Ngày 28/7/2015 đánh dấu tròn 20 năm Việt Nam tham gia Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Đây cũng chính là giai đoạn phát triển quan trọng, sôi động và toàn diện nhất của ASEAN từ trước đến nay, nhân dịp này, Đại sứ Nguyễn Hoành Năm, trưởng Phái đoàn Đại diện thường trực Việt Nam tại ASEAN đã trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN. Sau đây là nội dung cuộc trao đổi: Đại sứ Nguyễn Hoành Năm, Trưởng Phái đoàn Đại diện thường trực Việt Nam tại ASEAN. |
* Việc Việt Nam gia nhập ASEAN năm 1995 được coi là bước khởi đầu quan trọng đối với tiến trình mở rộng và phát triển của ASEAN, đặc biệt là trong hội nhập quốc tế, vậy tiến trình đó của ASEAN đã đạt được những kết quả gì, thưa Đại sứ?
Trong 20 năm qua, với sự tồn tại và phát triển của ASEAN, Đông Nam Á đã có bước chuyển căn bản từ nghi kỵ, đối đầu trở thành một khu vực hòa bình, ổn định và hợp tác. Bản thân ASEAN, từ một tổ chức lỏng lẻo của 6 quốc gia Đông Nam Á trở thành ASEAN-10 hoạt động trên cơ sở các nguyên tắc pháp lý, khung pháp lý và bộ máy theo Hiến chương.
ASEAN cũng chuyển mình từ hợp tác nhỏ lẻ, tự phát sang liên kết chặt chẽ và toàn diện. Cuối năm nay, ASEAN sẽ chính thức công bố trở thành Cộng đồng và lộ trình xây dựng ASEAN sau 2015, mở ra một chương mới để ASEAN tiếp tục bước vào những giai đoạn liên kết sâu rộng hơn trong tương lai.
Thành quả nổi bật và đáng tự hào khác là một ASEAN với 10 quốc gia nhỏ bé nhưng đang có vai trò quan trọng trong việc định hình, xây dựng và dẫn dắt cấu trúc khu vực. Thông qua việc khởi xướng và chủ trì các diễn đàn và cơ chế như ASEAN+1, ASEAN+3, Cấp cao Đông Á (EAS), Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF), Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng mở rộng (ADMM+) v.v…, ASEAN đã và đang đóng vai trò quan trọng cho tăng cường đối thoại, xây dựng lòng tin, ngăn ngừa xung đột ở Châu Á-Thái Bình Dương.
Quan hệ của ASEAN với các đối tác tiếp tục được mở rộng và làm sâu sắc thêm. Các đối tác khẳng định coi trọng và ủng hộ vai trò của ASEAN, tích cực hỗ trợ ASEAN đẩy mạnh liên kết khu vực và xây dựng cộng đồng, tăng cường kết nối và thu hẹp khoảng cách phát triển.
Trong các đối tác của mình, ASEAN đã xây dựng quan hệ đối thoại với Australia, Canađa, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, New Zealand, Nga, Mỹ và EU, trong đó có nhiều đối tác đã hoặc đang hướng tới đối tác chiến lược với ASEAN. ASEAN cũng đang đẩy mạnh triển khai các Hiệp định tự do thương mại (FTA) đã có với Australia và New Zealand, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc và đàm phán Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).
* Kỷ niệm 48 năm thành lập ASEAN vào tháng 8/2015 năm nay cũng là dịp tròn 20 năm Việt Nam gia nhập ASEAN, Đại sứ có thể điểm lại những đóng góp của Việt Nam trong chặng đường 20 năm qua đối với sự phát triển của ASEAN? Với tinh thần tích cực, chủ động, trách nhiệm, kể từ khi tham gia ASEAN, Việt Nam đã hết sức nỗ lực cùng các nước ASEAN trong việc thúc đẩy đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Thứ nhất, chúng ta đã đóng góp tích cực vào quá trình xây dựng Cộng đồng ASEAN ngay từ buổi đầu hình thành ý tưởng, cho đến giai đoạn định hình chính sách và triển khai. Năm 1998, chỉ 3 năm sau khi gia nhập, Việt Nam đã chủ trì Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 6 tại Hà Nội. Năm 2001, Việt Nam là nước chủ trì xây dựng và góp phần trong Tuyên bố Hà Nội về Thu hẹp Khoảng cách Phát triển. Ta cũng đã tích cực đóng góp xây dựng và triển khai các lộ trình, kế hoạch hành động về xây dựng Cộng đồng ASEAN.
Đáng chú ý, Việt Nam đã đảm nhận thành công cương vị Chủ tịch ASEAN 2010 đúng vào giai đoạn có ý nghĩa quan trọng đối với tiến trình xây dựng Cộng đồng của ASEAN.
Bên cạnh đó, Việt Nam là một trong 5 nước đầu tiên phê chuẩn sau khi Hiến chương ASEAN được ký kết và luôn tích cực trong quá trình triển khai; là nước thứ 2 cử đại diện thường trực trong Ủy ban các Đại diện thường trực về ASEAN (CPR) và được đánh giá là một trong những nước đi đầu trong việc triển khai các biện pháp hướng tới hình thành cộng đồng vào cuối năm nay.
Thứ hai, Việt Nam là một trong những nước tích cực trong việc thúc đẩy duy trì đoàn kết nội khối, đề cao tự cường khu vực, các giá trị, chuẩn mực ứng xử chung của ASEAN và phát huy vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực.
Với việc đề cao sức mạnh đoàn kết và tự cường, Việt Nam đã nỗ lực cùng các nước ASEAN vượt qua những giai đoạn khó khăn. Trong năm 1998, chúng ta đã tích cực phối hợp với các nước ASEAN trong việc vượt qua cơn bão khủng hoảng tài chính 1997-1998 cũng như đưa ra quyết sách kết nạp Campuchia vào ASEAN năm 1999.
Trong nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN 2010, bản lĩnh tự chủ của ASEAN trong ứng xử với các nước lớn lại một lần nữa được khẳng định thông qua quyết định kết nạp Nga và Mỹ vào Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS), qua đó càng khẳng định vai trò chủ đạo của ASEAN trong cấu trúc khu vực đang định hình.
Thứ ba, Việt Nam đã có những đóng quan trọng trong việc duy trì môi trường hòa bình, an ninh ở khu vực, trong đó có bảo đảm hòa bình, an ninh, an toàn hàng hải ở Biển Đông. Việt Nam luôn đề cao vai trò của việc tuân thủ Hiến chương ASEAN và Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác (TAC) như bộ quy tắc ứng xử điều chỉnh quan hệ giữa các quốc gia, dù lớn hay nhỏ, ở khu vực, nhất là các nguyên tắc không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, giải quyết mọi tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế v.v…
Về Biển Đông, Việt Nam luôn tích cực đề cao tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh và an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông; tuân thủ luật pháp quốc tế; kiềm chế và không làm phức tạp tình hình; không sử dụng vũ lực hay đe dọa sử dụng vũ lực; giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế và Công ước của LHQ về Luật biển (UNCLOS) 1982; thực hiện đầy đủ DOC và sớm đạt được COC v.v…
* ASEAN đang xây dựng Cộng đồng ASEAN sau 2015 với một tầm nhìn xa hơn, mức độ liên kết cao và sâu rộng hơn. Trong tình hình đó, Phái đoàn Việt Nam tại ASEAN sẽ có những đóng góp như thế nào cho mục tiêu chung trong thời gian tới?Bên cạnh việc gấp rút triển khai các công việc còn lại để công bố hình thành Cộng đồng ASEAN vào 31/12/2015, thời gian tới ASEAN tiếp tục tích cực xây dựng và sau đó là triển khai các chương trình, kế hoạch của tầm nhìn ASEAN sau 2015 với mức độ liên kết ở tầm cao hơn cả về chính trị-an ninh; kinh tế; văn hóa xã hội; mở rộng và làm sâu sắc hơn quan hệ với các đối tác cũng như tăng cường vai trò và vị trí của ASEAN trong khu vực.
Trong bối cảnh đó, Phái đoàn Việt Nam tại ASEAN sẽ tập trung vào một số trọng tâm công tác chính như sau:
Thứ nhất, liên quan đến công tác xây dựng Cộng đồng ASEAN, phái đoàn sẽ tiếp tục phối hợp với Ủy ban các Đại diện Thường trực ASEAN (CPR) cụ thể hóa các quyết sách chính trị của Cấp cao thành các chương trình công tác, kế hoạch hành động cụ thể cho ASEAN. Thông qua việc soạn thảo các văn bản này, lồng ghép các vấn đề có lợi ích của Việt Nam; cùng CPR tiếp tục điều phối, giám sát tiến trình xây dựng Cộng đồng, kịp thời kiến nghị các giải pháp tháo gỡ những vướng mắc phát sinh.
Thứ hai, thực hiện ưu tiên của cấp cao về việc nâng cao thể chế, chuẩn hóa hoạt động cũng như giảm bớt các cuộc họp cho ASEAN, phái đoàn sẽ phối hợp cùng CPR và Ban thư ký ASEAN đề xuất các giải pháp toàn diện cũng như các hành động cụ thể, phát huy vai trò điều phối khu vực của CPR và bộ máy tổ chức mới của BTK ASEAN v.v…
Thứ ba, trong quan hệ ASEAN-Đối tác, phái đoàn sẽ phối hợp với CPR và các Phái đoàn Đại diện Thường trực các nước/tổ chức đối thoại tại ASEAN thúc đẩy quan hệ này chuyển mạnh về chất, phù hợp với bối cảnh và tầm nhìn liên kết mới của ASEAN sau 2015; tiếp tục khuyến khích các đối tác gia tăng hỗ trợ cho các nước ASEAN trong những lĩnh vực như thương mại, hợp tác phát triển, đào tạo và nâng cao năng lực; khuyến khích các đối tác tham gia và đóng góp vào hòa bình, an ninh hợp tác ở khu vực. Hiện tại, phái đoàn đang tích cực cùng các nước ASEAN và đối tác xây dựng các Kế hoạch hành động cho giai đoạn 2016-2020.
Thứ tư, tiếp tục thực hiện các cam kết hội nhập của Việt Nam, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan trong nước thúc đẩy hoàn tất các phần việc của Việt Nam hướng tới mục tiêu Cộng đồng ASEAN vào cuối 2015 và tham gia vào giai đoạn phát triển tiếp theo của ASEAN; chú trọng phối hợp với các cơ quan trong nước quảng bá các cơ hội mà Cộng đồng ASEAN mang lại cho người dân.
Thứ năm, đảm bảo công tác thông tin, dự báo tình hình liên quan đến hoạt động của ASEAN trong đó có việc tìm hiểu kinh nghiệm và các bước đi hội nhập của các nước ASEAN; những chuyển biến tại khu vực và quan hệ các nước lớn, qua đó góp phần đúc rút các bài học kinh nghiệm và cung cấp thông tin cho công tác xây dựng chính sách của Việt Nam.
Hội nhập ASEAN mở ra một thời kỳ mới cho Việt Nam, tạo dựng môi trường hòa bình, ổn định và thịnh vượng phục vụ cho các mục tiêu phát triển của ta. Các hoạt động của phái đoàn cũng không nằm ngoài ưu tiên này, thúc đẩy liên kết ASEAN, và qua đó, thúc đẩy và bảo vệ các các lợi ích của Việt Nam.
Phóng viên: Cảm ơn Đại sứ!