Tham dự Lễ khai mạc có Đại sứ Lê Dũng, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam bên cạnh LHQ và các tổ chức quốc tế khác tại Vienna; Đại sứ Darmansjah Djumala, Trưởng Phái đoàn thường trực Indonesia bên cạnh LHQ và các tổ chức quốc tế khác tại Vienna; ông Hideo Eno, Giám đốc Cơ quan Phòng chống ma túy Nhật Bản, Trưởng đoàn Nhật Bản tham dự CND 63; ông Gilberto Gerra, Trưởng Bộ phận phòng chống ma túy, UNODC và khoảng 200 đại biểu dự CND 63.
Phát biểu khai mạc triển lãm, Đại sứ Lê Dũng nêu bật tình trạng gia tăng sử dụng ma túy trái phép trong giới trẻ cũng như những tác động tiêu cực của vấn đề này tới sức khỏe cộng đồng và ổn định xã hội. Đại sứ nhấn mạnh vai trò của gia đình và cộng đồng trong việc giúp đỡ thanh niên từ bỏ ma túy và phục hồi sức khỏe thể chất và tinh thần sau cai nghiện.
Đại sứ hy vọng việc UNODC lựa chọn trưng bày các tác phẩm nhiếp ảnh có nội dung về quá trình cai nghiện tại gia đình, được thực hiện tại các nước Afghanistan, Cote d’Ivoire, Indonesia và Việt Nam sẽ giúp các đại biểu tham dự CND 63 có cái nhìn toàn diện về vai trò của quá trình điều trị tại gia đình đối với người nghiện ma túy. Thông qua triển lãm, các quốc gia, các tổ chức quốc tế và các đối tác khác sẽ tăng cường hơn nữa quá trình hợp tác nhằm phát huy vai trò của gia đình và cộng đồng, như một giải pháp thay thế cho các biện pháp cải tạo và cai nghiện tập trung đối với người nghiện ma túy.
Về phần mình, Đại sứ Darmansjah Djumala cám ơn UNODC và Phái đoàn Việt Nam đã phối hợp tổ chức triển lãm và lựa chọn trưng bày nhiều tác phẩm được thực hiện tại Indonesia. Đại sứ Djumala cho biết phòng chống ma túy là một trong những trọng tâm trong chính sách phòng chống tội phạm của Indonesia.
Chính phủ Indonesia xác định bên cạnh các biện pháp cứng rắn đối với tội phạm buôn bán và vận chuyển ma túy trái phép, các biện pháp giáo dục, giúp đỡ người nghiện từ bỏ ma túy và phục hồi sức khỏe đóng vai trò quan trọng trong việc giảm thiểu tình trạng lạm dụng ma túy, đặc biệt là trong giới trẻ nước này. Indonesia cũng đánh giá cao các chương trình, dự án của UNODC trong việc hỗ trợ các quốc gia đối phó với tình trạng lạm dụng ma túy và cam kết sẽ phối hợp chặt chẽ với UNODC trong các hoạt động này.
Về phía Nhật Bản, ông Hideo Eno hoan nghênh UNODC và Phái đoàn Việt Nam đã có sáng kiến tổ chức triển lãm, qua đó truyền tải thông điệp về các biện pháp cai nghiện hiệu quả tới các đại biểu tham dự CND 63. Giám đốc Cơ quan Phòng chống ma túy Nhật Bản nhất trí với phát biểu của Đại sứ Lê Dũng về vai trò của gia đình trong quá trình giúp đỡ người nghiện ma túy và nhấn mạnh sự cần thiết của việc phát huy biện pháp này. Ông Eno cho biết trong thời gian qua Nhật Bản đã phối hợp với UNODC và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thực hiện các chương trình, dự án về điều trị cho người nghiện và mong muốn các nước thành viên CND tiếp tục phối hợp với UNODC, tạo điều kiện thực hiện các chương trình này.
CND 63 là khóa họp thường niên của Ủy ban ma túy LHQ nhằm thảo luận về tiến trình kiểm soát việc sản xuất, buôn bán, vận chuyển trái phép các chất ma túy và các chất hướng thần. Khóa họp cũng là dịp để đại diện các cơ quan phòng chống ma túy quốc gia, các tổ chức quốc tế và các tổ chức khác trao đổi về cơ hội hợp tác xây dựng chính sách, biện pháp phòng chống ma túy.
Triển lãm được tổ chức trong khuôn khổ chương trình hợp tác giữa UNODC và WHO về điều trị và giúp đỡ người nghiện ma túy. Chương trình được thực hiện nhằm xây dựng và thúc đẩy thực hiện các biện pháp điều trị và cai nghiện hiệu quả cho người nghiện ma túy tại châu Âu, châu Á và châu Phi. Năm nay là năm thứ ba thường trực Việt Nam bên cạnh LHQ và các tổ chức quốc tế khác tại Vienna phối hợp với UNODC tổ chức triển lãm.