Tổng hợp COVID-19 ngày 2/6: Cả nước ghi nhận 241 ca mắc COVID-19 mới; ca tử vong thứ 49

Cả nước ghi nhận 241 ca mắc COVID-19 mới, trong đó có 229 ca cộng đồng; ca bệnh COVID-19 tử vong thứ 49 là BN5463, nữ 37 tuổi ở Quận 3 (TP Hồ Chí Minh); thành phố Bắc Ninh được xác định là “điểm nóng” dịch COVID-19; Việt Nam đàm phán mua 20 triệu liều vaccine Sputnik phòng COVID-19 trong năm 2021… là những tin nổi bật trong ngày 2/6.

Ngày 2/6, cả nước ghi nhận 241 ca mắc COVID-19 mới

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm tầm soát tại TP Hồ Chí Minh. Ảnh: Đan Phương/Báo Tin tức

Theo công bố của Bộ Y tế, tính từ 18 giờ ngày 1/6 đến 6 giờ ngày 2/6, Việt Nam ghi nhận 53 ca mắc mới COVID-19 (BN7573-7625); đều là ca ghi nhận trong nước tại Bắc Giang (48 ca), Bắc Ninh (3 ca), Hà Nội (2 ca).

Thông tin các ca mắc tại đây.

Từ 6 giờ đến 12 giờ ngày 2/6, Việt Nam ghi nhận thêm 50 ca mắc mới COVID-19, trong đó có 48 ca cộng đồng.

Thông tin các ca mắc tại đây.

Tính từ 12 giờ đến 18 giờ ngày 2/6, Việt Nam có thêm 1 ca mắc mới COVID-19, trong đó 128 ca ghi nhận trong nước tại Bắc Giang (74 ca), TP Hồ Chí Minh (31 ca), Bắc Ninh (16 ca), Hà Nội (6 ca), Hải Dương (1 ca).

Thông tin các ca mắc tại đây.

Việt Nam có ca bệnh COVID-19 tử vong thứ 49

Tiểu ban điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 ngày 2/6 thông báo về ca tử vong số 49 là BN5463, nữ 37 tuổi, có địa chỉ tại Quận 3, TP Hồ Chí Minh.

Bệnh nhân có tiền sử suy thận mạn tính giai đoạn cuối, đang điều trị thẩm phân phúc mạc mỗi 6 giờ tại nhà; suy tim; tăng huyết áp. Đây là ca lây nhiễm trong cộng đồng tại Quận 3, TP Hồ Chí Minh.

Ngày 25/5/2021, bệnh nhân được xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2 có kết quả dương tính. Bệnh nhân nhập viện Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh với chẩn đoán: Viêm phổi cấp do SARS-CoV-2, ARDS trên nền suy tim; tăng huyết áp; suy thận mạn giai đoạn cuối, phải lọc thận định kỳ nhiều năm nay.

Bệnh nhân được bệnh viện cấp cứu điều trị tích cực bằng thở máy qua nội khí quản, lọc máu liên tục, kháng sinh, kháng nấm theo kháng sinh đồ, kháng virus, chống đông, truyền máu và chế phẩm máu. Tuy nhiên diễn biến xấu dần, tình trạng suy hô hấp tăng dần, bệnh nền nặng suy thận mạn tính giai đoạn cuối.

Bệnh nhân tử vong sáng 2/6; chẩn đoán tử vong: biến chứng nhiễm trùng huyết, sốc nhiễm khuẩn trên bệnh nhân suy tim, tăng huyết áp, suy thận mạn tính giai đoạn cuối, liên quan COVID-19.

Thành phố Bắc Ninh được xác định là ‘điểm nóng' dịch COVID-19

Trước thực tế số địa điểm có nguy cơ cao và số ca mắc COVID-19 tại thành phố Bắc Ninh ngày càng tăng, đại diện Bộ phận thường trực đặc biệt (Bộ Y tế) nhận định, thành phố Bắc Ninh đang là một “điểm nóng” COVID-19.

Theo thông tin từ Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 của thành phố Bắc Ninh, tính đến 7 giờ ngày 2/6, trên địa bàn thành phố đã có 14/19 phường có bệnh nhân COVID-19 với tổng số 222 ca bệnh.

Trong đó phường Khắc Niệm có số lượng nhiều nhất với 119 ca, Vân Dương 20 ca, Nam Sơn 15 ca. Hiện 107 người mắc là công nhân làm việc tại 20 công ty trong các khu công nghiệp, cụm công nghiệp.

Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 của thành phố Bắc Ninh cũng cho biết, số lượng công nhân trên địa bàn nhiều (khoảng 52.000 người). Trong khi đó, nơi ở, khu nhà trọ chật chội, mật độ cao, sự di chuyển của công nhân nhiều và phức tạp lại cộng thêm nhận thức về phòng chống dịch COVID-19 còn hạn chế nên dẫn đến khó khăn trong việc kiểm soát, quản lý.

Ông Hoàng Minh Đức, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Bộ Y tế, Tổ hỗ trợ điều tra, giám sát dịch và xử lý môi trường tại cộng đồng của Bộ phận thường trực đặc biệt (Bộ Y tế) nhận định, thành phố Bắc Ninh đang là một “điểm nóng” COVID-19 khi đã có nguồn lây từ cộng đồng vào khu công nghiệp và ngược lại.

Đánh giá về tình hình dịch bệnh tại thành phố Bắc Ninh, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên nhấn mạnh, tình hình dịch tuy vẫn nằm trong tầm kiểm soát nhưng còn diễn biến phức tạp, nguy cơ xuất hiện ca bệnh mới vẫn hiện hữu. Bởi thành phố Bắc Ninh là nơi giao thương, mật độ dân cư cao, đặc biệt là thành phố là nơi tập trung rất đông người lao động tới từ nhiều địa phương trong cả nước.

Hiện thành phố Bắc Ninh đã có 14/19 phường có bệnh nhân COVID-19, có ca bệnh liên quan đến công nhân làm việc trong các khu công nghiệp, đáng chú ý còn xuất hiện ca F0 ở doanh nghiệp ngoài các khu công nghiệp. Do vậy, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên yêu cầu thành phố cần xác định ca bệnh F0 cuối cùng vào thời điểm nào tại từng khu phố, từng phường, từ đó thực hiện phong tỏa, khoanh vùng trong diện hẹp, có chiến lược phòng chống dịch phù hợp.

TP Hồ Chí Minh: Chuỗi siêu lây nhiễm tại quận Gò Vấp đã chững lại

Tại cuộc họp trực tuyến giữa Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống dịch COVID-19 và lãnh đạo TP Hồ Chí Minh chiều 2/6, ông Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết, mức độ lây nhiễm của chuỗi siêu lây nhiễm ở quận Gò Vấp đã chững lại và chưa có dấu hiệu gia tăng.

Chú thích ảnh
Ông Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết mức độ lây nhiễm của ổ dịch siêu lây nhiễm quận Gò Vấp đã chững lại. Ảnh: Đan Phương/Báo Tin tức

Báo cáo tại cuộc họp, ông Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết, từ ngày 18/5 đến nay, TP Hồ Chí Minh xuất hiện 3 ổ dịch, trong đó ổ dịch ở Quận 3 và ổ dịch tại một chung cư ở thành phố Thủ Đức đã được kiểm soát, không xuất hiện thêm trường hợp mắc mới, F1 và F2 đều âm tính.

Riêng ổ dịch liên quan đến Hội thánh truyền giáo Phục hưng (quận Gò Vấp), từ ngày 26/5 đến nay, TP Hồ Chí Minh đã ghi nhận 240 trường hợp nhiễm và nghi nhiễm SARS-CoV-2. Kết quả giải trình tự gene SARS-CoV-2 của 5 người bệnh đầu tiên từ ổ dịch siêu lây nhiễm này đều thuộc biến chủng Ấn Độ.

Đáng lưu ý, sự xuất hiện các chuỗi mới xuất phát từ một bệnh nhân trong chuỗi siêu lây nhiễm quận Gò Vấp được ghi nhận tại các tòa nhà văn phòng với tỷ lệ lây nhiễm rất cao. Bên cạnh đó, nhóm bệnh nhân làm việc trong lĩnh vực dịch vụ đã làm cho chuỗi lây nhiễm này phát triển diện rộng. Hiện TP Hồ Chí Minh có 20/22 địa phương có ca mắc COVID-19 cư trú, ngoại trừ Quận 11 và huyện Cần Giờ.

Đánh giá về chuỗi siêu lây nhiễm này, ông Nguyễn Tấn Bỉnh cho biết, nếu tính từ trường hợp đầu tiên là vợ mục sư có triệu chứng vào ngày 13/5 thì chuỗi lây nhiễm này đã trải qua chu kỳ lây nhiễm 4.

Cũng theo ông Nguyễn Tấn Bỉnh, mức độ lây nhiễm của chuỗi lây nhiễm này đã chững lại và chưa có dấu hiệu gia tăng. "Ngày 31/5, Thành phố phát hiện 51 trường hợp, trong ngày 1/6 chỉ phát hiện thêm 43 trường hợp và sáng ngày 2/6 là 23 trường hợp", Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh phân tích qua số liệu.

“Trong suốt 5 ngày qua, Thành phố ghi nhận 240 trường hợp liên quan đến ổ dịch. Như vậy, trung bình một ngày 50 ca, chưa thấy dấu hiệu gia tăng”, ông Bỉnh nói thêm.

Việt Nam đàm phán mua 20 triệu liều vaccine Sputnik phòng COVID-19 trong năm 2021

Thông tin từ Bộ Y tế, Nga đã đồng ý cung ứng cho Việt Nam 20 triệu liều vaccine. Dự kiến tháng 7 này, Công ty Vabiotech sẽ tiến hành đóng ống, gia công vaccine phòng COVID-19 của Nga tại Việt Nam.

Với nỗ lực thực hiện nhiều biện pháp để có vaccine COVID-19, chiều 2/6, GS.TS Nguyễn Thanh Long - Uỷ viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Y tế đã có cuộc cuộc làm việc với Quỹ Đầu tư Trực tiếp Nga về vấn đề cung ứng, chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine.

Thông tin sau buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết, hiện nay nhu cầu vaccine trên toàn cầu rất lớn, Việt Nam đang nỗ lực tiếp cận các nguồn vắc xin phòng COVID-19 để có thể tăng độ bao phủ tiêm chủng cho người dân Việt Nam sớm nhất và nhanh nhất. Tuy nhiên, do Việt Nam là nước triển khai các biện pháp chống dịch hiệu quả, kiểm soát dịch tốt nên việc cung ứng vaccine của các nước cho Việt Nam vẫn theo lộ trình, kế hoạch mà các nhà sản xuất, phân phối đã đưa ra.

Những nghĩa cử cao đẹp trong mùa dịch tại TP Hồ Chí Minh

Chú thích ảnh
Các nhà hảo tâm lập cửa hàng 0 đồng ở hẻm 17 đường Gò Dầu, phường Tân Quý, quận Tân Phú để phục vụ người dân đang bị phong tỏa ở đây. Ảnh: Mạnh Linh/Báo Tin tức

Ngày 2/6, nhiều doanh nghiệp, nhà hảo tâm tại TP Hồ Chí Minh đã nấu những suất cơm nghĩa tình, chuyển những bao gạo, hộp khẩu trang… cho người dân ở trong các khu vực phong tỏa. Đây là những tấm lòng, nghĩa cử cao đẹp rất đáng trân trọng của người dân TP Hồ Chí Minh trong mùa dịch bệnh.

Ghi nhận của phóng viên Báo Tin tức tại phường 5, quận Gò Vấp trong ngày 2/6, rất nhiều nhà hảo tâm tại quận đã đến những khu vực đang bị phong tỏa để phát cơm từ thiện, phát những phần rau xanh, lương thực, gạo… cho người dân.

Chị Nguyễn Dương Đông, ngụ ở phường 5, quận Gò Vấp cho biết: "Hai ngày nay gia đình tôi và mọi người sống tại phường đều được nhận gạo, mì gói, rau xanh, sữa… từ các cơ quan chức năng, nhà hảo tâm. Vì vậy, dù ở trong tâm dịch nhưng chúng tôi vẫn luôn cảm thấy ấm lòng, yên tâm thực hiện cách ly và cùng thành phố chống dịch hiệu quả”.

Tương tự, người dân bị phong tỏa tại khu phố 6, 7, 8 phường 15, quận Tân Bình cũng nhận được rất nhiều hỗ trợ từ các doanh nghiệp, đơn vị, cơ quan đoàn thể của quận đến tặng các mặt hàng nhu yếu phẩm, cơm chay, khẩu trang, mũ ngăn giọt bắn…

M.T/Báo Tin tức (tổng hợp)
Tổng hợp COVID-19 ngày 1/6: Khẩn trương hơn nữa việc mua vacccine phòng dịch; thêm 251 ca mắc mới
Tổng hợp COVID-19 ngày 1/6: Khẩn trương hơn nữa việc mua vacccine phòng dịch; thêm 251 ca mắc mới

Những thông tin thời sự về dịch COVID-19 trong ngày 1/6 được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm gồm: Hà Nội cần khẩn trương hơn nữa trong việc mua vaccine; Quân đội chủ trương chống dịch 'sớm hơn và cao hơn một bước'; cả nước thêm 251 ca mắc mới; ổ dịch Hội thánh truyền giáo Phục hưng mức độ nguy hiểm khó kiểm soát; bệnh nhân COVID-19 thứ 48 tử vong.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN