Tổng hợp COVID-19 ngày 1/6: Khẩn trương hơn nữa việc mua vacccine phòng dịch; thêm 251 ca mắc mới

Những thông tin thời sự về dịch COVID-19 trong ngày 1/6 được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm gồm: Hà Nội cần khẩn trương hơn nữa trong việc mua vaccine; Quân đội chủ trương chống dịch 'sớm hơn và cao hơn một bước'; cả nước thêm 251 ca mắc mới; ổ dịch Hội thánh truyền giáo Phục hưng mức độ nguy hiểm khó kiểm soát; bệnh nhân COVID-19 thứ 48 tử vong.

Bí thư Thành ủy Hà Nội: Cần khẩn trương hơn nữa trong việc mua vaccine

Theo Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng, hiện việc mua vaccine phòng COVID-19 để tiêm miễn phí cho người dân Hà Nội là việc cấp bách. Vì vậy, thành phố tiếp tục kêu gọi toàn thể nhân dân Hà Nội phát huy tinh thần nhân ái, nghĩa tình và trách nhiệm cộng đồng, tích cực quyên góp, ủng hộ kinh phí để sớm thực hiện được mục tiêu quan trọng này.

Chú thích ảnh
Tiêm vaccine phòng COVID-19 cho nhân viên y tế của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 (Hà Nội). Ảnh: Minh Quyết/TTXVN.

Bí thư Thành ủy Hà Nội nhận định: Với diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 xảy ra từ ngày 27/4 đến nay cho thấy, nếu không nhanh chóng thực hiện mục tiêu tiêm vaccine toàn dân, rất khó đẩy lùi toàn diện dịch COVID-19. Hiện nay, dân số thành phố khoảng 10 triệu người, nên Hà Nội cần ít nhất từ 5-6 triệu liều vaccine để tiêm đợt đầu mới đủ tạo miễn dịch cộng đồng, do đó kinh phí cần có hơn 1.000 tỷđồng.

Quân đội chủ trương chống dịch 'sớm hơn và cao hơn một bước'

Ngày 1/6 tại Hà Nội, Bộ Quốc phòng tổ chức Hội nghị trực tuyến triển khai nhiệm vụ, giải pháp cấp bách phòng chống dịch COVID-19 trong Quân đội, với sự chủ trì của Trung tướng Vũ Hải Sản, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 Bộ Quốc phòng.

Theo Thiếu tướng Nguyễn Xuân Kiên, Cục trưởng Cục Quân y (Tổng cục Hậu cần), đợt dịch COVID-19 lần thứ tư được đánh giá là khó khăn và nguy hiểm do có nhiều ổ dịch trong cộng đồng. Các ổ dịch diễn biến âm thầm trước khi được phát hiện và có số người lây nhiễm cao tại các khu công nghiệp, bệnh viện, cơ sở tôn giáo. Đặc biệt, sự có mặt của các biến chủng virus được phát hiện tại Ấn Độ, biến chủng virus được phát tại Anh và biến chủng lai giữa 2 biến chủng nói trên, làm tốc độ lây lan lớn hơn, dễ lây hơn, nhất là trong môi trường kín, đông người. Tuy nhiên, đến nay dịch COVID-19 vẫn đang được kiểm soát, phần lớn các ca dương tính đã được cách ly, khoanh vùng trước khi được xét nghiệm.

Trước tình hình trên, toàn quân đã quán triệt nghiêm các văn bản chỉ đạo của Ban Bí thư, Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống dịch COVID-19. Đặc biệt, trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch tại một số địa phương, Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng Tham mưu, Tổng cục Chính trị, Tổng cục Hậu cần, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 Bộ Quốc phòng đã ban hành nhiều văn bản, công điện chỉ đạo công tác phòng chống dịch trong Quân đội; hỗ trợ phòng chống dịch cho hai tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh; đồng thời, làm tốt nhiệm vụ phòng, chống dịch, góp phần tổ chức thành công cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.

Cục Quân y cũng đã xây dựng kế hoạch tiêm vaccine phòng COVID-19 trong quân đội; tổ chức tập huấn, bổ sung trang bị, vật tư để triển khai các điểm tiêm vaccine tại các bệnh viện quân y và điểm tiêm cơ động tại Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng, khu cách ly. Đến nay, Quân đội đã hoàn thành tiêm vaccine đợt 1 và đợt 2 đảm bảo an toàn, với 86.896 liều vaccine AstraZeneca, trong đó 14.643 đồng chí đã tiêm đủ 2 mũi. Hiện nay, Quân đội bắt đầu triển khai đợt 3 tiêm vaccine phòng COVID-19 với 89.000 liều, đặc biệt, đã tiêm đủ cho các cán bộ, chiến sỹ tham gia phòng, chống dịch tại Bắc Giang, Bắc Ninh.

Thời gian tới, dự kiến tình hình dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, nguy cơ dịch bùng phát rộng và lan vào quân đội là rất cao. Để tiếp tục thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch, hạn chế thấp nhất số ca mắc, không để dịch lây lan rộng, không để xảy ra tử vong do dịch, Trung tướng Vũ Hải Sản, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng chống COVID-19 của Bộ Quốc phòng lưu ý các đơn vị cần chú trọng thực hiện tốt, đồng bộ các nội dung, trong đó có việc quán triệt triển khai các văn bản, công điện chỉ đạo của Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia, của Quân ủy Trung ương-Bộ Quốc phòng, Ban Chỉ đạo Bộ quốc phòng về phòng chống dịch COVID-19; triển khai đồng bộ, hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch theo phương châm "sớm hơn và cao hơn một bước".

Việt Nam ghi nhận thêm 251 ca mắc mới

Trong ngày 1/6, Việt Nam ghi nhận thêm 251 ca mắc mới, gồm một ca cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại An Giang; 250 ca ghi nhận trong nước, trong đó tại Bắc Giang (124), TP Hồ Chí Minh (70), Bắc Ninh (34), Lạng Sơn (12), Long An (3), Hà Nội (2), Hà Nam (2), Đồng Tháp (1), Trà Vinh (1), Vĩnh Phúc (1).

Chú thích ảnh
Tất cả người dân khi vào TP Cần Thơ đều phải khai báo thông tin tại các chốt kiểm soát. Ảnh: TTXVN.

Tính đến tối 1/6, Việt Nam có tổng cộng 6.065 ca ghi nhận trong nước và 1.507 ca nhập cảnh. Số lượng ca mắc mới tính từ ngày 27/4 đến nay là 4.495 ca.

Cả nước hiện có 14 tỉnh (Yên Bái, Quảng Ngãi, Đồng Nai, Nghệ An, Quảng Ninh, Quảng Nam, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đắk Lắk, Nam Định, Hòa Bình, Tuyên Quang, Phú Thọ, Sơn La) đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp mắc mới.

Số lượng xét nghiệm từ ngày 29/4/2021 đến nay là 1.374.503 mẫu cho 2.703.103 lượt người. Một ca cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại tỉnh An Giang là 7506 (nam, 4 tuổi), địa chỉ tại huyện An Phú, tỉnh An Giang. Ngày 30/5/2021, bệnh nhân từ nước ngoài nhập cảnh Việt Nam. Kết quả xét nghiệm lần 1 ngày 31/5/2021 là dương tính với SARS-CoV-2. Hiện đang được cách ly, điều trị tại Trung tâm Y tế huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang.

Theo báo cáo của Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), cả nước đã có 3.043 ca được điều trị khỏi; 47 ca tử vong có liên quan đến COVID-19. Trong số các bệnh nhân đang được điều trị tại các cơ sở y tế có 161 người đã có kết quả xét nghiệm âm tính lần 1 với SARS-CoV-2; có 91 người âm tính lần 2 và 79 người âm tính lần 3.

Ổ dịch Hội thánh truyền giáo Phục hưng mức độ nguy hiểm khó kiểm soát

“Ổ dịch Hội thánh truyền giáo Phục hưng đã trải qua 4-5 chu kỳ lây nhiễm, đây là ổ dịch có mức độ nguy hiểm nhất, khó kiểm soát”, đó là nhận định của Bộ trưởng Bộ Y tế tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng, chống COVID-19 tại TP Hồ Chí Minh ngày 1/6.

Đánh giá về ổ dịch Hội thánh truyền giáo Phục hưng, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho rằng, đây là ổ dịch có mức độ nguy hiểm nhất, khó kiểm soát so với các đợt bùng phát từ trước đến nay tại TP Hồ Chí Minh. Theo Bộ trưởng Bộ Y tế, trường hợp mắc bệnh đầu tiên có triệu chứng từ ngày 13/5, nhưng đến 13-14 ngày sau, ngành Y tế mới phát hiện. Đối với chủng virus này, chu kỳ lây nhiễm rất nhanh, khoảng 2-3 ngày, thậm chí có thể ngắn hơn. “Như vậy, chúng ta đã để mất từ 4-5 chu kỳ lây nhiễm của virus SARS-CoV-2. Vì vậy, chuỗi lây nhiễm Hội thánh đã lây lan theo cấp số nhân”, ông Nguyễn Thanh Long phân tích.

Theo ông Nguyễn Thanh Long, việc truy vết dù thực hiện tốt, nhưng chắc chắn là rất khó khăn. Trong thời gian tới, Thành phố sẽ xuất hiện thêm nhiều ca bệnh chứ không dừng lại 200 ca như Bộ Y tế công bố và có thể xuất hiện ổ dịch không rõ nguồn lây.

“Biến chủng virus SARS-CoV-2 lần này không phải lây qua đường nước bọt, mà là lây qua đường không khí. Và không chỉ khiến số lượng người nhiễm nhiều hơn đợt dịch lần trước, mà biến chủng lần này còn khiến bệnh nặng hơn, xuất hiện các ca tử vong”, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết thêm.

Theo Sở Y tế TP, có một số người sinh hoạt Hội thánh này cũng làm việc tại các công ty trong Khu công nghiệp. Đến nay, Thành phố cũng đã ghi nhận 3 ca bệnh làm việc trong 3 khu công nghiệp là Khu Công nghiệp Tân Bình, Khu Công nghiệp Tây Bắc Củ Chi, Khu Công nghiệp Vĩnh Lộc - Hóc Môn.

Bệnh nhân COVID-19 thứ 48 tử vong

Chiều 1/6, Tiểu ban điều trị (Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19) thông báo ca tử vong số 48 của bệnh nhân mắc COVID-19. Bệnh nhân cao tuổi, viêm phổi nặng do nhiễm SARS-CoV-2. Bệnh nhân BN3354, nam, 76 tuổi, có địa chỉ tại huyện Hữu Lũng, Lạng Sơn. Bệnh nhân có tiếp xúc với F0, được cách ly tại Trung tâm y tế huyện Hữu Lũng.

Ngày 7/5, bệnh nhân được xét nghiệm SARS-CoV-2 và có kết quả dương tính. Bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở Đông Anh với chẩn đoán viêm phổi do nhiễm SARS-CoV-2, được điều trị tại khoa cấp cứu, quá trình điều trị bệnh nhân sốt liên tục, tức ngực khó thở, suy hô hấp tăng dần. Ngày 23/5 bệnh nhân xuất hiện suy hô hấp nặng, tụt huyết áp, được chỉ định đặt ống nội khí quản, thở máy, duy trì vận mạch.

Bệnh nhân có tình trạng chảy máu phổi, nhiễm nấm huyết, được điều trị tích cực bằng truyền chế phẩm máu nhiều lần, thở máy, ECMO, lọc máu liên tục, kháng sinh, kháng nấm theo kháng sinh đồ. Tình trạng bệnh nhân xấu dần mặc dù tình trạng chảy máu phổi giảm. Bệnh nhân đã được Hội đồng chuyên môn của Bộ Y tế hội chẩn ngày 28/5 kết luận tình trạng bệnh lý nặng trên bệnh nhân cao tuổi, nguy cơ tử vong cao.

Ngày 31/5, bệnh nhân vẫn có tình trạng chảy máu phổi tiếp diễn, suy đa tạng tăng, vô niệu, toan chuyển hóa ngày càng nặng. Bệnh nhân tử vong tối 31/5. Chẩn đoán tử vong: Viêm phổi nặng do SARS-CoV-2, biến chứng suy đa tạng, sốc mất máu.

Vân Sơn/Báo Tin tức
Tổng hợp COVID-19 tuần từ 24-30/5: Giãn cách xã hội toàn TP Hồ Chí Minh từ 0 giờ ngày 31/5
Tổng hợp COVID-19 tuần từ 24-30/5: Giãn cách xã hội toàn TP Hồ Chí Minh từ 0 giờ ngày 31/5

TP Hồ Chí Minh thực hiện giãn cách xã hội toàn thành phố và phong toả quận Gò Vấp bắt đầu từ 0 giờ ngày 31/5 đồng thời thực hiện xét nghiệm mở rộng, ngưng nhiều hoạt động về giáo dục, giao thông...; khởi tố vụ án hình sự về hoạt động của Hội thánh truyền giáo Phục hưng gây lây lan dịch bệnh… là những tin nổi bật trong tuần từ 24-30/5.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN