Vận động người dân TP Hồ Chí Minh tin tưởng, thực hiện nghiêm biện pháp phòng, chống dịch

Tại cuộc giao ban trực tuyến với TP Hồ Chí Minh, chiều 14/7, tại trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Trưởng ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 yêu cầu, Thành phố không chỉ cung cấp thông tin số ca mắc mà còn phân tích đầy đủ nguyên nhân, xu hướng các ổ dịch… để người dân thêm tin tưởng vào những giải pháp đang thực hiện cũng như kêu gọi người dân thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch.

Hỗ trợ cho trên 130.000 lao động khó khăn

Chú thích ảnh
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 phát biểu chỉ đạo. Ảnh: Minh Đức/TTXVN

Báo cáo tại cuộc họp, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong cho biết, trong vòng 24 giờ qua (tính đến 6 giờ ngày 14/7), Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hồ Chí Minh cho biết đã ghi nhận 2.144 ca mắc COVID-19, trong đó, phần lớn ở các khu cách ly, phong tỏa, đáng chú ý có 170 ca tầm soát trong cộng đồng. Thành phố hình thành Trung tâm điều trị bệnh nhân nặng tại Bệnh viện Ung bướu cơ sở 2 với quy mô 1.000 giường, sử dụng ngân sách và tiến hành vận động các doanh nghiệp hỗ trợ kinh phí mua thiết bị điều trị tại đây.

Ông Nguyễn Thành Phong cho biết, hệ thống vận hành công tác xét nghiệm được triển khai đồng bộ đến đến cấp quận, huyện, tập trung đúng hướng, có trọng tâm, trọng điểm ở những nơi có nguy cơ cao. Các quận, huyện và thành phố Thủ Đức thành lập Tổ chỉ đạo công tác xét nghiệm do 1 Phó Chủ tịch UBND quận/huyện trực tiếp điều hành; tùy theo mức độ dịch bệnh sẽ được thành phố hỗ trợ cán bộ y tế hỗ trợ công tác xét nghiệm. Thành phố tập trung lấy xét nghiệm ở những khu vực có nguy cơ cao theo phương châm “rõ - chắc - nghiêm - nhanh - hiệu quả”, tính toán số mẫu xét nghiệm và trả kết quả theo đúng thời hạn. Đối với những khu được phong tỏa, thành phố tăng cường vai trò kiểm tra, giám sát của Tổ phòng, chống COVID-19 cộng đồng bởi hiện còn tình trạng giao lưu các gia đình, dẫn đến bất cập, dễ lây nhiễm chéo.

Liên quan đến công tác tuyên truyền, trưa 14/7, mạng xã hội xuất hiện thông tin bịa đặt “từ 0 giờ 15/7, Thành phố thực hiện giới nghiêm, ngừng hoạt động của tất cả các ngành nghề, cấm người dân di chuyển ra ngoài, kêu gọi người dân mua dự trữ lương thực, thực phẩm...”. Thành phố đã kịp thời bác bỏ thông tin giả mạo nêu trên.

Bên cạnh đó, Thành phố đã triển khai việc phát phiếu mua thực phẩm nhằm hạn chế người dân tập trung cùng một thời điểm. Tại một số chợ truyền thống, giá của một số mặt hàng có tăng nhẹ: Trứng tăng 10%, rau củ quả tăng 20 - 30%... Thành phố chỉ đạo Cục Quản lý thị trường, Sở Công Thương phối hợp xử lý, kiểm tra ngay các trường hợp tăng giá. Tính đến ngày 13/7, Thành phố đã tổ chức được 45 điểm bán và các lượt xe phân bổ bán hàng lưu động tại các quận, huyện. Với lượng đơn hàng mua sắm trực tuyến tăng khoảng 5%, nhiều cửa hàng bình ổn, siêu thị phải tăng cường nhân viên chuẩn bị hàng hóa, giao hàng đúng cam kết trong vòng 24 giờ cho người dân. Thành phố thành lập đội hỗ trợ, ứng cứu nhanh, nắm bắt và cố gắng giải quyết thông tin người dân phản ánh kịp thời.

Cùng với đó, các lực lượng tăng cường công tác kiểm tra, giám sát tại 12 chốt ra vào Thành phố. Các chốt đã hỗ trợ kết nối giao lưu hàng hóa giữa các địa phương, kiểm soát dịch bệnh theo tinh thần Chỉ thị 16/CT-TTg với các địa phương lân cận. Tương tự, lực lượng tại các chốt, trạm kiểm soát nội thành tăng cường tuần tra, kiểm tra để xem xét việc chấp hành quy định phòng, chống dịch.

Liên quan đến công tác hỗ trợ người lao động, ông Nguyễn Thành Phong cho biết, Thành phố đã hỗ trợ cho trên 130.000 lao động tự do với khoảng 195 tỷ đồng, đạt 57% kế hoạch đề ra. Điển hình, một số quận/huyện đã thực hiện 90% kế hoạch hỗ trợ cho người lao động gặp khó khăn.

Chủ tịch UBND Thành phố cho biết, Thành phố đã làm việc trực tiếp với Ban Quản lý các Khu công nghiệp, Ban Quản lý Khu công nghệ cao, lãnh đạo một số quận, huyện. Theo đó, bắt đầu từ 0 giờ ngày 15/7, Thành phố quyết định, đối với những doanh nghiệp thực hiện “3 tại chỗ” (vừa sản xuất, vừa cách ly, ăn nghỉ tại chỗ và phải định kỳ xét nghiệm 7 ngày/lần cho công nhân, người lao động) hoặc áp dụng mô hình “một cung đường, hai địa điểm” (nơi sản xuất không có chỗ bố trí ăn nghỉ, phải bố trí bên ngoài an toàn, tổ chức xe đưa đón tập trung từ nơi nghỉ đến nơi sản xuất) có nhu cầu tiếp tục sản xuất sẽ được hoạt động trở lại. Các doanh nghiệp còn lại (không đảm bảo yêu cầu phòng, chống dịch) sẽ phải ngưng hoạt động.

Chuyển hướng đúng, siết chặt lại từng khâu 

Chú thích ảnh
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 phát biểu chỉ đạo. Ảnh: Minh Đức/TTXVN

Phát biểu tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, TP Hồ Chí Minh đã chuyển hướng đúng, siết chặt lại từng khâu trong công tác phòng, chống dịch, trong đó, đã tập trung rà soát lại bất cập trong công tác xét nghiệm. Đến nay, kết quả xét nghiệm được trả theo đúng thời hạn.

Theo đó, TP Hồ Chí Minh cần tiếp tục ứng dụng công nghệ để khớp nối kết quả xét nghiệm và thông tin người lấy mẫu; từ đó phân tích dịch tễ, phục vụ điều tra, phân tích chỉ điểm những khu vực trọng tâm, cần tập trung truy vết, lấy mẫu.

Thành phố đã cơ bản lập lại công tác quản lý nghiêm các khu dân cư, Phó Thủ tướng yêu cầu cần tiếp tục chấn chỉnh, tăng cường công tác tuyên truyền để người dân nắm rõ những cố gắng của Thành phố trong việc tổ chức lại đời sống sinh hoạt, phân phối hàng hóa không để ai bị thiếu thốn, đứt bữa; đồng thời vận động người dân cùng chia sẻ khó khăn trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay.

Phó Thủ tướng lưu ý, Thành phố tiếp tục quan tâm tới những người có hoàn cảnh khó khăn, đặc biệt là những người sống ở các khu, cụm dân cư tập trung đông người nghèo. Ngoài việc hỗ trợ về vật chất, lương thực, thực phẩm…, người dân rất cần được động viên về tinh thần trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội.

Đến nay, Thành phố đã cải tiến và bỏ những quy định để người dân lưu thông thuận lợi trong nội thành, giải quyết tình trạng ắch tắc. Tuy nhiên, để giải quyết tình trạng này, Phó Thủ tướng đề nghị, TP Hồ Chí Minh cần liên thông hệ thống mã QR-code với hệ thống đang triển khai trên cả nước, thống nhất mỗi người dân có 1 mã QR-code. Mã này tích hợp kết quả xét nghiệm, khai báo y tế điện tử để quét mã kiểm tra, khai báo khi đến các cửa hàng, cơ sở kinh doanh, dịch vụ, di chuyển qua các chốt kiểm soát cũng như phục vụ công tác truy vết. Trong thời gian tới, mã QR-code của mỗi người dân sẽ được tích hợp thêm các ứng dụng quản lý khác.

Liên quan đến vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng cho biết, việc liên thông hệ thống mã QR-code của TP Hồ Chí Minh và hệ thống đang triển khai trên cả nước sẽ hoàn thành trong vòng 48 giờ tới. Tuy nhiên, để phát huy hiệu quả, toàn Thành phố cần đạt từ 12.000 điểm lên tối thiểu 100.000 điểm kinh doanh, dịch vụ phát sinh hoạt động quét mã QR-code hàng ngày của khách hàng.

Cùng với những chấn chỉnh trong công tác cách ly, điều trị, Phó Thủ tướng đặc biệt lưu ý công tác truyền thông về tình hình dịch bệnh trên địa bàn Thành phố. Bên cạnh cung cấp thông tin về số ca mắc, Thành phố phải phân tích đầy đủ nguyên nhân, xu hướng các ổ dịch… để người dân thêm tin tưởng vào những giải pháp đang thực hiện cũng như kêu gọi người dân thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch.

Ngoài ra, Phó Thủ tướng lưu ý, ngoài những doanh nghiệp thực hiện “3 tại chỗ”, “một cung đường, hai địa điểm”, Thành phố cần xem xét phương án cho doanh nghiệp sản xuất trở lại “từng phần”, căn cứ trên diễn biến dịch bệnh.

Diệp Trương (TTXVN)
Chiều 14/7, Việt Nam có 829 ca mắc mới COVID-19, thêm 71 bệnh nhân khỏi bệnh
Chiều 14/7, Việt Nam có 829 ca mắc mới COVID-19, thêm 71 bệnh nhân khỏi bệnh

Từ 12 giờ đến 18 giờ 30 phút ngày 14/7, Việt Nam có 829 ca mắc mới COVID-19, thêm 71 bệnh nhân khỏi bệnh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN