Các báo cáo viên cho biết trong 6 tháng qua, khu vực Tây Phi và Sahel đã chứng kiến một số tiến triển về chính trị, nổi bật là các cuộc bầu cử nghị viện và tổng thống diễn ra thành công tại một số nước như Niger, Benin, Ghana, Guinea, Cote d'Ivoire và Burkina Faso.
Tuy nhiên, tình hình an ninh khu vực tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp do sự gia tăng hoạt động khủng bố và bạo lực giữa các cộng đồng. Các báo cáo viên ghi nhận các nước Tây Phi và Sahel đã ứng phó tốt với đại dịch COVID-19, song bày tỏ quan ngại về việc đại dịch đã khiến kinh tế các nước này suy thoái nghiêm trọng, đảo ngược các thành quả về kinh tế, giảm nghèo và cản trở công cuộc triển khai các mục tiêu phát triển bền vững. Ông Saleh nhấn mạnh quan ngại về tình trạng mất an ninh lương thực, tội phạm xuyên quốc gia tại nhiều nước trong khu vực và vấn nạn hải tặc tại Vịnh Guinea. Bà Ayemou ghi nhận một số tiến triển trong tăng cường bảo đảm quyền của phụ nữ, trẻ em ở Tây Phi và Sahel song cho rằng quá trình này còn đối mặt với nhiều thách thức, nhất là trong vấn đề bảo đảm tiếp cận giáo dục và y tế cho phụ nữ.
Các nước thành viên HĐBA đã lên án các cuộc tấn công nhằm vào dân thường, nhân viên LHQ và lực lượng gìn giữ hòa bình của LHQ tại khu vực; đánh giá cao vai trò và khẳng định ủng hộ hoạt động của UNOWAS và lực lượng G5 Sahel, đồng thời kêu gọi Liên minh châu Phi (AU) và Cộng đồng Kinh tế Tây Phi (ECOWAS) tiếp tục phối hợp với UNOWAS trong duy trì hòa bình, an ninh và phát triển ở khu vực Tây Phi và Sahel.
Phát biểu tại cuộc họp, Tham tán Công sứ, Phó Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại LHQ Nguyễn Phương Trà ghi nhận các tiến triển tích cực về chính trị trong khu vực, đặc biệt là việc chính phủ và nghị viện mới được thành lập tại một số nước.
Đại diện Việt Nam chia sẻ quan ngại về tình hình an ninh và nhân đạo ở Tây Phi và Sahel, lên án các cuộc tấn công nhằm vào dân thường và kêu gọi các bên liên quan tăng cường bảo vệ thường dân, bảo đảm an toàn cho nhân viên các Phái bộ và lực lượng gìn giữ hòa bình của LHQ, bảo đảm các lợi ích chính đáng của người dân và các hoạt động cứu trợ nhân đạo không bị cản trở.
Bà Nguyễn Phương Trà nhấn mạnh Việt Nam đánh giá cao nỗ lực của LHQ, UNOWAS, các tổ chức khu vực và Lực lượng G5 Sahel trong đóng góp vào hoà bình, an ninh, phát triển và thúc đẩy tiến trình chính trị tại khu vực. Đại diện Việt Nam kêu gọi tăng cường các biện pháp ngoại giao phòng ngừa, cảnh báo sớm, ngăn ngừa xung đột và hòa giải trong giải quyết xung đột tại khu vực, trong đó có tính đến các mối đe dọa của biến đổi khí hậu đối với an ninh khu vực.
UNOWAS là một Phái bộ chính trị của LHQ, được thành lập năm 2016 với nhiệm vụ chính là thúc đẩy ngoại giao phòng ngừa và hòa giải tại các nước khu vực Tây Phi và Sahel. Đây là cuộc họp định kỳ 6 tháng của HĐBA LHQ về tình hình tại khu vực Tây Phi và Sahel.