Tổng kết công tác tổ chức Đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025
Sáng 19/11 tại Hà Nội, Bộ Chính trị tổ chức Hội nghị cán bộ toàn quốc tổng kết công tác tổ chức Đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chủ trì Hội nghị. Dự hội nghị có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng; cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và đại biểu.
Chiều cùng ngày tại Họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết: Từ ngày 21 - 22/11/2020, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc sẽ tham dự Hội nghị thượng đỉnh G20 theo hình thức trực tuyến.
Trong năm 2020, Việt Nam đã tham dự hầu hết các hội nghị quan trọng của G20 như: Hội nghị Bộ trưởng trong các lĩnh vực: ngoại giao, tài chính, ngân hàng, nông nghiệp, giáo dục, y tế, kinh tế số, lao động việc làm, môi trường, năng lượng, thương mại và du lịch; các hội nghị quan chức cao cấp và một số cuộc họp nhóm công tác chuyên ngành.
Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã tham dự Hội nghị thượng đỉnh trực tuyến đặc biệt G20 về ứng phó COVID-19 vào ngày 26/3/2020, qua đó đã khẳng định trách nhiệm, đóng góp của Việt Nam và ASEAN vào nỗ lực chung của quốc tế trong chống dịch COVID-19 cũng như truyền thông điệp về quyết tâm và kết quả chống dịch của Việt Nam. Tại Hội nghị thượng đỉnh lần này, lãnh đạo các nước sẽ tập trung thảo luận về hợp tác ứng phó với COVID-19, thương mại đầu tư, kinh tế số và phát triển bền vững.
Dự kiến, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ tham dự và phát biểu tại phiên thảo luận với các chủ đề vượt qua đại dịch, phục hồi tăng trưởng và việc làm; xây dựng tương lai bền vững, bao trùm và có khả năng chống chịu.
Cố vấn An ninh quốc gia Hoa Kỳ O’Brien sẽ thăm chính thức Việt Nam
Tại Họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao chiều 19/11, trước câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết thông tin liên quan đến chuyến thăm Việt Nam của Cố vấn An ninh quốc gia Hoa Kỳ Robert O’Brien từ ngày 20-22/11, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao cho biết, Cố vấn An ninh quốc gia Hoa Kỳ O’Brien sẽ thăm chính thức Việt Nam.
Dự kiến ông O’Brien sẽ có cuộc gặp với lãnh đạo một số bộ, ngành của Việt Nam, nhằm trao đổi các vấn đề liên quan đến quan hệ song phương, cũng như các vấn đề khu vực và quốc tế hai bên cùng quan tâm.
Ngày 19/11, Việt Nam có thêm 4 ca mắc mới COVID-19, tổng số là 1.304 ca
Tính đến 18 giờ ngày 19/11, Việt Nam ghi nhận thêm 4 ca mắc mới COVID-19, nâng tổng số mắc lên 1.304 ca.
Trong đó, có 691 ca mắc do lây nhiễm trong nước, số lượng ca mắc mới tính từ ngày 25/7 đến nay là 551 ca. Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) hiện là 16.888 người, trong đó: Cách ly tập trung tại bệnh viện 197 người, cách ly tập trung tại cơ sở khác 15.766 người, cách ly tại nhà, nơi lưu trú 925 người.
Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 ngày 19/11 có 18 bệnh nhân COVID-19 được công bố khỏi bệnh gồm: BN1122-BN1123-BN1131-BN1145-BN1146-BN1166-BN1159-BN1157-BN1196-BN1193-BN1200-BN1198-BN1167-BN1199-BN1195-BN1165-BN1173-BN1179.
Trong số các ca mắc COVID-19 đang điều trị, số ca âm tính với virus SARS-CoV-2 từ 1 lần trở lên là 23 ca. Đến nay, Việt Nam đã ghi nhận số ca tử vong do COVID-19 là 35 ca, số ca điều trị khỏi là 1.142 ca.
Truy tố ông Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh liên quan đến vụ Ethanol Phú Thọ
Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã ban hành cáo trạng vụ án “Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng” và “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” xảy ra tại Công ty Cổ phần Hóa dầu và nhiên liệu sinh học dầu khí (PVB).
Đồng thời, cáo trạng truy tố ông Đinh La Thăng (từng là Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Dầu khí Việt Nam - PVN), Trịnh Xuân Thanh (nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty Cổ phần xây lắp Dầu khí - PVC) cùng 10 bị can khác (gồm nhiều cựu lãnh đạo và nhân viên PVB).
Cáo trạng xác định, ông Đinh La Thăng, với vai trò Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn PVN, Trưởng ban Chỉ đạo triển khai các dự án nhiên liệu sinh học; bà Trần Thị Bình, Phó Tổng Giám đốc PVN mặc dù đều biết PVC và Liên danh không đủ năng lực, kinh nghiệm để thực hiện gói thầu TK05 dự án Ethanol Phú Thọ nhưng vẫn chủ trì các cuộc họp để kết luận chỉ đạo PVB, PVC hoàn tất thủ tục chỉ định thầu và ký hợp đồng EPC với Liên danh PVC/Alfa Laval/Delta-T trái quy định dẫn đến việc dự án phải dừng thi công từ ngày 27/3/2013.
Ông Trịnh Xuân Thanh, cùng những lãnh đạo chủ chốt của PVC biết rõ Liên danh PVC/Alfa Laval/Delta-T không đủ năng lực, kinh nghiệm để thực hiện gói thầu TK05 dự án Ethanol Phú Thọ, nhưng vẫn tiếp nhận sự chỉ đạo của ông Đinh La Thăng, bà Trần Thị Bình để lập hồ sơ đề xuất nhằm thực hiện gói thầu.
Trên cơ sở chỉ đạo của ông Thăng, Trịnh Xuân Thanh đã ký công văn gửi PVB xin được chỉ định thực hiện dự án Ethanol Phú Thọ. Do chưa có ý kiến chỉ đạo của PVN nên PVB không đồng ý chỉ định thầu mà vẫn tổ chức đấu thầu quốc tế rộng rãi. Tuy nhiên, Trịnh Xuân Thanh vẫn quyết liệt tiếp tục chỉ đạo thuộc cấp gửi văn bản đề nghị PVN và PVB xin chỉ định thực hiện dự án. Nhận được công văn này, ông Thăng đã có bút phê chỉ đạo cấp dưới giải quyết theo chủ trương chung của tập đoàn. Sau khi PVC có công văn gửi PVB xin chỉ định thầu, lãnh đạo của hai đơn vị này đều được tham gia các cuộc họp định kỳ hàng tháng (từ tháng 5 đến tháng 9/2009) của PVN. Tại các cuộc họp này, ông Đinh La Thăng và bà Trần Thị Bình đều kết luận, chỉ đạo PVB, PVC hoàn tất thủ tục chỉ định thầu và ký hợp đồng với liên danh PVC/Alfa Laval/Delta-T. Thực hiện chỉ đạo của ông Thăng, PVB đã không tổ chức đấu thầu theo kế hoạch mà lập hồ sơ để chỉ định thầu cho PVC/Alfa Laval/Delta-T.
Tính đến ngày khởi tố vụ án, chủ đầu tư đã sử dụng gần 1.500 tỉ đồng để thực hiện dự án xây dựng Nhà máy sản xuất Ethanol và các dự án thành phần. PVB đã vay ngân hàng tổng số 754 tỉ đồng để thực hiện dự án. Cáo trạng xác định dự án Ethanol Phú Thọ gây ra toàn bộ số tiền lãi phát sinh mà PVB đã trả và số còn nghĩa vụ trả cho các ngân hàng từ khi dự án dừng thi công đến ngày khởi tố là 543 tỷ đồng.
Xét xử sơ thẩm vụ án tại Ngân hàng Đông Á giai đoạn II
Ngày 19/11, Tòa án nhân dân TP Hồ Chí Minh đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án Trần Phương Bình (nguyên Tổng Giám đốc, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị, Chủ tịch Hội đồng tín dụng Ngân hàng thương mại cổ phần Đông Á - DAB) và 11 đồng phạm về tội "Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng", "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản" gây thiệt hại cho DAB hơn 8.827 tỷ đồng.
Vụ án này được xem là giai đoạn II của vụ án kinh tế xảy ra tại DAB. Trước đó, sau 2 tuần xét xử và nghị án, chiều 13/7, Tòa án nhân dân TP Hồ Chí Minh đã tuyên trả hồ sơ, đề nghị điều tra bổ sung do có một số chứng cứ không thể làm rõ trong quá trình xét xử tại tòa. Cụ thể, Hội đồng xét xử đề nghị Viện Kiểm sát nhân dân tối cao tách toàn bộ hành vi sai phạm của Trần Phương Bình và đồng phạm liên quan đến khoản vay cho nhóm khách hàng Công ty Hiệp Phú Gia và Công ty cổ phần vốn Thái Thịnh (gọi tắt là nhóm TTC - do Nguyễn Thiện Nhân chỉ đạo điều hành với 11 tổ chức và 16 cá nhân), gây thiệt hại hơn 3.139 tỷ đồng, để điều tra bổ sung.
Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã tách hành vi phạm tội liên quan đến khoản vay gây thiệt hại hơn 3.139 tỷ đồng xử lý sau khi bắt được Nhân (đang bị truy nã) và ban hành cáo trạng mới truy tố Trần Phương Bình và các đồng phạm. Theo cáo trạng được Kiểm sát viên công bố tại phiên tòa hôm nay, trong khoảng thời gian từ năm 2007-2013, Trần Phương Bình đã chỉ đạo các bị cáo trong vụ án và các đối tượng liên quan thực hiện hành vi vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, gây thiệt hại cho DAB hơn 8.827 tỷ đồng.
Dự kiến, phiên tòa xét xử đến ngày 30/11.