Trang Asia Times: Kinh tế Việt Nam tăng trưởng 'ngoại lệ' nhờ ứng phó hiệu quả với dịch COVID-19

Trang Asia Times ngày 1/10 đăng bài viết đánh giá rằng nền kinh tế Việt Nam sẽ nhanh chóng "tái xuất" trong thời kỳ hậu đại dịch COVID-19 và trở thành một trong những nền kinh tế tăng trưởng tốt nhất trên phạm vi toàn cầu.

Chú thích ảnh
Tuyên truyền phòng chống dịch COVID-19. Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN

Theo bài viết, giống như các quốc gia láng giềng, nền kinh tế Việt Nam đang gặp khó khăn sau nhiều tháng phải chống chọi với đại dịch. Mặc dù vậy, kinh tế Việt Nam vẫn là một "ngoại lệ" khi ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng nhờ ứng phó hiệu quả với sự bùng phát đại dịch COVID-19.  Theo đó, nền kinh tế Việt Nam được kỳ vọng sẽ sớm đón nhận những tín hiệu tích cực sau khi đại dịch được kiểm soát - một điều rất khó xảy ra đối với những quốc gia đang chịu sự hoành hành của đại dịch COVID-19.

Bài viết dẫn số liệu tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam trong quý II/2020 tăng trưởng khoảng 0,4%, nhận định rằng mặc dù đây là mức tăng trưởng thấp nhất của nền kinh tế Việt Nam trong vòng 35 năm trở lại đây, song vẫn rất đặc biệt so với các nước láng giềng, trong đó một số nước chứng kiến mức tăng trưởng âm.

Ngân hàng thế giới (WB) dự báo Việt Nam có thể đạt mức tăng trưởng GDP 2,8% trong cả năm 2020 và sẽ phục hồi lên mức tăng trưởng 6,7% trong năm 2021. Tổ chức xếp hạng toàn cầu S&P cũng kỳ vọng Việt Nam sẽ là nước có thành tích tăng trưởng cao thứ hai trong số các nền kinh tế châu Á trong năm 2020.

Bài viết nhấn mạnh tất cả cho thấy Việt Nam có khả năng sớm phục hồi sau khủng hoảng. Bên cạnh đó, bài viết nhận định nhờ các biện pháp kiểm soát chặt chẽ để ngăn chặn sự lây lan của đại dịch COVID-19, Việt Nam đang dần trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn nhất đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Theo một nghiên cứu vừa được Deep Knowledge Group - tập đoàn gồm các công ty và tổ chức phi lợi nhuận tại Hong Kong (Trung Quốc) - công bố, Việt Nam xếp thứ 9 trong các nước ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương về điểm đến an toàn trong giai đoạn đại dịch. Đáng chú ý, trong một báo cáo của Goldman Sachs, tổ chức này cho biết, Việt Nam và Ấn Độ là hai điểm đến được các công ty của Mỹ đề cập nhiều nhất khi được hỏi về các địa điểm hàng đầu lựa chọn để chuyển các cơ sở sản xuất.

Bài viết nhận định, trong khi nhiều quốc gia đang rơi vào tình trạng suy thoái kinh tế do dịch bệnh, nền kinh tế Việt Nam vẫn tiếp tục có những bước đi vững chắc hướng tới hội nhập kinh tế quốc tế. Điển hình là ngày 8/6/2020 Quốc hội Việt Nam đã phê chuẩn Hiệp định thương mại tự do với Liên minh châu Âu (EVFTA), có hiệu lực từ ngày 1/8/2020. Cùng với EVFTA, Việt Nam cũng đang có sự hợp tác chặt chẽ với các thành viên khác của Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) với hy vọng sẽ ký kết hiệp định này trước năm 2021. Đây là những "điểm sáng" trong tình hình hiện nay, có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với kinh tế toàn cầu. 

Bài viết khẳng định chỉ cần duy trì được đà phát triển như hiện nay, Việt Nam sẽ là ngôi sao đang lên trong nền kinh tế toàn cầu và khu vực, mở ra cơ hội trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045 như mục tiêu đã đề ra.

Thanh Hải (TTXVN)
Những gam màu sáng cho kinh tế Việt Nam
Những gam màu sáng cho kinh tế Việt Nam

Tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế S&P global Ratings vừa đưa ra nhận định: Việt Nam có khả năng sẽ là quốc gia phục hồi kinh tế tốt thứ hai ở châu Á - Thái Bình Dương.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN