88.520 ca nhiễm mới trong tuần
Từ ngày 6-12/9, Việt Nam ghi nhận có 88.520 ca mắc COVID-19 mới với 1.966 ca tử vong. Tuy nhiên, nhìn từ con số mắc mới và tử vong trong tuần, đây là tín hiệu tích cực và giảm dần từng ngày. Trong đó, ngày 7/9 có số ca mắc mới cao nhất với trên 14.200 ca; số ca tử vong cao nhất là ngày 8/9 với 335 ca. TP Hồ Chí Minh, Bình Dương và Đồng Nai là 3 địa phương có số ca mắc COVID-19 cao nhất cả nước.
Riêng ngày 12/9, số ca mắc mới được ghi nhận là 11.478 ca với 261 ca tử vong (riêng TP Hồ Chí Minh là 200 ca). Trong đó, TP Hồ Chí Minh có 6.158 ca mắc mới, Bình Dương là 3.188 ca, Đồng Nai 974 ca... Đáng chú ý, số ca mắc mới trong cộng đồng chỉ còn 6.650/11.478 ca. Điều này cho thấy, dịch bệnh đang ngày càng được kiểm soát và số ca F0 được bóc tách trong cộng đồng đã giảm mạnh.
Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua là 12.633 ca/ngày. Số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua trung bình là 281 ca/ngày.
Bàn về số ca tử vong, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, Trưởng Tiểu ban Y tế của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 cho biết: Tỷ lệ ca mắc mới COVID-19 tại cộng đồng trong tuần qua đã giảm so với tuần trước tại một số địa phương như: Đà Nẵng giảm 60%, Bình Dương giảm 27%, Long An giảm 3%...
Đặc biệt, trong tuần qua, số ca tử vong trung bình theo ngày trên toàn quốc giảm 30%; trong đó TP Hồ Chí Minh giảm 30%, Đồng Nai giảm 50%, Long An giảm 30%, Tiền Giang giảm 70%.
Có 12 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp nhiễm mới trong nước: Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lai Châu, Hoà Bình, Yên Bái, Hà Giang, Thái Nguyên, Điện Biên, Vĩnh Phúc, Hải Phòng, Hải Dương, Hà Nam.
Có 6 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua: Thái Bình, Phú Thọ, Kon Tum, Quảng Ninh, Lào Cai, Ninh Bình.
Trong ngày 12/9, số bệnh nhân được công bố khỏi bệnh là 11.116 ca. Tổng số ca được điều trị khỏi đến nay là 374.578 ca. Hiện số bệnh nhân nặng đang điều trị là 6.057 ca. Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 15.279 ca, chiếm tỷ lệ 2,5% so với tổng số ca mắc và cao hơn 0,4% so với tỷ lệ tử vong do COVID-19 trên thế giới (2,1%).
Trong ngày 12/9, Bộ Y tế tiếp nhận 200.000 liều vaccine phòng COVID-19 từ Bỉ và Slovakia.
Cũng theo Bộ Y tế, dự kiến từ nay đến cuối năm 2021, sẽ có khoảng 103,4 triệu liều vaccine phòng COVID-19 về Việt Nam. Bộ Y tế đã và đang đàm phán và trao đổi với các đơn vị để cung ứng vaccine cho năm 2022.
TP Hồ Chí Minh xây dựng lộ trình “thẻ xanh COVID-19” và phục hồi kinh tế sau 15/9
Là địa phương có số ca nhiễm và tử vong cao nhất cả nước do COVID-19, việc TP Hồ Chí Minh xây dựng lộ trình phục hồi kinh tế sau 15/9 là tín hiệu vui cho người dân thành phố nói riêng và cả nước nói chung. Bởi điều này cho thấy, tình hình dịch bệnh tại TP Hồ Chí Minh đã từng bước kiểm soát, số F0 phát hiện trong cộng đồng đã giảm mạnh.
Ngày 10/9, Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó Trưởng phòng Tham mưu Công an TP Hồ Chí Minh cho biết, ngành Công an và Bộ Y tế đang triển khai ứng dụng VN-eID, nếu cập nhật đầy đủ thông tin, ứng dụng này sẽ giống như "thẻ xanh", "thẻ vàng" (thẻ thông hành) để xác định điều kiện, kiểm soát người dân khi ra đường.
Cụ thể, theo chỉ đạo từ Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ tại TP Hồ Chí Minh, ngành Công an được giao nhiệm vụ phối hợp với Sở Y tế, Sở Thông tin và Truyền thông thực hiện kiểm soát người ra đường và F0 bằng phần mềm VN-eID. Hàng ngày, các cơ quan chức năng sẽ cập nhật danh sách F0 về cơ sở dữ liệu quốc gia dân cư của Bộ Công an. Danh sách cập nhật này phục vụ cho Công an TP Hồ Chí Minh triển khai kiểm tra mã QR, xác định F0 có lưu thông trên đường hay không trong thời gian tới. Đây cũng được xem là điều kiện cần để TP Hồ Chí Minh có những phương án nới lỏng giãn cách xã hội.
Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi cũng cho biết, Thành phố đang đặt mục tiêu phấn đấu đến ngày 15/9 cơ bản kiểm soát được dịch bệnh để sau đó từng bước nới lỏng và phục hồi kinh tế, sớm đưa cuộc sống của người dân trở về trạng thái “bình thường mới".
Sau thời gian thực hiện việc siết chặt giãn cách xã hội với phương châm "ai ở đâu ở yên đó" từ ngày 23/8 đến ngày 6/9 và kéo dài đến 15/9, cùng đó với là tăng tốc độ tiêm vaccine COVID-19 cho người dân toàn thành phố, TP Hồ Chí Minh đang có những sự thay đổi tích cực theo hướng kiểm soát được dịch bệnh.
Đặc biệt, trong tuần qua, TP Hồ Chí Minh đã giảm rõ rệt trên cả 2 tiêu chí: Số ca mắc trong cộng đồng và số ca tử vong, trong đó số ca tử vong của TP Hồ Chí Minh đã giảm 30%. Các quận, huyện đã kiểm soát được dịch là: Quận 7, Củ Chi và Cần Giờ.
Theo UBND TP Hồ Chí Minh, đến đầu tháng 9, TP Hồ Chí Minh đã có hơn 80% người dân từ 18 tuổi trở lên được tiêm chủng 1 mũi vaccine. Cụ thể, tính đến ngày 9/9, Thành phố đã có 6.293.416 người tiêm mũi 1, chiếm tỷ lệ 87% và 893.985 người tiêm mũi 2, chiếm tỷ lệ 12%. Theo kế hoạch, đến ngày 15/9, Thành phố sẽ bao phủ vaccine mũi 1 cho tất cả người dân trong độ tuổi từ 18 trở lên và mũi 2 cho những người đã đến lịch tiêm.
Bà Lê Thị Huỳnh Mai, Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư TP Hồ Chí Minh cho biết, sau khi có đủ điều kiện an toàn để khôi phục kinh tế, Thành phố đã đưa ra 5 quan điểm, nguyên tắc mở cửa nền kinh tế. .
Theo đó, TP Hồ Chí Minh dự kiến sẽ từng bước nới lỏng giãn cách xã hội, triển khai thí điểm "thẻ xanh COVID-19", "thẻ vàng COVID-19" và thí điểm ưu tiên mở cửa một số lĩnh vực theo lộ trình tại Quận 7, huyện Củ Chi và huyện Cần Giờ sau ngày 15/9.
Trước mắt, từ ngày 9/9, TP Hồ Chí Minh cho phép loại hình kinh doanh dịch vụ ăn, uống được phép hoạt động từ 6 giờ đến 18 giờ hằng ngày theo hình thức bán hàng mang về. Theo quy định của UBND TP Hồ Chí Minh, các cơ sở kinh doanh ăn uống muốn mở cửa bán trở lại phải đáp ứng các tiêu chí: Hoạt động theo phương thức "3 tại chỗ", chỉ kinh doanh qua đặt hàng trực tuyến; người giao hàng là các đơn vị cung ứng dịch vụ giao nhận hàng hóa có ứng dụng công nghệ (shipper) phải đảm bảo các biện pháp an toàn phòng, chống dịch. Trong đó, điều kiện kèm theo là người lao động đã tiêm ngừa ít nhất 1 mũi vaccine phòng, chống COVID-19 và thực hiện xét nghiệm nhanh âm tính với COVID-19 là 2 ngày/lần theo mẫu đơn hoặc mẫu gộp 3 người theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Ngoài các lộ trình dự kiến, TP Hồ Chí Minh cũng có những giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp gồm: hỗ trợ tín dụng, hỗ trợ tổ chức sản xuất, kinh doanh, giảm chi phí và chăm lo đời sống người lao động; hỗ trợ mở rộng thị trường, hỗ trợ về thông tin, đào tạo nguồn nhân lực; hỗ trợ từ ngân sách nhà nước.
Theo Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi, để có thể sớm nới lỏng giãn cách, phục hồi kinh tế, TP Hồ Chí Minh sẽ tập trung quyết liệt các giải pháp phòng, chống dịch. Bởi có phòng, chống dịch hiệu quả mới có thể phục hồi kinh tế. Việc nới lỏng, mở cửa phục hồi kinh tế phụ thuộc nhiều vào kết quả phòng, chống dịch và việc phục hồi nền kinh tế chỉ có thể thực hiện sớm, mở rộng nhanh khi tình hình cải thiện tốt.
Chính vì vậy, TP Hồ Chí Minh kêu gọi các F0 đã khỏi bệnh đăng ký tham gia công tác phòng, chống dịch bệnh. Hiện Sở Y tế Thành phố đang cần 1.728 người tại các đơn vị, đến nay thành phố ghi nhận 1.543 F0 đã khỏi bệnh đăng ký tham gia vào công tác này.
Bình Dương dồn toàn lực để hoàn thành mục tiêu trở lại trạng thái bình thường mới
Sau TP Hồ Chí Minh, Bình Dương là địa phương có số ca mắc COVID-19 đứng thứ 2 của cả nước. Tuy nhiên, cùng với quyết tâm khống chế dịch, Bình Dương cũng đang vào giai đoạn chạy nước rút để hoàn thành mục tiêu trở lại trạng thái “bình thường mới” từ ngày 15/9.
Việc đáng quan tâm hiện nay số ca ghi nhận mỗi ngày vẫn còn rất lớn. Thành phố Thủ Dầu Một (vừa công bố chuyển hóa từ “vùng đỏ” thành “ vùng xanh” và trở về trạng thái bình thường mới) cũng ghi nhận thêm 232 ca mắc mới, trong đó có 143 ca qua sàng lọc trong cộng đồng.
Theo Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Dương Nguyễn Hồng Chương, Bình Dương được đánh giá là địa phương có diễn biến dịch COVID-19 phức tạp nhất cả nước, nguyên nhân là do khu vực xảy ra dịch tập trung công nhân, người thuê nhà trọ; đặc biệt những nhà máy đan xen với nhà trọ. Trong khi đó, những nhà trọ ở Bình Dương xây dựng từ rất lâu theo một mô hình cũ, nên rất chật, đông người; điều kiện sống tốt. Điều kiện đó làm lây lan virus trong cộng đồng rất nhiều. Mặc dù, tỉnh siết chặt giãn cách xã hội nhưng biến chủng Delta không chỉ lây qua tiếp xúc, còn lây qua không khí, nên ở nhà trọ không tiếp xúc vẫn có thể lây. Đây là vấn đề làm phát sinh F0 rất nhiều.
Nguyên nhân thứ hai là Bình Dương kiên quyết làm xét nghiệm bóc tách F0 trong cộng đồng, không bỏ sót trường hợp nào nhằm kiểm soát cho được dịch bệnh trong cộng đồng, nên hầu hết mọi người được xét nghiệm. Đặc biệt, người dân ở khu nhà trọ xét nghiệm rất nhiều, liên tục - ông Nguyễn Hồng Chương cho hay.
Tuy nhiên, theo Giám đốc Sở Y tế Bình Dương, việc phòng, chống dịch trên địa Bình Dương đang được kiểm soát; trong đó, ở những vùng không có nhiều khu nhà trọ tương đối yên ổn và đã chuyển hóa "vùng xanh". Hiện nay, tỉnh đang huy động lực lượng từ “vùng xanh” hỗ trợ cho “vùng đỏ” với quyết tâm dồn toàn lực để hoàn thành việc xét nghiệm bóc tách hết F0 còn phát sinh trong động đồng tại những khu vực còn “vùng đỏ” ; qua đó nhanh chóng khoanh vùng, dập dịch để đưa Bình Dương trở về trạng thái bình thường mới.
Theo đó, ngày 11/9, UBND tỉnh Bình Dương chủ trương cho phép người dân trong “vùng xanh” được lưu thông giữa các huyện, thị xã thuộc địa bàn “vùng xanh”; các “vùng đỏ” tiếp tục được kiểm soát khóa chặt, cấm người dân đi ra khỏi nơi cư trú.
Đến nay, Bình Dương đã thiết lập 5 “vùng xanh” gồm bốn huyện Bắc Tân Uyên, Phú Giáo, Dầu Tiếng, Bàu Bàng và thành phố Thủ Dầu Một.
Đồng Nai xây dựng "bản đồ lây nhiễm, tiêm chủng", "giấy thông hành vaccine"
Tuy là địa phương đứng thứ 3 của cả nước về COVID-19, tuy nhiên tỉnh Đồng Nai có số nhiễm không cao. Theo đó, ông Nguyễn Hồng Lĩnh, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai đã yêu cầu các đơn vị trên địa bàn tỉnh Đồng Nai xây dựng “bản đồ lây nhiễm”, “bản đồ tiêm chủng” COVID-19. Ngoài ra, tỉnh Đồng Nai cũng sẽ ban hành “giấy thông hành vaccine” điện tử nhằm kiểm soát dịch COVID-19 khi địa phương bước vào trạng thái bình thường mới.
Sở Thông tin – Truyền thông Đồng Nai có trách nhiệm nghiên cứu các phần mềm điện tử để kiểm soát, cảnh báo các trường hợp F0, F1 đang cách ly tại nhà khi di chuyển. Xây dựng phần mềm chuyển đổi số để doanh nghiệp dùng chung và tiết kiệm chi phí.
Hà Nội quyết tâm không để F1, F0 phải cách ly, điều trị tại nhà
Mặc dù là thành phố lớn thứ 2 của cả nước, nhưng số ca nhiễm COVID-19 tại Hà Nội vẫn được kiểm soát tốt. Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong, Phó Chỉ huy trưởng Thường trực Sở Chỉ huy phòng, chống dịch COVID-19 thành phố Hà Nội khẳng định thành phố quyết tâm không để các trường hợp F1, F0 phải cách ly, điều trị tại nhà.
Để đạt được mục tiêu trên, thời gian qua, Hà Nội đã tập trung nâng cao năng lực y tế của thành phố. Trong đó, Hà Nội đã phối hợp chặt chẽ với các bệnh viện Trung ương, huy động các bệnh viện tư nhân cùng vào cuộc; chủ động củng cố, nâng cao năng lực điều trị của tất cả các cơ sở y tế của Hà Nội, từ các bệnh viện đến các trạm y tế.
Đến nay, Hà Nội xây dựng phương án đáp ứng cho tình huống có tới 40.000 trường hợp F0. Thành phố đã giao nhiệm vụ cho các bệnh viện, cơ sở y tế chuẩn bị phương án này. Thành phố đang kích hoạt và vận hành cơ chế có 10.000 ca F0, nhưng thực tế, thành phố đã có 14.600 giường bệnh để thu dung, điều trị F0 thể nhẹ (tầng 1) và ở tầng 2, tầng 3 đã kích hoạt 2.000 giường. Chưa kể số giường bệnh của Bộ Y tế giao nhiệm vụ cho các bệnh viện tuyến Trung ương hỗ trợ Hà Nội 2.500 giường. Hà Nội cũng cho sửa chữa, nâng cấp hệ thống oxy của tất cả các bệnh viện thành phố, đảm bảo đáp ứng yêu cầu điều trị cho 40.000 người bệnh.
Đại diện Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội cũng cho biết: Hà Nội đã đạt kỷ lục về số mũi tiêm trong các ngày gần đây, công tác tiêm chủng đang được đẩy nhanh, tiêm cả ngày và đêm để tiến tới bao phủ vaccine cho 100% người trên 18 tuổi vào ngày 15/9.
Riêng trong ngày 11/9, toàn thành phố đã triển khai tiêm được hơn 411.000 liều vaccine, là con số mũi tiêm trong ngày cao nhất từ trước tới nay; trước đó ngày 10/9, Hà Nội tiêm đạt 360.690 mũi. Công tác tiêm chủng đang được tích cực triển khai, tiêm cả ngày và đêm để nhanh chóng bao phủ vaccine cho các đối tượng tiêm chủng theo kế hoạch.
Như vậy so với thống kê dân số từ 18 tuổi trở lên của Hà Nội là 5,75 triệu người, thì đến nay đã có 84,11% người trên 18 tuổi trên địa bàn Thành phố đã được tiêm ít nhất 1 mũi vaccine phòng COVID-19.
Hà Nội vẫn đang tích cực triển khai công tác tiêm chủng vaccine COVID-19, hướng tới mục tiêu đến ngày 15/9 tới, Thành phố sẽ phủ được 100% người dân từ 18 tuổi trở lên được tiêm ít nhất 1 mũi vaccine phòng COVID-19.
Nhiều địa phương phân cấp độ nguy cơ dịch và nới lỏng giãn cách xã hội
Ngày 9/9, tỉnh Tây Ninh đã ban hành Công văn số 3078, về việc điều chỉnh các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 phù hợp với từng cấp độ nguy cơ vùng dịch trên địa bàn tỉnh từ ngày 9/9.
Cụ thể, những ấp, khu phố thuộc "vùng xanh", "vùng vàng" sẽ áp dụng thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo tinh thần Chỉ thị 15 của Thủ tướng Chính phủ; những ấp, khu phố thuộc "vùng đỏ", "vùng cam" sẽ tiếp tục thực hiện theo Chỉ thị 16.
Cùng ngày, tỉnh Trà Vinh cũng ban hành công văn 4021/UBND-KGVX về việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19. Theo đó, từ 0 giờ ngày 10/9/2021, tỉnh Trà Vinh áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp theo cấp độ nguy cơ của từng địa bàn xã, phường, thị trấn.
Đối với vùng nguy cơ rất cao (vùng đỏ), tỉnh tiếp tục áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản chỉ đạo, điều hành công tác phòng, chống dịch COVID-19 trong thời gian giãn cách xã hội của Chủ tịch UBND tỉnh.
Với vùng nguy cơ cao (vùng cam), vùng nguy cơ (vùng vàng) và vùng bình thường mới (vùng xanh), tỉnh thực hiện Chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 27/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ về quyết liệt thực hiện đợt cao điểm phòng, chống dịch COVID-19 (tăng cường).
Trong khi đó, tại tỉnh Bến Tre, từ 0 giờ ngày 10/9 được áp dụng thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội trên địa bàn toàn tỉnh Bến Tre theo nguyên tắc Chỉ thị 15/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời, thực hiện áp dụng bổ sung các giải pháp, biện pháp tăng cường so với Chỉ thị số 15/CT-TTg để phòng, chống, đẩy lùi dịch bệnh COVID-19, bảo vệ sự an toàn cho tỉnh Bến Tre; giữ vững vùng xanh; khôi phục, xanh hóa các vùng còn lại; không để dịch bệnh xâm nhập, lây lan.
Đối với 6 huyện, thành phố có nguy cơ dịch bệnh ở mức độ bình thường mới (vùng xanh) gồm: thành phố Bến Tre, Giồng Trôm, Ba Tri, Mỏ Cày Bắc, Chợ Lách, Bình Đại sẽ thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 15/CT-TTg, áp dụng bổ sung các giải pháp, biện pháp tăng cường so với Chỉ thị số 15/CT-TTg, phù hợp với thực tiễn địa bàn, để phòng, chống, đẩy lùi dịch bệnh COVID-19.
Sẽ chỉ có một ứng dụng công nghệ phục vụ phòng, chống dịch
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu, thời gian tới sẽ chỉ có một ứng dụng công nghệ phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19, đảm bảo thuận tiện cho người dân sử dụng, đáp ứng yêu cầu thông tin và dữ liệu.
Các thông tin về sức khỏe đi lại, tiếp xúc... của người dân được quản lý tập trung, thống nhất và chỉ phục vụ cho mục đích phòng, chống dịch; đảm bảo an toàn thông tin, không sử dụng vào bất kỳ mục đích khác.
Bộ Y tế tiếp tục chỉ đạo việc cập nhật hồ sơ sức khỏe của người dân, kết quả xét nghiệm và tiêm vaccine, điều trị bệnh nhân mắc COVID-19…; tích hợp các dữ liệu trên về Bộ Thông tin và Truyền thông để phục vụ cho việc triển khai ứng dụng mới.
Thủ tướng đồng ý đề xuất thí điểm đón khách du lịch quốc tế đến Phú Quốc
Theo đó, Phú Quốc sẽ được thí điểm đón khách quốc tế trong thời gian 6 tháng, dự kiến từ tháng 10/2021, nếu cần, sẽ điều chỉnh thời gian thực hiện hợp lý, tùy vào tình hình thực tế.
Đối tượng được thực hiện thí điểm là khách du lịch quốc tế có chứng nhận tiêm đủ liều vaccine phòng COVID-19 được cơ quan có thẩm quyền tại Việt Nam công nhận, thời gian tiêm mũi 2 ít nhất 14 ngày và không quá 12 tháng tính đến lúc nhập cảnh. Có chứng nhận đã khỏi bệnh COVID-19 được cơ quan có thẩm quyền tại Việt Nam công nhận. Thời gian từ lúc xuất viện tính đến ngày nhập cảnh không quá 12 tháng. Phải xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR/RT-LAMP trong vòng 72 giờ trước khi xuất cảnh và được cơ quan có thẩm quyền của nước thực hiện xét nghiệm cấp chứng nhận (bằng tiếng Anh) với kết quả âm tính. Đã đăng ký tham gia chương trình du lịch trọn gói của doanh nghiệp lữ hành.
Hayat – Vax thành vaccine phòng COVID-19 thứ 7 được phê duyệt tại Việt Nam
Ngày 10/9, Bộ Y tế đã có Quyết định 4361/QĐ-BYT phê duyệt có điều kiện vaccine Hayat – Vax cho nhu cầu cấp bách trong phòng, chống dịch COVID-19.
Theo đó, vaccine Hayat - Vax do Công ty TNHH Viện Sinh phẩm Bắc Kinh thuộc Tập đoàn Biotec Quốc gia Trung Quốc (CNBG), Trung Quốc sản xuất bán thành phẩm.
Vaccine này được đóng gói sơ cấp, thứ cấp và xuất xưởng tại Julphar (Gulf Pharmaceutical Industries) - Các tiểu Vương quốc Ả rập thống nhất.
Tại Việt Nam, Công ty Cổ phần Y dược phẩm Vimedimex là nơi đã đề xuất phê duyệt vaccine này.
Vaccine Hayat - Vax mỗi liều 0,5 ml chứa 6.5 đơn vị kháng nguyên SARS-CoV-2 (tế bào vero) bất hoạt, bào chế ở dạng hỗn dịch tiêm. Vaccine được đóng gói hộp một lọ chứa một liều 0,5 ml và hộp một lọ chứa 2 liều, mỗi liều 0,5 ml.
Bộ Y tế cũng quy định các điều kiện đi kèm việc phê duyệt Hayat - Vax cho nhu cầu cấp bách trong phòng, chống dịch COVID-19.
Như vậy, hiện có 7 loại vaccine phòng COVID-19 đã được cấp phép sử dụng và đang triển khai tiêm chủng tại Việt Nam gồm: AstraZeneca (do AstraZeneca sản xuất), Sputnik V (Viện nghiên cứu Gamaleya), COVID-19 Vaccine Janssen (Johnson & Johnson), Spikevax (COVID-19 Vaccine Moderna), Comirnaty (Pfizer – BioNTech), Vero Cell (China National Biotec Group (CNBG)/Sinopharm) và Hayat - Vax.