràng buộc chặt chẽ, đặc biệt là mối quan hệ trong dòng họ. Người Mông gọi dòng họ là Xênh, đó là anh em cùng tổ tiên, cùng huyết thống (tính theo phụ hệ) và quan trọng hơn là phải cùng phong tục tập quán, có các nghi lễ thờ cúng gia đình giống nhau.
Theo thống kê, hiện người Mông có khoảng 18 họ. Trước đây, mỗi dòng họ thường cư trú trong một phạm vi đất đai nhất định do Trưởng họ và chủ các gia đình trong họ khai phá, sau này có thêm nhiều dòng họ cư trú, nhưng mỗi họ vẫn ở thành cụm gần nhau. Mối quan hệ, tính cố kết trong dòng họ của người Mông không phụ thuộc vào ranh giới hành chính và ở mức độ nào đó tương đối độc lập với tổ chức chính quyền cơ sở.
Số lượng cư dân trong mỗi bản của người Mông có thể lớn, nhỏ khác nhau, nhưng đều thuộc những gia đình có mối quan hệ huyết thống hay láng giềng. Thường trong mỗi bản có từ 2 đến 3 họ; bản lớn có từ 6 đến 7 họ, trong đó có dòng họ lớn (họ gốc), người đứng đầu dòng họ nhiều khi cũng là Trưởng bản. Họ hợp thành một cộng đồng xã hội tự quản, vận hành theo tập tục của dân tộc mình. Những chính sách, chủ trương dù hợp lý đến đâu mà các Trưởng họ, người có uy tín trong bản chưa thông thì rất khó đến được với người dân. Làm thay đổi nhận thức của người Mông cần có quá trình lâu dài, bền bỉ.
Phó Bí thư Huyện ủy Phong Thổ Nguyễn Văn Thanh cho biết: Một số trường hợp Bí thư Chi bộ ra ứng cử chức Trưởng bản nhưng không được người dân ủng hộ. Nhiều Trưởng họ, người có uy tín trong cộng đồng người Mông chưa thông suốt với chủ trương để một người đồng thời vừa làm Bí thư Chi bộ vừa làm Trưởng bản. Họ vẫn muốn có sự tách bạch như trước đây.
Trong thời gian tới, Huyện ủy Phong Thổ chủ trương tiếp tục thực hiện Nghị quyết 18 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng một cách quyết liệt. Muốn vậy, các cơ sở Đảng phải đổi mới công tác tuyên truyền trong dân cư và chuẩn bị nhân sự chu đáo hơn nữa. Nếu không, việc nhất thể hóa chức danh Bí thư Chi bộ và chức danh Trưởng bản sẽ không đạt được sự bứt phá. Mặt khác, Huyện ủy cũng nhận thấy sự nóng vội, chạy theo thành tích dưới áp lực chỉ tiêu thường không mang lại kết quả mong muốn. “Nơi nào dân chưa thuận thì chưa làm, công tác vận động quần chúng phải đi trước một bước vững chắc” – Phó Bí thư Huyện ủy nhấn mạnh.
Trong bối cảnh khó khăn chung tại Phong Thổ vẫn có hai Đảng bộ xã khá thành công trong việc triển khai kết hợp chức danh Bí thư Chi bộ với chức danh Trưởng bản. Đảng bộ xã Nâm Xe và Đảng bộ xã Mù Sang trong năm 2019 đã thực hiện tốt công tác vận động quần chúng và công tác cán bộ để có nhiều Bí thư Chi bộ được người dân bầu đồng thời làm Trưởng bản. Hiện nay, tỷ lệ nhất thể hóa hai chức danh đã vượt mức 50% trong tổng số các chi bộ bản và các nhân tố mới đang phát huy hiệu quả.
Bài cuối: Vượt qua lực cản