Phát biểu tại buổi làm việc, ông Bua-Xôn Búp-Phả-Văn khẳng định, nhiều năm qua, Việt Nam và Lào có mối quan hệ khăng khít, luôn kề vai sát cánh bên nhau và mối quan hệ này tiếp tục được duy trì và phát triển.
Ông Bua-Xôn Búp-Phả-Văn chia sẻ, lần này quay lại Việt Nam, ông bất ngờ trước sự phát triển và thay đổi nhanh chóng của Việt Nam. Những kết quả từ trải nghiệm thực tế sẽ là những bài học quý để áp dụng tại Lào, nhất là những kinh nghiệm và bài học về phát triển kinh tế hợp tác, hợp tác xã tại Việt Nam.
Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam Nguyễn Ngọc Bảo cho biết, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam đóng vai trò nòng cốt trong việc xây dựng và phát triển hệ thống hợp tác xã. Thời gian qua, Đảng, Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách đúng đắn đối với sự phát triển của hợp tác xã. Thông qua thông tin tuyên truyền, các cơ quan trong hệ thống chính trị đã đẩy mạnh tính ưu việt của mô hình hợp tác xã, nâng cao nhận thức về tính ưu việt này cho người dân.
Đặc biệt, Đảng, Nhà nước còn có chính sách phát triển với cơ chế phù hợp để hợp tác xã thu hút nguồn lực trẻ, năng động và tạo điều kiện tốt nhất cho khu vực kinh tế tập thể phát triển trong môi trường kinh tế định hướng xã hội chủ nghĩa. Tuy nhiên, ông Nguyễn Ngọc Bảo cũng thẳng thắn chỉ ra một bộ phận cán bộ trong hệ thống chính trị còn chưa hiểu đúng nguyên tắc, vai trò, bản chất của hợp tác xã kiểu mới. Mặt khác, hệ thống pháp luật và chính sách hỗ trợ phát triển hợp tác xã còn bất cập, thiếu đồng bộ...
Chính vì vậy, ông Nguyễn Ngọc Bảo kỳ vọng việc hợp tác giữa Việt Nam và Lào trong lĩnh vực kinh tế tập thể, hợp tác xã sẽ góp phần thúc đẩy sự phát triển của khu vực này trong tương lai.
Báo cáo tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam Nguyễn Văn Thịnh cho biết, giai đoạn 2013-2018, số hợp tác xã thành lập mới hằng năm và hoạt động hiệu quả cũng như tổng số hợp tác xã đều tăng. Thống kê cho thấy, tổng số hợp tác xã hiện tại đã lên tới hơn 22.000 hợp tác xã, tăng hơn 3.500 hợp tác xã so với năm 2013.
Đáng lưu ý, đến năm 2018, cả nước có 3.8 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Nhiều hợp tác xã được tổ chức lại hoặc thành lập mới phần lớn hoạt động có hiệu quả, nhất là những hợp tác xã sản xuất, kinh doanh gắn với chuỗi giá trị, cung ứng thực phẩm an toàn; các tổ hợp tác, hợp tác xã trong các làng nghề tiếp tục phát triển. Doanh thu bình quân của các hợp tác xã hoạt động hiệu quả đạt 264 triệu đồng/năm, thu nhập của người lao động đạt 40 triệu đồng/người/năm.
Theo ông Nguyễn Văn Thịnh, phần lớn hợp tác xã có nhận thức và nhu cầu sản xuất, kinh doanh gắn với chuỗi giá trị để phát triển bền vững, nhiều hợp tác xã nông nghiệp và hầu hết hợp tác xã phi nông nghiệp đã năng động huy động các nguồn lực, đẩy mạnh xúc tiến thương mại tại thị trường trong và ngoài nước.
Cùng với đó, nhiều địa phương có mô hình hợp tác xã khởi nghiệp sáng tạo, ứng dụng công nghệ cao có hiệu quả; đẩy mạnh thành lập liên hiệp hợp tác xã để liên kết các hợp tác xã làm "đầu kéo" huy động nguồn lực đầu vào và tiêu thụ sản phẩm; nhiều hợp tác xã có quy mô lớn theo mô hình tổ hợp, tập đoàn kinh tế hoạt động đa ngành và nâng cao năng lực cạnh tranh, xuất khẩu.
Chiều cùng ngày, ông Bua-Xôn Búp-Phả-Văn và Đoàn công tác thăm một số mô hình hợp tác xã kiểu mới nhờ chuyển đổi thành công theo Luật Hợp tác xã 2012 tại tỉnh Vĩnh Phúc.