Tiết kiệm chi để giảm áp lực nợ công
Tại phiên họp chiều 8/6, nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) băn khoăn về số vốn thực hiện giải phóng mặt bằng dự án. Đại biểu Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) bày tỏ băn khoăn, chi phí dự tính cần 23.000 tỷ đồng để giải phóng mặt bằng làm sân bay Long Thành trong khi đó, ngân sách cho dự án mới chỉ có hơn 5.000 tỷ đồng. “Vậy thì lấy kinh phí ở đâu ra, khi kinh phí trung hạn đến 2020 đã phân bổ hết”, đại biểu Tiến đặt câu hỏi.
Đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc Trần Văn Tiến phát biểu ý kiến. Ảnh: Doãn Tấn/TTXV |
Cùng quan điểm, đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) băn khoăn: “Lấy đâu ra 23.000 tỷ đồng thực hiện GPMB, chưa nói đến 300.000 tỷ đồng để thực hiện dự án. Trong tờ trình của Chính phủ nêu rõ có 5.000 tỷ đồng trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 – 2020 và có 4.000 tỷ đồng thu hồi từ tiền thu tiền sử dụng đất của phần dự án tái định cư và khoảng 1.000 tỷ đồng là tiền thuê mặt bằng thương mại dịch vụ và đất chưa sử dụng đến cho thuê sẽ thu được khoảng 500 tỷ đồng, như vậy tổng phần thu về khoảng 5.500 tỷ đồng cộng 5.000 tỷ đồng theo kế hoạch sẽ có khoảng 10.500 tỷ đồng, như vậy thiếu 12.500 tỷ đồng chưa rõ lấy ở đâu?”.
Còn đại biểu Lê Thanh Vân (Cà Mau) cho rằng, Bộ Giao thông Vận tải kiến nghị sử dụng ngân sách dự phòng chi cho vấn đề này nhưng ngân sách dự phòng chỉ dành cho công trình cấp bách nhưng dự án này không nằm trong đó. “Trong khi đó, Nghị quyết 94/2015/QH13 yêu cầu giải quyết dự toán giai đoạn một chậm nhất năm 2025 nếu như vốn không giải quyết được mà kế hoạch đầu tư trung hạn đã giải ngân xong thì Chính phủ giải bài toán như thế nào?”, đại biểu Lê Thanh Vân đặt ra câu hỏi.
Cùng với đó, nhiều đại biểu lo lắng, nếu Chính phủ không bố trí được nguồn lực mà hoàn toàn sử dụng vốn ngân sách cho GPMB trong giai đoạn này sẽ dẫn đến nợ công tăng cao, trong bối cảnh nợ công như hiện nay thì đó cũng là vấn đề đáng lo ngại.
Cũng tại phiên họp, Trưởng ban Tổ chức Trung ương, đại biểu Phạm Minh Chính cho rằng, nguồn vốn 23.000 tỷ đồng ở đâu thì Chính phủ phải có giải trình rõ ràng. Nhưng giải pháp cần làm và có thể làm được ngay là phải tiết kiệm chi thường xuyên trên phạm vi cả nước.
Đại biểu Phạm Minh Chính cho hay, riêng năm 2017 chỉ cần ta tiết kiệm chi thường xuyên 1% thôi đã tiết kiệm được trên 10.000 tỷ đồng. Năm 2018 chỉ cần giảm chi thường xuyên 1% sẽ tiết kiệm được thêm hơn 10.000 tỷ đồng nữa. Chỉ cần 2 năm là có trên 20.000 tỷ đồng.
“Chúng ta cứ băn khoăn 23.000 tỷ đồng lấy đâu ra nhưng nếu chỉ cần thực hiện tốt theo Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị, giảm biên chế, giảm đầu mối thì sẽ có nguồn vốn này”, ông Chính nhấn mạnh.
Rủi ro khi thu hồi đất mà báo cáo khả thi không được thông qua
Bên cạnh vấn đề về vốn, nhiều ĐBQH băn khoăn về những rủi ro khi thực hiện giải phóng mặt bằng (GPMB), tái định cư trong khi báo cáo khả thi của dự án chưa được Quốc hội thông qua.
Đại biểu Trần Thị Phương Hoa (Hà Nội) cho biết, theo quy định của Luật thì Chính phủ chỉ có thể tách nội dung hỗ trợ đền bù tái định cư của dự án thành dự án thành phần và tổ chức thực hiện độc lập sau khi báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án đã được Quốc hội thông qua. Tuy nhiên do báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án chưa hoàn thành nên Chính phủ chưa trình Quốc hội thông qua. Như vậy việc chưa hoàn thành báo cáo nghiên cứu khả thi dự án là do Chính phủ chậm vì vậy Chính phủ cần đánh giá nguyên nhân cụ thể và báo cáo.
“Chính phủ chưa đánh giá một cách khách quan những rủi ro trong trường hợp Quốc hội không thông qua báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án sau khi đã thực hiện thu hồi GPMB. Mặc dù trong báo cáo giải trình đã có nội dung này nhưng việc báo cáo giải trình vẫn loanh quanh chủ yếu mới đề cập đến tính cần thiết của dự án và đề nghị sớm được cắt thành dự án thành phần mà chưa đề cập cụ thể phải đối mặt với những rủi ro khi báo cáo khả thi không được Quốc hội thông qua”, đại biểu Trần Thị Phương Hoa nêu rõ.
Đồng quan điểm, đại biểu Bùi Văn Phương (Ninh Bình) cho rằng, việc tách nội dung GPMB thực hiện trước khi báo cáo nghiên cứu khả thi được thông qua thì có đảm bảo đúng luật hay không và Quốc hội là đơn vị lập pháp, nên cần tuân thủ pháp luật và cần có tính toán kỹ lưỡng trong vấn đề này.
Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP Hồ Chí Minh) cho hay, Dự án sân bay Long Thành không phải sớm triển khai được mà cần có thời gian xem xét tính khả thi dự án. Vấn đề Chính phủ đề nghị Quốc hội thông qua vấn đề như thế nào để tách dự án thành phần ra, giao cơ quan có thẩm quyền xây dựng phương án khả thi đảm bảo đời sống người dân. “Nếu sau khi ổn định đời sống người dân mà dự án chưa triển khai thì Quốc hội cần đưa vào Nghị quyết để giám sát”, đại biểu Tâm đề xuất.
Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Trương Quang Nghĩa phát biểu. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN. |
Trước những ý kiến của đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Trương Quang Nghĩa cho biết: “Phương án khả thi đầu tư Sân bay Long Thành, về vốn, trong đề án Nghị quyết 94 có huy động nhiều nguồn vốn: Ngân sách nhà nước, ODA, vốn từ doanh nghiệp... chứ không phải chỉ sử dụng vốn ngân sách. Tuy nhiên, giai đoạn GPMB trong đề án đã nêu không thể huy động vốn từ tư nhân, ODA nên chỉ có thể sử dụng vốn ngân sách”.
Bộ trưởng Nghĩa cũng cho hay, dự án Sân bay Long Thành được nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước quan tâm và sẽ có hướng đầu tư theo hình thức BOT.
“Vốn nhà nước cho giai đoạn GPMB khoảng 23.000 tỷ đồng, trong đó giai đoạn 1 là 20% và chúng ta có 3 giai đoạn, giai đoạn cuối khoảng 16 tỷ USD, thì tỷ lệ GPMB sẽ còn lại thấp nên chúng tôi mong Quốc hội sau báo cáo nghiên cứu khả thi cũng cân nhắc để làm tốt GPMB tạo điều kiện đầu tư giai đoạn 1 thành công. Để đầu tư bằng ngân sách thì khó khăn nhưng để kêu gọi nhà đầu tư thì chúng ta phải chuẩn bị và nguồn vốn đầu tư GPMB là nguồn vốn nhà nước”, Bộ trưởng Nghĩa cho biết.
Bộ trưởng cũng cho biết, thời gian tới Bộ và tỉnh Đồng Nai sẽ có báo cáo cụ thể hơn về cách thức huy động nguồn vốn và vốn ở đâu trong giai đoạn chủ trương.