Tổng hợp COVID-19 ngày 29/5: Việt Nam ghi nhận 8 biến chủng virus; nhiều nơi kiểm soát chặt cửa ngõ

Trong ngày 29/5, Việt Nam ghi nhận thêm 286 ca mắc COVID-19 mới; TP Hồ Chí Minh xác định thêm 2 trường hợp có mã gene virus thuộc biến chủng Ấn Độ; nguy cơ dịch COVID-19 lây lan vào khu công nghiệp ở TP Hồ Chí Minh; nhiều nơi kiểm soát cửa ngõ, ngừng đón khách và nhận khách từ TP Hồ Chí Minh...

Việt Nam ghi nhận 8 biến chủng của virus SARS-CoV-2 và 286 ca mắc mới COVID-19

Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc về chống COVID-19 diễn ra sáng 29/5/2021, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết Việt Nam đã xuất hiện thêm biến chủng virus SARS-CoV-2 mới lai tạo giữa chủng Ấn Độ và Anh, đưa tổng số biến chủng ghi nhận tại Việt Nam lên 8.

Chú thích ảnh
Tiếp tế cho người dân ở khu vực phong toả phòng dịch COVID-19. Ảnh: TTXVN

Cũng trong ngày 29/5, Việt Nam ghi nhận thêmm 286 ca mắc mới. Như vậy, tính đến 18 giờ ngày 29/5, Việt Nam có tổng cộng 5.354 ca ghi nhận trong nước và 1.502 ca nhập cảnh. Số lượng ca mắc mới tính từ ngày 27/4 đến nay là 3.784 ca.

Hiện trong số  các ca mắc COVID-19 đang điều trị, số ca âm tính với SARS-CoV-2 là 223 ca.

Hai vợ chồng mắc COVID-19 khám ở Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn nhiễm biến chủng Ấn Độ

Chiều 29/5, thông tin từ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh cho biết, kết quả giải mã gene của hai vợ chồng mắc COVID-19 đến khám ở Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn đều thuộc biến chủng Ấn Độ B.1.617.2.

Theo bác sĩ Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh, mẫu bệnh phẩm của 2 vợ chồng liên quan ổ dịch được phát hiện tại Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn đã được thực hiện giải mã gene. Kết quả thu được, bộ gene virus thuộc biến chủng Ấn Độ (B.1.617.2).

Chú thích ảnh
Tính đến nay, đã có 5 người mắc COVID-19 liên quan đến chuỗi lây nhiễm vợ chồng mắc COVID-19 đi khám ở Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn. Ảnh: Đan Phương

Kết quả giải mã gene do các chuyên gia của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh và Đơn vị nghiên cứu Lâm sàng (Đại học Oxford) thực hiện.

Như vậy, kết quả trên tương tự với kết quả khảo sát 5 trường hợp bệnh nhân thuộc chùm ca liên quan đến Hội thánh truyền giáo Phục Hưng ở quận Gò Vấp ngày 28/5.

Như vậy từ ngày 27/5 đến nay, Thành phố Hồ Chí Minh đã phát hiện 2 ổ dịch, tổng cộng 90 ca nhiễm. Trong đó chuỗi lây nhiễm liên quan đến Hội thánh truyền giáo Phục Hưng là chuỗi lớn nhất với 85 ca, chuỗi lây nhiễm liên quan đến ca bệnh phát hiện tại Bệnh viện Hoàn Mỹ là 5 ca.

Trung tâm kiểm soát bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh đề nghị những người liên quan đến Hội thánh truyền giáo Phục hưng cần chủ động khai báo y tế vì nguy cơ lây nhiễm là rất cao.

Thành phố tiếp tục tiến hành điều tra truy vết các trường hợp tiếp xúc, lấy mẫu xét nghiệm diện rộng để đánh giá nguy cơ. Các biện pháp cắt đứt nguồn lây cũng như điều tra nguồn lây của các chuỗi lây nhiễm này đang được tiếp tục triển khai.

Theo đánh giá của ngành y tế Thành phố Hồ Chí Minh, nguy cơ mầm bệnh đã có trong cộng đồng nên người dân thành phố cần nâng cao cảnh giác nhưng cũng không hoang mang. Mọi người dân cần tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch của chính quyền và hợp tác với ngành y tế trong thực hiện phong tỏa, cách ly, lấy mẫu xét nghiệm, khai báo y tế về nguy cơ, yếu tố tiếp xúc của bản thân. Khi có dấu hiệu sốt, ho, khó thở, mất vị giác, khứu giác… cần đi khám bệnh ngay và khai báo trung thực khi đến cơ sở y tế.

Nguy cơ dịch COVID-19 lây lan vào khu công nghiệp ở TP Hồ Chí Minh

Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong cho biết, một số người thuộc Hội thánh truyền giáo Phục hưng làm việc ở khu công nghiệp nên nguy cơ dịch COVID-19 tại đây là rất cao.

Chú thích ảnh
Lực lượng chức năng phong tỏa công ty thiết bị CP nhà bếp VINA (khu công nghiệp Tân Bình, quận Tân Phú). Đây là nơi người phụ nữ mắc COVID-19 làm việc và có tham gia sinh hoạt nhóm Hội thánh truyền giáo Phục hưng. Ảnh: Mạnh Linh/Báo Tin tức

Ngày 29/5, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh đã bày tỏ lo ngại, nguy cơ dịch bệnh lây lan từ cộng đồng dân cư vào khu công nghiệp hoặc ngược lại thông qua người lao động. Hiện nay, TP Hồ Chí Minh mới chỉ phát hiện 4 chùm lây nhiễm dịch COVID-19 và còn nhiều nguồn lây chưa được phát hiện.

Theo Ban quản lý Khu chế xuất - Khu công nghiệp tại TP Hồ Chí Minh, TP Hồ Chí Minh hiện có 17 khu chế xuất, khu công nghiệp và khu công nghệ cao, 1.500 doanh nghiệp đang hoạt động với 280.000 công nhân, 3.000 chuyên gia nước ngoài. Hiện nay, các khu công nghiệp đông công nhân đang được xem là nơi nguy cơ lây nhiễm dịch cao nhất, chỉ sau các bệnh viện… Vì vậy, các doanh nghiệp, đơn vị trong khu công nghiệp, khu chế xuất thành phố cần nâng cao tinh thần cảnh giác, kiểm soát chặt các công tác phòng dịch tại đơn vị, doanh nghiệp, tuyệt đối tuân thủ nguyên tắc 5K, hạn chế tụ tập đông người...

64.272 liều vaccine COVID-19 đã được tiêm cho đội ngũ chống dịch tại TP Hồ Chí Minh

Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cho biết, tính đến thời điểm này, TP Hồ Chí Minh đã tổ chức tiêm chủng với 64.272 liều vaccine phòng COVID-19 cho các đối tượng tham gia tuyến đầu chống dịch.

Chú thích ảnh
Khám sàng lọc trước khi tiêm vaccine COVID-19 cho đội ngũ phóng viên tại TP Hồ Chí Minh. Ảnh: Hoàng Tuyết

Cụ thể, TP Hồ Chí Minh đã tổ chức tiêm vaccine COVID-19 cho 59.959 nhân viên y tế và 4.313 nhân viên sân bay, cảng biển, cơ sở cách ly tập trung... TP Hồ Chí Minh cũng đã chuẩn bị kế hoạch tiêm đợt 3 với 73.900 liều vaccine COVID-19, được Bộ Y tế cấp cho TP Hồ Chí Minh. Những đối tượng được ưu tiên tiêm vaccine là nhóm người có nguy cơ cao và làm việc trong các cơ sở, đơn vị trọng yếu và cần được đảm bảo an toàn tối đa phòng ngừa dịch COVID-19 xâm nhập và lây lan.

Nhiều nơi tạm dừng vận tải khách đi, đến TP Hồ Chí Minh

*Ông Nguyễn Phú Tân, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải An Giang cho biết, tỉnh sẽ tạm dừng toàn bộ hoạt động vận tải hành khách vận tải công cộng đi qua địa bàn Long An và Tp. Hồ Chí Minh từ 0 h ngày 30/5/2021 cho đến khi có thông báo mới.

Chú thích ảnh
Long An tạm dừng các tuyến xe khách đến TP Hồ Chí Minh. Ảnh minh họa: baolongan.vn

Theo ông Nguyễn Phú Tân, các phương tiện vận tải hành khách vận tải công cộng sẽ tạm dừng toàn bộ đi qua địa bàn tỉnh Long An và Tp. Hồ Chí Minh gồm: xe khách theo tuyến cố định, xe hợp đồng, xe du lịch, taxi. Thanh tra Sở Giao thông Vận tải sẽ phối hợp với lực lượng chức năng tăng cường thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở; UBND các huyện, thị xã, thành phố phối hợp với sở và các đơn vị liên quan kiểm tra, giám sát việc tạm dừng hoạt động vận tải hành khách công cộng.

* Trong khi đó, UBND tỉnh Lâm Đồng đã có Công văn 3518/UBND – VX3 việc “dừng các loại xe vận chuyển hành khách từ Thành phố Hồ Chí Minh vào Lâm Đồng và khẩn trương thực hiện các biện pháp quyết liệt phòng, chống dịch COVID-19" vào ngày 29/5.

Chú thích ảnh
Đo thân nhiệt người điều khiển phương tiện giao thông tại chốt kiểm dịch. Ảnh minh họa: Đặng Tuấn/TTXVN

Theo đó, kể từ 00 giờ ngày 30/5/2021, dừng toàn bộ các loại xe vận chuyển hành khách từ Thành phố Hồ Chí Minh vào tỉnh Lâm Đồng cho đến khi có thông báo mới. 

Trước tình hình dịch COVID-19 trong nước, nhất là tại Thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh lân cận diễn biến hết sức phức tạp, nguy cơ dịch bệnh xâm nhập vào địa bàn tỉnh rất cao, Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng chỉ đạo dừng toàn bộ các loại xe vận chuyển hành khách từ Thành phố Hồ Chí Minh vào tỉnh Lâm Đồng cho đến khi có thông báo mới. 

Sở Giao thông Vận tải thông báo đến các nhà xe, Công ty kinh doanh vận tải vận chuyển hành khách từ Thành phố Hồ Chí Minh vào tỉnh Lâm Đồng biết, chấp hành; đồng thời, phối hợp lực lượng chức năng, địa phương liên quan kiểm tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm theo quy định. 

Bên cạnh đó, thành lập các chốt kiểm soát liên ngành phòng, chống dịch bệnh COVID-19 (hoạt động từ 19 giờ ngày 29/5/2021) tại cửa ngõ từ các tỉnh đến Lâm Đồng. 

Đặc biệt, UBND tỉnh Lâm Đồng yêu cầu Sở Y tế chủ động liên hệ với Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh để nắm bắt thêm thông tin dịch tễ của bệnh nhân 6437 trong thời gian ở thành phố Đà Lạt; khẩn trương truy vết các trường hợp F1, F2 để thực hiện việc cách ly theo quy định, tuyệt đối không để bỏ sót; kịp thời cung cấp thông tin để người dân biết, chủ động khai báo y tế theo quy định.

Trước đó, đêm 28/5 Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh Lâm Đồng đã phát đi thông báo khẩn đề nghị những người liên quan đến bệnh nhân 6437 có lịch trình di chuyển đến 13 điểm trên địa bàn thành phố Đà Lạt từ ngày 22-23/5 cần khẩn trương liên hệ tới cơ sở y tế để được hướng dẫn: Chùa Linh Phong (phường 10), thác Cam Ly (phường 5), vườn hoa xương rồng Kombi Land Cofice (đèo Mimosa, phường 3), quán lẩu gà Tao Ngộ (89 Hai bà Trưng, phường 6), đạp vịt hồ Xuân Hương, quảng trường Lâm Viên, bến xe Thành Bưởi, dịch vụ thuê xe máy (48 An Bình, phường 3)...

*Sáng 29/5, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Thuận Bùi Thế Nhân đã ký công văn khẩn gửi Hiệp hội Du lịch tỉnh; phòng Văn hóa, Thông tin; phòng Văn xã các huyện, thị xã, thành phố và các cơ sở kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh về việc kiểm soát chặt chẽ khách du lịch đến Bình Thuận để phòng, chống dịch COVID- 19.

Theo công văn, từ ngày 30/5, các cơ sở lưu trú trên địa bàn tỉnh tạm dừng đón khách du lịch đến từ các tỉnh, thành phố có diễn biến dịch phức tạp như: Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, tỉnh Bắc Giang, tỉnh Bắc Ninh… để tập trung triển khai các biện pháp phòng, chống dịch.

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh yêu cầu Hiệp hội Du lịch tỉnh, Phòng Văn hóa, Thông tin; Phòng Văn xã các huyện, thị xã, thành phố và các cơ sở kinh doanh du lịch thực hiện nghiêm việc khai báo y tế đối với du khách khi đến lưu trú, cung cấp tờ khai y tế của du khách cho cơ sở y tế gần nhất để theo dõi, kiểm tra. Đồng thời, triển khai đầy đủ các quy định liên quan đến công tác phòng, chống dịch COVID-19 đối với du khách hiện đang lưu trú trên địa bàn tỉnh, đảm bảo sức khỏe, an toàn trong cộng đồng dân cư tại các khu du lịch.

* Tại TP Hồ Chí Minh, Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP Hồ Chí Minh cũng cho biết sẽ tạm ngưng hoạt động một số tuyến xe buýt có trợ giá tại TP Hồ Chí Minh để phòng chống dịch bệnh COVID-19.

Cụ thể, các tuyến xe buýt trợ giá tại TP Hồ Chí Minh bắt đầu tạm ngưng phục vụ để phòng dịch COVID-19 bao gồm: tuyến số 50 (Đại học Bách khoa - ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh), tuyến số 52 (Bến Thành - ĐH Quốc tế), tuyến số 86 (Bến Thành - ĐH Tôn Đức Thắng - cầu Long Kiểng), tuyến số 140 (Bến xe buýt Sài Gòn - Phạm Thế Hiển - Khu dân cư Phú Lợi). Riêng tuyến số 123 (Phú Mỹ Hưng - Quận 1) dừng hoạt động vào các ngày thứ bảy và chủ nhật.

Việc tạm dừng các tuyến xe buýt này áp dụng từ nay cho đến hết ngày 30/6.

Ngoài ra, một số tuyến xe buýt từ TP Hồ Chí Minh đến tỉnh Long An cũng phải tạm ngừng theo thông báo của UBND tỉnh Long An từ ngày 29/5 đến khi có thông báo mới.

Đối với những tuyến xe buýt trên địa bàn đang hoạt động, phải đảm bảo việc vận chuyển hành khách tối đa không quá 50% sức chứa, không quá 20 người/chuyến, hành khách buộc phải mang khẩu trang, ngồi xen kẽ, ngồi cách hàng ghế và bắt buộc phải khai báo y tế theo quy định.

*UBND tỉnh Bình Phước cũng quyết định tạm dừng hoạt động vận chuyển hành khách liên tỉnh Bình Phước đi và đến từ các tỉnh, thành phố trong cả nước, bao gồm vận chuyển hành khách theo tuyến cố định, vận chuyển hành khách theo hợp đồng, du lịch, xe taxi, xe buýt. Thời gian thực hiện từ 0 giờ ngày 30/5.

Chú thích ảnh
Lực lượng tham gia phòng, chống dịch COVID-19 tại chốt kiểm dịch ở khu vực cầu 2, thành phố Đồng Xoài. Ảnh tư liệu: baobinhphuoc.com.vn

Theo đó, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Phước quyết định tạm dừng hoạt động vận chuyển hành khách liên tỉnh Bình Phước đi và đến từ các tỉnh, thành phố trong cả nước, bao gồm vận chuyển hành khách theo tuyến cố định, vận chuyển hành khách theo hợp đồng, du lịch, xe taxi, xe buýt. Thời gian thực hiện từ 0 giờ ngày 30/5.

Đối với xe vận chuyển hành khách liên tỉnh đi qua tỉnh Bình Phước tuyệt đối không được dừng, đỗ để đón, trả khách.

Hạn chế tối đa phương tiện cá nhân di chuyển từ Bình Phước đến các vùng có dịch, trừ trường hợp đặc biệt vì lý do công vụ và các trường hợp cung cấp lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cần thiết; xe đưa đón công nhân, chuyên gia của các doanh nghiệp, chuyên chở nguyên vật liệu sản xuất. Các trường hợp này phải thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo quy định.

Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Phước cũng giao Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh chủ trì, phối hợp với Công an tỉnh, Sở Giao thông vận tải, Sở Y tế, các địa phương liên quan thành lập 3 chốt kiểm soát phòng, chống dịch COVID-19 trên tuyến Quốc lộ 13, Quốc lộ 14 và ĐT 741. Thời gian thực hiện kể từ 19 giờ ngày 29/5.

Ba chốt kiểm dịch này sẽ thực hiện sàng lọc đối tượng, lấy mẫu xét nghiệm, điều tra dịch tễ tất cả người dân đi từ Thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh, thành phố về tỉnh Bình Phước.

Đợt dịch COVID-19 lần thứ 4 có đặc điểm bùng phát đa nguồn dịch, đa hình thái

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, đợt dịch lần thứ 4 này có đặc điểm bùng phát đa nguồn dịch, đa hình thái (chủ yếu trong khu công nghiệp, sau đó lây lan ra cộng đồng), đa chủng lây nhiễm. Virus lây lan nhanh, phát tán mạnh trong không khí, mức độ đào thải mầm bệnh rất nhanh, chỉ 1-2 ngày có 1 vòng lây nhiễm và theo cấp số nhân, đặc biệt lây nhiễm rất mạnh trong không gian hẹp, không thông khí. Triệu chứng bệnh có dấu hiệu tăng nặng, do đó, điều trị tích cực ở địa phương phải nâng cao hơn một mức.

Chú thích ảnh
Bệnh viện dã chiến. Ảnh TTXVN

Tại các khu công nghiệp (KCN) ở Bắc Giang, do mật độ công nhân đông, không gian nhà máy hẹp, khép kín, dùng chung nhà vệ sinh, ăn uống tập trung, đi xe chung, ở chung khu nhà trọ, tỉnh sẽ kiểm soát được dịch trong thời gian tới nhưng không thể trong thời gian ngắn.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long rất quan ngại về tình hình ở Bắc Ninh, việc lây nhiễm từ cộng đồng vào KCN có xu hướng phức tạp hơn. Bộ Y tế nhận định và dự báo, tại Bắc Ninh, Bắc Giang, các trường hợp mắc mới sẽ tiếp tục được ghi nhận do nguồn lây tồn tại trong thời gian dài, phạm vi rộng, nhưng cơ bản tình hình dịch bệnh tại hai địa phương đang cố gắng từng bước kiểm soát.

Tỉnh Bắc Giang chủ động và xây dựng phương án ứng phó với tình huống có 5.000 ca nhiễm, còn Bắc Ninh là 3.000 ca nhiễm. Một số địa phương, đặc biệt tại các đô thị tập trung đông người như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh có thể vẫn tiếp tục ghi nhận các ổ dịch rải rác, các chùm ca bệnh trong cộng đồng.

Lãnh đạo Bộ Y tế nhận định, mặc dù ghi nhận các chùm ca bệnh, ca bệnh khác nhau, nhưng hai địa phương triển khai rất bài bản các giải pháp để giữ vững và kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh trên địa bàn.

Bên cạnh đó, tiến độ cung ứng vaccine cũng cần hết sức được quan tâm để các lô vaccine về sớm nhất. Bộ Y tế khẳng định ưu tiên cho Bắc Giang, Bắc Ninh để tiêm cho người dân tại hai địa phương này nhanh nhất có thể.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho rằng, điều cần thực hiện ngay đó là phải tiến hành quản lý chặt chẽ công nhân từ nơi làm việc, khi đi trên phương tiện giao thông, đến nơi cư trú. Các khu công nghiệp phải thực hiện xét nghiệm sàng lọc thường xuyên, tối thiểu từ 20% số công nhân trở lên. Trách nhiệm của các chủ doanh nghiệp, cơ quan quản lý doanh nghiêp phải được tăng cường. Tăng cường khả năng tiếp cận vaccine cho công nhân trong các khu công nghiệp.

Giãn cách xã hội là biện pháp rất quan trọng để phòng chống dịch, các địa phương đã rất chủ động thực hiện khoanh vùng, cách ly quyết liệt nhưng ở phạm vi gọn nhất có thể, hạn chế tối đa ảnh hưởng tiêu cực tới sản xuất, kinh doanh và đời sống ngươi dân.

Kiềm chế, đẩy lùi, tiến tới dập tắt dịch COVID-19, nhất là tại các địa bàn trọng điểm

Sáng 29/5, trước tình hình dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, với số người nhiễm bệnh tăng cao trong cộng đồng, nhất là tại các khu công nghiệp và các tỉnh, thành phố lớn, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc về tình hình, giải pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19 với tinh thần "chống dịch như chống giặc", nhằm bảo vệ sức khỏe nhân dân, không để đứt gãy chuỗi sản xuất, lưu thông hàng hóa, đảm bảo mục tiêu kép “vừa phòng, chống dịch hiệu quả, vừa phát triển kinh tế-xã hội”.

Chú thích ảnh
Thủ tướng Phạm Minh Chính chia sẻ công tác phòng chống dịch. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cơ bản nhất trí với các đề xuất của các bộ, ngành, địa phương, đồng thời đánh giá cao, biểu dương các cấp, các ngành và toàn dân, nhất là lực lượng trên tuyến đầu chống dịch và các địa phương đang là trọng tâm của dịch bệnh, đã vào cuộc một cách tập trung, có trách nhiệm trong phòng, chống dịch COVID-19, vì sức khỏe nhân dân, vì lợi ích quốc gia, dân tộc. Cũng qua đó đã góp phần quan trọng vào sự thành công của cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.

Thủ tướng nhận định, dịch COVID-19 đang được kiểm soát, song cục bộ tại một số địa phương như Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh vẫn diễn biến phức tạp; biến thể virus gây bệnh trong đợt dịch này nguy hiểm hơn; dịch bệnh lây lan mạnh trong các khu công nghiệp, tại các điểm sinh hoạt tôn giáo...

Thủ tướng cho rằng, nguyên nhân dẫn tới tình trạng trên có cả do khách quan và chủ quan, song nguyên nhân chủ quan là chính. Trong đó, một số địa phương, đơn vị còn lơ là, chủ quan, không nắm chắc tình hình; một bộ phận nhân dân mất cảnh giác, không thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống dịch.

Đánh giá về những giải pháp đã thực hiện và bài học kinh nghiệm rút ra trong công tác phòng, chống dịch thời gian qua, Thủ tướng cho rằng công các lãnh đạo, chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 đảm bảo sát tình hình, kịp thời, đúng hướng; việc tổ chức thực hiện được triển khai toàn diện, tích cực, hiệu quả; huy động được tổng hợp các nguồn lực, sức mạnh toàn dân tộc vào phòng, chống dịch; kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vường mắc để phòng, chống dịch tốt hơn; chiến lược vaccine được triển khai quyết liệt, tích cực; thực hiện khen thưởng, kỷ luật kịp thời, nghiêm minh…

Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, mục tiêu cao nhất hiện nay là chăm sóc, bảo vệ sức khỏe của nhân dân; kiềm chế, đẩy lùi, tiến tới dập tắt dịch bệnh, nhất là tại các địa bàn trọng điểm; đảm bảo phát triển kinh tế-xã hội, an ninh, an toàn, an sinh xã hội; kết thúc năm học và tổ chức an toàn kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2021.

Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu các cấp, ngành kết hợp hài hòa, hợp lý, hiệu quả giữa phòng ngừa và tấn công, trong đó lấy tấn công là chính, mang tính đột phá, phòng ngừa là quan trọng, quyết định; thực hiện phòng, chống dịch bệnh từ sớm, từ xa, với phương châm “5K+vaccine+công nghệ”.

Về nhiệm vụ trước mắt, Thủ tướng chỉ đạo, các cấp, các ngành quán triệt tinh thần chống dịch như chống giặc; tổng tiến công toàn diện, thần tốc, mạnh mẽ hơn, với quyết tâm cao hơn, nỗ lực lớn hơn, hành động quyết liệt hơn, tập trung cao hơn, có trọng tâm, trọng điểm để phòng, chống dịch nhanh và hiệu quả hơn nữa; phát huy, vận dụng tốt hơn nữa những kết quả đạt được, sáng tạo, linh hoạt hơn nữa trong phòng, chống dịch; huy động mọi nguồn lực hợp pháp, chung sức phòng, chống dịch, nhất là trong thực hiện “chiến lược vaccine” và tại các điểm "nóng” của dịch bệnh; tăng cường kiểm tra, giám sát, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, song khuyến khích phát huy tinh thần, trách nhiệm cá nhân, năng động, sáng tạo trong phòng, chống dịch; kiểm soát chặt chẽ xuất nhập cảnh, cư trú trái phép; tiếp tục hoàn thiện chính sách, tổ chức hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19; tổ chức sản xuất, kinh doanh an toàn, nhất là tại các doanh nghiệp; tuyên truyền cho người dân hiểu để cùng tham gia phòng, chống dịch, vừa là để bảo vệ chính mình, vừa góp phần bảo vệ cộng đồng, bảo vệ lợi ích quốc gia dân tộc....

Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, trong lúc khó khăn, phức tạp, nên lấy đó làm động lực để phấn đấu vượt qua, trên tinh thần đại đoàn kết dân tộc, tránh khuynh hướng mất đoàn kết, phân tán lực lượng; phải xử lý nghiêm những tư tưởng, hành động, biểu hiện lợi dụng tình hình để chống phá, làm ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch và ảnh hưởng đến ổn định, phát triển kinh tế-xã hội.

Thủ tướng Phạm Minh Chính giao Phó Thủ tướng, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 Vũ Đức Đam chịu trách nhiệm chỉ đạo chung về phòng, chống dịch COVID-19; giao Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình chỉ đạo công tác phòng, chống dịch tại Thành phố Hồ Chí Minh; giao Phó Thủ tướng Lê Văn Thành chỉ đạo phòng, chống dịch tại các tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh; đồng chí Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng phối hợp với các bộ, ngành Trung ương đảm bảo phòng, chống dịch tại Hà Nội.

Hải Yên/Báo Tin tức (Tổng hợp)
Tổng hợp COVID-19 ngày 27/5: Thêm 227 ca mắc mới trong cộng đồng; không để bùng dịch trong khu công nghiệp
Tổng hợp COVID-19 ngày 27/5: Thêm 227 ca mắc mới trong cộng đồng; không để bùng dịch trong khu công nghiệp

Thông tin nổi bật trong ngày 27/5 thu hút sự quan tâm của dư luận là: TP Hồ Chí Minh ghi nhận 36 mắc mới COVID-19 lây trong cộng đồng; Bắc Ninh, Bắc Giang không để dịch bùng phát rộng trong khu công nghiệp; TP Hồ Chí Minh cấm các hoạt động cắt tóc, spa, tụ tập trên 10 người…

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN