Đảm bảo công khai, minh bạch
Tại phiên thảo luận, các đại biểu nhất trí về sự cần thiết ban hành Nghị quyết về khoanh tiền nợ thuế, xóa tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước.
Đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ (Hà Tĩnh) tán thành với sự cần thiết ban hành Nghị quyết và khẳng định phải làm thủ tục khoanh nợ, xóa tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp để phù hợp với Luật Quản lý thuế (sửa đổi) sẽ có hiệu lực từ ngày 1/7/2020. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị dự thảo Nghị quyết làm rõ một số vấn đề liên quan đến đối tượng hưởng xóa nợ thuế, trách nhiệm của các cá nhân khi để xảy ra việc xóa nợ thuế sai đối tượng, thành lập hội đồng tư vấn và kiểm toán xóa nợ thuế.
Về đối tượng được hưởng xóa nợ thuế quy định tại mục 3 dự thảo Nghị quyết, ngoài người nộp thuế đã chết, mất tích còn bao gồm các đối tượng mất năng lực dân sự, đã tự phá sản, giải thể, người nộp thuế chấm dứt kinh doanh, không hoạt động tại địa chỉ kinh doanh. Đại biểu cho rằng, cần nghiên cứu, xem xét các đối tượng làm thủ tục giải thể, phá sản nhưng lại có thể thành lập lại doanh nghiệp với tên khác và do người của họ đứng tên bởi điều này không dễ phát hiện. Trong khi đó, số tiền được xét xóa nợ tiền phạt, tiền chậm nộp liên quan đến đối tượng này là không nhỏ, chiếm tỷ trọng 96,5% trong tổng số tiền xử lý nợ (16.357 tỷ đồng).
Cũng theo đại biểu, việc xử lý nợ vừa tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn cho người nộp thuế, nhưng cũng phải phòng ngừa và ngăn chặn việc lợi dụng chính sách để trục lợi, cố tình chây ỳ, nợ thuế. “Vấn đề đặt ra là các trường hợp đã được xóa tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp, nếu cơ quan có thẩm quyền, cơ quan quản lý thuế phát hiện việc xóa nợ không đúng quy định hoặc người nộp thuế đã được xóa nợ lại quay lại sản xuất, kinh doanh hoặc thành lập cơ sở sản xuất, kinh doanh mới với danh nghĩa người khác (tức là người khác đứng tên trên giấy tờ) thì phải xử lý như thế nào?”, đại biểu băn khoăn.
Từ đó, đại biểu đề nghị, dự thảo Nghị quyết cần quy định rõ trách nhiệm của các cá nhân liên quan khi để xảy ra việc xóa nợ thuế sai đối tượng, tránh tình trạng lợi dụng chính sách hoặc lợi ích nhóm, thiệt hại đến ngân sách Nhà nước. Ngoài ra, việc xóa, xử lý nợ thuế phải bảo đảm tuân thủ các quy định của pháp luật, đúng đối tượng, thẩm quyền và quy định rõ trách nhiệm của các cá nhân, đối tượng có liên quan. Việc thực hiện xóa nợ cần công khai, minh bạch, bảo đảm sự kiểm tra, giám sát của các cơ quan có thẩm quyền và nhân dân. Bên cạnh đó, đại biểu đề nghị dự thảo Nghị quyết cần nêu rõ trách nhiệm của các cá nhân khi để xảy ra việc xóa nợ thuế sai đối tượng, tránh tình trạng lợi dụng chính sách hoặc lợi ích nhóm, làm thiệt hại ngân sách Nhà nước.
Về nguyên tắc xử lý nợ, các đại biểu thống nhất việc xử lý nợ phải đảm bảo tuân thủ quy định pháp luật, đúng đối tượng, đúng thẩm quyền; công khai, minh bạch; tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn cho người nộp thuế...
Đồng tình với nguyên tắc: Các trường hợp đã được xóa tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp, nếu cơ quan có thẩm quyền, cơ quan quản lý thuế phát hiện việc xóa nợ không đúng quy định hoặc người nộp thuế (là tổ chức hoặc cá nhân kinh doanh) đã được xóa nợ khi quay lại sản xuất, kinh doanh hoặc thành lập cơ sở sản xuất, kinh doanh mới thì phải hủy quyết định xóa nợ, khoanh nợ (nếu có) và nộp vào ngân sách khoản nợ đã được xóa, đại biểu Trần Văn Lâm (Bắc Giang) cho rằng: Quy định như vậy sẽ có tác dụng răn đe, ngăn ngừa sai phạm, lợi dụng chính sách.
Tuy nhiên, theo đại biểu Trần Văn Lâm, cần loại trừ việc truy thu với các trường hợp được xóa nợ do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh hoặc tai nạn bất ngờ. Với những trường hợp này không nên truy thu khoản nợ đã xóa khi họ quay trở lại sản xuất, kinh doanh, qua đó tạo điều kiện, khuyến khích các đối tượng này.
Đại biểu Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) đánh giá, dự thảo Nghị quyết không thể chỉ đơn thuần quy định về xử lý nợ thuế mà còn xác lập cơ chế quản lý, kiểm soát, tổ chức thực hiện nghị quyết thông qua các quy định về trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước và cơ quan, tổ chức liên quan, đồng thời thiết lập cơ chế giám sát nhằm đảm bảo hoạt động xử lý nợ thuế được công khai, công bằng, minh bạch và đúng pháp luật. Đại biểu đề nghị bổ sung quy định về trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước trong xử lý nợ thuế và trách nhiệm giám sát của các cơ quan dân cử, Mặt trận Tổ quốc.
Xem xét kỹ nguyên nhân chậm ban hành nghị định
Liên quan đến việc cho lùi thời gian thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và khai thác tài nguyên nước, nhiều ý kiến cho rằng, việc này là cần thiết, giúp giải quyết dứt điểm khoản dự toán đang “treo” thuộc Ngân sách Nhà nước trong các lĩnh vực này, giải tỏa áp lực cho các tổ chức, cá nhân có hoạt động khoáng sản, tài nguyên nước.
Đại biểu Ngô Trung Thành (Đắk Lắk) khẳng định, việc thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, tài nguyên nước đã được quy định tại Luật Khoáng sản, Luật Tài nguyên nước. Trong thời gian đầu thực thi hai Luật này chưa thu được khoản tiền cấp quyền khai thác là do khâu tổ chức thi hành. Cụ thể, Chính phủ chưa kịp thời ban hành Nghị định quy định chi tiết về phương pháp tính, mức thu cụ thể nên không thể tính toán được. Tuy nhiên, theo đại biểu, việc xác định nguyên nhân dẫn đến chậm ban hành nghị định cần xem xét kỹ hơn. “Tôi cho rằng không thể đặt vấn đề nguyên nhân khách quan khi mà nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Khoáng sản chậm ban hành 2 năm 6 tháng, nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Tài nguyên nước chậm ban hành 4 năm 8 tháng. Đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan rút kinh nghiệm, tránh xảy ra các trường hợp tương tự phát sinh”, đại biểu nhấn mạnh.
Trong khi đó, đại biểu Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ) đề nghị, Chính phủ rà soát, tính toán đủ các khoản phải nộp ngân sách, xác định các khoản không thể thu được, nguyên nhân, số còn lại phải thu đủ vào ngân sách. Vì đây là khoản thu ngân sách theo Luật định. Thời gian từ khi Luật có hiệu lực đến khi Nghị định có hiệu lực, việc khai thác khoáng sản, tài nguyên nước vẫn diễn ra mang lại nguồn thu cho doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân khai thác nên việc phải nộp ngân sách là bình thường.
Đại biểu nhấn mạnh, trên cơ sở rà soát số phải thu, số không thu được, nguyên nhân không thu được, đôn đốc số thu được vào ngân sách đồng thời xác định hệ quả xấu gây ra đối với sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế khi thu các khoản cấp quyền này, Chính phủ cần xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân liên quan, báo cáo kết quả xử lý cho Quốc hội.