Ban Tổ chức đã chọn ra 27 tác phẩm có số điểm cao nhất để trao giải, trong đó có 10 tác phẩm báo in; 5 tác phẩm báo điện tử, 9 tác phẩm Truyền hình; 2 tác phẩm Phát thanh và 1 tác phẩm Ảnh báo chí để trao 3 giải Nhất, 8 giải Nhì, 7 giải Ba và 9 giải Khuyến khích.
Phóng viên Cơ quan Thường trú Thông tấn xã Việt Nam tại Đà Nẵng đã giành được hai giải thưởng ở loại hình báo điện tử và ảnh báo chí. Cụ thể, tác giả Trịnh Quốc Dũng đoạt giải Nhì ở loại hình báo điện tử với tác phẩm “Khôi phục, phát triển kinh tế thành phố Đà Nẵng” và tác giả Trần Lê Lâm đoạt giải Khuyến khích loại hình ảnh báo chí với tác phẩm "Ngày hội bầu cử “đặc biệt” giữa đại dịch COVID-19".
Ông Nguyễn Đức Nam, Tổng Biên tập Báo Đà Nẵng, Chủ tịch Hội Nhà báo thành phố Đà Nẵng, Phó Trưởng ban Ban Tổ chức Giải báo chí thành phố cho biết, Giải Báo chí năm 2021 đã nhận được sự tham gia hưởng ứng của 129 tác giả, nhóm tác giả của 18 cơ quan báo chí Trung ương và địa phương với hơn 100 tác phẩm dự thi. Các tác phẩm được chọn vào vòng chung khảo là những tác phẩm tiêu biểu về nội dung, hình thức thể hiện, có hiệu quả tác động xã hội tốt, có tính phát hiện. Nhiều đề tài được đầu tư công phu, bài bản, thể hiện tinh thần lao động, dấn thân của các nhà báo. Các tác phẩm đã góp phần định hướng dư luận xã hội, thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.
Phát biểu tại lễ trao giải, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Ngô Thị Kim Yến, Trưởng Ban tổ chức giải đã chúc mừng các tác giả, nhóm tác giả đoạt giải báo chí và các nhà báo nhân dịp kỷ niệm 97 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2022).
Bà Ngô Thị Kim Yến chia sẻ, đội ngũ những người làm báo Đà Nẵng đã luôn đồng hành cùng chính quyền thành phố phản ảnh sinh động, chân thực những thay đổi nhanh chóng của thành phố một cách hiệu quả; báo, đài đã khẳng định tính chiến đấu, tính nhân văn của báo chí, góp phần củng cố và nâng cao niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.