Trước đó, tại cuộc họp vào chiều 22/4 của Thường trực Chính phủ về phòng, chống dịch COVID- 19, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, đất nước phải chấp nhận sống trong trạng thái có dịch để đề cao cảnh giác, phù hợp năng lực y tế của đất nước và các địa phương. Thủ tướng giao Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố có thẩm quyền quyết định việc mở cửa hàng, các hoạt động sản xuất hàng hóa, kinh doanh, dịch vụ phù hợp.
COVID-19 - kẻ tử thù của các nền kinh tế
Trong tháng 4/2020, nhiều tổ chức quốc tế đã có những phân tích, cập nhật đánh giá tác động của đại dịch COVID-19 và xây dựng các kịch bản tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2020.
Theo kịch bản cơ sở của Citi Research (công bố ngày 7/4/2020), kinh tế thế giới sẽ suy thoái, tăng trưởng -2,3% (âm 2,3%) trong năm 2020 (so với mức tăng trưởng 2,6% của năm 2019, suy thoái hơn mức -1,7% của năm 2009). Sự tăng trưởng GDP của Trung Quốc chỉ khoảng 2,4% (so với mức tăng 6,1% năm 2019), của Mỹ là -2,6% (so với mức tăng 2,3% năm 2019), của Nhật Bản -1,9% (so với mức tăng 0,7% năm 2019). Còn tại khu vực đồng tiền chung châu Âu thậm chí tốc độ tăng trưởng là -8,4% (so với mức tăng trưởng 1,2% năm 2019).
Tờ Le Monde (Pháp) nhận định: Tâm lý nôn nóng muốn nhanh chóng thoát ra khỏi tình trạng phong tỏa cũng là dễ hiểu vì bên cạnh các con số tổn thất về nhân mạng, sức khỏe cộng đồng là những thiệt hại về kinh tế của mỗi quốc gia. Hậu quả thấy rõ ngay là nạn thất nghiệp tăng chóng mặt khiến các quốc gia lo ngại.
Tổ chức Lao động Thế giới (OIT) trong tuần đầu tháng Tư đã đưa ra những thống kê báo động về tình trạng lao động, việc làm trên thế giới bị đại dịch tấn công. Theo đó, việc một nửa nhân loại trên toàn cầu bị phong tỏa đã gây nên một cuộc khủng hoảng kinh tế chưa từng có kể từ sau Thế chiến thứ 2 tới nay. Hệ lụy thấy ngay là hàng chục triệu người lao động mất việc làm. Hơn 4/5 trong số 3,3 tỷ người lao động trên toàn thế giới, tức khoảng 2,7 tỷ người, bị tác động do văn phòng, nhà máy, công xưởng, cửa hàng… đóng cửa từng phần hoặc toàn bộ.
Tờ Le Figaro (Pháp) cho biết: Nếu châu Á là khu vực bị tác động nặng nề nhất bởi khủng hoảng kinh tế thì Mỹ đang phải trả giá rất đắt với hơn 10 triệu người đăng ký thất nghiệp trong vòng hai tuần. Nước Pháp và nhiều nước châu Âu khác có hệ thống bảo hiểm thất nghiệp tạm thời khá tốt cũng không khỏi lao đao, vì con số quá lớn người phải nghỉ làm. Đó là số liệu thống kê OIT còn chưa tính đến những nhân lực làm việc trong các ngành nghề kinh tế được gọi là không chính thức. Con số này chiếm tới 90% lực lượng lao động ở các nước châu Phi, Ấn Độ, tất nhiên họ không được hưởng quyền lợi bảo hiểm xã hội nào hết.
Còn Việt Nam thì sao? Tiến sỹ Cấn Văn Lực và nhóm tác giả Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV (Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam) vừa công bố báo cáo đánh giá về tác động của COVID-19 đối với các ngành kinh tế Việt Nam.
Theo đó, Việt Nam là nước chịu tác động mạnh và trực tiếp, cả phía cầu và phía cung, sẽ có ba kịch bản tăng trưởng.
Theo kịch bản cơ sở, các biện pháp của Chính phủ trong phòng, chống dịch cũng như các chính sách hỗ trợ nền kinh tế, doanh nghiệp và người dân tiếp tục phát huy hiệu quả, dịch bệnh tại Việt Nam được kiểm soát trong quý II/2020 và các hoạt động kinh tế, xã hội sớm trở lại bình thường từ tháng 6 hoặc đầu tháng 7/2020. Sự tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2020 sẽ giảm khoảng 1,8 đến 2 điểm %, tương đương mức tăng trưởng khoảng từ 4,81-5,01%.
Trong kịch bản tích cực, các nước trên thế giới đạt được kết quả nhanh chóng trong phòng, chống dịch bệnh, các biện pháp phong tỏa, cách ly không bị kéo dài, còn tại Việt Nam dịch COVID-19 được kiểm soát trong tháng 4/2020 hoặc giữa tháng 5/2020; hoạt động sản xuất – kinh doanh được khởi động ngay sau đó. Nếu vậy, tăng trưởng GDP Việt Nam năm 2020 chỉ giảm khoảng 1,4 điểm % và đạt mức 5,4-5,6%.
Trong kịch bản tiêu cực, dịch bệnh bùng phát, đại dịch không được kiểm soát đến hết quý III, bất chấp nỗ lực ứng phó của Chính phủ các nước, còn tại Việt Nam, dịch bệnh được kiểm soát trong quý II, nhưng chịu tác động tiêu cực từ tổng cung và tổng cầu từ bên ngoài. Nếu vậy, sự tăng trưởng GDP Việt Nam giảm khoảng 2,58 điểm %, đạt mức 4,07-4,42% năm 2020.
Thế giới học cách chung sống với COVID-19
Tờ Le Monde đặt câu hỏi: Dư luận cũng như Chính phủ một số nước đã nghĩ tới chuyện thoát ra khỏi tình trạng phong tỏa. Nhưng thoát khỏi tình trạng này như thế nào là vấn đề lớn.
Theo tờ báo, việc gỡ bỏ phong tỏa xã hội là một tiến trình không hề đơn giản. Các nhà khoa học đã đưa ra nhiều mô hình toán học với các tham số dịch tễ đa dạng, để cố gắng phác họa ra những kịch bản thoát khỏi phong tỏa. Rất nhiều vấn đề đã được các nhà nghiên cứu đặt ra: Khi nào thì có thể gỡ bỏ phong tỏa và việc triển khai cần thế nào? Vấn đề giám sát hậu phong tỏa ra sao? Dường như các câu trả lời cho đến lúc này đều chưa đủ sức thuyết phục.
Song song với cuộc chiến y tế chống đại dịch do SARS-CoV-2 gây ra, để bảo vệ sức khỏe của người dân thì thế giới cũng phải lao vào cuộc chiến kinh tế còn cam go không kém là duy trì hoạt động sản xuất, giữ công ăn việc làm cho người lao động.
Theo tờ The New York Times, các chính phủ châu Âu đang khao khát mang lại niềm hy vọng cho công dân của họ, đồng thời tái khởi động nền kinh tế trì trệ vì đại dịch.
Chính phủ Áo đã cho phép doanh nghiệp nhỏ hoạt động trở lại, Đan Mạch sắp tái mở cửa trường mầm non và tiểu học, còn Séc quyết định gỡ lệnh cấm di chuyển.
Đây là ba nước nhanh chóng phản ứng với COVID-19 và gặt hái một số thành quả nhất định. Vào thời điểm Áo ban lệnh phong tỏa hồi giữa tháng 3, số ca nhiễm SARS-CoV-2 tại nước này cứ ba ngày lại tăng gấp đôi. Giờ đây, ca nhiễm mới đang giảm dần.
Tại Áo, những cửa hàng buôn bán nhỏ được phép nối lại hoạt động từ ngày 14/4, sau đó là các doanh nghiệp khác vào cuối tháng. Nhà hàng và những dịch vụ đòi hỏi tiếp xúc gần giữa mọi người, như phòng gym và tiệm làm tóc, có thể phải tiếp tục đóng cửa đến giữa tháng 5 hoặc tháng 6.
Việc dần nối lại hoạt động kinh tế đi kèm với những quy tắc nghiêm ngặt mới, đòi hỏi người dân phải che mũi và miệng trong các cửa hàng, trên phương tiện giao thông công cộng, và cách biệt cộng đồng thêm nhiều tháng. Các chuyến đi nước ngoài vẫn bị cấm và hầu hết trường học có thể đóng cửa đến mùa Thu.
Tại Đan Mạch, nơi số ca mới tử vong vì SARS-CoV-2 giảm dần vào đầu tháng Tư, các trung tâm giữ trẻ và trường tiểu học có thể mở cửa trở lại vào ngày 15/4, nhưng hoạt động của các cơ sở này tùy thuộc vào độ ổn định của số ca nhiễm mới. Biên giới cũng như các nhà hàng, quán cà phê… vẫn phải đóng cửa. Chính phủ còn cấm tụ tập đông người đến tháng Tám.
Thủ tướng Séc Andrej Babis cũng tuyên bố nới lỏng hạn chế đi lại ở nước này từ ngày 9/4. Tuy nhiên, ông quyết định kéo dài tình trạng khẩn cấp quốc gia đến cuối tháng Tư. Người nước ngoài vẫn bị "cấm cửa", nhưng những công dân có việc cần ra nước ngoài sẽ được cấp phép. Các cửa hàng nhỏ mở lại vào ngày 9/4.
Việt Nam chống dịch dài hơi
Cách ly xã hội là biện pháp cần thiết để ngăn chặn sự lây lan của virus SARS-CoV-2 trong cộng đồng. Điều này đòi hỏi sự hy sinh những lợi ích kinh tế vì sức khỏe của người dân. Tuy nhiên, điều này không thể kéo dài trong khi vaccine hay thuốc đặc trị chống virus SARS-CoV-2 khó có thể được điều chế và sử dụng đại trà trong năm nay hoặc đầu năm 2021.
Việt Nam cũng như các quốc gia khác trên thế giới chỉ có cách "chung sống an toàn" hay nói cách khác, chống chọi với COVID-19 một cách lâu dài, cho đến khi có vaccine và thuốc đặc trị.
Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh COVID-19 ngày 20/4 đã yêu cầu các bộ, ngành khẩn trương rà soát, bổ sung, cập nhật hoặc ban hành thêm các hướng dẫn, quy định để sẵn sàng “chung sống an toàn” với dịch bệnh.
Các ý kiến tại cuộc họp Ban Chỉ đạo quốc gia cho rằng phải có sự điều chỉnh trong chỉ đạo để thích ứng với diễn biến mới của dịch bệnh. Mục tiêu là phải chung sống tuyệt đối an toàn, phải biết tận dụng thời cơ kiểm soát được dịch bệnh để phát triển sản xuất, kinh doanh. Mọi lĩnh vực, hoạt động đều phải có người chịu trách nhiệm
Theo lãnh đạo Bộ Y tế, hiện nay các cơ sở y tế đang thực hiện biện pháp cao nhất trong phân luồng, tổ chức khu vực riêng biệt tiếp đón người đến khám, chữa bệnh, trang bị đầy đủ đồ bảo hộ cho nhân viên y tế, coi tất cả người đến khám là có nguy cơ lây nhiễm…, tiến hành sàng lọc, xét nghiệm, đặc biệt là những người có triệu chứng ho, sốt, cúm.
Ban Chỉ đạo quốc gia yêu cầu Bộ Y tế tiếp tục rà soát thật chặt chẽ tất cả quy định liên quan đến tiếp nhận người đến khám, chữa bệnh tại cơ sở y tế. Chính quyền địa phương căn cứ vào hướng dẫn của ngành y tế có quy định bổ sung và Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố phải chịu trách nhiệm.
Ban Chỉ đạo quốc gia nhấn mạnh trách nhiệm rất lớn của Bộ Công Thương đối với việc xây dựng, ban hành hướng dẫn sản xuất, kinh doanh an toàn cho các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất, nhà máy, xí nghiệp.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng cho rằng việc duy trì hoạt động của các doanh nghiệp lớn thời gian qua là kinh nghiệm tốt để các doanh nghiệp khác tham khảo trước khi tổ chức sản xuất lại. Bộ Công Thương đã yêu cầu các doanh nghiệp xây dựng lại quy trình sản xuất kinh doanh, làm việc, đi lại, bảo đảm khoảng cách an toàn… trong thời điểm dịch bệnh hiện nay.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, Bộ Y tế đã ban hành hướng dẫn dự phòng COVID-19 trong cơ sở sản xuất; xây dựng bảng điểm về phòng, chống dịch bệnh trong nhà máy, xí nghiệp… Mặc dù vậy, để bảo đảm các doanh nghiệp thực hiện đầy đủ biện pháp phòng, chống dịch bệnh, Bộ Công Thương phải tổ chức các đoàn kiểm tra, đồng thời hướng dẫn các địa phương kiểm tra, giám sát đơn vị sản xuất trên địa bàn.
Ban Chỉ đạo quốc gia yêu cầu Bộ Công Thương có văn bản chỉ đạo quyết liệt, sâu sát hơn. Cụ thể đối với loại hình nhà máy, công xưởng cần hướng dẫn từ lúc công nhân đi vào, giao nhận ca, ăn uống, đến khi tan ca, đưa đón….
Theo Ban Chỉ đạo quốc gia, tùy vào điều kiện thực tế, địa phương có thể bổ sung các quy định, hướng dẫn, bảo đảm cụ thể, đầy đủ; rà soát, bổ sung hướng dẫn, quy định để bảo bảo hoạt động lưu thông hàng hoá, tiếp tục theo dõi, bám sát tình hình giá cả, thị trường hàng hóa tại các địa phương để kịp thời ứng phó trong trường hợp thị trường có biến động. Đồng thời, ghi nhận các vướng mắc khó khăn, kiến nghị của hệ thống phân phối để đề xuất hướng xử lý, hỗ trợ kịp thời.
Bộ Lao động - Thương binh và xã hội phải có quy định, hướng dẫn khung về đảm bảo an toàn cho người lao động tại các cơ sở sản xuất tại các nhà máy, xí nghiệp, hoạt động kinh doanh nhỏ lẻ, lao động tự do...
Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Anh Tuấn cho biết, bộ sẽ rà soát các hướng dẫn trước đây về bảo đảm an toàn trong hàng không, xe khách liên tỉnh, xe taxi… cập nhật các biện pháp phòng, chống mới theo hướng dẫn chung của ngành y tế, tùy theo các tỉnh sẽ có hướng dẫn trực tiếp.
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ cho biết, bên cạnh hướng dẫn đã được ban hành trước đây về việc đi học an toàn, trường lớp an toàn, bộ sẽ phối hợp với ngành y tế để bổ sung các biện pháp mới như đeo khẩu trang khi đi học, trong lớp học; chia nhỏ các lớp, học theo ca, bảo đảm khoảng cách an toàn; hướng dẫn khung về chương trình, năm học để các địa phương có căn cứ triển khai, kết hợp học tại lớp và học trực tuyến.
Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy thông báo, các hướng dẫn về du lịch an toàn dành cho khách du lịch, hướng dẫn viên, công ty lữ hành, vận tải du lịch, khách sạn, điểm đến, cơ sở dịch vụ… do bộ ban hành trước đây sẽ được bổ sung thêm các biện pháp mới theo hướng dẫn chung của ngành y tế.
Cảnh giác với làn sóng dịch mới
Ngày 22/4, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus cảnh báo, phần lớn các quốc gia vẫn đang trong giai đoạn đầu của dịch bệnh và một số nước sớm chịu ảnh hưởng của đại dịch này đang bắt đầu chứng kiến sự tái bùng phát trong số ca bệnh. Ông nhấn mạnh: “Chúng ta còn chặng đường dài để đi. Chủng virus này sẽ đeo bám chúng ta trong thời gian dài”.
Theo đánh giá của Tổng Giám đốc WHO, dù lệnh yêu cầu người dân ở nhà và các biện pháp giãn cách xã hội khác đã và đang thành công trong việc ngăn chặn dịch COVID-19 lây lan nhưng virus SARS-CoV-2 vẫn vô cùng nguy hiểm.
Bài học về “đỉnh dịch mới” tại Singapore, Nhật Bản và một số nước châu Á nhắc nhở các quốc gia khác về việc không được chủ quan, đề cao cảnh giác trước sự “hiểm độc” của COVID-19.
Còn tại Việt Nam, tại cuộc họp vào chiều 22/4 của Thường trực Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các cấp, các ngành tiếp tục ngăn chặn dịch quyết liệt, không để dịch xâm nhập trở lại vào Việt Nam.
Thủ tướng nhắc lại chủ trương ngăn chặn dịch từ bên ngoài, dập dịch từ bên trong, chữa trị tích cực các ca mắc; thực hiện nghiêm cách ly đối với người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam và người bị nhiễm, người có nguy cơ cao; biện pháp cách ly có thể linh hoạt, tùy theo đối tượng nhưng cần đảm bảo nghiêm túc, chặt chẽ. Nhanh chóng phát hiện ca bệnh, khoanh vùng dập dịch sớm.
Thủ tướng nhấn mạnh quan điểm là cần “xác định trạng thái bình thường mới” - đeo khẩu trang bắt buộc trong các hoạt động cộng đồng, đi học, đi chợ, tham gia giao thông...; thường xuyên rửa tay sát khuẩn; huy động khoảng cách tối thiểu giữa người với người trong các hoạt động thường xuyên; tiếp tục khuyến cáo người dân hạn chế ra ngoài, hạn chế tập trung đông người.