Hội nghị do Thủ tướng Narendra Modi khởi xướng từ năm 2004 khi ông còn giữ chức Thủ hiến bang Gujarat. Sự kiện này được tổ chức 2 năm một lần nhằm kết nối kinh doanh, chia sẻ kiến thức và thiết lập quan hệ đối tác chiến lược vì mục tiêu tăng trưởng bao trùm và phát triển bền vững. Hội nghị lần này thu hút sự tham dự của nhiều lãnh đạo và doanh nghiệp Ấn Độ, cùng đại diện khách mời đến từ trên 100 quốc gia, trong đó có lãnh đạo cấp cao các nước Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), CH Séc, Mozambique, Timor Leste, Uganda…
Phát biểu tại phiên khai mạc, Thủ tướng Ấn Độ nhấn mạnh hội nghị lần này có ý nghĩa quan trọng vì khởi đầu cho giai đoạn 25 năm tới, trong đó, Ấn Độ sẽ tận dụng các tiềm năng và thế mạnh để phát triển, hướng tới hiện thực hóa các mục tiêu đưa Ấn Độ thành một quốc gia phát triển nhân kỷ niệm 100 năm độc lập vào năm 2047. Cựu Thủ hiến bang Gujarat cũng nêu bật các tiềm năng và thế mạnh của bang, một trung tâm phát triển kinh tế ở miền Tây Ấn Độ; hoan nghênh các nhà đầu tư nước ngoài tăng cường đầu tư vào Gujarat.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang chia sẻ niềm vui được dự Hội nghị tại bang Gujarat, quê hương của cố lãnh tụ vĩ đại Mahatma Gandhi và Thủ tướng Modi; đánh giá cao nỗ lực của bang Gujarat trong việc duy trì tổ chức sự kiện “Gujarat sống động”, qua đó góp phần nâng cao vai trò, vị thế của bang nói riêng và của Ấn Độ nói chung, cũng như khẳng định tầm nhìn của Thủ tướng Modi về tương lai phát triển của Ấn Độ.
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nhấn mạnh tầm quan trọng của các nội dung được thảo luận tại hội nghị lần này xoay quanh chủ đề “Cửa ngõ tới tương lai” như kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số, thương mại điện tử, thành phố thông minh....
Phó Thủ tướng cho biết đây cũng là các lĩnh vực ưu tiên trong tiến trình phát triển và hội nhập quốc tế của Việt Nam, đồng thời chia sẻ về các chiến lược và kế hoạch dài hạn của Việt Nam trong những lĩnh vực này, trong đó có “Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050”, và việc đặt mục tiêu nâng tỷ trọng kinh tế số lên tới 20% GDP vào năm 2025 và 30% vào năm 2030.
Phó Thủ tướng cũng nêu một số gợi ý chính sách nhằm khuyến khích sự phát triển của các lĩnh vực nói trên, như tạo lập khuôn khổ chính sách, pháp lý và môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, ổn định, minh bạch, công bằng; triển khai các chiến lược, kế hoạch một cách nhất quán; nguồn vốn đầu tư công từ chính phủ đóng vai trò dẫn dắt, khuyến khích và thu hút được nguồn lực của khu vực tư nhân và đầu tư nước ngoài; gia tăng hợp tác quốc tế, đưa các lĩnh vực này thành nội dung hợp tác chủ đạo và ưu tiên dành nhiều nguồn lực hơn nữa để hiện thực hóa; vận động các nước phát triển hỗ trợ về vốn, chuyển giao công nghệ, kỹ thuật, quản trị hiện đại, đào tạo nguồn nhân lực... Phó Thủ tướng Chính phủ cũng bày tỏ tin tưởng rằng là nền kinh tế phát triển nhanh và năng động, có quy mô lớn thứ 5 thế giới, Ấn Độ hoàn toàn có thể phát huy vai trò dẫn dắt trong tiến trình này.
Nhân dịp này, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đánh giá quan hệ hữu nghị truyền thống và Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Ấn Độ đang phát triển mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực, mang lại lợi ích cho cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân hai nước, đóng góp tích cực cho hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững ở khu vực và thế giới.
Ông cảm ơn sự hỗ trợ của Ấn Độ dành cho Việt Nam trong các lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực, phát triển khoa học công nghệ, chuyển đổi năng lượng, chuyển đổi số, đồng thời khẳng định Việt Nam mong muốn tăng cường hợp tác với Ấn Độ nói chung và với bang Gujarat nói riêng trong các lĩnh vực Ấn Độ có thế mạnh và phù hợp với ưu tiên phát triển của Việt Nam, trong đó có các lĩnh vực được trao đổi tại hội nghị lần này; hoan nghênh và sẵn sàng tạo điều kiện cho các tập đoàn lớn của Ấn Độ tăng cường đầu tư, hợp tác lâu dài với Việt Nam.
Chiều cùng ngày, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đã dự và có phát biểu chỉ đạo tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam - Ấn Độ. Trong bài phát biểu, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cho rằng quan hệ kinh tế giữa hai nước vẫn chưa ngang tầm với quan hệ chính trị rất tốt đẹp, với tiềm năng, thế mạnh và chưa đáp ứng được kỳ vọng của cả hai bên.
Ông nhấn mạnh hai nước vẫn còn rất nhiều tiềm năng, dư địa để đưa hợp tác kinh tế song phương phát triển đột phá trong thời gian tới, đặc biệt trong các xu thế, lĩnh vực phát triển mới như kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, chuyển đổi số, công nghiệp phần mềm, bán dẫn, trí tuệ nhân tạo…
Phó Thủ tướng khẳng định Việt Nam sẵn sàng tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp Ấn Độ hoạt động lâu dài, thành công ở Việt Nam. Ông đề nghị hai bên trao đổi thẳng thắn về cơ hội, thuận lợi cũng như khó khăn, thách thức, “rào cản” đối với hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư giữa hai nước nói chung và hoạt động đầu tư, kinh doanh của các doanh nghiệp nói riêng.
Trên cơ sở đó, các bên có thể đề xuất các sáng kiến, giải pháp, biện pháp khả thi để tháo gỡ khó khăn, tận dụng tốt thời cơ, khai thác hiệu quả tiềm năng hợp tác, nhằm đưa quan hệ kinh tế giữa hai nước ngày càng phát triển sâu rộng, hiệu quả, xứng tầm “đối tác chiến lược toàn diện”.
Cũng trong ngày 10/1, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đã gặp gỡ, trao đổi với các nguyên thủ, quan chức, lãnh đạo doanh nghiệp các nước như: Thủ tướng CH Séc Petr Fiala, Thủ hiến bang Gujarat Bhupendrabhai Patel, Tổng Thư ký Liên đoàn các Phòng Thương mại và Công nghiệp Ấn Độ (FICCI) Shailesh Pathak, ban lãnh đạo Tập đoàn Adani, lãnh đạo Công ty Minda, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty SMS Pharmaceutical…