Truyền thông nước ngoài: Việt Nam dẫn đầu nỗ lực của các quốc gia ASEAN trong ứng phó với COVID-19

Trang mạng moderndiplomacy.eu ngày 27/12 nhận định, với tư cách là Chủ tịch ASEAN năm 2020, Việt Nam đã dẫn đầu nỗ lực của các quốc gia ASEAN trong việc ứng phó với đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19. 

Chú thích ảnh
Lực lượng bộ đội hóa học cùng các phương tiện chuyên dụng hiện đại đã được điều động đến Bệnh viện Bạch Mai tiến hành phun khử khuẩn. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Theo trang mạng trên, sau khi dịch bệnh bùng phát vào tháng 1/2020, ngay từ giữa tháng 2/2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sau khi tham vấn với các nhà lãnh đạo ASEAN, đã ra Tuyên bố Chủ tịch ASEAN về ứng phó chung của ASEAN đối với dịch COVID-19. Tuyên bố bày tỏ quan ngại sâu sắc về sự lây lan của COVID-19 và công nhận đây là "tình trạng khẩn cấp về y tế cộng đồng được quốc tế quan tâm" như tuyên bố của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Tuyên bố nhấn mạnh việc tăng cường hỗ trợ các quốc gia trên thế giới trong cuộc chiến chống sự lây lan của COVID-19, đồng thời hỗ trợ nhân đạo cho Trung Quốc dưới hình thức cung cấp khẩu trang và các phương tiện y tế khác.

Với tư cách là một tổ chức khu vực, ASEAN đã tăng cường các hoạt động phối hợp và phản ứng chung nhằm đối phó với các thách thức do COVID-19 đặt ra. ASEAN không chỉ nâng cao nhận thức của các nước thành viên, mà còn liên kết với các tổ chức quốc tế và các nước khác để ứng phó ở nhiều cấp độ nhằm giải quyết các vấn đề do dịch bệnh gây ra.

Tuy nhiên, trang mạng trên cho rằng để cải thiện khả năng ứng phó với đại dịch, các nước thành viên ASEAN cần ưu tiên quyền được bảo vệ sức khỏe và xã hội, hay an ninh, cho tất cả mọi người, bao gồm cả những người dễ bị tổn thương nhất; tiến hành cải cách hệ thống bảo trợ xã hội và đưa hệ thống này vào kế hoạch phục hồi kinh tế hậu COVID-19 để giảm tỷ lệ nghèo đói ngày càng gia tăng do hậu quả của đại dịch; rút ra bài học thực tiễn từ các nước khác, đặc biệt là trong việc hình thành các chính sách bao hàm các cơ hội kinh tế và xã hội rộng lớn hơn.

Bên cạnh đó, các nước thành viên ASEAN cần tiến hành nhiều hơn nữa các cuộc tham vấn và hợp tác có mục tiêu về chính sách y tế công cộng, như các quy định về cách ly, phong tỏa hoặc hạn chế đi lại... để tiếp tục ngăn chặn đại dịch lây lan, đồng thời thu hẹp khoảng cách về dịch vụ y tế giữa các quốc gia thành viên nhằm tăng cường khả năng sẵn sàng đối phó với các đại dịch trong tương lai. Ngoài ra, ASEAN cần tái khởi động Ủy ban Liên chính phủ ASEAN về Nhân quyền (AICHR) cùng với các chuyên gia hữu quan khác để giám sát và tư vấn cho các quốc gia thành viên về phân bổ công bằng các nhu cầu y tế, thực phẩm và các nhu cầu khác, giảm thiểu khoảng cách giữa năng lực chăm sóc y tế và khả năng sẵn sàng đối phó với đại dịch, đồng thời cải thiện khả năng tiếp cận các dịch vụ chăm sóc y tế cho tất cả mọi người. 

Cuối cùng, Hội đồng Tư vấn Kinh doanh ASEAN có thể hợp tác trong phản ứng của khu vực để “thu hút sự tham gia của các khu vực tư nhân trong việc cung cấp các dịch vụ và nguồn cung cấp thiết yếu cũng như hỗ trợ người lao động bị dịch chuyển trong chuỗi giá trị của họ”. Theo trang mạng trên, điều quan trọng là các nỗ lực trên cần phải được phối hợp nhịp nhàng và tất cả các quốc gia thành viên ASEAN cần chung tay hợp tác.

Minh Châu  (TTXVN)
Truyền thông Đức đánh giá cao nỗ lực ứng phó với dịch COVID-19 của Việt Nam
Truyền thông Đức đánh giá cao nỗ lực ứng phó với dịch COVID-19 của Việt Nam

Theo phóng viên TTXVN tại Berlin, tờ Thế giới trẻ (Junge Welt) của Đức vừa có bài viết nhận định cuộc sống ở Việt Nam đã hầu như trở lại bình thường trong khi kinh tế đạt tăng trưởng dương chủ yếu do nhu cầu trong nước và mức đầu tư cao của chính phủ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN