Thêm 261 ca mắc COVID-19 mới
Tính đến 18 giờ ngày 12/6, Việt Nam ghi nhận 261 ca mắc COVID-19 mới. Riêng từ 12 giờ đến 18 giờ cùng ngày là 104 ca, trong đó TP Hồ Chí Minh 44 ca. Các ca mắc mới gồm 1 ca cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại Tây Ninh và 103 ca ghi nhận trong nước: TP. Hồ Chí Minh (44 ca), Bắc Giang (41 ca), Bắc Ninh (16 ca), Hà Tĩnh (2 ca); trong đó 101 ca được phát hiện trong khu cách ly hoặc khu đã được phong toả.
Như vậy, tính đến 18 giờ ngày 12/6, Việt Nam có tổng cộng 8.609 ca ghi nhận trong nước và 1.632 ca nhập cảnh. Số lượng ca mắc mới tính từ ngày 27/4 đến nay là 7.039 ca.
Có 21 tỉnh (Yên Bái, Quảng Ngãi, Đồng Nai, Nghệ An, Quảng Ninh, Quảng Nam, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Nam Định, Hòa Bình, Tuyên Quang, Phú Thọ, Sơn La, Ninh Bình, Thanh Hóa, Thái Nguyên, Hưng Yên, Hải Phòng, Tây Ninh, Gia Lai, Bạc Liêu) đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp mắc mới.
Số lượng xét nghiệm từ 29/4/2021 đến nay đã thực hiện 2.029.946 mẫu cho 4.464.774 lượt người.
Ngày 12/6, có thêm 23 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh gồm: BN4156, BN4167, BN4243, BN4296, BN43, BN4531, BN4696, BN4702, BN5028, BN5330, BN6102, BN4507, BN4637, BN4641, BN5030, BN5203, BN5217, BN5617, BN6206, BN6328, BN6375, BN7025, BN7026.
Hiện số ca âm tính với SARS-CoV-2 là 618 ca.
Đến nay, Việt Nam đã ghi nhận số ca tử vong liên quan đến COVID-19 là 58 ca. Trong đó, ca tử vong số 58 là BN4118, nữ, 64 tuổi, có địa chỉ tại huyện Ứng Hòa, Hà Nội.
Bệnh nhân có tiền sử ung thư phổi, phát hiện tháng 10/2020, đã phẫu thuật cắt phổi trái và điều trị hóa trị 5 lần.
Bệnh nhân điều trị hóa chất đợt thứ 5 tại Bệnh viện K cơ sở Tân Triều, ngày 14/5/2021 được xét nghiệm SARS-CoV-2 và cho kết quả dương tính. Bệnh nhân được điều trị tích cực, tuy nhiên tình trạng tiến triển nặng dần, suy hô hấp, được đặt ống thở máy ngày 25/5.
Bệnh nhân tử vong ngày 11/6/2021. Chẩn đoán tử vong: Sốc nhiễm khuẩn, viêm phổi ARDS do SARS-CoV-2 trên bệnh nhân ung thư phổi đang điều trị hoá chất.
Ba nhân viên Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh nghi nhiễm SARS-CoV-2
Đáng chú ý, tình hình dịch bệnh ngày càng phức tạp khi số ca mắc mới được phát hiện từ những nhân viên làm việc trong bệnh viện.
Cụ thể, chiều 12/6 Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP Hồ Chí Minh cho biết đã ghi nhận 3 trường hợp nghi nhiễm virus SARS-CoV-2 là nhân viên Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới.
Trong 3 trường hợp này có 2 nhân viên công nghệ thông tin, 1 người làm việc tại phòng Hành chính quản trị là vợ của một nhân viên công nghệ thông tin nghi mắc COVID-19. Hai vợ chồng này cư trú tại huyện Hóc Môn. Người còn lại cư trú tại chung cư Ehome 1 ở quận Bình Tân.
TP Hồ Chí Minh đang khẩn trương khoanh vùng, điều tra truy vết, thực hiện các biện pháp phòng chống dịch tại bệnh viện và nơi cư trú của các trường hợp nghi nhiễm trên.
Nhận định ban đầu, những người nhiễm thuộc nhóm hành chính của bệnh viện, không tiếp xúc với người bệnh. Hoạt động khám chữa bệnh của bệnh viện vẫn hoạt động bình thường.
Trước tình hình trên, TP Hồ Chí Minh yêu cầu nhân viên y tế sau giờ làm việc chỉ nghỉ ngơi tại nhà.
Theo đó, ngày 12/6, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh đã có công văn hỏa tốc gửi các bệnh viện công lập và ngoài công lập trên địa bàn, yêu cầu nhân viên y tế tuân thủ quy định phòng, chống dịch COVID-19 trong và sau giờ làm việc.
Đây là một trong những biện pháp nhằm hạn chế thấp nhất việc lây nhiễm chéo trong bệnh viện và nguy cơ lây nhiễm mầm bệnh từ bên ngoài vào bệnh viện. Sở Y tế TP Hồ Chí Minh yêu cầu giám đốc các bệnh viện khẩn trương quán triệt đến tất cả viên chức, người lao động trong bệnh viện phải nâng cao trách nhiệm và tinh thần tự giác phòng chống dịch bệnh.
Theo đó, Sở Y tế yêu cầu viên chức, người lao động tuyệt đối tuân thủ các biện pháp 5K theo đúng quy định của Bộ Y tế: “Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tập trung - Khai báo y tế”. Sở Y tế cũng đặc biệt lưu ý đảm bảo tất cả nhân viên trong bệnh viện phải mang khẩu trang trong suốt thời gian làm việc tại bệnh viện (tối thiểu là khẩu trang y tế).
Sau giờ làm việc ở bệnh viện, nhân viên y tế chỉ nghỉ ngơi và làm việc tại nhà, hạn chế tiếp xúc với những người xung quanh, không tụ tập bạn bè hoặc người thân (không ở cùng gia đình) để sinh hoạt, ăn uống, không đi đến những nơi đông người nếu không thật sự cần thiết.
Công ty PouYuen cho thêm 1.800 công nhân tạm nghỉ làm để phòng dịch
Bên cạnh công tác phòng dịch tại bệnh viện thì các KCN-KCX, Khu công nghệ cao tại TP Hồ Chí Minh cũng nâng cao cảnh giác. Đại diện Công ty TNHH PouYen Việt Nam cho biết, từ hôm nay (12/6), công ty đã cho khoảng 1.800 lao động tạm nghỉ làm để tầm soát, truy vết, đảm bảo an toàn phòng dịch COVID-19 cho công nhân.
Ông Củ Phát Nghiệp, Chủ tịch Công đoàn Công ty PouYuen cho biết, trong số 1.800 lao động tạm nghỉ việc có 1.300 lao động đang sinh sống, ở trọ tại địa bàn phường An Lạc, quận Bình Tân. Đây cũng là nơi xảy ra chuỗi lây nhiễm ở chung cư Ehome 3 trên đường Hồ Ngọc Lãm (nơi đây đang ghi nhận 21 ca mắc COVID-19, trong đó có nữ công nhân của PouYuen). "Công ty quyết định cho tất cả các công nhân tạm nghỉ việc để phối hợp cơ quan chức năng lấy mẫu, sàng lọc nhằm ngăn chặn nguồn lây nhiễm dịch bệnh từ bên ngoài vào", ông Củ Phát Nghiệp cho biết.
Trước đó, liên quan nữ công nhân mắc COVID-19 đang làm việc tại công ty PouYuen, đã có gần 500 công nhân sản xuất ở tầng 6, khu C3 (làm việc chung với ca mắc COVID-19) cũng tạm nghỉ làm để chờ kết quả xét nghiệm tầm soát dịch bệnh từ ngành y tế. Sau khi ghi nhận có ca bệnh, công ty phối hợp lực lượng y tế lấy mẫu cho 9.200 trường hợp, chủ yếu tập trung ở khu C. Gần 600 công nhân (141 là F1 và 454 là F2) tạm thời ngừng việc để thực hiện cách ly tập trung và tại nhà.
Theo Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh COVID-19 TP Hồ Chí Minh, ngoài công ty PouYuen, hiện một số doanh nghiệp tại các khu công nghiệp trên địa bàn cũng cho lao động nghỉ việc do dịch xâm nhập nhà máy. Chẳng hạn Công ty TNHH Việt Nam Samho (Củ Chi, có khoảng 10.000 lao động) cũng đã cho 3.500 công nhân tạm nghỉ để rà soát, truy vết sau khi phát hiện 3 công nhân nhiễm virus SARS-CoV-2.
TP Hồ Chí Minh hiện có 17 khu chế xuất, khu công nghiệp và khu công nghệ cao với hơn 320.000 lao động đang làm việc. Do môi trường làm việc khép kín, đông người... khi dịch xuất hiện rất dễ bùng phát và khó kiểm soát, vì vậy UBND TP Hồ Chí Minh cũng đã ban hành Kế hoạch thực hiện phòng, chống lây nhiễm dịch COVID-19 tại cơ sở sản xuất, kinh doanh, khu công nghiệp trên địa bàn.
Theo đó, TP Hồ Chí Minh yêu cầu các đơn vị, doanh nghiệp cần xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch COVID-19 tại cơ sở; xây dựng phương án xử trí khi có trường hợp mắc COVID-19 trong khu công nghiệp; tổ chức diễn tập phương án phòng, chống dịch COVID-19 trong khu công nghiệp; hướng dẫn thực hiện các biện pháp phòng, chống và đánh giá nguy cơ lây nhiễm dịch COVID-19 tại cơ sở sản xuất, kinh doanh, khu công nghiệp; tổ chức tập huấn thực hiện công tác phòng, chống dịch COVID-19 cho người quản lý đơn vị, người sử dụng lao động và người lao động; quản lý, kiểm soát thông tin người lao động ngoại tỉnh, lao động nước ngoài làm việc tại các khu công nghiệp để đảm bảo công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Bộ Y tế phê duyệt vaccine COVID-19 của Pfizer/BioNTech
Để đáp ứng nhu cầu cấp bách phòng dịch, ngày 12/6 Bộ Y tế đã có Quyết định số 2908/QĐ-BYT về việc phê duyệt có điều kiện vaccine của Pfizer/BioNTech.
Theo đó, vaccine COVID-19 được phê duyệt là vaccine Comirnaty. Tên cơ sở sản xuất-nước sản xuất là: Pfizer Manufacturing Belgium NV- Bỉ; BioNTech Manufacturing GmbH- Đức. Cơ sở đề nghị phê duyệt vaccine là Công ty TNHH Pfizer (Việt Nam).
Vaccine Comirnaty có thành phần hoạt chất, nồng độ/hàm lượng mỗi liều là 0,3ml chứa 30mcg vaccine mRNA COVID-19 (được bọc trong các hạt nano lipid); dạng bào chế hỗn dịch đậm đặc pha tiêm; quy cách đóng gói 1 khay chứa 195 lọ, mỗi lọ chứa 6 liều.
Bộ Y tế yêu cầu Cục Quản lý dược có trách nhiệm cấp phép nhập khẩu vaccine Comirnaty theo quy định khi nhận được hồ sơ của cơ sở nhập khẩu; thực hiện đúng quy định của pháp luật về quản lý nhập khẩu, quản lý chất lượng vaccine nhập khẩu.
Bộ Y tế cũng chỉ đạo Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo có trách nhiệm lựa chọn đơn vị có đủ điều kiện quy định tổ chức thực hiện việc đánh giá tính an toàn, hiệu quả của vaccine Comirnaty; hướng dẫn các đơn vị có đủ điều kiện quy định tổ chức thực hiện việc đánh giá tính an toàn, hiệu quả của vaccine Comirnaty trên cơ sở ý kiến tư vấn của Hội đồng tư vấn sử dụng vaccine, sinh phẩm y tế của Bộ Y tế trong quá trình sử dụng.
Cục Y tế dự phòng thực hiện các trách nhiệm liên quan đến tiêm chủng vaccine Comirnaty; Viện Kiểm định Quốc gia vaccine và sinh phẩm y tế có trách nhiệm tiến hành kiểm định và cấp Giấy chứng nhận xuất xưởng lô vaccine Comirnaty trước khi đưa ra sử dụng.
Đẩy mạnh nghiên cứu, sản xuất vaccine COVID-19 trong nước
Song song với việc nhập vaccine, Bộ Y tế cũng tích cực nghiên cứu, sản xuất vaccine trong nước. Dự kiến quy mô sản xuất sản xuất vaccine COVID-19 đang nghiên cứu của Việt Nam là: Vaccine Nano Covax khoảng 20 -30 triệu liều vaccine/năm, COVIVAC khoảng 6 triệu liều/năm; các nhà sản xuất có thể nâng công suất thêm khi được đầu tư.
Theo Cục Khoa học Công nghệ và Đào tạo (Bộ Y tế), hiện Việt Nam có 2 nhà sản xuất đang nghiên cứu, phát triển vaccine phòng COVID-19 đã đến bước thử nghiệm lâm sàng là Nanogen và IVAC. Trong đó, vaccine Nano Covax của Nanogen đang đến bước thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3; vaccine COVIVAC của IVAC chuẩn bị bước sang giai đoạn 2 thử nghiệm lâm sàng. Dự kiến quy mô sản xuất của các vaccine dựa trên nền cơ sở vật chất hiện có là: Nanogen dự kiến quy mô sản xuất khoảng 20 -30 triệu liều vaccine/năm, có thể nâng công suất khi được đầu tư; IVAC dự kiến quy mô sản xuất khoảng 6 triệu liều/năm và cũng có thể nâng công suất khi được đầu tư. Để có thể nâng công suất sản xuất vaccine, các nhà sản xuất cần đầu tư thêm các trang thiết bị chuyên dụng và mở rộng nhà xưởng.
Với vaccine Nano Covax, do điều kiện cấp thiết về vaccine phòng chống dịch, để thúc đẩy tiến độ nghiên cứu nhằm sớm có vaccine phục vụ công tác phòng chống dịch, Hội đồng đạo đức trong nghiên cứu y sinh học quốc gia đã tổ chức các cuộc họp, thảo luận kỹ và thống nhất cho phép triển khai gối đầu thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 với vaccine Nano Covax, nhưng vẫn phải đảm bảo đúng các quy định chặt chẽ về tính khoa học, đảm bảo chất lượng vaccine.
Giai đoạn 3 thử nghiệm lâm sàng vaccine Nanocovax do Học viện Quân y và Viện Pasteur thành phố Hồ Chí Minh triển khai; các địa điểm triển khai tại: Học viện Quân y, tỉnh Hưng Yên, Viện Pasteur thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Long An, tỉnh Tiền Giang và một số đơn vị đủ điều kiện theo quy định tại các tỉnh triển khai nghiên cứu.
Đối tượng nghiên cứu của vaccine này là từ 18 tuổi trở lên, đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn lựa chọn và không có bất kỳ tiêu chuẩn loại trừ nào theo đề cương nghiên cứu.
Số lượng đối tượng tham gia nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 của vaccine Nano Covax dự kiến khoảng 13.000 người để đánh giá tính an toàn, đáp ứng miễn dịch và hiệu lực bảo vệ của vaccine (bao gồm 1.000 đối tượng để đánh giá giữa kỳ về tính an toàn và sinh miễn dịch).
Một ứng viên vaccine COVID-19 "made in Việt Nam" nữa là vaccine COVIVAC của IVAC cũng đang triển khai thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1. Nhóm nghiên cứu đang báo cáo giữa kỳ giai đoạn 1 để chuyển tiếp nghiên cứu giai đoạn 2 tại Thái Bình.
Nghiên cứu chuyển giao công nghệ vaccine từ nước ngoài
Cùng với việc bắt tay nghiên cứu, sản xuất vaccine COVID-19 trong nước ngay từ khi dịch COVID-19 mới xuất hiện; Việt Nam cũng đang nỗ lực tìm kiếm, tiếp cận, đàm phán, trao đổi với các nhà sản xuất, đối tác phát triển, sản xuất, cung ứng vaccine phòng COVID-19 trên thế giới. Đặc biệt là mở rộng tìm kiếm hợp tác chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine từ nước ngoài để nhanh chóng chủ động được nguồn vaccine phòng chống dịch bệnh cho Việt Nam.
Đại diện Cục Khoa học Công nghệ và Đào tạo cũng cho biết: Đến nay Việt Nam đã thảo luận, đàm phán với nhà sản xuất vaccine của Hoa Kỳ về điều kiện chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine COVID-19 từ tinh chất mRNA. Vaccine này chỉ cần tiêm 1 liều duy nhất 5 mg, có khả năng bảo vệ cao (dựa trên kết quả thử nghiệm lâm giai đoạn 1, 2), có nhiệt độ bảo quản 20C - 80C.
Hiện nay, Công ty TNHH Một thành viên Vaccine và Sinh phẩm số 1 (VABIOTECH) cũng đang xúc tiến đàm phán với đối tác Nhật Bản để sớm tiếp nhận chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine cho Việt Nam.
VABIOTECH cũng đã ký thỏa thuận với Quỹ đầu tư trực tiếp của Liên bang Nga về việc đóng ống vaccine phòng COVID-19 Sputnik-V từ bán thành phẩm với quy mô 5 triệu liều/tháng bắt đầu từ tháng 7/2021, tiến tới chuyển giao công nghệ sản xuất với quy mô 100 triệu liều/năm.