Quỹ vaccine có hơn 6.800 tỷ đồng, tiền cam kết sẽ chuyển gần 1.100 tỷ đồng
Theo Ban quản lý Quỹ vaccine phòng COVID-19, tính đến 17 giờ ngày 22/6, Quỹ đã tiếp nhận 6.882 tỷ đồng (bao gồm ngoại tệ quy đổi). Số tiền đã chuyển vào quỹ kể trên do 336.392 tổ chức, cá nhân tham gia đóng.
Việt Nam ghi nhận thêm 244 ca mắc mới.
Tính đến 18 giờ ngày 22/6, Việt Nam có tổng cộng 12.010 ca ghi nhận trong nước và 1.717 ca nhập cảnh. Số lượng ca mắc mới tính từ ngày 27/4 đến nay là 10.875 ca, trong đó có 2.772 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
Có 18 tỉnh (Yên Bái, Quảng Ngãi, Quảng Ninh, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Tuyên Quang, Sơn La, Ninh Bình, Thanh Hóa, Thái Nguyên, Hải Phòng, Tây Ninh, Bạc Liêu, Điện Biên, Đắk Lắk, Đồng Tháp, Thái Bình, Vĩnh Phúc) đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp mắc mới trong cộng đồng.
Số lượng xét nghiệm từ 29/4/2021 đến nay đã thực hiện 2.544.659 xét nghiệm cho 5.776.150 lượt người. Trong số các ca mắc COVID-19 đang điều trị, số ca âm tính với SARS-CoV-2 là 650 ca.
Đến nay, Việt Nam đã ghi nhận số ca tử vong liên quan đến COVID-19 là 69 ca. Số ca điều trị khỏi là 5.546 ca.
Thông tin về trường hợp tử vong sau tiêm vaccine COVID-19 tại Đông Anh, Hà Nội
Theo Bộ Y tế, Sở Y tế Hà Nội vừa cung cấp thông tin về trường hợp tử vong sau tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 tại huyện Đông Anh, TP Hà Nội.
Trường hợp này là anh T.H.L (nam, sinh năm 1995); ở địa chỉ Bến Trung, Bắc Hồng, Đông Anh, Hà Nội; làm nghề giáo viên. Kết quả điều tra ban đầu cho thấy: Khoảng 8 giờ 20 phút ngày 20/6/2021 anh T.H.L đến điểm tiêm tại Trạm Y tế xã Nam Hồng. Tại đây anh T.H.L được tiếp đón, khám sàng lọc trước tiêm chủng vaccine COVID-19 và đủ điều kiện tiêm chủng như: Thân nhiệt 36,1 độ C; huyết áp 130/80mmHg; mạch 80 lần/phút; nhịp thở 18 lần/phút, không có tiền sử bệnh lý.
Sau đó anh L. được chỉ định tiêm vaccine COVID-19 do AstraZeneca sản xuất. Sau tiêm, anh T.H.L được theo dõi 30 phút tại Trạm Y tế và hướng dẫn tiếp tục theo dõi tại nhà theo đúng quy định.
Vào lúc 21 giờ 55 phút, ngày 21/6/2021, Trạm Y tế Bắc Hồng nhận được thông báo của người nhà anh T.H.L cho biết anh xuất hiện co giật. Sau 15 phút, khi nhận được thông báo, Đội cấp cứu của Trung tâm Y tế huyện Đông Anh đã có mặt tại nhà người bệnh và tiến hành cấp cứu tích cực; đồng thời đề nghị Trung tâm cấp cứu 115 hỗ trợ.
Sau 30 phút được cấp cứu, tình trạng người bệnh tiến triển xấu như: Toàn thân tím tái, mạch cảnh không bắt được; huyết áp không đo được; đồng tử giãn từ 5 đến 6 mm… và người bệnh đã được chuyển ngay đến Bệnh viện đa khoa Đông Anh. Tại Bệnh viện đa khoa Đông Anh, người bệnh tiếp tục được cấp cứu tích cực. Tuy nhiên, đến 23 giờ 15 phút ngày 21/6, người bệnh tử vong.
Qua quá trình rà soát cho thấy, Trạm Y tế xã Nam Hồng đã công bố cơ sở đủ điều kiện tiêm chủng theo quy định tại Nghị định 104/2016/NĐ-CP ngày 1/7/2016 của Chính phủ quy định về hoạt động tiêm chủng.
Ngày 20/6/2021, Trạm Y tế xã Nam Hồng tiêm vaccine phòng COVID-19 do AstraZeneca sản xuất số, lô ABX1466, hạn dùng 31/8/2021, cho 100 người. Sau tiêm chủng, ngoài trường hợp người bệnh T.H.L có các triệu trứng nêu trên, các trường hợp còn lại hiện tại sức khỏe bình thường. Trạm Y tế xã Nam Hồng đã thực hiện quy trình thực hành tiêm theo đúng quy định. Tất cả các đối tượng đến tiêm chủng đều được khám sàng lọc, tư vấn đầy đủ trước tiêm, cũng như theo dõi tại trạm ít nhất 30 phút sau tiêm theo đúng quy định.
Sau khi nhận được thông tin, ngay sáng 22/6, Sở Y tế Hà Nội đã tổ chức họp Hội đồng tư vấn chuyên môn đánh giá tai biến trong quá trình sử dụng vaccine, sinh phẩm y tế TP Hà Nội mở rộng, bằng việc mới các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực hồi sức cấp cứu của Bệnh viện Bạch Mai, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương tham gia.
Hội đồng chuyên môn đã kết luận: Đây là trường hợp tử vong chưa rõ nguyên nhân sau 39 giờ tiêm vaccine phòng COVID-19. Qua các biểu hiện lâm sàng và kết quả pháp y hiện chưa thấy có bằng chứng cho thấy tử vong do phản vệ hoặc tắc mạch; cần tiếp tục thực hiện các xét nghiệm vi thể và giải trình tự gen để có kết luận. Vaccine tiêm cho người bệnh đã được Bộ Y tế cấp, có nguồn gốc rõ ràng, có đầy đủ sổ sách, hóa đơn và phiếu xuất kho. Quy trình tiếp nhận, vận chuyển và bảo quản vaccine và quy trình thực hành tiêm chủng đúng quy định.
Việt Nam đã điều trị khỏi cho 5.457 bệnh nhân, còn 13 bệnh nhân đang chạy ECMO
Đến nay, Việt Nam đã điều trị khỏi cho 5.457 bệnh nhân COVID-19. Cả nước còn 8.104 bệnh nhân COVID-19 đang điều trị tại các cơ sở y tế, bệnh viện dã chiến; trong đó có 13 bệnh nhân nặng phải chạy ECMO.
Kể từ đầu mùa dịch tới nay, Việt Nam đã ghi nhận tổng cộng 13.630 ca mắc COVID-19. Riêng đợt dịch thứ 4 đã ghi nhận số ca mắc lớn nhất; cụ thể, từ ngày 27/4 đến nay số ca mắc mới đã là 10.352 ca. Trong số các bệnh nhân COVID-19 đã ghi nhận, đến nay Việt Nam đã điều trị khỏi cho 5.457 bệnh nhân, ghi nhận 69 trường hợp tử vong. Riêng trong đợt dịch thứ 4 đã có 2.679 bệnh nhân khỏi bệnh. Trong số 8.104 bệnh nhân COVID-19 đang điều trị tại các cơ sở y tế, bệnh viện dã chiến, có 650 trường hợp đã có kết quả âm tính với virus SASR-CoV-2.
Theo Tiểu ban Điều trị, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19, trong số các bệnh nhân COVID-19 đang điều trị tại các cơ sở y tế, hiện có 169 bệnh nhân nặng, nguy kịch và 13 trường hợp phải can thiệp ECMO.
Bệnh nhân COVID-19 từng 6 lần lọc máu đã khỏi bệnh ra viện
Bệnh nhân COVID-19 nặng là nữ công nhân 36 tuổi từng 6 lần phải lọc máu đã hồi phục ngoạn mục, khỏi bệnh và được ra viện. Chiều 22/6, ca bệnh COVID-19 nguy kịch thứ 13 tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương đã được công bố khỏi bệnh.
Bệnh nhân là V.T.L, nữ, 36 tuổi ở Hữu Lũng, Lạng Sơn, là công nhân Khu công nghiệp Bắc Giang. Bệnh nhân có kết quả xét nghiệm mắc COVID-19 và ngày 10/5/2021; tiền sử khoẻ mạnh.
Ngày 12/5/2021, bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương do vẫn sốt cao, ho nhiều, khó thở tăng dần, chức năng phổi của bệnh nhân suy giảm nghiêm trọng. Các bác sĩ tại khoa Cấp cứu bắt buộc can thiệp đặt ống thở và cài đặt thở máy và chuyển đến đơn vị chăm sóc tích cực Khoa Hồi sức tích cực.
Tại đây, các bác sĩ nhận định đây là ca bệnh còn rất trẻ, tiền sử hoàn toàn khỏe mạnh. Qua các xét nghiệm cận lâm sàng cho thấy, virus SARS-CoV-2 đã tấn công làm phổi bệnh nhân tổn thương nghiêm trọng, suy giảm hệ miễn dịch của người bệnh.
Đến ngày 22/5, sau 3 lần lọc máu liên tiếp và 14 ngày thở máy chế độ đặc biệt, bệnh nhân bắt đầu có tiến triển khá hơn, nhưng rất chậm. Bệnh nhân được chỉ định mở khí quản, chăm sóc hô hấp chuyên sâu, phối hợp thuốc bổ trợ cơ thể, truyền máu và chế phẩm máu, tiếp tục lọc máu hấp phụ độc tố bằng màng lọc đặc biệt thêm 3 lần nữa.
Sau gần 30 ngày chăm sóc toàn diện, tích cực, bệnh nhân được rút ống mở khí quản, tự thở oxy kính. Bệnh nhân tiếp tục điều trị bổ trợ, điều dưỡng tập phục hồi chức năng sau đó.
Đến hôm nay (22/6), bệnh nhân hồi phục sức khỏe hoàn toàn, có kết quả 6 lần liên tiếp âm tính.