UBND Thành phố yêu cầu các sở, ban, ngành thành phố và UBND các quận/huyện đẩy mạnh việc giải quyết hồ sơ qua dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4. Bắt đầu từ tháng 4, tạm thời không nhận hồ sơ trực tiếp của người dân, doanh nghiệp (trường hợp đặc biệt do Thủ trưởng có quan, đơn vị quyết định).
Các UBND quận, huyện, sở ban ngành thành phố khẩn trương công khai, tuyên truyền rộng rãi các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 và số điện thoại đường dây nóng thông qua sử dụng phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội tại Việt Nam hay các kênh giao tiếp trực tuyến để người dân và doanh nghiệp có nhu cầu đăng ký giải quyết các thủ tục hành chính.
Ngoài ra, các đơn vị cần bố trí nhân sự trực đường dây nóng, đảm bảo tiếp nhận kịp thời các phản ảnh, yêu cầu của người dân và doanh nghiệp về thực hiện các thủ tục hành chính; khuyến cáo, hạn chế tối đa người dân và doanh nghiệp đến trụ sở cơ quan, đơn vị nhà nước nộp hồ sơ trực tiếp. Trong trường hợp người dân có nhu cầu cấp bách về thủ tục hành chính nhưng cơ quan đơn vị chưa cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4 thì các địa phương phải hỗ trợ thủ tục giải quyết tại nhà cho người dân.
Theo báo cáo của UBND TP Hồ Chí Minh, tính đến tháng 2, tổng số dịch vụ công trực tuyến thực hiện trên địa bàn là 807 dịch vụ; trong đó, mức độ 3 là 691, mức độ 4 là 116. Tổng số hồ sơ nộp trực tuyến và trực tiếp là 1.000.845 hồ sơ, trong đó tổng số hồ sơ nộp trực tuyến (mức độ 3, 4) là 412.965 hồ sơ. Tỷ lệ sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức 3, 4 là 42%. Ngoài ra, thành phố đã hoàn tất nâng cấp cổng dịch vụ công, tích hợp dịch vụ thanh toán trực tuyến và dịch vụ tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích phục vụ người dân và doanh nghiệp; xây dựng phương thức và cơ chế thanh toán tập trung các khoản phí, lệ phí và các khoản nộp ngân sách nhà nước khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 trên địa bàn.