Việt Nam chủ động, tích cực tham gia xử lý thách thức chung toàn cầu về biến đổi khí hậu

Nhận lời mời của Thủ tướng Vương quốc Anh Boris Johnson và Thủ tướng Cộng hòa Pháp Jean Castex, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính sẽ dự Hội nghị lần thứ 26 các Bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (COP26), thăm làm việc tại Vương quốc Anh và thăm chính thức Cộng hòa Pháp từ ngày 30/10 - 5/11/2021.

Chú thích ảnh
Thủ tướng Phạm Minh Chính. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Hội nghị Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu là hội nghị quốc tế thường niên tổ chức trong khuôn khổ Công ước khung Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu từ năm 1995 đến nay nhằm đánh giá quá trình ứng phó với biến đổi khí hậu của các bên tham gia. Hội nghị có quy mô lớn, có tầm quan trọng hàng đầu về lĩnh vực biến đổi khí hậu.

Hội nghị COP 26 diễn ra trong bối cảnh vấn đề biến đổi khí hậu đang diễn biến hết sức phức tạp, khó lường trên phạm vi toàn cầu, thu hút sự quan tâm rất lớn của dư luận quốc tế, đòi hỏi sự phối hợp hành động khẩn trương, nghiêm túc từ tất cả các nước để có thể đạt được mục tiêu đề ra trong Thỏa thuận Paris là giữ nhiệt độ trung bình toàn cầu vào cuối thế kỷ này chỉ tăng dưới 2 độ C và nỗ lực để chỉ tăng 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp (hiện nhiệt độ đã tăng gần 1,2 độ C).

Ứng phó với biến đổi khí hậu là ưu tiên trong phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam

Dự kiến COP26 năm nay có sự tham dự trực tiếp của trên 120 Nguyên thủ quốc gia và Thủ tướng; ngoài ra có Tổng Thư ký Liên hợp quốc cùng lãnh đạo của nhiều tổ chức quốc tế và thể chế tài chính quốc tế lớn, nhiều tập đoàn đa quốc gia lớn và nhiều tổ chức phi chính phủ quốc tế lớn. Tổng số đại biểu dự sự kiện khoảng 30.000 người.

Trên cương vị Chủ tịch COP26 và là nước đăng cai tổ chức Hội nghị, Anh kỳ vọng và đang nỗ lực để Hội nghị đạt được thỏa thuận về một số mục tiêu chính như huy động đủ 100 tỉ USD/năm để tài trợ cho các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu tại các nước đang phát triển; nhất trí được về cách thức xác định trước năm 2025 mục tiêu tài chính mới cho giai đoạn sau năm 2025; xây dựng được hướng dẫn thực hiện đối với một số điều khoản quan trọng còn lại của Thỏa thuận Paris về thu hẹp khoảng cách giữa cam kết của các quốc gia nêu trong Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) và cam kết giảm phát thải khí nhà kính cần thiết theo đòi hỏi của khoa học để giữ mức tăng nhiệt độ trái đất ở 1,5 độ C; khuyến khích các nước đưa ra chiến lược dài hạn hướng tới phát thải ròng bằng “0”; đạt tiến triển hướng tới Mục tiêu toàn cầu về thích ứng (Global Goal on Adaptation).

Cùng với đó, Hội nghị thông qua hướng dẫn thực hiện Khung minh bạch tăng cường; nhất trí về các khung thời gian chung cho các Đóng góp do quốc gia tự quyết định; nhất trí về một chương trình làm việc mới về giáo dục, đào tạo, nâng cao nhận thức, sự tham gia và tiếp cận thông tin về khí hậu; nhất trí về một chương trình làm việc mới về cộng đồng dân cư và người bản địa...

Nước đăng cai Anh cũng nỗ lực tìm giải pháp tạo sự thống nhất về ngân sách, thảo luận về hàng loạt các vấn đề hành chính và tài chính khác; đồng thời, tăng cường quan hệ đối tác Marrakesh để tăng cường kết nối với các thành phần ngoài khu vực Nhà nước.

Dự kiến, Hội nghị sẽ đàm phán, thảo luận xây dựng các quy định mang tính ràng buộc thực hiện theo quy định của Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu với 8 nội dung chính: Cơ chế thị trường và phi thị trường; minh bạch trong ứng phó với biến đổi khí hậu; khung thời gian và mẫu báo cáo áp dụng chung; thúc đẩy ứng phó với biến đổi khí hậu: mục tiêu thích ứng toàn cầu; phương thức xác nhận nỗ lực thích ứng toàn cầu; khuôn khổ thực hiện giảm rủi ro để giúp các quốc gia xây dựng các chiến lược rủi ro do biến đổi khí hậu; nguồn lực cho ứng phó biến đổi khí hậu; đánh giá nỗ lực của các quốc gia: đánh giá mức độ thực hiện các cam kết về giảm phát thải khí nhà kính của các quốc gia phát triển cho giai đoạn trước năm 2020; thúc đẩy các hành động khí hậu công bằng và bao trùm.

Ngoài ra, Hội nghị cũng tổ chức các hoạt động theo chủ đề song song với các hoạt động đàm phán và có sự tham gia của các Lãnh đạo cấp cao các quốc gia, các tổ chức quốc tế, doanh nghiệp lớn, các nhà khoa học… Các hoạt động theo chủ đề này được tổ chức nhằm trao đổi, chia sẻ, trình diễn, công bố các sáng kiến mới hoặc kế hoạch, hoạt động thực hiện các sáng kiến đã có.

Việt Nam là một trong những nước chịu tác động nặng nề của biến đổi khí hậu. Đảng và Nhà nước luôn đặt vấn đề ứng phó với biến đổi khí hậu là ưu tiên trong phát triển kinh tế - xã hội, chủ động, tích cực trong ứng phó với biến đổi khí hậu và thực hiện các cam kết quốc tế liên quan. Thủ tướng Chính phủ tham dự COP26 là dịp để Việt Nam thể hiện mạnh mẽ thông điệp trách nhiệm, chủ động, tích cực trong tham gia xử lý thách thức chung toàn cầu về biến đổi khí hậu; giúp cộng đồng quốc tế hiểu rõ chủ trương, quyết tâm và nỗ lực cũng như những khó khăn, thách thức của Việt Nam trong ứng phó với biến đổi khí hậu.

Đây cũng là một trong những cơ hội hiếm hoi trong bối cảnh đại dịch COVID-19 để lãnh đạo cấp cao các nước tăng cường tiếp xúc song phương. Dự kiến, trong khuôn khổ Hội nghị COP26, Thủ tướng Chính phủ và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam sẽ có hàng loạt các cuộc gặp với lãnh đạo một số nước, tổ chức quốc tế và các đối tác quan trọng.

Hướng tới nâng quan hệ Việt Nam - Anh lên mức cao hơn

Trong thời gian dự Hội nghị COP 26 tại Anh, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính sẽ kết hợp thăm và làm việc tại đây. Việt Nam và Anh thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược từ năm 2010. Nhân chuyến thăm Việt Nam của Bộ trưởng thứ nhất, Bộ trưởng Ngoại giao và Phát triển Anh Dominic Raab (30/9/2020), hai bên đã ra Tuyên bố chung mới về Đối tác chiến lược với 7 lĩnh vực hợp tác ưu tiên và khẳng định hai bên hướng tới nâng quan hệ lên mức cao hơn trong 10 năm tới.

Về hợp tác trên diễn đàn quốc tế và khu vực, hai bên đã có sự hợp tác chặt chẽ và hiệu quả trong thời gian Việt Nam là thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc khóa 2008 - 2009, khóa 2020 - 2021.

Ở lĩnh vực thương mại, đầu tư, trong số các đối tác thương mại của Anh, Việt Nam xếp thứ /241 đối tác, xếp thứ 25/233 nước có xuất khẩu vào Anh. Trong ASEAN, Việt Nam đứng thứ 2 về kim ngạch xuất khẩu vào Anh, chiếm 3,1% tổng kim ngạch nhập khẩu của Anh.

Đối với Việt Nam, Anh là đối tác thương mại lớn thứ 3 tại thị trường châu Âu. Các sản phẩm xuất khẩu chính của Việt Nam sang Anh là điện thoại, máy vi tính- linh kiện, hàng dệt may, giày dép, sắt thép các loại, hạt điều, cà phê, hạt tiêu và nhập khẩu từ Anh gồm máy móc, thiết bị, dược phẩm, sản phẩm hóa chất, hóa chất, nguyên phụ liệu dệt may - da giày, ô tô nguyên chiếc.

Hai bên đã chính thức ký Hiệp định Thương mại tự do (UKFTA) tại London (29/12/2020) trên nguyên tắc kế thừa Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) với những điều chỉnh cần thiết để đảm bảo phù hợp với khuôn khổ thương mại song phương giữa Việt Nam và Anh. Với nền tảng kế thừa Hiệp định EVFTA, UKFTA sẽ tạo khuôn khổ hợp tác kinh tế - thương mại toàn diện, lâu dài, ổn định giữa Việt Nam và Anh.

Hai bên cũng tích cực hợp tác trong nhiều lĩnh vực như: Quốc phòng-an ninh; phòng, chống mua bán người, đưa người di cư trái phép; vấn đề dân chủ nhân quyền; hợp tác phát triển; giáo dục - đào tạo; khoa học công nghệ...

Trong hợp tác ứng phó COVID-19, Anh là nước đóng góp nhiều cho COVAX với vaccine do AstraZeneca/Đại học Oxford cùng phát triển. Chính phủ Anh đã dành tặng Việt Nam 415.000 liều vaccine AstraZeneca. Tháng 11/2020, Bộ Y tế, Công ty Cổ phần vaccine Việt Nam (VNVC) và Tập đoàn AstraZeneca đã ký kết đặt mua 30 triệu liều vaccine COVID-19, được giao theo nhiều đợt. Đến ngày 27/9/2021, gần 15 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 của hợp đồng này đã về đến Việt Nam. Ngày 19/8/2021, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã điện đàm với Tổng Giám đốc Tập đoàn AstraZeneca Pascal Soriot để thúc đẩy đưa vaccine về Việt Nam. Ngày 21/8/2021, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã gửi thư cho Bộ trưởng Ngoại giao và Phát triển Anh Dominic Raab và Bộ trưởng Y tế Anh Sajid Javid đề nghị, trên tinh thần quan hệ Đối tác Chiến lược, cung cấp máy thở không xâm lấn (CPAP) với số lượng lớn nhất có thể cho Việt Nam. Dự kiến, tới đây, Anh sẽ công nhận chứng nhận tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 của Việt Nam.

Chuyến công du của Thủ tướng Phạm Minh Chính dự hội nghị COP 26, thăm và làm việc Vương quốc Anh, thăm chính thức Cộng hòa Pháp thể hiện mạnh mẽ thông điệp về một Việt Nam trách nhiệm, chủ động, tích cực cùng chung tay cùng cộng đồng quốc tế giải quyết thách thức toàn cầu về biến đổi khí hậu; thể hiện quyết tâm và nỗ lực cũng như những khó khăn, thách thức hiện nay của Việt Nam trong ứng phó biến đổi khí hậu. Cùng với đó, góp phần củng cố tin cậy chính trị, làm sâu sắc hơn quan hệ hợp tác nhiều mặt, đưa quan hệ song phương đi vào thực chất, hiệu quả hơn; góp phần nâng tầm quan hệ với hai đối tác chiến lược này đi vào thực chất, hiệu quả trên mọi mặt chính trị, ngoại giao, kinh tế, thương mại, đầu tư, văn hóa, giáo dục…, đặc biệt là những kết quả hợp tác cụ thể trong lĩnh vực y tế, công nghiệp dược, ngoại giao vaccine.

Thu Phương (TTXVN)
Thủ tướng Phạm Minh Chính đồng chủ trì Đối thoại Chiến lược quốc gia Việt Nam - WEF lần đầu tiên
Thủ tướng Phạm Minh Chính đồng chủ trì Đối thoại Chiến lược quốc gia Việt Nam - WEF lần đầu tiên

Nhận lời mời của Nhà sáng lập và Chủ tịch điều hành Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) Giáo sư Klaus Schwab, ngày 29/10, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đồng chủ trì Đối thoại Chiến lược quốc gia Việt Nam - WEF lần đầu tiên bằng hình thức trực tuyến với chủ đề "Tăng cường quan hệ đối tác công tư: Động lực then chốt của phục hồi toàn diện và phát triển bền vững, bao trùm và đổi mới sáng tạo".

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN