Cho ý kiến về dự án Luật tố cáo (sửa đổi) tại phiên họp thứ 8 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 14/3, Chủ nhiệm Ủy ban An ninh và Quốc phòng Võ Trọng Việt cho rằng, Luật sửa đổi lần này chi phối, điều chỉnh 3 đối tượng: người giữ chức vụ trong cơ quan nhà nước; người khiếu nại, tố cáo; và người đi giải quyết khiếu nại, tố cáo.
"Hiện chế tài để đảm bảo cho 3 đối tượng tuân thủ theo nguyên tắc này chưa chặt chẽ. Cơ chế kiểm soát quyền lực của mình chưa đồng bộ, hiệu quả chưa cao. Việc quy định trách nhiệm của người đứng đầu chưa rõ, nên dẫn đến tình trạng “cái đáng phải làm thì chưa chắc anh đã làm, nhưng cái không được làm thì làm’, ông Võ Trọng Việt khẳng định.
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Võ Trọng Việt phát biểu sáng 14/3. |
Theo ông Võ Trọng Việt, tuyệt đại bộ phận cán bộ lãnh đạo là vì Đảng, vì dân nhưng cũng có “bộ phận không nhỏ cán bộ thất đức với cán bộ cấp dưới, tham lam, thủ thuật thủ đoạn rất tinh vi”. Bây giờ, nếu có đơn thư nặc, mạo danh không làm, thì càng thuận lợi cho đội ngũ này, “bộ phận không nhỏ lại thành bộ phận lớn”.
Với người khiếu nại, tố cáo, hiện chưa có cơ chế minh bạch bảo vệ quyền lợi, tính mạng cho họ. Có những vụ kiện mà thuê cả giang hồ nên người dân tốt thì nhụt ý chí, còn cán bộ, công chức thì “nhìn” lãnh đạo, họ không dám tố cáo dù biết thủ trưởng có cái sai. “Thiếu gì trường hợp chỉ vì như thế mà bị trù dập nên nhiều người bị thua thiệt. Cha ông ta đã rút ra “Thật thà thẳng thắn thì thua thiệt”, ông Võ Trọng Việt nhấn mạnh.
Theo tờ trình của Chính phủ, việc sửa đổi Luật tố cáo đã được Quốc hội thông qua vào ngày 11/11/2011 (có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2012) là cần thiết, nhằm cụ thể hóa Hiến pháp năm 2013 về quyền tố cáo của công dân, nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng,...
Luật tố cáo năm 2011 ra đời dù đã tạo hành lang pháp lý để công dân thực hiện quyền tố cáo giúp các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền kịp thời phát hiện và xử lý đối với các hành vi vi phạm pháp luật nói chung, hành vi vi phạm pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ và các hành vi vi phạm pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong các lĩnh vực quản lý nhà nước. Tuy nhiên, qua hơn 4 năm triển khai thực hiện cho thấy Luật tố cáo đã bộc lộ những hạn chế, bất cập.
Trong đó, về nguyên tắc xác định thẩm quyền giải quyết tố cáo, khoản 1 Điều 12 Luật tố cáo quy định: “Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ công vụ của cán bộ, công chức, viên chức do người đứng đầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền quản lý cán bộ, công chức, viên chức đó giải quyết”.
Tuy nhiên, theo Tổng thanh tra Chính phủ Phan Văn Sáu, trên thực tế việc áp dụng nguyên tắc này trong nhiều trường hợp còn gặp những vướng mắc nhất định như: xác định thẩm quyền giải quyết trong trường hợp người bị tố cáo đã chuyển công tác, bị mất chức, cho thôi việc, bị thôi việc, về hưu nhưng bị tố cáo lúc đương nhiệm hoặc tố cáo hành vi vi phạm pháp luật tại thời điểm họ giữ chức vụ thấp nhưng hiện tại giữ chức vụ cao hơn,...
Luật tố cáo năm 2011 bao gồm 8 chương, 50 điều. Luật tố cáo (sửa đổi) bao gồm 9 chương với 64 điều. So với Luật tố cáo năm 2011 thì Luật tố cáo (sửa đổi) có thêm một chương mới là chương V về tổ chức thực hiện kết luận nội dung tố cáo, quyết định xử lý tố cáo.
Luật sửa đổi lần này cũng thêm mới 14 điều; sửa đổi, bổ sung 36 điều so với Luật trước đó. Hầu hết các vấn đề quan trọng của Luật tố cáo năm 2011 đã được sửa đổi, bổ sung hoặc thêm mới như: phạm vi điều chỉnh; các hành vi bị nghiêm cấm; thẩm quyền, trình tự, thủ tục giải quyết tố cáo; trách nhiệm của các cơ quan có thẩm quyền trong việc giải quyết tố cáo; bảo vệ người tố cáo, người thân thích của người tố cáo; khen thưởng và xử lý hành vi vi phạm pháp luật về tố cáo.