Trình Ban Chấp hành Trung ương ba đề án quan trọng về kinh tế - xã hội trong năm 2022

Ngày 13/1, tại Hà Nội, Ban Kinh tế Trung ương tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2021, triển khai nhiệm vụ năm 2022.

Chú thích ảnh
Quang cảnh Hội nghị. Ảnh: CTV

Chủ trì Hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh nêu rõ: Năm 2022 là năm thứ hai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, là năm có ý nghĩa quan trọng, tạo nền tảng thực hiện các mục tiêu của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021 - 2025. Ban Kinh tế Trung ương cần tiếp tục nỗ lực để cùng cả hệ thống chính trị cụ thể hóa các nhiệm vụ, mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra; tăng cường công tác tham mưu với Bộ Chính trị, Ban Bí thư trong việc lãnh đạo, chỉ đạo các chủ trương, giải pháp phát triển kinh tế trong bối cảnh nền kinh tế thế giới, khu vực nói chung và nước ta nói riêng được dự báo sẽ còn có những khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.

Đặc biệt, trong năm 2022, Ban Kinh tế Trung ương sẽ trình Ban Chấp hành Trung ương ba đề án quan trọng là: Đề án "Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 khóa XI về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại" (trình Hội nghị Trung ương 5 - tháng 5/2022); Đề án "Tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn" (trình Hội nghị Trung ương 5 - tháng 5/2022); Đề án “Chủ trương, chính sách công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” (trình Hội nghị Trung ương 6 - tháng 10/2022).

Ngoài ra, một số đề án sẽ được trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư gồm: Đề án "Tổng kết Nghị quyết số 21-NQ/TW, ngày 20/1/2003 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2001 - 2010; Kết luận số 28-KL/TW ngày 14/8/2012 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2011 - 2020" (trình vào đầu năm 2022)… Với khối lượng công việc lớn, Trưởng ban Kinh tế Trung ương đề nghị cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, đặc biệt là các vụ chuyên môn tăng cường nắm bắt thông tin, kịp thời phát hiện những vấn đề mới, vướng mắc, bất cập trong quá trình triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng về phát triển kinh tế để giúp lãnh đạo Ban trong công tác tham mưu, đề xuất với Bộ Chính trị, Ban Bí thư.

Bên cạnh đó, Ban Kinh tế Trung ương cần tiếp tục nghiên cứu, đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc thực hiện nghị quyết, chủ trương, đường lối của Đảng về kinh tế - xã hội, trọng tâm là các nghị quyết, kết luận do Ban Kinh tế Trung ương tham mưu trình Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị ban hành; tiếp tục kiện toàn đội ngũ cán bộ, tổ chức, bộ máy, kiện toàn cấp ủy Đảng của Ban đáp ứng yêu cầu công tác trong tình hình mới.

Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh lưu ý đến việc tăng cường công tác phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan trong việc thực hiện nhiệm vụ; huy động, sử dụng hiệu quả đội ngũ chuyên gia, cộng tác viên và nghiên cứu, thực hiện chế độ cán bộ biệt phái để thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn của Ban trong điều kiện nguồn nhân lực có hạn; tiếp tục tập trung thực hiện tốt công tác xây dựng Đảng, đặc biệt là công tác chính trị, tư tưởng gắn với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, khóa XII về xây dựng Đảng và Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị "về đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh".

Chú thích ảnh
Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh phát biểu chỉ đạo Hội nghị. Ảnh: CTV

Với vai trò là cơ quan tham mưu của Ban Chấp hành Trung ương, trực tiếp và thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư trong việc định hướng xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế; hoạch định các chủ trương, giải pháp lớn, quan trọng về kinh tế - xã hội, Ban Kinh tế Trung ương đã triển khai quyết liệt, đồng bộ, có hiệu quả các nhiệm vụ công tác theo kế hoạch đề ra. Năm 2021, Ban Kinh tế Trung ương đã hoàn thành ba đề án trình Bộ Chính trị. Đó là Đề án “Đô thị hóa, phát triển đô thị và phát triển kinh tế đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”; Đề án "Tổng kết thực hiện Nghị quyết 37-NQ/TW ngày 1/7/2004 của Bộ Chính trị khóa IX về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng Trung du và miền núi Bắc bộ đến năm 2020"; Đề án “Tổng kết 10 năm thực hiện Kết luận số 53-KL/TW của Bộ Chính trị khóa XI về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hoà đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030”.

Đặc biệt, với yêu cầu bức thiết của các bộ, ngành, đặc biệt là các địa phương về việc sửa đổi Luật Đất đai năm 2013, Ban Kinh tế Trung ương được giao là cơ quan Thường trực xây dựng Đề án "Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 khóa XI về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại" (Nghị quyết 19-NQ/TW). Ban Chỉ đạo, Tổ biên tập đã tập trung cao độ, huy động cao nhất sự vào cuộc của các cơ quan, ban, ngành, địa phương, các tổ chức chính trị, xã hội, nhất là các chuyên gia, nhà khoa học trong nước và quốc tế để đánh giá khách quan về những kết quả đạt được cũng như những tồn tại, hạn chế sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 19-NQ/TW. Trên cơ sở đó, đề xuất những chủ trương, chính sách quản lý và sử dụng đất đai hiệu quả, phục vụ phát triển bền vững đất nước trong thời gian tới.

Trong năm 2021, Ban Kinh tế Trung ương được giao tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện các Đề án "Tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn"; Đề án “Chủ trương, chính sách công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”... Ban chủ động tổ chức nghiên cứu các nội dung, đề án, báo cáo liên quan đến kinh tế - xã hội phục vụ công tác tham mưu, đề xuất. Các ý kiến thẩm định, góp ý luôn thể hiện quan điểm rõ ràng, thẳng thắn và với tinh thần trách nhiệm cao, góp phần giúp Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét, quyết định các vấn đề kinh tế, xã hội quan trọng của đất nước và các cơ quan chức năng tổng kết, đánh giá việc thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật.

Chiều 13/1, Ban Kinh tế Trung ương, Đảng ủy cơ quan Ban Kinh tế Trung ương, Ban Chấp hành Công đoàn Ban đã tổ chức Hội nghị cán bộ công chức, viên chức và tổng kết công tác công đoàn, đồng thời trao các Danh hiệu thi đua khen thưởng cho những cán bộ, đảng viên, đoàn viên có thành tích xuất sắc trong năm 2021.

Phan Phương (TTXVN)
Bảo đảm an ninh trật tự, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương
Bảo đảm an ninh trật tự, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương

Ngày 13/1, Công an tỉnh Sơn La tổ chức Hội nghị Công an toàn tỉnh lần thứ 77, tổng kết công tác năm 2021 và triển khai nhiệm vụ năm 2022.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN