Đáng chú ý, trong một số vụ, tội phạm giả danh là cán bộ các cơ quan tư pháp (công an, tòa án, viện kiểm sát...) để đe dọa người dân rằng người nhà vướng vào phạm pháp hình sự, yêu cầu nạn nhân chuyển tiền vào tài khoản để gỡ tội. Với phương thức này, có vụ, tội phạm đã chiếm đoạt số tiền lên tới hàng trăm triệu đồng.
Trước những vấn đề nêu trên, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Trần Xuân Hà đề nghị, các cơ quan báo chí đẩy mạnh tuyên truyền động viên người dân tuân thủ nghiêm các quy định pháp luật, tích cực tham gia phát hiện, tố giác tội phạm; đồng thời, thông tin các âm mưu, thủ đoạn của tội phạm để giúp người dân phòng tránh. Báo cáo của Công an thành phố Hà Nội cho thấy, 6 tháng đầu năm 2018, toàn thành phố xảy ra 1.900 vụ phạm pháp hình sự, trong đó có 57 vụ trọng án. Phạm pháp hình sự có giảm 403 vụ so với cùng kỳ, nhưng trọng án lại tăng 11 vụ. Tội phạm xâm hại trẻ em tiềm ẩn phức tạp với 40 vụ việc xảy ra, tăng 4 vụ so với cùng kỳ năm 2017. Tội phạm ma túy vẫn diễn biến phức tạp, gia tăng về tính chất nghiêm trọng với hoạt động manh động, liều lĩnh, sẵn sàng sử dụng vũ khí nóng chống người thi hành công vụ.
Từ nay đến cuối năm, Công an Thành phố tiếp tục triển khai 6 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đảm bảo an ninh trật tự, theo đó, công an thành phố tiếp tục rà soát, xây dựng và triển khai thực hiện các phương án, kế hoạch bảo vệ tuyệt đối an ninh, an toàn các mục tiêu, công trình trọng điểm, sự kiện chính trị, quốc tế, văn hóa, xã hội và đối ngoại quan trọng, hoạt động của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các đoàn khách quốc tế đến Việt Nam trên địa bàn Thủ đô. Tiếp tục đấu tranh có hiệu quả với tội phạm có tổ chức, các ổ, nhóm tội phạm nguy hiểm sử dụng hung khí, vũ khí nóng gây án, núp bóng doanh nghiệp tài chính hoạt động tín dụng đen, chống đối người thi hành công vụ, xâm hại trẻ em,…nhằm giảm tội phạm và vi phạm pháp luật, đẩy lùi tệ nạn xã hội.
Đặc biệt, thời gian tới, Công an thành phố Hà Nội cùng với các đơn vị, chính quyền địa phương chủ động giải quyết các vấn đề phức tạp liên quan đến tôn giáo, khiếu kiện đông người, an ninh nông thôn, đô thị, không để hình thành điểm nóng về an toàn trật tự; nắm chắc tình hình hoạt động của các tà đạo, đạo lạ nhất là hoạt động của “Hội thánh Đức Chúa trời mẹ”, không để lôi kéo quần chúng nhân dân tham gia vào các hoạt động gây phức tạp an ninh, trật tự. Nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về an ninh, trật tự; chú trọng quản lý cư trú, quản lý sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, qua đó góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn Thủ đô.