Đại biểu Quốc hội là người đại biểu của nhân dân. Một trong những phẩm chất hàng đầu của họ để cử tri lựa chọn, tín nhiệm bầu ra là tính trung thực. Vì trung thực xa lạ với thói dối trá, lừa bịp, gian lận, “nói một đằng, làm một nẻo”. Hạt nhân của trung thực là sự chính tâm, nghĩa là lòng ngay thẳng chính trực, cái tâm trong sáng, không mờ ám. Uy tín từ phẩm chất đạo đức đó giúp người đại biểu nhân dân thực hiện sứ mệnh lớn lao là nhận sự ủy quyền của nhân dân, chịu trách nhiệm trước các vấn đề lớn của đất nước. Nhưng những ngày qua, chuyện ông Phạm Phú Quốc, đại biểu Quốc hội khóa XIV nhiệm kỳ 2016-2021, thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh, thiếu trung thực khi “ỉm” việc bản thân có hai quốc tịch đang dấy lên những câu hỏi về sự trung thực, tư cách của người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân.
Mới đây, Hãng tin Al Jazeera (hãng tin nhà nước của Qatar) tiết lộ thông tin ông Phạm Phú Quốc được phê duyệt cấp hộ chiếu Síp (một quốc gia châu Âu) từ năm 2018.
Trước thông tin gây xôn xao dư luận, Ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông tin với báo chí, đang vào cuộc xác minh, khi có thông tin chính thức sẽ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định.
Cơ quan này cũng cho hay, về mặt nguyên tắc, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ đại biểu Quốc hội, nếu có thay đổi về mặt lý lịch thì đại biểu Quốc hội phải báo cáo với các cơ quan có thẩm quyền. Vậy nhưng, đến thời điểm vụ việc bị phát giác, cá nhân đại biểu cũng như Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh chưa từng có báo cáo chính thức nào bằng văn bản với Ban Công tác đại biểu.
Bất ngờ là ngay sau đó, ông Phạm Phú Quốc, qua kênh báo chí, đã thừa nhận mình có hai quốc tịch. Theo giải thích của ông Phạm Phú Quốc, ông có thêm quốc tịch Síp vào năm 2018 là do gia đình bảo lãnh, để tương lai khi ông được nghỉ sẽ thuận tiện đi lại, chăm sóc gia đình; hoàn toàn không có việc "mua quốc tịch" với giá 2,5 triệu USD.
Đến lúc này, ông mới cho biết, đang thực hiện các nội dung báo cáo các cơ quan có thẩm quyền, theo đúng quy định.
Trước băn khoăn của dư luận về việc công dân Việt Nam, nhất là đại biểu Quốc hội Việt Nam có được phép có hai quốc tịch, Luật sư Nguyễn Thế Truyền, Văn phòng Luật Thiên Thanh, Đoàn Luật sư Hà Nội, cho biết: Điều 17 của Hiến pháp quy định: “Công dân nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là người có quốc tịch Việt Nam”; và Điều 4 Luật Quốc tịch Việt Nam quy định: “Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam công nhận công dân Việt Nam có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam, trừ trường hợp Luật này có quy định khác”. Như vậy, theo quy định của Hiến pháp và pháp luật thì công dân Việt Nam có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam.
Trong một số trường hợp ngoại lệ, Việt Nam vẫn cho phép công dân được mang hai quốc tịch. Cụ thể, các trường hợp ngoại lệ gồm: Người được Chủ tịch nước cho phép; trường hợp xin trở lại quốc tịch Việt Nam; người Việt Nam định cư ở nước ngoài và đã nhập quốc tịch nước ngoài nhưng vẫn muốn nhập quốc tịch Việt Nam; trẻ em là con nuôi. Ngoài ra, người có vợ chồng, cha mẹ đẻ, con đẻ là công dân Việt Nam thì được nhập quốc tịch Việt Nam và giữ lại quốc tịch của họ. Theo đó, công dân Việt Nam có quyền giữ lại quốc tịch gốc, họ vẫn có quyền nhập quốc tịch ở quốc gia đang sinh sống và tuân thủ pháp luật về nhập quốc tịch của nước sở tại.
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội có hiệu lực từ ngày 1/1/2021 đã quy định rõ ràng Đại biểu Quốc hội có một quốc tịch Việt Nam để đảm bảo tính chất chặt chẽ, đáp ứng yêu cầu thực tiễn, tránh xảy ra vi phạm trong quá trình bầu cử Đại biểu Quốc hội, Luật mới đã bổ sung một khoản quy định về tiêu chuẩn quốc tịch. Theo đó, ngoài những tiêu chuẩn chung, Đại biểu Quốc hội có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam (khoản 1a Điều 22).
Theo Luật sư Nguyễn Thế Truyền, trong vụ việc của ông Phạm Phú Quốc, cơ quan chức năng cần làm rõ thời điểm ông Quốc nhập quốc tịch Síp, bởi nếu ông Quốc nhập tịch trước thời điểm bầu cử Quốc hội khóa XIV (năm 2016) thì sẽ rơi vào trường hợp không khai báo trung thực trong hồ sơ đại biểu. Nếu đúng thời điểm nhập tịch từ năm 2018 như ông Quốc trả lời báo chí thì ông Quốc đã không báo cáo trung thực với Quốc hội về việc này. Với tư cách là đại biểu Quốc hội, ông Quốc phải có trách nhiệm báo cáo trung thực với tổ chức, khi thay đổi lý lịch cũng như sở hữu hộ chiếu thứ hai đều phải giải trình.
“Ở Việt Nam chưa từng có trường hợp đại biểu Quốc hội nào được phép mang hai quốc tịch. Việc sử dụng 2 quốc tịch của đại biểu Quốc hội Phạm Phú Quốc là trái quy định pháp luật”- Luật sư Nguyễn Thế Truyền nêu quan điểm.
Đại biểu Phạm Văn Hòa, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cũng cho rằng, việc đại biểu Quốc hội có hai quốc tịch là rất nghiêm trọng. Trong trường hợp này, ông Phạm Phú Quốc đã khai báo không trung thực với tổ chức Đảng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ban Công tác đại biểu, đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh.
Ông Quốc thừa nhận trên báo chí rằng, ông nhập quốc tịch Cộng hòa Síp từ năm 2018. “Như vậy, ông Quốc phải báo cáo cho đơn vị trực tiếp quản lý là đoàn đại biểu Quốc hội hoặc Ban Công tác đại biểu để xem xét, xử lý ngay trong năm 2018. Đến nay là năm 2020, tức là 2 năm trôi qua, ông Quốc không báo cáo. Trong khi đó, vụ việc này lại bị báo chí nước ngoài phát hiện, phanh phui. Rõ ràng, đây là hành vi không khai báo, khai báo không trung thực, cụ thể”, đại biểu Phạm Văn Hòa chỉ rõ.
Theo đại biểu Phạm Văn Hòa, ông Phạm Phú Quốc là Tổng Giám đốc một doanh nghiệp Nhà nước, là cán bộ do UBND Thành phố Hồ Chí Minh quản lý. Hàng năm, ông Quốc phải kê khai tài sản, thu nhập, báo cáo thay đổi về cá nhân, gia đình. Vì thế, cần làm rõ việc tại sao ông Quốc không kê khai, báo cáo về vấn đề này.
Bên cạnh đó, theo thông tin trên báo chí, muốn nhập quốc tịch Cộng hòa Cyprus phải bỏ ra một khoản tiền không nhỏ. Vậy vấn đề kê khai thu nhập của ông Quốc thời gian qua ra sao, cơ quan chức năng cần làm rõ để thực hiện nghiêm Luật Phòng, chống tham nhũng của cán bộ, đảng viên, công chức, đại biểu Phạm Văn Hòa phân tích.
Đại biểu Phạm Văn Hòa cũng cho rằng, sự việc vừa rồi cũng là bài học lớn cho các cơ quan chức năng trong công tác thẩm tra hồ sơ, giám sát đại biểu. Nhấn mạnh bản thân mỗi đại biểu phải dũng cảm, thật thà, trung thực trong khai báo về nhân thân, gia đình, tài sản, thu nhập, tuy nhiên đại biểu Hòa chỉ rõ, các cơ quan chức năng, cơ quan thanh tra được giao quản lý đại biểu cũng cần rút kinh nghiệm để không “lọt lưới” những trường hợp tương tự. Không chỉ riêng vấn đề quốc tịch, cơ quan chức năng phải theo dõi, giám sát để nếu có vấn đề phát sinh thì phát hiện kịp thời, đôn đốc sửa sai…
Tiến sĩ Nguyễn Sỹ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng, cần tăng cường cơ chế giám sát từ việc đại biểu Quốc hội có hai quốc tịch. “Phải bắt đầu từ việc phát hiện của người dân, của đồng nghiệp. Phải làm thế nào để bảo vệ được những người dám tố cáo. Bên cạnh đó là phát huy sự giám sát của báo chí và mạng xã hội”, Tiến sỹ Nguyễn Sỹ Dũng lưu ý.
Trong cuộc họp báo chiều 1/9, đại diện UBND Thành phố Hồ Chí Minh đã thông tin chính thức: Đại biểu Quốc hội Phạm Phú Quốc không trung thực trong khai báo hồ sơ. Còn thông tin ông này bỏ 2,5 triệu euro mua quốc tịch Síp (Cyprus) là không chính xác mà do vợ và con bảo lãnh. Các đơn vị chức năng của Thành phố đang xem xét, đề xuất các hình thức xử lý về mặt Đảng, chính quyền và tư cách Đại biểu Quốc hội của ông Quốc.
Như vậy, sự thiếu trung thực của đại biểu Quốc hội này đã quá rõ ràng. Đây cũng là việc gây nhiều băn khoăn cho dư luận trong thời điểm toàn Đảng đang tập trung thực hiện Quy định số 08-QĐ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XII về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trong đó có nội dung nêu gương về tính trung thực. Xa hơn, từ sự thiếu trung thực này lại nghĩ đến lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh với đội ngũ cán bộ, đảng viên: “Nói dối, không trung thực là có tội với Đảng, với dân, một bệnh rất nguy hiểm”.