Tiếp tục thử nghiệm vaccine ngừa COVID-19 Nano Covax nhóm liều 50mcg
Sáng 26/12, Học viện Quân y (Bộ Quốc phòng) tiếp tục tiêm thử nghiệm vaccine ngừa COVID-19 Nano Covax nhóm liều 50 mcg cho ba tình nguyện viên đầu tiên. Đây là vaccine ngừa COVID-19 đầu tiên của Việt Nam được đưa vào tiêm thử nghiệm lâm sàng trên người.
Theo đó, trước khi tiêm thử vaccine Nano Covax nhóm liều 50 mcg, ba tình nguyện viên (trong tổng số 20 tình nguyện viên) được kiểm tra sức khỏe, khám sàng lọc, khai thác kỹ tiền sử dị ứng, lấy máu xét nghiệm, điện tim, chụp X-quang… đảm bảo đủ tiêu chuẩn sức khoẻ trước khi tiêm thử.
Ba người đầu tiên tiêm thử vaccine nhóm liều 50 mcg gồm 1 nam và 2 nữ, trong độ tuổi từ 20 - 25. Sau khi tiêm, ba tình nguyện viên được theo dõi trong phòng riêng tại Học viện Quân y trong 72 giờ đầu; sau khi xác định được tính an toàn của vaccine thì 17 tình nguyện viên còn lại sẽ được tiêm.
Thiếu tướng, Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Văn Lương, Phó Giám đốc Học viên Quân y kiêm Viện trưởng Viện nghiên cứu Y Dược Quân sự, cho biết, sau đợt tiêm liều 25 mcg, tình hình sức khỏe của 20 tình nguyện viên ổn định. Các chỉ số về phản ứng phụ không xuất hiện, chủ yếu đau nhẹ và sốt nhẹ nhưng không quá 37,8 độ C.
“Trên cơ sở kết quả theo dõi, đánh giá sức khoẻ theo quy định, Bộ Y tế cho phép Học viện Quân y tiếp tục tiêm liều 50 mcg cho 20 tình nguyện viên”, Thiếu tướng Hoàng Văn Lương cho biết.
Theo Thiếu tướng Hoàng Văn Lương, dự kiến, giai đoạn 1 của thử nghiệm lâm sàng sẽ kết thúc trong khoảng 1,5 tháng tới. Trong quá trình này Học viện Quân y tiếp tục tuyển chọn tình nguyện viên để thực hiện giai đoạn 2, nhằm đẩy nhanh tiến độ thử nghiệm vaccine ngừa COVID-19. Các tình nguyện viên tham gia tiêm thử ở giai đoạn 2 tập trung vào lứa tuổi 18 - 50, có thể mở rộng từ 12 - 75 tuổi.
Như thông tin đã đưa, sáng 17/12, các tình nguyện viên đầu tiên được tiêm thử nghiệm vaccine ngừa COVID-19 Nano Covax nhóm liều 25 mcg. Giai đoạn 1 sẽ có 60 người tình nguyện từ 18-50 tuổi tham gia và được phân ngẫu nhiên vào 3 nhóm, bao gồm: nhóm 1a (20 người dùng mức liều 25 mcg), nhóm 1b (20 người dùng mức liều 50 mcg), nhóm 1c (20 người dùng mức liều 75 mcg).
Tất cả các tình nguyện viên ở giai đoạn 1 sẽ được tiêm vào bắp 2 mũi vaccine, khoảng cách giữa 2 mũi tiêm 28 ngày. Thời gian nghiên cứu đối với mỗi người tham gia là khoảng 56 ngày và thời gian theo dõi là đến tháng thứ 6 kể từ liều tiêm đầu tiên. Dự kiến, tháng 3/2021 sẽ thử nghiệm giai đoạn 2 và tháng 8/2021 thử nghiệm giai đoạn 3 trên cơ thể 3.000-4.000 người hoặc mở rộng đến 10.000 người.
Việt Nam ghi nhận 1 ca mắc mới COVID-19, là ca nhập cảnh trái phép
Ca bệnh 1440 (BN1440): Nam, 32 tuổi, quốc tịch Việt Nam, có địa chỉ tại xã Nhơn Phú, huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long.
BN1440 là trường hợp từ Myanmar nhập cảnh trái phép qua đường mòn lối mở (đang xác minh vị trí) vào 2 giờ sáng ngày 24/12 và về nhà tại Vĩnh Long. Ngay sau khi về đến gia đình, người nhà bệnh nhân đã thông báo ngay với công an địa phương để tiến hành cách ly và lấy mẫu kịp thời tại Vĩnh Long. Ngày 24/12/2020, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Vĩnh Long đã lấy mẫu gửi Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh xét nghiệm ngày 25/12. Kết quả xét nghiệm ngày 26/12 của Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh bệnh nhân dương tính với virus SARS-CoV-2.
Hiện bệnh nhân được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Lao và bệnh Phổi tỉnh Vĩnh Long. Tất cả các trường hợp tiếp xúc F1, F2 đã được lập danh sách, tổ chức cách ly theo quy định. Ngành Y tế tỉnh Vĩnh Long đã phối hợp với Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh và các đơn vị liên quan đang tiếp tục điều tra mở rộng.
Tính đến 18 giờ ngày 26/12, Việt Nam có tổng cộng 693 ca mắc COVID-19 do lây nhiễm trong nước, trong đó số lượng ca mắc mới tính từ ngày 25/7 đến nay là 553 ca.
Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) hiện là 17.107 người, trong đó: Cách ly tập trung tại bệnh viện 160 người; cách ly tập trung tại cơ sở khác 16.091 người; cách ly tại nhà, nơi lưu trú 856 người.
Vĩnh Long truy vết các ca F1 của người nhập cảnh trái phép
Ngày 26/12, Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Vĩnh Long họp khẩn để bàn giải pháp phòng, chống dịch COVID-19 trong điều kiện trên địa bàn xuất hiện các trường hợp từ nước ngoài trở về nhập cảnh trái phép và có nguy cơ lây nhiễm cao.
Giám đốc Sở Y tế tỉnh Vĩnh Long Văn Công Minh cho biết, tối 24/12, sau khi xác định được người nhập cảnh trái phép và lưu trú tại thị trấn Cái Nhum (huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long), ngành y tế tỉnh đã áp dụng biện pháp cách ly y tế theo quy định.
Cụ thể, từ thông tin của gia đình về việc đối tượng đã từng đi qua một số quốc gia đang có dịch COVID-19 và tiếp xúc với nhiều ca nhập cảnh trái phép khác nên ngành y tế đã nhanh chóng đưa người này đến Trung tâm Y tế huyện Mang Thít, cho kiểm tra sức khỏe và lấy mẫu xét nghiệm. Ngành y tế cũng phối hợp với các đơn vị liên quan kiểm tra lại lịch trình di chuyển của đối tượng này, xác định và truy vết các ca F1; đồng thời chuẩn bị sẵn sàng các phương án ứng phó nếu đối tượng này có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 nhằm hạn chế bệnh lây lan rộng trong cộng đồng. Ngành công an cũng đã phối hợp với các địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm công tác quản lý, truy vết nhanh và thông tin kịp thời về các trường hợp có tiếp xúc gần với đối tượng vừa nhập cảnh trái phép.
Hiện nay, tại tỉnh Vĩnh Long có 5 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 đang được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh Vĩnh Long. Đây là các ca bệnh được phát hiện và cách ly ngay sau khi nhập cảnh. Ngoài ra, hiện có 133 công dân Việt Nam từ nước ngoài trở về đang được cách ly y tế tập trung tại Trung đoàn Bộ binh 890 (xã Loan Mỹ, huyện Tam Bình).
Thế giới trải qua Giáng sinh trầm lắng nhất trong nhiều thập kỷ
Các gia đình thường đoàn tụ vào dịp Giáng sinh hằng năm, cùng nhau thưởng thức một bữa ăn thịnh soạn trong không khí đầm ấm, rộn tiếng cười vui. Thế nhưng, do ảnh hưởng của đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, hoạt động truyền thống ấy đã không thể thực hiện trong năm nay, khi người dân phải tuân thủ các quy định hạn chế xã hội để phòng dịch, các dịch vụ đã chuyển sang hình thức trực tuyến trong khi những món quà tặng cũng thưa đi đáng kể.
Với các nền kinh tế đang quay cuồng vì đại dịch, đây không phải là một năm của những món quà xa xỉ. Bà Robin Sypniewski sống tại hạt Middlesex, thuộc bang New Jersey (Mỹ) đã hai lần bị buộc phải chấm dứt công việc phục vụ bữa trưa ở trường học và hiện bị giảm giờ làm, trong khi chồng bà - một người thu gom rác - cũng sẽ mất việc làm từ tuần tới do công ty cắt giảm nhân sự và con gái của bà vật lộn với khoản học phí đại học.
Giáng sinh năm nay, bà Sypniewski (58 tuổi) chỉ có thể mua tặng con gái một bộ đồ ngủ, trong khi món quà dịp này hồi năm ngoái là một chiếc vòng tay gắn kim cương. Trong khi đó, món quà bà dành tặng chồng là một vật lưu niệm trị giá 20 USD - trị giá đã giảm đi rất nhiều so với chiếc máy tính bảng của năm ngoái.
Tại Sao Paulo (Brazil), tài xế Dennys Abreu, 56 tuổi, đã phải chạy xe taxi khắp thành phố suốt đêm để có tiền trang trải khoản tiền trả góp 300 USD/tháng cho chiếc ô tô mà anh mua sau khi mất việc làm. Tại Brazil, ước tính có khoảng 14 triệu người cũng rơi vào tình trạng mất việc làm như ông Abreu. Anh chia sẻ: "Tôi cố gắng làm việc hết sức mình, cố gắng vượt qua giai đoạn khó khăn và hy vọng loại virus chết tiệt này sẽ biến mất vào năm tới".
Với đứa con sắp chào đời vào tháng 2/2021, cô Song Ju-hyeon sống tại Paju (Hàn Quốc) cho biết nhà là nơi duy nhất cô cảm thấy an toàn. Giới chức y tế Hàn Quốc đã xác nhận nước này có thêm 1.241 ca mắc COVID-19 trong ngày 25/12 - mức ghi nhận theo ngày cao nhất tại đây. Cô cho biết: "Dù sao thì tôi cũng không cảm thấy giống như lễ Giáng sinh, không có những bài hát mừng vang lên trên đường phố".
Tờ Daily Nation của Kenya thì chơi chữ khi gọi lễ Giáng sinh năm nay là "Christmask", ám chỉ đến quy định rằng mọi người dân cần phải đeo khẩu trang để phòng dịch. Số các ca mắc COVID-19 tăng đột biến tại quốc gia châu Phi này thậm chí đã khiến các bác sĩ tại đây phải "bất đắc dĩ" chấm dứt cuộc đình công đang tiến hành trong đêm Giáng sinh để hợp sức cứu chữa cho các bệnh nhân. Hoạt động mừng ngày Giáng sinh trở nên im lìm tại quốc gia Đông Phi này do lệnh giới nghiêm đã khiến người dân không thể tới thực hành nghi lễ tại các nhà thờ suốt đêm như mọi năm.
Giáo hoàng Francis đã đọc thông điệp Giáng sinh trong tòa thánh Vatican, thay vì hoạt động truyền thống của Ngài là phát biểu từ ban công của Vương cung thánh đường Thánh Peter trước hàng chục nghìn người ở Quảng trường Thánh Peter. Du lịch ở Italy hầu như đã bị "đóng băng" do những quy định hạn chế của chính phủ nước này nhằm ngăn chặn chuỗi lây lan của virus SARS-CoV-2. Cũng vì những quy định này, người dân đã không còn đổ xô đến các quảng trường như những năm trước nữa.
Những hồi chuông vẫn ngân vang tại Bethlehem trong lễ Giáng sinh để kỷ niệm ngày Chúa Jesus chào đời. Nhưng việc Israel đóng cửa sân bay quốc tế đối với khách du lịch nước ngoài, trong khi chính quyền Palestine cấm đi lại liên tỉnh tại các khu vực họ quản lý ở Bờ Tây đã khiến du khách vắng bóng tại vùng đất thiêng này.
Ở Bắc Kinh (Trung Quốc), các nhà thờ đã đột ngột thông báo hủy bỏ thánh lễ sau khi khu vực thủ đô được đặt trong tình trạng báo động do phát hiện 2 trường hợp mắc COVID-19 vào tuần trước và tiếp đó là 2 trường hợp mắc bệnh không biểu hiện triệu chứng trong ngày 25/12.
Trên thế giới, hầu hết các nghi lễ nhà thờ đã chuyển sang hình thức trực tuyến. Tổng Giáo phận Công giáo Los Angeles (Mỹ) đã cử hành 5 thánh lễ tại Nhà thờ Đức Mẹ Thiên thần, với số người tham dự lên tới hơn 130 người. Tất cả các thánh lễ đều được phát trực tiếp trên nền tảng internet.
Nhà nguyện Thánh giá ở Chapel Hill thuộc bang North Carolina (Mỹ) cũng tiến hành 5 thánh lễ, nhưng số người tham dự trực tiếp chỉ giới hạn ở mức 25 người, so với con số 2.000 người trước đại dịch. Mục sư Elizabeth Marie Melchionna cho biết: "Từ hàng trăm năm nay, những người theo đạo Thiên chúa đã tổ chức lễ Giáng sinh trong đủ mọi hoàn cảnh. Có nhiều hình thức khác nhau, nhưng bản chất của hoạt động này thì vẫn như cũ. Điều không thay đổi là sự khao khát căn bản và việc trao nhau những cảm xúc yêu thương nhân ngày Chúa được sinh ra".
Thu phí không dừng ePass tiết kiệm thời gian khoảng 60 lần
Ông Nguyễn Thanh Nam, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) cho biết: Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) và Công ty CP Giao thông số Việt Nam (VDTC), thành viên Tập đoàn Viettel đang hoàn thiện các công việc nghiệm thu hệ thống cuối cùng để dự kiến triển khai Hệ thống Thu phí sử dụng đường bộ tự động không dừng - ePass vào ngày 29/12.
Viettel sẽ triển khai đồng loạt ePass tại 35 trạm thu phí ở cả 3 miền Bắc - Trung - Nam. Trong đó, 25 trạm Viettel thực hiện theo cam kết với Tổng cục Đường bộ và 10 trạm ngoài dự án là các trạm Viettel chủ động đàm phán và ký kết với các nhà đầu tư BOT (xây dựng - vận hành - chuyển giao).
Theo ước tính, sử dụng hệ thống thu phí không dừng ePass, người tham gia giao thông giảm thời gian đi qua trạm thu phí khoảng 60 lần so với thu phí bằng cách soát vé thủ công.
Đại diện Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết: Để dùng dịch vụ thu phí tự động không dừng ePass do VDTC cung cấp, khách hàng có thể dán tại điểm dịch vụ tại các trạm thu phí, cửa hàng Vietel trên toàn quốc, đăng ký online (đơn vị cung cấp sẽ cử cán bộ dán thẻ tận nơi), trung tâm đăng kiểm và thời gian tới là các cây xăng trên toàn quốc.