Thay mặt lãnh đạo tỉnh, ông Phạm Minh Huấn, Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang đã báo cáo tóm tắt tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong thời gian qua.
Sau 5 năm thực hiện Đề án tái cơ cấu, sản xuất nông nghiệp, giá trị sản xuất nông lâm thủy sản bình quân giai đoạn 2013-2017 tăng 4,9%/năm. Tổng giá trị sản xuất nông lâm nghiệp, thủy sản toàn tỉnh đạt gần 11.300 tỷ đồng. Cũng tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang kiến nghị với Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hỗ trợ đầu tư Dự án phát triển lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nâng cao năng suất, chất lượng rừng trồng sản xuất từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững. Bộ bố trí từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu Tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp và giảm nhẹ thiên tai, ổn định đời sống dân cư theo Quyết định số 923/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ phát triển hợp tác xã nông nghiệp như hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng chế biến, thương mại; hỗ trợ dự án xử lý cấp bách sạt lở, nứt dọc gần chân đê thuộc xã Sầm Dương (Sơn Dương), dự kiến kinh phí 235 tỷ đồng; xem xét Quyết định phân cấp đê trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang là đê cấp III; xây dựng mô hình liên kết gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới tại Tuyên Quang để hỗ trợ Dự án hỗ trợ hạ tầng phục vụ liên kết. Bộ sớm bổ sung kinh phí thực hiện hoàn thành Dự án kè bảo vệ bờ sông Gâm hạ lưu Nhà máy thủy điện Tuyên Quang.
Phát biểu tại buổi làm việc Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh, Tuyên Quang đã phát huy lợi thế, khai thác tiềm năng phát triển bền vững. Tỉnh đã có những bước đi phù hợp, do đó kinh tế không ngừng tăng trưởng, đời sống nhân dân được cải thiện. Đặc biệt, Tuyên Quang đã làm tốt công tác bảo vệ và phát triển rừng, là điển hình của cả nước về phát triển rừng trồng, thu hút được doanh nghiệp đầu tư chế biến lâm sản, tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội. Chương trình xây dựng nông thôn mới đã có nhiều cách làm sáng tạo, thu hút đông đảo cộng đồng tham gia.
Bộ trưởng đề nghị thời gian tới, Tuyên Quang cần có đánh giá, tổng kết thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương về phát triển nông nghiệp, có chiến lược phát triển cụ thể để ứng dụng công nghiệp 4.0 vào sản xuất; đưa tỉnh trở thành điển hình về quy mô kinh tế lâm nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến, chú trọng các sản phẩm ngoài gỗ, dược liệu; chú trọng phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp gắn với du lịch; xác định rõ cơ cấu, đối tượng sản phẩm; củng cố các tổ chức sản xuất gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm…
Đồng chí Bộ trưởng nhất trí với các kiến nghị của tỉnh, sẽ chỉ đạo tổ chức thực hiện trong thời gian tới. Đồng chí đề nghị các cơ quan chuyên môn của Bộ phải có trách nhiệm với Tuyên Quang.
Trước đó, Đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn do Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường là trưởng đoàn đã trao 100 chiếc xe đạp cho 100 học sinh có hoàn cảnh khó khăn và 30 con bò cho 30 gia đình có hoàn cảnh khó khăn ở xã Thái Bình, huyện Yên Sơn. Đoàn đã tham quan nhà máy chế chế biến gỗ Woodland tại huyện Yên Sơn và Tổ hợp sản xuất giống và gia súc, gia cầm của Tập đoàn Dabaco tại huyện Sơn Dương.
Tại đây, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đã biểu dương sự nỗ lực của các nhà đầu tư triển khai các dự án trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang, góp phần thực hiện hiệu quả tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tạo thêm việc làm cho người lao động, nâng cao đời sống nhân dân. Đồng chí lưu ý, các đơn vị phải làm tốt công tác bảo vệ môi trường, có chiến lược phát triển từ lựa chọn cây, con giống, thị trường tiêu thụ, gắn sản xuất với phát triển vùng nguyên liệu…