Hội thảo nhằm chia sẻ các kết quả nghiên cứu về kinh nghiệm thành công và thất bại trong cải cách khu vực công ở Hàn Quốc và những giá trị tham khảo đối với Việt Nam, tập trung vào bốn chủ đề kết nối logic chặt chẽ và tương hỗ: Cải cách thể chế và hành chính, cải cách quản trị quốc gia, cải cách quản lý nguồn nhân lực và cải cách quản lý tài chính công.
Tham dự có: Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Xuân Thắng, Bí thư Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giám đốc tổng thể Dự án DEEP về phía Việt Nam; Giám đốc tổng thể Dự án DEEP về phía Hàn Quốc Jun Kwang Woo; Giám đốc quốc gia KOICA Việt Nam Kim Jin Oh; Tổng Vụ trưởng Vụ Hợp tác phát triển, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc Jeong Jin-Kyu; đại diện Văn phòng Chính phủ, Liên hợp quốc, Ngân hàng Thế giới, Cơ quan phát triển Nhật Bản, Liên minh châu Âu, đại diện một số đại sứ quán các nước tại Việt Nam, cùng đông đảo các chuyên gia, học giả, nhà nghiên cứu của Việt Nam và Hàn Quốc.
Chủ đề nghiên cứu năm thứ hai “cải cách khu vực công” là một trong ba chủ đề nghiên cứu của Dự án DEEP vì tầm nhìn Việt Nam được Chính phủ hai nước phê duyệt triển khai và do KOICA tài trợ. Chủ đề nghiên cứu năm thứ nhất: “phát triển nguồn nhân lực cấp cao” và chủ đề nghiên cứu năm thứ hai này là cơ sở quan trọng cho việc định hướng triển khai chủ đề năm thứ ba về “hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường ở Việt Nam hiện nay” cũng như mục tiêu tổng thể của Dự án.
Phát biểu tại Hội thảo, Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh, Hội thảo “Cải cách khu vực công” diễn ra trong thời điểm đặc biệt, Đảng và Nhà nước Việt Nam đang đẩy mạnh cải cách thể chế, đặc biệt là sau Hội nghị Trung ương 6 (khóa XII). Mới đây, Đảng Cộng sản Việt Nam đã ban hành hai nghị quyết với nội dung quan trọng về đổi mới tổ chức bộ máy trong hệ thống chính trị theo hướng tinh gọn, về đổi mới tổ chức và quản lý, nâng cao hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập.
Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Xuân Thắng cho rằng, nội dung nghiên cứu năm thứ hai của Chương trình là “cải cách khu vực công” nhằm tăng cường quản trị khu vực nhà nước và phát triển kinh tế. Cách đặt vấn đề của Chương trình được hai bên thảo luận rất kỹ lưỡng, bắt đầu từ thực tiễn của Việt Nam, trên cơ sở đó đối chiếu so sánh tại những thời điểm nhất định khi bàn về thể chế và cải cách khu vực công. Trên cơ sở đó, đề ra những giải pháp hữu hiệu giải quyết những tồn tại vướng mắc ở khu vực công của Việt Nam.
Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Xuân Thắng mong muốn các nhà khoa học, nhà hoạch định chính sách tích cực trao đổi, thảo luận, đề xuất các giải pháp hiệu quả, đóng góp nhiều ý kiến có giá trị …, giúp Ban Tổ chức hoàn thiện Báo cáo về cải cách khu vực công nhằm tăng cường năng lực quản trị Nhà nước và Phát triển bền vững ở Việt Nam.
Đánh giá về Chương trình đối tác chia sẻ kinh nghiệm phát triển (DEEP) vì tầm nhìn Việt Nam tính đến thời điểm này, Tổng Vụ trưởng Vụ hợp tác phát triển, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc Jeong Jin – Kyu cho biết, Chương trình có các nhà khoa học, chuyên gia nghiên cứu đầu ngành của cả hai nước. Do đó phía Hàn Quốc đánh giá rất cao nội dung kết quả của Báo cáo cuối kỳ về cải cách khu vực công nhằm tăng cường năng lực quản trị Nhà nước và Phát triển bền vững ở Việt Nam được công bố tại Hội thảo này. Nội dung Báo cáo không những góp phần vào các giải pháp giúp cải cách khu vực hành chính công mà còn liên quan đến lĩnh vực dịch vụ công, giúp phát triển môi trường đầu tư, thương mại giữa Việt Nam với các quốc gia có quan hệ hợp tác.
Theo ông Jeong Jin – Kyu, dựa vào sự tin tưởng của quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam – Hàn Quốc thời gian qua, phía Hàn Quốc sẽ tiếp tục trao đổi với Việt Nam để xây dựng phương hướng dài hơi hơn trong quá trình hợp tác, phát triển giữa hai bên dựa trên kết quả Chương trình lần này.
Tại Hội thảo, các đại biểu tham dự đã thảo luận và đóng góp nhiều ý kiến quan trọng đối với các vấn đề: Áp dụng kết quả nghiên cứu năm thứ nhất và năm thứ hai của Dự án nghiên cứu DEEP vào thực tiễn Việt Nam; cải cách thể chế và cải cách hành chính ở Việt Nam và cách thức áp dụng các kết quả nghiên cứu; cải cách quản lý nguồn nhân lực; cải cách quản lý chi tiêu công…