Báo cáo Kinh tế - xã hội của Chính phủ trình bày tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV đề cập đến lĩnh vực khoa học và công nghệ, tập trung vào các nội dung: Tích cực triển khai Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030; Lan tỏa tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; Thị trường khoa học công nghệ có bước phát triển; việc xác lập sở hữu trí tuệ được tăng cường; Chỉ đạo đánh giá thí điểm và hoàn thiện Bộ chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương (PII) cũng như những giải pháp trong thời gian tới cần đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh.
Liên quan đến vấn đề này, đại biểu Huỳnh Thành Đạt, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ cho rằng: Thời gian qua, Bộ đã tích cực triển khai Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030; tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo không ngừng được lan tỏa khi Ngày hội khởi nghiệp quốc gia của học sinh, sinh viên năm 2023, thu hút hàng nghìn dự án, ý tưởng khởi nghiệp. Hệ sinh thái khởi nghiệp quốc gia phát triển một cách toàn diện và lan tỏa tinh thần khởi nghiệp từ học sinh, sinh viên đến doanh nghiệp, các đơn vị trên cả nước.
Đặc biệt, thông qua các diễn đàn khởi nghiệp cho học sinh và sinh viên sẽ đưa ra những phương án giải quyết và giải pháp xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp ngay từ bậc học phổ thông, khơi dậy ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp của các em ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.
Đặc biệt, thời gian qua, thị trường khoa học công nghệ có bước phát triển; việc xác lập sở hữu trí tuệ được tăng cường, chỉ tính 2 tháng đầu năm 2023, Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp thêm 2.713 văn bằng bảo hộ sở hữu trí tuệ. Bên cạnh đó, Bộ cũng chỉ đạo đánh giá thí điểm và hoàn thiện Bộ chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương (PII). Bộ chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương được xây dựng phù hợp điều kiện, tiềm lực địa phương và áp dụng với toàn bộ các tỉnh, thành phố trong cả nước từ tháng 12/2023.
Bộ trưởng chia sẻ, thời gian tới, Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ quốc gia sẽ đẩy mạnh ứng dụng và triển khai những thành tựu, sản phẩm khoa học, công nghệ tiên tiến vào cuộc sống. Các mục tiêu, định hướng và giải pháp phát triển khoa học và công nghệ của Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030 là cơ sở quan trọng để Bộ Khoa học và Công nghệ cùng các bộ, ngành, địa phương ban hành các chiến lược ngành, quy hoạch, kế hoạch trung hạn và chương trình hành động, lồng ghép các nội dung phát triển khoa học và công nghệ vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội phục vụ các mục tiêu tăng trưởng của ngành, lĩnh vực và địa phương.
Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030 đã được triển khai tích cực, đúng hướng và đạt được nhiều kết quả quan trọng, đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao năng lực khoa học và công nghệ của đất nước. Khoa học xã hội đã đóng góp tích cực và cung cấp luận cứ cho việc hoạch định đường lối, chủ trương, cơ chế, chính sách và định hướng phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Một số lĩnh vực khoa học tự nhiên đạt trình độ tiên tiến của khu vực và thế giới; nhiều thành tựu khoa học và công nghệ hiện đại được ứng dụng nhanh chóng và rộng rãi trong các lĩnh vực y tế, nông nghiệp, công nghiệp, thông tin, xây dựng...
Theo Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt, qua thực tế triển khai cho thấy, hệ thống quy định pháp luật nói chung còn thiếu sự đồng bộ, không thống nhất giữa quy định pháp luật về tài chính, đầu tư với quy định pháp luật về khoa học và công nghệ.
Cơ chế quản lý hoạt động khoa học và công nghệ tuy đã có nhiều nỗ lực đổi mới nhưng tư duy chưa chấp nhận rủi ro và độ trễ trong nghiên cứu khoa học còn phổ biến, trái với thông lệ và thực tiễn pháp lý của các nước phát triển cùng ngưỡng về trình độ công nghệ ở Việt Nam hiện nay, tạo ra các điểm nghẽn trong việc đưa kết quả nghiên cứu vào sản xuất, kinh doanh như vướng mắc về giao quyền sử dụng hoặc sở hữu tài sản hình thành từ nhiệm vụ khoa học và công nghệ.
Việc sử dụng ngân sách nhà nước; về định giá kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ, sử dụng ngân sách nhà nước cũng như việc phân chia lợi nhuận thu được từ thương mại hoá kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ tạo ra từ nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước vẫn còn vướng mắc nên vai trò khoa học công nghệ trong phát triển kinh tế - xã hội chưa thật sự rõ nét.
Bộ trưởng cho rằng, vì vậy, cần xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội để khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo thực sự là đột phá chiến lược, là động lực chính của tăng trưởng kinh tế, tạo bứt phá nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế; cho phép thử nghiệm chính sách mới (Regulatory Sandbox) thúc đẩy ứng dụng các sáng kiến, các sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh, công nghệ mới.