Ông Võ Văn Hoan, Chánh Văn phòng - Người phát ngôn của UBND TP Hồ Chí Minh đã chia sẻ như trên về vấn đề sáp nhập một số sở tại dự thảo Nghị định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, thành đang được Bộ Nội vụ lấy ý kiến, tại buổi họp báo về tình hình kinh tế xã hội quý 1/2017 của TP Hồ Chí Minh diễn ra ngày 31/3.
Theo ông Võ Văn Hoan, Nghị quyết 16 của Bộ Chính trị nói rất rõ, những vấn đề liên quan đến TP Hồ Chí Minh nên nghiên cứu sâu và chỉ đạo giải quyết rất cụ thể. TP Hồ Chí Minh phải có cơ chế đặc thù, nội dung sát sườn để tạo điều kiện cho thành phố phát triển. Nhưng TP Hồ Chí Minh hiện cũng giống như các tỉnh, thành phố khác. “Tất cả các văn bản quy phạm pháp luật, tất cả các quy định về cơ cấu, tổ chức, bộ máy địa phương, cơ chế về tài chính, ngân sách… TP Hồ Chí Minh cũng giống 62 tỉnh thành khác”, ông Hoan nhấn mạnh.
Cho rằng việc sáp nhập các Sở Giao thông vận tải, Xây dựng và Quy hoạch - Kiến trúc theo dự thảo có nhiều bất cập, thậm chí thụt lùi, ông Võ Văn Hoan cho biết: Trước đây, quy hoạch nằm trong xây dựng, sau đó thành phố đề xuất cơ chế Kiến trúc sư trưởng, người có thẩm quyền quyết định về vấn đề về quy hoạch. Sau đó, lại chuyển thành Sở Quy hoạch - Kiến trúc, bây giờ lại tính chuyện sáp nhập với Sở Xây dựng. Như vậy là quay về điểm ban đầu, không giải quyết được gì...
Người phát ngôn UBND TP Hồ Chí Minh cho biết: Thành phố luôn mong muốn tinh gọn bộ máy, nhưng phải trên cơ sở tạo điều kiện cho thành phố phát triển chứ không phải là làm "teo tóp" bộ máy, khó quản lý hiệu quả các lĩnh vực kinh tế, xã hội, văn hóa, an ninh quốc phòng… trên địa bàn thành phố...
Trước đó, ngày 27/3, tại buổi làm việc với Đoàn giám sát của Quốc hội về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011 - 2016” , ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cũng nêu quan điểm không đồng ý đề xuất việc hợp nhất Sở Kế hoạch và Đầu tư với Tài chính, Xây dựng và Giao thông Vận tải, Quy hoạch và Kiến trúc.
Từ thực tế của Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố, ông Nguyễn Thành Phong cho biết: Chỉ riêng năm 2016, Sở Kế hoạch và Đầu tư giải quyết 273.000 hồ sơ, tiếp nhận hơn 50.000 văn bản và phát đi hơn 35.000 văn bản. Sở này đang theo dõi hơn 6.700 dự án, làm việc với các doanh nghiệp đến từ 87 quốc gia và vùng lãnh thổ. Theo ông Phong, đó mới chỉ là việc của Sở Kế hoạch và Đầu tư, chưa kể Sở Tài chính. Nếu nhập 2 sẽ không thể làm nổi, dẫn đến đình trệ công việc, ảnh hưởng tới người dân và doanh nghiệp, tác động đến sự phát triển của thành phố.
Nhấn mạnh việc tổ chức lại bộ máy nhà nước tại TP Hồ Chí Minh phải căn cứ vào đặc thù của thành phố, ông Phong cho rằng không thể sáp nhập ba Sở Xây dựng, Quy hoạch và Kiến trúc, Giao thông bởi dân số thành phố đang lên đến 13 triệu người, các vấn đề về đô thị, dân sinh là rất phức tạp. Ví dụ, trước đây, việc chuyển Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất ở các quận, huyện về chung một đầu mối thành phố song thực tế công việc phát sinh, phải thành lập chi nhánh văn phòng ở quận, huyện. Bộ máy chưa thấy gọn nhưng việc giải quyết giấy tờ đất đai của người dân đã bị ngưng trệ một thời gian.
Hiện Bộ Nội vụ đang lấy ý kiến về dự thảo Nghị định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, thành. Một số cơ quan chuyên môn cấp tỉnh sẽ được hợp nhất như nhập Sở Kế hoạch và Đầu tư với Sở Tài chính thành Sở Kế hoạch - Tài chính. Riêng tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, Sở Xây dựng được đề xuất sáp nhập với Sở Giao thông Vận tải và Sở Quy hoạch - Kiến trúc thành Sở Giao thông, Xây dựng và Phát triển đô thị. Cơ cấu Sở mới gồm Văn phòng, Thanh tra và không quá 9 phòng chuyên môn, nghiệp vụ.