Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, nhiều năm qua, công tác phối hợp giữa Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã được triển khai rất hiệu quả. Đặc biệt là từ đầu nhiệm kỳ Chính phủ mới đến nay, dưới sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, hai ngành đã xây dựng một chương trình phối hợp toàn khóa, kế hoạch hàng năm, chế độ giao ban định kỳ hàng quý và có cơ chế xử lý sự cố đột xuất, góp phần giải quyết nhiều vấn đề bức xúc.
Tuy nhiên, theo tư lệnh ngành Công Thương, để chuyển từ một nền nông nghiệp truyền thống chuyển sang nền nông nghiệp hàng hóa sản xuất với tư duy kinh tế thị trường là cả một câu chuyện lớn đòi hỏi phải có sự nỗ lực rất cao. Đây là hướng đi tất yếu song "những gì mà chúng ta đã làm được trong thời gian vừa qua chưa thấm tháp gì", Bộ trưởng bộc bạch.
Theo ông Diên, nền nông nghiệp Việt Nam tuy đã có chuyển động theo hướng kinh tế thị trường nhưng vẫn mang tính tự cung, tự túc, tự cấp, sản xuất manh mún, nhỏ lẻ. Nhiều sản phẩm chất lượng chưa đạt được tiêu chuẩn của thị trường, kể cả thị trường trong nước chứ chưa nói đến xuất khẩu.
Trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về vấn đề nông sản của Việt Nam có thể trở thành hàng hóa bán ra thế giới được không và nếu bán thì phải làm thế nào? Từ góc độ của ngành Công Thương, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khẳng định: Nông sản của chúng ta hoàn toàn có thể trở thành hàng hóa bán ra thị trường thế giới. Việt Nam hiện là thành viên của 17 hiệp định thương mại tự do với trên 65 quốc gia, vùng lãnh thổ và người tiêu dùng lên tới khoảng gần 7 tỷ người.
"Nếu nói về nguyên tắc, thị trường chúng ta rất rộng mở. Sản phẩm nông sản của chúng ta đã từng vào được thị trường rất khó tính như Mỹ, Nhật Bản và các nước phát triển. Người sản xuất, vùng trồng, vùng nuôi đã quán triệt tinh thần là bán ra cái mà thị trường cần chứ không phải bán cái mà mình có. Như vậy, tiêu chí sản xuất này đã đáp ứng được nhu cầu theo tín hiệu thị", Bộ trưởng cho biết.
Cùng với đó, thời gian qua dưới sự chỉ đạo Chính phủ, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp rất tốt để nâng cao sản lượng, chất lượng hàng hóa; khuyến cáo các địa phương quy hoạch vùng trồng, vùng nuôi và tổ chức lại sản xuất theo yêu cầu của thị trường; làm tốt việc cung cấp thông tin thị trường, định hướng sản xuất; sử dụng hiệu quả lực lượng cán bộ thương vụ Việt Nam và ngoài nước để hàng tháng, hàng quý thường xuyên cung cấp thông tin thị trường của các nước, khuyến cáo vùng trồng vùng nuôi, khuyến cáo người sản xuất và doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng sản xuất theo những tín hiệu này.
Thời gian tới, để hàng hóa nông sản Việt Nam xuất khẩu nhiều hơn ra thế giới, Bộ trưởng Bộ Công Thương cho biết ngành sẽ tiếp tục phối hợp với ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn cũng như các ngành chức năng liên quan để làm tốt việc thông tin thị trường, qua đó định hướng sản xuất; đẩy mạnh đàm phán để đưa các sản phẩm của Việt Nam vào thị trường các nước, khai thác lợi thế của các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mà Việt Nam đã ký kết.
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương phối hợp với các bộ, ngành liên quan tháo gỡ các thủ tục hành chính để hàng hóa nông sản Việt Nam xuất khẩu thuận lợi hơn, giảm chi phí; đẩy mạnh thương mại điện tử, vừa phát triển thương mại truyền thống, thị trường trong nước, song vẫn đầu tư phát triển mạnh thị trường ngoài nước và thương mại điện tử.
Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, triển khai thực hiện đề án xuất khẩu theo đường chính ngạch mà Bộ Công Thương được giao chủ trì, đến nay, Bộ đã hoàn tất việc xây dựng dự thảo đề án và xin ý kiến của một số bộ, ngành, địa phương. Ngoài ra, ông Diên cũng đề nghị các địa phương thực hiện tốt việc quy hoạch vùng trồng, vùng nuôi, tổ chức sản xuất đạt chuẩn và theo tín hiệu thị trường; xây dựng thương hiệu sản phẩm.
Về vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm là biện pháp khắc phục tình trạng giá vật tư đầu vào tăng cao cũng như việc hỗ trợ, chia sẻ khó khăn với người nông dân, trưởng ngành Công Thương nhấn mạnh: "Vật tư tăng cao và khan hàng là điều phổ biến trên toàn cầu do đứt gãy nhiều chuỗi cung ứng, do lạm phát tăng cao bởi chính sách kích cầu của nhiều quốc gia. Trước tình hình đó, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, Bộ Công Thương bằng mọi chính sách, đặc biệt là chính sách thuế để giảm một số loại thuế và có một số chính sách hỗ trợ trực tiếp cho doanh nghiệp như giảm tiền điện, giảm lãi suất, hỗ trợ tìm kiếm nguồn nguyên liệu thay thế để giảm các loại chi phí, từ đó giảm giá thành sản phẩm; tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường; kiểm soát xuất nhập khẩu, theo đó những mặt hàng trong nước cần thì chúng ta hạn chế xuất khẩu, đồng thời tăng cường nhập khẩu nguyên liệu đầu vào", Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết.
Liên quan đến "điệp khúc" "được mùa mất giá", Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên lý giải: Nền nông nghiệp của chúng ta hiện nay có quy mô nhỏ bé, phân tán, sản phẩm chưa đạt tiêu chuẩn, rất khó cho việc xuất khẩu; tính liên kết kém, kế hoạch sản xuất chưa kết nối được với thị trường... Từ những đặc điểm nêu trên, Bộ trưởng khuyến cáo giải pháp trước mắt đối với các địa phương là quy hoạch lại vùng trồng, vùng nuôi, tổ chức lại sản xuất theo tín hiệu thị trường.
"Chúng tôi sẽ tiếp tục làm tốt việc thông tin thị trường, định hướng sản xuất và tăng cường việc đàm phán với các nước để đưa sản phẩm của Việt Nam vào các thị trường theo các hiệp định thương mại đã ký. Trong dài hạn, chúng tôi đề nghị tổ chức hiệu quả sản xuất nông nghiệp theo quy mô lớn, tập trung, tức là phải tích tụ đất đai, liên kết sản xuất để chúng ta có quy mô sản phẩm lớn, đủ tiêu chuẩn để xuất khẩu; gắn sản xuất với tín hiệu của thị trường; tổ chức hệ thống phân phối thương mại trong nước và ngoài nước theo hướng hiện đại; liên kết các mô hình nông dân, hợp tác xã kiểu mới. Các khâu sản xuất, thu hoạch, chế biến phải phù hợp, hợp tác với nhau", Bộ trưởng khẳng định.