Đây là nhận định của các chuyên gia, nhà quản lý tại Tọa đàm “Nghị quyết 128 - Hướng tới bình thường mới” do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức ngày 18/10.
Quyết sách đúng đắn
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, việc Chính phủ ban hành Nghị quyết 128 là phù hợp trong điều kiện hiện nay. Nghị quyết đã đưa ra các biện pháp đáp ứng vừa phòng, chống dịch, vừa phát triển kinh tế. Trong Nghị quyết đã giao các bộ, ngành liên quan sớm ban hành các hướng dẫn chung để áp dụng trong toàn quốc. Các địa phương căn cứ vào những hướng dẫn chung đó để tổ chức triển khai một cách thống nhất từ Trung ương đến địa phương.
Nghị quyết cũng cho phép các địa phương linh hoạt áp dụng các biện pháp cụ thể nhưng không trái với quy định của Trung ương, không gây ách tắc về giao thông và hàng hóa, không gây cản trở hoạt động sản xuất kinh doanh và đi lại của người dân. Trong trường hợp tổ chức triển khai thực hiện hoặc trường hợp cần thiết phải áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch có quy mô toàn tỉnh, thành phố cao hơn các biện pháp quy định trong Nghị quyết 128; hoặc trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện, các hướng dẫn của các bộ, ngành, các địa phương thấy chưa sát thực tế hoặc khó triển khai thực hiện thì đề xuất với các bộ, ngành có liên quan để sớm có hướng dẫn triển khai cụ thể. Đồng thời, gửi về Bộ Y tế, cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, để báo cáo với cấp có thẩm quyền xem xét, điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện thực tế trong tình hình dịch hiện nay.
Tuy nhiên, Thứ trưởng nhấn mạnh, các quy định của địa phương không được trái với quy định của Trung ương để bảo đảm sự lãnh đạo thống nhất từ Trung ương đến địa phương trong phòng, chống dịch cũng như tạo điều kiện phát triển kinh tế, xã hội, đáp ứng mục tiêu kép.
Về những điểm mới, có tính đột phá trong Nghị quyết, Giáo sư Nguyễn Anh Trí, đại biểu Quốc hội khóa XV, Chủ tịch Hội Huyết học-Truyền máu Việt Nam nhận định, Nghị quyết ra đời kịp thời đúng lúc, phù hợp với hoàn cảnh, tình hình; hướng dẫn cách thức bảo đảm thích ứng an toàn, linh hoạt để phòng, chống dịch hiệu quả. Đáng chú ý, Nghị quyết này thay thế cho các Chỉ thị trước đó là 15,16, 19. Đây là một dấu mốc cho việc cả nước chuyển qua giai đoạn bình thường mới, từ nay cơ bản coi như vùng xanh, đang an toàn, thay cho việc nhiều vùng đỏ trước kia, không còn phù hợp.
“Tất nhiên, thực tế, chắc chắn vẫn còn xuất hiện các ca nhiễm mới (F0), vẫn có những điểm đỏ, vùng đỏ nên chúng ta tuyệt đối không chủ quan… Gần đây, Thanh Hóa, Phú Thọ vẫn xuất hiện ca mắc nhưng không chủ quan, cũng không hoảng sợ, lo lắng quá mức”, Giáo sư Nguyễn Anh Trí nhận định.
Theo ông, Nghị quyết xây dựng dựa trên 3 tiêu chí: số người mắc/100.000 dân/tuần, số người đã được tiêm vaccine và khả năng thu dung điều trị... Đó là những tiêu chí cụ thể, hợp lý, có thể áp dụng chung áp dụng cho toàn quốc. Tuy nhiên, khi triển khai thực hiện, cần phải thống nhất trong cả nước. Các địa phương không tự ý quy định.
Khâu tổ chức quyết định sự thành công
Theo Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Đình Thọ, Nghị quyết 128 là quyết sách quan trọng trong thời điểm hiện nay, đưa ra rất kịp thời, rất đúng và trúng, rõ ràng về quan điểm chỉ đạo để chúng ta quán triệt, thực hiện. Trước đây, chúng ta thực hiện chống dịch theo Chỉ thị 15, 16, quyết sách của Chính phủ là phù hợp và với sự đồng lòng của nhân dân đã đạt được những thành quả. Ngành giao thông cũng thích ứng linh hoạt, có những giải pháp cụ thể cho từng lĩnh vực vận tải mới có hiệu quả. Đến thời điểm hiện nay, Nghị quyết 128 đã chỉ rất rõ và cố gắng khắc phục những bất cập để phục hồi phát triển kinh tế, phòng, chống dịch tốt. Một loạt chủ trương, giải pháp đưa ra trong Nghị quyết 128 là rất phù hợp.
Sau khi Nghị quyết 128 ra đời, Bộ Giao thông vận tải đã ban hành các quy định về lĩnh vực đường bộ, hàng hải và hàng không. Mặc dù vẫn dựa vào Quyết định 4800 của Bộ Y tế (hướng dẫn tạm thời về chuyên môn y tế thực hiện Nghị quyết 128) để xây dựng, nhưng Bộ cũng cụ thể hóa với các lĩnh vực cụ thể của ngành. Đây cũng là cơ sở để các địa phương áp dụng thực hiện đồng bộ trên cả nước, nhất là lĩnh vực vận tải.
Thứ trưởng Lê Đình Thọ cho rằng, tổ chức vẫn là khâu quyết định sự thành công khi triển khai Nghị quyết, cũng cần lưu tâm đến vấn đề hậu kiểm, lấy quy định đã ban hành để xem xét, từ đó sẽ biết được ai làm đúng, ai làm chưa đúng.
"Chúng ta luôm nói là cả hệ thống chính trị vào cuộc, vậy thì các thành viên trong hệ thống chính trị phải làm rõ, làm đúng trách nhiệm của mình”, ông nhấn mạnh.
Dẫn chứng vừa qua, trong lĩnh vực Giao thông vận tải, từ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đến người dân, doanh nghiệp đều phản ánh về những khó khăn, vướng mắc trong lưu thông hàng hóa, tổ chức chưa đồng bộ dẫn đến những bất cập, Thứ trưởng Lê Đình Thọ nêu rõ, “dứt khoát lần này chúng ta phải giải quyết bất cập này; phải đồng bộ từ công tác tuyên truyền, tập huấn. Chủ trương là đúng nhưng thực hiện ở các chốt kiểm dịch còn chưa đồng bộ, hiểu chưa đúng, triển khai chưa cụ thể dẫn đến bất cập trong vấn đề lưu thông. Chỉ dừng 1 chiếc xe trên đường 5 phút có thể gây ùn tắc kéo dài đến 1 tiếng và nhiều km, gây bức xúc cho doanh nghiệp, người dân, gây lãng phí”.
Ví Nghị quyết 128 ra đời được xã hội đón như luồng gió mới, Phó Trưởng ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng cho rằng, để hiểu được Nghị quyết và thực hiện cho đúng để lập lại trật tự là cả một vấn đề. Nêu lên 6 vấn đề cần rút kinh nghiệm trong công tác phòng, chống dịch thời gian qua, đó là hình thành các chốt liên tỉnh dẫn đến việc cát cứ; cách ly tập trung khiến rủi ro cao; khủng hoảng y tế; người dân không được về quê, không được đi lại “trở thành câu chuyện như thợ lặn nhịn thở hồi lâu, khi có Nghị quyết 128 thì được hít một hơi dài”; tình trạng “trên bảo dưới không nghe”, người dân bắt buộc phải tuân thủ các mệnh lệnh của cấp xã, cấp huyện, cấp tỉnh, trong khi cấp tỉnh lại không tuân thủ cấp Trung ương và “đã có chuyện tham nhũng trục lợi, đục nước béo cò, lợi dụng tình hình dịch bệnh”, ông Lưu Bình Nhưỡng cho rằng, khi trở lại trạng thái bình thường mới, phải giải quyết những vấn đề này. Việc chuyển trạng thái cần đảm bảo tính thống nhất, tính tuân thủ cao và thông tin phản ánh kịp thời.
Ông nêu lên 3 lĩnh vực cần tránh khủng hoảng, trước hết là y tế, cần vận dụng đông, tây y, cả nam dược, đặc biệt là củng cố lại y tế cơ sở, y tế dự phòng. Tiếp đến là không được để khủng hoảng an sinh cho người dân và không được để khủng hoảng sản xuất kinh doanh. Giao thông vận tải không thông suốt sẽ ảnh hưởng sản xuất kinh doanh.
“Từ Nghị quyết đến hành động có 3 vấn đề lớn, một là phải hiểu đúng; hai là đánh giá đúng tình hình địa phương; ba là phải đúng quy định nhưng phải bằng các văn bản quy phạm pháp luật, tránh tình trạng ăn đong, nay chỉ đạo thế này, mai chỉ đạo cái khác. Các địa phương trên cơ sở Nghị quyết 128, thống nhất ban hành các văn bản để quy định ở địa phương mình. Trên cơ sở đánh giá tình hình chúng ta mới có thể vận dụng đúng”, ông Lưu Bình Nhưỡng nói.
Ông cũng nhấn mạnh việc các địa phương phải tuân thủ sự chỉ đạo từ Trung ương, thống nhất nhưng vận dụng linh hoạt; tiếp tục tuyên truyền một cách đúng đắn, phổ biến sâu rộng cho người dân và đặc biệt hỗ trợ để người dân hiểu và thực hiện, từ đó đưa Nghị quyết vào thực hiện có hiệu quả thời gian tới.