TP Hồ Chí Minh chuyển qua giai đoạn 'sống chung với dịch nhưng không có dịch'

"Thời gian qua, TP Hồ Chí Minh đã dồn lực cho công tác chống dịch, nên giờ đây sức bật sẽ tốt cho kinh tế - xã hội khi dịch giảm và được kiểm soát. Đây là thời điểm để thành phố chuẩn bị chuyển qua giai đoạn mới - sống chung với dịch nhưng không có dịch".

Đây là khẳng định của Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân tại Hội nghị lần thứ 40 Ban Chấp hành Đảng bộ TP Hồ Chí Minh khóa X diễn ra trong ngày 16/4.

Chú thích ảnh
Bí thư Thành uỷ TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại Hội nghị lần thứ 40 Ban Chấp hành Đảng bộ TP Hồ Chí Minh khóa X trong ngày 16/4. Ảnh:TTBC

Hội nghị diễn ra trong bối cảnh thành phố đang cùng cả nước ngăn chặn nguy cơ, diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, vì vậy các ý kiến thảo luận chủ yếu xoay quanh nội dung thực hiện nhiệm vụ kép: vừa chống dịch vừa đảm bảo hoạt động sản xuất hiệu quả.

Quyết liệt phòng dịch sớm nên kiểm soát tốt tình hình

Phát biểu tại hội nghị, ông Lê Thanh Liêm, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh, cho biết trong quý I, Thành phố thực hiện song song nhiệm vụ kép là vừa phòng chống dịch vừa đảm bảo an toàn sản xuất. Các đơn vị vẫn phải hoạt động sản xuất và kiêm thêm nhiệm vụ chống dịch. Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) 3 tháng đầu năm ước đạt 335.2 tỷ đồng, tăng 0,42% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm trước tăng 7,64%). Tổng thu ngân sách nhà nước thực hiện ước đạt 88.241 tỷ đồng, đạt 22% dự toán và giảm 8,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong quý I, Thành phố thu hút được 1,05 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), giảm 33% so với cùng kỳ năm trước.

Chia sẻ thông tin về công tác triển khai các giải pháp phòng, chống dịch COVID-19, theo ông Lê Thanh Liêm, ngay từ khi xuất hiện dịch bệnh và tiếp nhận chỉ đạo của Trung ương, lãnh đạo Thành phố đã chủ động xây dựng các kịch bản phòng, chống từ sớm với nguyên tắc chống dịch: Ngăn chặn - phát hiện - cách ly - khoanh vùng - dập dịch và phương châm 5 "tại chỗ": Chỉ huy tại chỗ; đảm bảo cơ sở cách ly, chữa trị, trang thiết bị, thuốc điều trị tại chỗ; đảm bảo nhân lực tại chỗ; kinh phí tại chỗ; xác định nhiệm vụ, phương án phòng chống dịch tại chỗ.

Chú thích ảnh
Các nhiệm vụ kinh tế được thực hiện song song với công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19 tại TP Hồ Chí Minh.

Ngoài ra, Thành phố đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền; thực hiện nghiêm túc các Chỉ thị, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, nhất là Chỉ thị 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19.

Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân cũng cho biết, ngay từ khi dịch bệnh xuất hiện ở các nước và các tỉnh, Thành phố đã có kế hoạch phòng dịch sớm với quyết tâm kiểm soát những ổ dịch ở quy mô nhỏ lẫn quy mô toàn thành phố; đồng thời dập dịch kịp thời, không để dịch bệnh lây lan trong cộng đồng. Cụ thể, thời điểm ngày 29/3, cả nước có 163 ca nhiễm phải điều trị trong bệnh viện, từ đó đến nay giảm dần, đến ngày 15/4 chỉ còn 98 người phải điều trị. Trong khi đó, tại TP Hồ Chí Minh, ngày cao nhất là 28/3 với 42 bệnh nhân nằm viện, đến nay chỉ còn 9 người.

"TP Hồ Chí Minh đã hoàn thành tốt công tác phát hiện kịp thời nguy cơ lây nhiễm và cách ly kịp thời, triệt để nên số người điều trị giảm dần, đây là tiền đề để Thành phố tiếp tục làm tốt hơn trong thời gian tới. Tuy nhiên, các cơ quan, ban ngành và người dân không được có tâm lý chủ quan, lơ là trong công tác phòng chống dịch bởi dịch bệnh diễn biến rất phức tạp. Nhiều ca bệnh hơn 14 ngày mới phát bệnh hoặc có ca bệnh sau khi điều trị có kết quả âm tính, khi ra cộng đồng xét nghiệm lại cho kết quả dương tính. Vừa qua, khi thực hiện giãn cách xã hội, vẫn còn một bộ phận người dân đi ra đường khi không cần thiết, do đó, còn 1 tuần nữa thực hiện giãn cách xã hội, người dân cần tuân thủ nghiêm túc Chỉ thị 16 của Chính phủ, hạn chế ra đường khi không thật sự cần thiết", Bí thư Thành uỷ TP Hồ Chí Minh nói.

Tiếp tục hỗ trợ người khó khăn trong mùa dịch

Dưới tác động của dịch bệnh COVID-19, Thành ủy, UBND TP Hồ Chí Minh cũng có những quyết sách kịp thời để hỗ trợ những người có hoàn cảnh khó khăn.

Chú thích ảnh
Nhiều người lao động được nhận hỗ trợ và sự quan tâm của cả xã hội, hệ thống chính trị. 

Theo đó, HĐND Thành phố đã thông qua chế độ chính sách cho các đối tượng bị ảnh hưởng dịch bệnh với tổng kinh phí 2.753 tỷ đồng, trong đó chi hỗ trợ với mức 1 triệu đồng/người/tháng cho 600.000 lao động bị mất việc, ngừng việc. Đặc biệt, có 32.000 người là giáo viên mầm non, nhóm trẻ ngoài công lập, ngoài quốc doanh cũng được hưởng 1 triệu đồng/tháng, trong 3 tháng. Ngoài ra, Thành phố còn hỗ trợ cho khoảng 12.000 người bán vé số (cả thường trú và tạm trú) với tổng số tiền hỗ trợ khoảng 9 tỉ đồng từ nguồn quỹ chống COVID-19 của thành phố. Theo đó, mỗi người sẽ nhận được 750.000 đồng trong 15 ngày thực hiện giãn cách xã hội (từ 1-15/4)...

Ông Lê Thanh Liêm cũng cho biết, trong cuộc chiến chống dịch COVID-19, chính quyền Thành phố đã có những chính sách trực tiếp, kịp thời đối với người dân, công nhân lao động, người nghèo, người bán vé số… bị ảnh hưởng. Những chính sách xuất phát từ truyền thống nghĩa tình, nhường cơm sẻ áo của người dân thành phố, thể hiện tính nhân văn, ưu việt của chế độ. Sắp tới, TP Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục kiểm tra, rà soát các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn bị tác động bởi dịch bệnh để hỗ trợ kịp thời cho mọi người với quyết tâm “không để ai bị bỏ lại phía sau" trong mùa dịch bệnh.

Chú thích ảnh
Người lao động có hoàn cảnh khó khăn trong mùa dịch bệnh đã nhận được 1,5 kg gạo tại "ATM gạo" miễn phí.

Thông tin về việc chuẩn bị cho các hoạt động quan trọng sắp tới, Bí thư Thành uỷ Nguyễn Thiện Nhân cho biết, dự kiến ngày 15/5, học sinh thành phố sẽ đi học trở lại. Vì vậy, từ nay đến ngày 15/5, các cơ quan, ban ngành liên quan phải xây dựng Bộ quy tắc trường học an toàn dịch COVID-19. Ngoài ra, các ngành nghề khác như kinh doanh, giao thông, sản xuất… cũng phải đảm bảo an toàn trong sản xuất, không để tình trạng doanh nghiệp có chỉ số rủi ro lây nhiễm cao mà vẫn hoạt động.

“Qua quý I, TP Hồ Chí Minh đã rút ra được cách phòng dịch hiệu quả, vì vậy trong quý tới cần tiếp tục làm, làm tốt hơn để quý II khôi phục lại sản xuất kinh doanh, các hoạt động đời sống trong một trạng thái mới nhưng đảm bảo không phát sinh dịch bệnh. Nghĩa là Thành phố chuẩn bị chuyển qua giai đoạn mới - sống chung với dịch nhưng không có dịch", Bí thư Thành uỷ Nguyễn Thiện Nhân nói thêm.

Ngoài ra, sắp tới, TP Hồ Chí Minh sẽ đẩy mạnh thực hiện chương trình công tác gắn với 10 nội dung thi đua 200 ngày chào mừng Đại hội Đảng bộ quận, huyện và Đại hội Đảng bộ TP Hồ Chí Minh; tiếp tục chỉ đạo chuẩn bị Đại hội đảng bộ các cấp theo kế hoạch; hoàn thành việc góp ý 4 chương trình, 3 đột phá, 1 trọng điểm để thông qua trước Đại hội Đảng bộ TP Hồ Chí Minh.

Hội nghị lần thứ 40 Ban Chấp hành Đảng bộ TP Hồ Chí Minh khóa X diễn ra trong 1 ngày. Các đại biểu thảo luận, cho ý kiến về Báo cáo thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - văn hóa – xã hội quý I; Nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm quý II năm 2020; cho ý kiến về Báo cáo cập nhật kết quả thực hiện các chỉ tiêu theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP khóa X.

Ngoài ra, các đại biểu cũng nghe Báo cáo kết quả thực hiện Quy định 1374-QĐ/TU của Ban Thường vụ Thành ủy về quy trình giải quyết thông tin phản ánh liên quan các tập thể, cá nhân suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, vi phạm quy định của Đảng, pháp luật Nhà nước quý 1/2020.
Tin, ảnh: Hoàng Tuyết/Báo Tin tức
TP Hồ Chí Minh: Đường phố tấp nập, nhiều người không đeo khẩu trang trong ngày đầu tiếp tục giãn cách xã hội
TP Hồ Chí Minh: Đường phố tấp nập, nhiều người không đeo khẩu trang trong ngày đầu tiếp tục giãn cách xã hội

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, TP Hồ Chí Minh vẫn tiếp tục áp dụng cách ly xã hội đến hết ngày 22/4. Tuy nhiên, trong sáng 16/4, các tuyến đường trung tâm thành phố vẫn tấp nập người dân qua lại.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN