Sáng 4/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về việc thực hiện “Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (giai đoạn 2010 - 2015) gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp”
Theo báo cáo của Ủy ban Kinh tế Quốc hội, sau 5 năm thực hiện, các tiêu chí Chương trình xây dựng nông thôn mới được cải thiện rõ rệt, có mức tăng tích cực so với năm 2011. Một số tiêu chí đạt cao như quy hoạch (98,74%), an ninh trật tự (93,7%), điện (82,%), giáo dục (77,86%), thủy lợi (61,37%), thu nhập (56,48%)... Tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn giảm từ 17,4% năm 2011 xuống 8,2% năm 2015 (bình quân giảm 1,84%/năm). Tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm từ 50,07% năm 2011 xuống còn dưới 28% năm 2015. Riêng những xã đã đạt tiêu chí nông thôn mới, mức thu nhập bình quân đầu người tăng từ 16 triệu đồng năm 2011 lên đạt 28,4 triệu đồng năm 2015, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh từ 11,6% xuống còn 3,6%.
Tuy nhiên, các địa phương vẫn nợ đọng xây dựng cơ bản lớn, có 53/63 tỉnh/thành phố có nợ đọng với số tiền khoảng 15.277 tỷ đồng, cá biệt đã có địa phương mất khả năng thanh toán gây dư luận không tốt trong nhân dân. Đáng lưu ý số nợ đọng xây dựng cơ bản lớn tập trung chủ yếu ở khu vực phía bắc (Đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung Bộ) là khu vực có phong trào xây dựng nông thôn mới dẫn đầu cả nước, hai khu vực này có số nợ đọng lớn nhất, chiếm tới 75,3% số nợ đọng của cả nước. Tổng số nợ đọng tại các xã đã được công nhận nông thôn mới chiếm đến 46,9% số nợ đọng của cả nước. Số nợ đọng này chiếm 1,8% tổng nguồn lực huy động cho Chương trình và chiếm 5,7% tổng nguồn ngân sách hỗ trợ thực hiện.
Đại biểu Võ Kim Cự (Hà Tĩnh) phát biểu sáng 4/11. Ảnh: TTXVN. |
Về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Tuấn Anh (Bình Phước) cho rằng, cần có những thay đổi mạnh mẽ trong việc xây dựng nông thôn mới cùng với tái cơ cấu nông nghiệp.Không thể phủ nhận tính đúng đắn và kết quả của chương trình nông thôn mới đã đạt được nhưng không thể không đặt vấn đề về mức độ tương xứng của kết quả đạt được với chi phí bỏ ra, cũng như phớt lờ các hệ lụy mà nhiều xã, nhiều gia đình nghèo phải gánh chịu. Cần có điều tra, công bố đầy đủ việc nợ của các xã, số lượng hộ nông dân lâm vào tình trạng bị huy động quá sức dẫn tới phá sản, đánh giá việc chi tiêu ngân sách cho trương trình này.
Cùng quan điểm này, đại biểu Ngô Sách Thực (Bắc Giang) cho biết, “Tôi đồng tính quan điểm bổ sung tiêu chí nếu xã nợ xây dựng cơ bản thì không xét đạt nông thôn mới, đồng thời phải có thước đo mức độ hài lòng của người dân trong xã nông thôn mới và cân đối thêm ngân sách cho xây dựng nông thôn mới”
Còn theo đại biểu Đặng Hoàng Tuấn (Long An), về cơ chế thanh quyết toán vốn đầu tư với các công trình do ngân sách nhà nước hỗ trợ dưới 50% là chưa cụ thể, làm ảnh hưởng tới việc theo dõi, giám sát, huy động sự đóng góp của cộng đồng dân cư trong việc xây dựng nông thôn mới. Để huy động được toàn xã hội tham gia cần công khai, minh bạch các công việc. Nếu người dân được thông tin đầy đủ sẽ xóa được tư tưởng trông chờ và sẽ tích cực đóng góp”.
Đến ngày 31/12/2015, cả nước có 1.526 xã (chiếm 17,1% tổng số xã) đạt tiêu chí nông thôn mới, bình quân tiêu chí/xã là 12,9 tiêu chí, tăng 8,2 tiêu chí so với năm 2010. Đến nay, đã có 2.061 xã (chiếm 23%) đạt tiêu chí nông thôn mới, có 27 đơn vị cấp huyện được công nhận đạt tiêu chí nông thôn mới. Nguồn vốn thực hiện Chương trình, trong 5 năm cả nước đã huy động khoảng 851.0 tỷ đồng. Quốc hội đã phân bổ vốn trái phiếu Chính phủ cho Chương trình giai đoạn 2014-2016 là 15.000 tỷ. Về cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp, so với năm 2011 số lượng máy, thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp năm 2015 tăng, cụ thể: máy cấy lúa tăng 10 lần, máy kéo các loại tăng 1,1 lần, máy phun thuốc trừ sâu có động cơ tăng 1,24 lần, máy gặt đập liên hợp lúa tăng 1,54 lần. Mức độ cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp đã từng bước được nâng lên |