Vang mãi chân lý 'Không có gì quý hơn độc lập, tự do'- Bài 2: Hun đúc khát vọng cống hiến

Ngày 17/7/1966, đế quốc Mỹ mở rộng chiến tranh bằng không quân đánh phá miền Bắc, trên Đài phát thanh Tiếng nói Việt Nam, lời kêu gọi nhân dân cả nước quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vang lên: "Không có gì quý hơn độc lập, tự do...".

Từ lời hiệu triệu “Đồng bào và chiến sĩ cả nước, anh dũng tiến lên!” hơn một nửa thế kỷ trước, tinh thần đấu tranh chống giặc ngoại xâm, vì độc lập, tự do, vì hòa bình, chính nghĩa của dân tộc đã được hun đúc trong mỗi người dân Việt Nam, tạo nên sức mạnh tinh thần to lớn, không chỉ giúp quân và dân ta đánh thắng giặc Mỹ xâm lược mà trải qua 55 năm vẫn vẹn nguyên giá trị tư tưởng mang tầm chân lý, một chân lý bất hủ có ý nghĩa lý luận, thực tiễn sâu sắc, đã và đang được phát huy đến thời đại hôm nay trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ đất nước “từ sớm, từ xa”.

Chú thích ảnh
Bác Hồ đến thăm các chiến sĩ của lực lượng phòng không bảo vệ Hà Nội, ngày 25/9/1966. Ảnh: Tư liệu TTXVN

Quyết tâm chiến đấu và chiến thắng

Trong “Lời kêu gọi đồng bào và chiến sĩ cả nước” năm 1966, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Nhân dân Việt Nam rất yêu chuộng hòa bình, hòa bình thật sự, hòa bình trong độc lập tự do, chứ không phải thứ hòa bình giả hiệu, “hòa bình” kiểu Mỹ. Vì độc lập của Tổ quốc, vì nghĩa vụ đối với các dân tộc đang chống đế quốc Mỹ, toàn dân và toàn quân ta đoàn kết một lòng, không sợ hy sinh gian khổ, kiên quyết chiến đấu đến thắng lợi hoàn toàn...

...Chúng ta có chính nghĩa, có sức mạnh đoàn kết của toàn dân từ Bắc đến Nam, có truyền thống đấu tranh bất khuất, lại có sự đồng tình ủng hộ rộng lớn của các nước xã hội chủ nghĩa anh em, và nhân dân tiến bộ cả thế giới, chúng ta nhất định thắng!”.

Chú thích ảnh
Ngày 28/12/1967, Bộ Chính trị họp phiên đặc biệt, do Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì, chính thức thông qua kế hoạch chiến lược năm 19, mở cuộc Tổng tiến công Tết Mậu Thân 19 là nhằm giáng một đòn quyết liệt vào ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ, buộc Mỹ phải đơn phương ngừng ném bom miền bắc, buộc phải đi đến ngồi với ta, thương lượng với ta. Ảnh: Tư liệu TTXVN

Nhận thức rõ giá trị to lớn của hòa bình, độc lập, tự do cho dân tộc, từ những lời kêu gọi, động viên của Người, vượt qua mưa bom bão đạn, những đoàn quân từ hậu phương lớn miền Bắc ngày đêm “xẻ dọc Trường Sơn” vào tiền tuyến lớn miền Nam đánh Mỹ. Ý chí sắt đá được nuôi dưỡng trong tinh thần của mỗi người dân Việt Nam “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” đã giúp dân tộc ta “đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”, đưa cuộc chiến đấu chống đế quốc Mỹ giành thắng lợi vẻ vang, làm nên những trang sử chói lọi.

Khi đế quốc Mỹ thực hiện cuộc chiến tranh xâm lược nước ta, tiến hành “chiến tranh cục bộ” ở miền Nam, "leo thang" đánh phá miền Bắc, cả nước sục sôi tinh thần kháng chiến cứu nước. Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, các tầng lớp thanh niên đã nô nức lên đường tòng quân nhập ngũ. Ở thời điểm ấy, phong trào "Ba sẵn sàng" và "Năm xung phong" đã đáp ứng được nhiệt huyết của hàng triệu thanh niên Việt Nam, khao khát được cống hiến trí tuệ và sức lực cho đất nước. Đã có trên 28 vạn nam, nữ thanh niên tình nguyện tham gia lực lượng thanh niên xung phong chống Mỹ, tiếp bước cha anh lên đường với quyết tâm “Tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”, “ở đâu chiến trường cần là thanh niên xung phong có mặt”, “ở đâu có giặc là thanh niên xung phong xuất quân”.

Với tinh thần “Ba sẵn sàng”, lực lượng Thanh niên xung phong chống Mỹ cứu nước miền Bắc đã có mặt trên khắp mọi tuyến đường ra trận, hăng hái chiến đấu, lao động sáng tạo, học tập, rèn luyện, sẵn sàng hy sinh anh dũng hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ: mở đường chiến lược; vận chuyển hậu cần; trực chiến, chốt giữ những trọng điểm địch đánh phá ác liệt, san lấp hố bom, sửa chữa cầu đường, tháo gỡ bom mìn, hướng dẫn xe đi và chiến đấu đảm bảo mạch máu giao thông thông suốt trong mọi tình huống. Trong 10 năm (1965 - 1975), lực lượng Thanh niên xung phong chống Mỹ cứu nước đã đảm nhận 16 loại công việc khác nhau, chủ yếu tập trung vào 3 ngành: Giao thông vận tải, quốc phòng và lâm nghiệp.

Chú thích ảnh
Vượt qua mưa bom, bão đạn, với ý chí "Không có gì quý hơn độc lập, tự do!" theo lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, những đoàn quân từ hậu phương lớn miền Bắc ngày đêm “xẻ dọc Trường Sơn” vào tiền tuyến lớn miền Nam đánh Mỹ. Ảnh: Minh Trường/TTXVN

Với ý chí “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”, trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, dân tộc ta đã có biết bao tấm gương anh hùng, dũng sỹ sáng ngời, những “người tốt, việc tốt”, những cái hay, cái đẹp nảy sinh trong sản xuất, chiến đấu và công tác. Trong những năm tháng gian khó, cùng với bộ đội chủ lực, thanh niên xung phong cả nước đã góp phần không nhỏ đánh bại chiến lược Chiến tranh đặc biệt, Chiến tranh cục bộ, Việt Nam hóa chiến tranh của đế quốc Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Ngày 30/4/1975 đã đi vào lịch sử dân tộc như một mốc son chói lọi, đưa đất nước ta bước vào một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. 

Bước tiếp nối trong thời bình

Khi đất nước đã được hòa bình, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, thanh niên Việt Nam tiếp tục là lực lượng xung kích, đi đầu trong xây dựng, bảo vệ đất nước. Sau 21 năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, chỉ được hưởng hòa bình rất ngắn ngủi, nhân dân Việt Nam lại phải bước vào cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc năm 1979. Để bảo vệ độc lập, tự do mà cả dân tộc đã dùng máu xương giành lại, hàng chục vạn thanh niên đã gia nhập lực lượng vũ trang, góp phần tích cực bảo vệ vững chắc biên cương Tổ quốc và làm tròn nghĩa vụ quốc tế.

Chiến tranh biên giới Tây Nam diễn ra ngay sau kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Hòa bình chưa lâu đã phải cầm lại súng, nên trong thời gian đầu chúng ta gặp nhiều khó khăn trong giải quyết các vấn đề liên quan đến bảo vệ Tổ quốc. Vượt qua tất cả, quyết tâm “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” thường trực trong mỗi người dân Việt Nam đã giúp quân và dân ta đồng lòng, phát huy sức mạnh của lực lượng vũ trang, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân vững chắc, xây dựng được kế hoạch đánh địch tại chỗ và kế hoạch phối hợp tác chiến giữa các lực lượng, tập trung lực lượng hợp lý trên các khu vực trọng điểm, từ đó đánh bại nhiều cuộc tiến công của địch, bảo vệ chủ quyền đất nước, hoàn thành nghĩa vụ quốc tế.

Chú thích ảnh
 Chiến sĩ Đoàn H54 bộ đội địa phương tỉnh Hoàng Liên Sơn dũng cảm chiến đấu trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc, tháng 2/1979. Ảnh: Nguyễn Trân/TTXVN

Trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc, thực hiện quyền tự vệ chính đáng, quân và dân Việt Nam anh dũng chiến đấu, giáng trả quyết liệt. Cuộc chiến đấu này thêm một lần nữa khẳng định ý chí, sức mạnh bền bỉ của nhân dân Việt Nam, quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, thử thách để bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc.

Tiếp bước truyền thống của cha anh trong công cuộc đổi mới, những phong trào như: “Hành quân theo bước chân những người anh hùng”, "Hành quân theo chân Bác", “Thi đua tình nguyện xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”... đã mở ra một trang mới, tạo môi trường để thanh niên Việt Nam hành động, cống hiến, qua đó có đóng góp xứng đáng vào công cuộc xây dựng, bảo vệ đất nước trong thời kỳ mới.

Xây dựng và bảo vệ - hai nhiệm vụ chiến lược xuyên suốt, có tính quy luật trong truyền thống dựng nước đi đôi với giữ nước của dân tộc ta. Sự kết hợp chặt chẽ giữa hai nhiệm vụ chiến lược không chỉ trong nhận thức, mà còn cả trong hành động, trong mỗi nhiệm vụ, lĩnh vực, khu vực, địa bàn, trong mọi chủ thể, mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, là cơ sở quan trọng để xây dựng một nền quốc phòng toàn dân vững mạnh, toàn diện để bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Nhận thức một cách toàn diện, thấu đáo về mối quan hệ giữa hai nhiệm vụ này, trong thời bình, kế thừa, nối tiếp tinh thần và ý chí quyết giành “độc lập tự do”, phương châm “bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa”, ngăn ngừa các nguy cơ chiến tranh, xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững chắc, đẩy mạnh hội nhập quốc tế về quốc phòng, là những bước tiếp nối, phát triển hiệu quả, giúp Việt Nam duy trì sức mạnh cần thiết, sẵn sàng đánh bại mọi hình thái chiến tranh xâm lược, thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Chú thích ảnh

Việt Nam ngày nay là thành viên tích cực, chủ động, trách nhiệm và có nhiều đóng góp trong ASEAN cũng như đối với cộng đồng quốc tế, có vai trò và vị thế ngày càng tăng trong khu vực và trên thế giới. Công tác đối ngoại, đặc biệt là đối ngoại quốc phòng của Việt Nam luôn quán triệt và thực hiện nghiêm túc các quan điểm chỉ đạo có tính nguyên tắc theo đường lối của Đảng: giữ vững độc lập, tự chủ, rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ; với phương châm: tích cực, chủ động, linh hoạt, sáng tạo và hiệu quả, “vừa hợp tác, vừa đấu tranh”.

Giá trị không thể phủ nhận của hòa bình, tự do và độc lập mà dân tộc ta đã chiến đấu, hy sinh để giành được là mục tiêu mà chúng ta luôn quyết tâm bảo vệ, gìn giữ theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Lời kêu gọi thiêng liêng, bất hủ của Bác chính là nguồn sức mạnh làm nên chiến thắng của nhân dân Việt Nam trong sự nghiệp đấu tranh vì độc lập, tự do, cũng như trong quá trình xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước.

Bài cuối: Kim chỉ nam trong hoạt động ngoại giao

Hiền Hạnh  (TTXVN)
Vang mãi chân lý 'Không có gì quý hơn độc lập, tự do' - Bài cuối: Kim chỉ nam trong hoạt động ngoại giao
Vang mãi chân lý 'Không có gì quý hơn độc lập, tự do' - Bài cuối: Kim chỉ nam trong hoạt động ngoại giao

Để giữ vững môi trường hòa bình cho phát triển, Việt Nam vẫn tiếp tục khẳng định chân lý “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”, đặc biệt trong đường lối đối ngoại.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN