Bày tỏ vui mừng được đón tiếp Đoàn tới thăm Nhà Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ khẳng định, đây là hoạt động rất thiết thực nhằm tiếp tục nêu cao truyền thống uống nước nhớ nguồn, thể hiện tình cảm, trách nhiệm đối với các Mẹ Việt Nam Anh hùng, gia đình liệt sỹ, các cựu chiến binh, người có công với cách mạng.
Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, trải qua các cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ, chiến tranh biên giới và làm nghĩa vụ quốc tế cao cả, nước ta có trên 9,2 triệu người có công với cách mạng, gần 1,2 triệu người con ưu tú đã anh dũng hy sinh; trên 800 nghìn người đã để lại một phần xương máu nơi chiến trường; hàng trăm ngàn người bị địch bắt tù đày, tra tấn dã man, bị nhiễm chất độc hóa học; trên 1 nghìn bà mẹ được phong tặng, truy tặng danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam Anh hùng”…
“Đảng, Nhà nước, Quốc hội và nhân dân mãi ghi nhớ, đời đời biết ơn sự hy sinh, cống hiến to lớn của các Mẹ Việt Nam Anh hùng, các anh hùng liệt sỹ, thương binh, bệnh binh, các cựu chiến binh, người có công với cách mạng đối với sự nghiệp giải phóng dân tộc, bảo vệ, xây dựng, phát triển đất nước”, Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội, trong những năm qua, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm đến chính sách đền ơn đáp nghĩa, coi đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm để góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần đối với gia đình thương binh, liệt sỹ, các Mẹ Việt Nam anh hùng và người có công. Về cơ bản, chính sách, pháp luật về người có công với cách mạng đã bảo đảm công bằng và tạo sự đồng thuận cao trong xã hội. Đời sống của người có công với cách mạng đã từng bước được cải thiện và ổn định. Tuy vậy, việc thực hiện chính sách, pháp luật về người có công với cách mạng ở một số địa phương còn có một số hạn chế, vướng mắc; một bộ phận người có công với cách mạng và gia đình còn gặp khó khăn trong cuộc sống.
Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị, trong thời gian tới các bộ, ban, ngành ở Trung ương tiếp tục triển khai đồng bộ, có hiệu quả các chính sách đối với người có công; làm tốt công tác xã hội hóa, huy động mọi nguồn lực để thực hiện chính sách đối với người có công, đồng thời rà soát để nắm chắc số người trong diện hưởng chính sách; rà soát lại các quy định về thủ tục, sự thống nhất trong các văn bản hướng dẫn để người có công được hưởng đầy đủ các chính sách của Đảng và Nhà nước.
Phó Chủ tịch Quốc hội yêu cầu cấp ủy đảng, chính quyền các cấp ở địa phương quan tâm hơn nữa đến công tác đền ơn đáp nghĩa, đẩy mạnh phong trào toàn dân tham gia chăm sóc người có công với cách mạng thông qua các hoạt động thăm hỏi, hỗ trợ cuộc sống để bảo đảm các gia đình chính sách và người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của dân cư nơi cư trú.
Đối với Hội Hỗ trợ gia đình liệt sỹ Việt Nam, Phó Chủ tịch Quốc hội mong muốn Hội sẽ có nhiều hoạt động tích cực hơn nữa, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương làm tốt công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ, hỗ trợ gia đình liệt sỹ. Hội vừa là chỗ dựa cho các thân nhân, gia đình liệt sỹ, vừa là tổ chức giám sát thực hiện chính sách đối với người có công, đồng thời là cầu nối giữa các thành viên với chính quyền, các ban ngành, cơ quan, đơn vị.
Phó Chủ tịch Quốc hội tin tưởng rằng các Mẹ Việt Nam Anh hùng, các thương, bệnh binh, thân nhân gia đình liệt sỹ, các cựu chiến binh tiêu biểu và người có công với cách mạng tiếp tục phát huy truyền thống, đóng góp nhiều hơn nữa cho quê hương, đất nước, thực hiện thắng lợi mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Báo cáo với Phó Chủ tịch Quốc hội tại buổi gặp mặt, Trung tướng Lê Văn Hân, Chủ tịch Hội Hỗ trợ gia đình liệt sỹ Việt Nam, cho biết, qua gần 10 năm thành lập, mặc dù còn nhiều khó khăn, thiếu thốn nhưng Hội đã tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng thực hiện có hiệu quả việc xác định danh tính, tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ; làm tốt công tác hỗ trợ gia đình liệt sỹ, xây nhà tình nghĩa, tặng sổ tiết kiệm, góp phần làm ấm lòng, làm vơi đi những khó khăn, cải thiện đời sống của các gia đình liệt sỹ...