Trong buổi tiếp Đại sứ Nguyễn Thị Bích Huệ sau lễ trình Thư ủy nhiệm, Tổng giám đốc FAO bày tỏ khâm phục những thành tích phát triển của Việt Nam, nhất là trong xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an ninh lương thực. Tiến sĩ José Graziano da Silva cũng đánh giá cao bề dày và hiệu quả hợp tác giữa Chính phủ Việt Nam và FAO, nhất là khi hai bên vừa kỷ niệm 40 năm hoạt động của FAO tại Việt Nam, coi đây là một điển hình hợp tác thành công, đóng góp đáng kể vào thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc.
Ông José Graziano da Silva hoan nghênh Việt Nam đã tham gia Hiệp định PSMA (Hiệp định về biện pháp của các quốc gia có cảng nhằm ngăn chặn khai thác thủy sản bất hợp pháp không khai báo và không theo quy định của FAO), nhất trí với đề nghị của Việt Nam về tăng cường hợp tác trong lĩnh vực này, kể cả hỗ trợ kỹ thuật, ứng dụng công nghệ cao.
Về phần mình, Đại sứ Nguyễn Thị Bích Huệ đánh giá cao và cám ơn sự hợp tác và giúp đỡ của FAO đối với Việt Nam trong những năm qua; khẳng định Việt Nam sẽ tiếp tục đóng góp tích cực hơn nữa vào các hoạt động của FAO trong thời gian tới, đặc biệt trong các lĩnh vực Việt Nam có thế mạnh và nhiều kinh nghiệm như sản xuất lúa gạo và nuôi trồng thủy sản, cũng như trong hợp tác Nam – Nam. Đại sứ Nguyễn Thị Bích Huệ cũng chia sẻ dù đã đạt được những thành công quan trọng trong xóa đói nghèo, Việt Nam còn phải đối mặt với nhiều thách thức, nhất là trong bối cảnh đất nước chịu nhiều tác động của thiên tai, biến đổi khí hậu và tình hình thương mại ngày càng phức tạp.
Vì vậy, Việt Nam mong muốn FAO tiếp tục hỗ trợ xây dựng nông nghiệp xanh, thông minh, đủ khả năng cạnh tranh và thích ứng với biến đổi khí hậu, qua đó góp phần bảo đảm an ninh lương thực, phát triển kinh tế và cải thiện sinh kế của người dân trong nước. Đại sứ khẳng định sẽ nỗ lực hết sức để thúc đẩy quan hệ hơp tác hiệu quả với FAO trong nhiệm kỳ của mình.
Là tổ chức chuyên môn của Liên hợp quốc, FAO được thành lập vào ngày 16/10/1945 và hoạt động như một trung tâm thu thập và phân tích thông tin, tư vấn kiến thức, kinh nghiệm để phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp và ngư nghiệp, lương thực và dinh dưỡng trên phạm vi toàn cầu. Đối với các nước thành viên, FAO khuyến khích và tìm các nguồn tài chính để hỗ trợ chương trình hợp tác kỹ thuật giữa các nước thành viên, tiêu biểu là hợp tác Nam-Nam.
FAO bắt đầu hoạt động tại Việt Nam (từ năm 1978) vào thời điểm Việt Nam gặp nhiều khó khăn như thiếu lương thực, bị bao vây cấm vận, các kênh hỗ trợ phát triển rất hạn chế. Đến nay, FAO đã tham gia thực hiện hàng trăm dự án tại Việt Nam. Các dự án của FAO tập trung vào hỗ trợ phát triển nông nghiệp bền vững, an ninh lương thực và dinh dưỡng, lâm nghiệp và thủy sản. Việt Nam xác định FAO là đối tác chiến lược quan trọng trong ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn.