Số ca mắc COVID-19 tại Việt Nam đã vượt mốc 1.000
Tuần 17-23/8 ghi nhận số người mắc COVID-19 tại Việt Nam vượt qua mốc 1.000 ca. Cụ thể, sau 8 tháng căng mình chống dịch, đến 18 giờ ngày 23/8, Việt Nam đã ghi nhận 1.016 ca mắc COVID-19, trong đó 674 ca mắc do lây nhiễm trong nước. Số ca mắc mới liên quan đến Đà Nẵng tính từ ngày 25/7 đến nay là 534 ca. Hiện tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) là 77.0 người, trong đó 2.095 người cách ly tập trung tại bệnh viện, 19.808 người cách ly tập trung tại cơ sở khác và 50.477 người cách ly tại nhà, nơi lưu trú.
Trước nguy cơ lây lan dịch bệnh trên phạm vi rộng, các chuyên gia cho rằng, hơn bao giờ hết, người đứng đầu các tỉnh, thành phố càng phải nêu cao vai trò, trách nhiệm trong việc triển khai thực hiện nghiêm các chỉ đạo, quy định, hướng dẫn của Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia và các bộ, ngành chức năng về công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Trong phiên họp mới đây của Chính phủ bàn giải pháp phòng, chống dịch COVID-19, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu xác định trách nhiệm người đứng đầu trong bao quát công tác phòng, chống dịch; nếu xuất hiện ca bệnh phải khoanh vùng kịp thời, không để dịch lây lan diện rộng.
Không một địa phương nào được phép lơi lỏng, chủ quan, cho rằng “ổ dịch chỉ ở Đà Nẵng - Quảng Nam”. Chỉ một mắt xích lỏng lẻo, quản lý không chặt chẽ hoạt động xuất nhập cảnh, thực hiện không nghiêm một trong các biện pháp phòng, chống dịch, thì mọi nỗ lực cố gắng và thành quả đã đạt được có thể bị vô hiệu hóa…
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu xác định rõ trách nhiệm của chính quyền địa phương trong công tác phòng, chống dịch COVID-19, trong đó có việc mời các chuyên gia, nhà đầu tư, nhà quản lý nhập cảnh vào Việt Nam, đồng thời có biện pháp cách ly phù hợp, đảm bảo an toàn.
Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đề nghị các địa phương chống dịch theo phương châm “4 tại chỗ”; tránh tâm thế trông chờ, thụ động; rà soát tất cả kịch bản ứng phó phòng, chống dịch trên nhiều cấp độ, trong đó chú ý nâng cao năng lực xét nghiệm COVID-19 để truy vết, giám sát, cách ly, khoanh vùng, dập dịch. Dịch bệnh càng diễn biến phức tạp, khó lường, càng cần sự chủ động, quyết liệt, nhạy bén của người đứng đầu chính quyền các cấp.
Trong việc mua sắm vật tư, máy móc, sinh phẩm..., nhiều địa phương đề nghị sớm tháo gỡ cơ chế, hướng dẫn về chuyên môn, tư vấn loại máy, hóa chất, vật tư để thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh. Qua đó tránh những vụ việc đáng tiếc như vụ mua máy xét nghiệm COVID-19 tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội, làm sao để việc mua sắm máy móc, sinh phẩm bảo đảm thực hiện đúng quy định của Nhà nước, đồng thời đáp ứng kịp thời, hiệu quả yêu cầu phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe nhân dân.
Giải cứu thành công vụ 2 tuổi bị bắt cóc tại Bắc Ninh
Đêm 22/8, Cơ quan Cảnh sát Điều tra, Công an tỉnh Bắc Ninh di lý đối tượng Nguyễn Thị Thu (SN 1988, trú quán tại tổ 5, phường Hợp Giang, thành phố Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng, hiện đang ở xóm 16, xã Tân Long, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang) và Đặng Văn Bằng (SN1987, trú quán tại xóm 16, xã Tân Long, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang) từ tỉnh Tuyên Quang về thành phố Bắc Ninh.
Đây là hai đối tượng liên quan đến vụ bắt cóc cháu Nguyễn Cao Gia Bảo (sinh năm 2018, trú tại khu Khúc Toại, phường Khúc Xuyên, thành phố Bắc Ninh) vào 17 giờ, ngày 21/8 gây xôn xao dư luận. Ngay trong đêm, Cơ quan Cảnh sát Điều tra, Công an tỉnh Bắc Ninh đã lấy lời khai của các đối tượng.
Nguyễn Thị Thu khai, ngày 20/8, Thu nảy sinh ý định muốn bắt một em bé về để nuôi. Do trước đó, Thu từng đi tập thể dục tại Công viên Nguyễn Văn Cừ, thành phố Bắc Ninh và thấy có nhiều trẻ nhỏ đang chơi. Thực hiện ý định bắt trẻ em, 17 giờ ngày 21/8, Thu đến công viên Nguyễn Văn Cừ, thấy cháu Nguyễn Cao Gia Bảo đang chơi một mình, Thu liền rủ cháu bé theo, sau đó sử dụng xe máy chở cháu bé về khu nhà trọ tại phường Khắc Niệm, thành phố Bắc Ninh.
Sáng sớm 22/8, Thu mang theo cháu Nguyễn Cao Gia Bảo và cùng bạn trai là Đặng Văn Bằng di chuyển về Tuyên Quang. Đến trưa cùng ngày, cả hai đối tượng và cháu Gia Bảo đến xóm 16, xã Tân Long, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang.
Trao đổi với các cơ quan báo chí, Đại tá Phạm Thế Tùng, Giám đốc Công an tỉnh Bắc Ninh cho biết ngay sau khi nhận được vụ việc, Công an thành phố Bắc Ninh phối hợp với Phòng Cảnh sát Hình sự, Phòng Cảnh sát Cơ động và các lực lượng tổ chức tìm kiếm cháu bé tại công viên và khu vực xung quanh nhưng không thấy.
Xác định đây là vụ việc có dấu hiệu vụ án “bắt cóc trẻ em”, sáng 22/8, Giám đốc Công an tỉnh chỉ đạo xác lập chuyên án truy xét, huy động các lực lượng áp dụng các biện pháp nghiệp vụ tổ chức truy tìm cháu bé và truy xét đối tượng, đồng thời thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Kết quả, sau hơn 24 giờ nhận được thông tin vụ việc, 21 giờ 30 phút ngày 22/8, lực lượng Công an tỉnh Bắc Ninh được sự hỗ trợ của Phòng Trọng án, Cục Cảnh sát Hình sự, Bộ Công an và Công an tỉnh Tuyên Quang đã phát hiện, giải cứu thành công cháu bé tại xã Tân Long, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang.
Ngay trong đêm, hai đối tượng thực hiện hành vi bắt cóc trẻ em và cháu Gia Bảo được lực lượng chức năng đưa từ Tuyên Quang về thành phố Bắc Ninh để điều tra, làm rõ. Rạng sáng ngày 23/8, tại trụ sở Phòng Cảnh sát Hình sự, Công an tỉnh Bắc Ninh, trong niềm vui hân hoan của gia đình và người thân cháu bé, lực lượng chức năng đã trao bé Nguyễn Cao Gia Bảo về với vòng tay người thân an toàn, mạnh khỏe.
Với tâm trạng xúc động xen lẫn niềm vui, anh Nguyễn Văn Hưng, trú tại khu Khúc Toại, phường Khúc Xuyên, thành phố Bắc Ninh, bố bé Nguyễn Cao Gia Bảo) chia sẻ: “Ngày hôm nay, khi được gặp lại con, tôi cảm thấy như được sinh con ra thêm một lần nữa, đặc biệt, không nghĩ là mình được đón con về ngay trong đêm nay. Đây là niềm vui vô bờ bến của gia đình. Qua đây, tôi cũng xin cảm ơn sự vào cuộc của các lực lượng Công an, sự chia sẻ của nhân dân ở trong và ngoài tỉnh; đồng thời mong muốn các bậc cha mẹ quan tâm với con nhiều hơn nữa để con không phải gặp nguy hiểm”.
Cảm kích về tình cảm của người dân trong việc sẻ chia sự việc với gia đình, chị Cao Thị Ngọc Yến (trú khu Khúc Toại, phường Khúc Xuyên, thành phố Bắc Ninh, mẹ cháu Nguyễn Cao Gia Bảo) nghẹn ngào tâm sự: “Sau khi vụ việc xảy ra, nhiều người mặc dù không quen biết gia đình nhưng luôn sát cánh, động viên cùng gia đình tìm con. Qua đây, tôi càng cảm nhận được tình người của người dân Việt Nam. Đây là động lực để tôi gắng gượng trên con đường tìm lại đứa con của mình. Bên cạnh đó, sự vào cuộc khẩn trương của các cơ quan chức năng đã mang lại niềm tin cho tôi, không chỉ trong vụ việc này mà niềm tin vào sự gìn giữ bình yên cuộc sống cho nhân dân”.
Khởi tố, bắt tạm giam Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội
Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an đã ra Quyết định khởi tố bị can, Lệnh khám xét, Lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Võ Tiến Hùng, Tổng Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Thoát nước Hà Nội về tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí", quy định tại Điều 219 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.
Theo đó, việc khởi tố liên quan đến vụ án hình sự "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí" xảy ra tại UBND thành phố Hà Nội và các đơn vị liên quan theo Quyết định khởi tố vụ án hình sự số 14/CSKT-P12 ngày 27/4/2020 của Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an.
Sau khi Viện Kiểm sát nhân dân tối cao phê chuẩn, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã thi hành các Quyết định và Lệnh nêu trên theo đúng quy định của pháp luật. Hiện Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đang tiếp tục điều tra mở rộng vụ án và áp dụng các biện pháp theo luật định để thu hồi tài sản cho Nhà nước.
Khởi tố, bắt tạm giam hai đối tượng hoạt động chống phá Nhà nước
Cơ quan An ninh điều tra - Công an tỉnh Phú Yên đã ra quyết định khởi tố bị can và thi hành lệnh bắt tạm giam đối với Phạm Hổ, sinh năm 1949, trú tại phường Hòa Vinh, thị xã Đông Hòa (Phú Yên) về tội “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân" theo khoản 2 Điều 109 Bộ luật Hình sự năm 2015. Đồng thời, Cơ quan An ninh điều tra - Công an tỉnh Phú Yên cũng đã khởi tố bị can, thi hành lệnh bắt tạm giam đối với Trần Thị Tuyết Diệu, sinh năm 1988, trú xã Hòa Tân Tây, huyện Tây Hòa (Phú Yên) về tội “Làm, tàng trữ, phát tán, tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” theo khoản 1 Điều 117 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Các quyết định trên đã được Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Phú Yên phê chuẩn. Theo điều tra ban đầu của Cơ quan An ninh điều tra - Công an tỉnh Phú Yên, bị can Phạm Hổ đã lập trang facebook kết bạn với một số thành viên trong tổ chức phản động “Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời” do Đào Minh Quân cầm đầu.
Phạm Hổ đã làm thơ, viết bài có nội dung ca ngợi tổ chức này và kêu gọi mọi người tham gia ủng hộ hoạt động của tổ chức, đăng tải công khai trên facebook cá nhân. Từ cuối năm 2019 đến tháng 3/2020, Phạm Hổ được một số thành viên của tổ chức “Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời” gửi cho 2 chiếc điện thoại để liên lạc và 6 cuốn “Hiến pháp Đệ tam Việt Nam Cộng hòa” để Hổ đọc và hội luận trên các diễn đàn của tổ chức. Qua khám xét nơi ở của bị can, Cơ quan an ninh đã phát hiện, thu giữ tại nhà Phạm Hổ nhiều tài liệu phản động và phương tiện liên quan.
Đối với bị can Trần Thị Tuyết Diệu, từ cuối năm 2017 đến tháng 5/2020 đã sử dụng nhiều tài khoản trên các trang mạng xã hội để đăng tải hàng trăm bài viết, hình ảnh, video clip có nội dung ca ngợi, cổ xúy các đối tượng hoạt động chống phá Đảng và Nhà nước; xúc phạm, bôi nhọ lãnh tụ; xuyên tạc đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; xuyên tạc lịch sử cách mạng Việt Nam; phỉ báng, kích động lật đổ chính quyền nhân dân; đưa thông tin sai sự thật về các cơ quan thực thi pháp luật trên mạng xã hội.