Tại buổi tiếp, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh chia sẻ, sản xuất nông nghiệp Việt Nam hiện đang tập trung hướng đến 2 mục tiêu lớn, đó là nâng cao khả năng cạnh tranh để hội nhập sâu rộng hơn và ứng phó với biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, trong bối cảnh là một nước nước có thu nhập trung bình thấp cùng vị trí địa lý dễ bị tổn thương bởi thiên tai, dịch bệnh, ngành nông nghiệp Việt Nam đã và đang phải đối mặt với không ít khó khăn.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tiếp Phó Tổng Giám đốc Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc (FAO) kiêm Trưởng đại diện FAO khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN |
Trước tình hình này, Chính phủ Việt Nam đang triển khai Chương trình quốc gia tái cơ cấu nền nông nghiệp nhằm duy trì sự phát triển và nâng cao hiệu quả và tính bền vững của nền nông nghiệp trong nước; trong đó, chú trọng thúc đẩy ứng dụng khoa học kỹ thuật và tổ chức lại quy trình sản xuất theo hướng tăng cường liên kết chuỗi giá trị.
Về định hướng phát triển trong thời gian tới, ngành nông nghiệp Việt Nam mong muốn được hợp tác với các tổ chức, đối tác quốc tế, đặc biệt là FAO trong chia sẻ kinh nghiệm, chuyển giao khoa học kỹ thuật, thúc đẩy thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và các nền kinh tế khác.
Cụ thể, Việt Nam đề nghị FAO hỗ trợ kỹ thuật và tiếp cận các nguồn vốn quốc tế như: Quỹ Khí hậu xanh, Quỹ Thích ứng... để ứng phó với biến đổi khí hậu và giảm rủi ro thiên tai cho ngành nông nghiệp trong nước; đồng thời triển khai Chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp và Chương trình nông thôn mới.
Bên cạnh đó, trong bối cảnh khu vực miền núi phía Bắc đang chịu tổn thất nặng nề do mưa, lũ và các hiện tượng thời tiết cực đoan, Việt Nam hy vọng được FAO hỗ trợ triển khai thực hiện chương trình “Không còn nạn đói” và xây dựng dự án TCP ("Thực hiện Chiến lược toàn diện về tăng trường và giảm nghèo, nâng cao năng lực trong việc hình thành và xây dựng dự án") tài khoá 2018 –2019 nhằm giúp người dân áp dụng các phương thức canh tác phù hợp, thích ứng với biến đổi khí hậu để bảo đảm an ninh lương thực.
Trong công tác bảo vệ môi trường, Việt Nam vận động FAO tham gia đồng hành trong kế hoạch huy động vốn viện trợ không hoàn lại từ Quỹ Khí hậu xanh để thực thi chiến lược hành động REDD+ (“Giảm phát thải từ mất rừng và suy thoái rừng”) ở khu vực Tây Nguyên và chuyển đổi ngành lúa gạo Đồng bằng sông Cửu Long theo hướng tăng khả năng chống chịu thiên tai và giảm phát thải.
Trong công tác phòng chống dịch bệnh và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, Việt Nam rất cần sự hỗ trợ kỹ thuật của FAO trong nhiệm vụ khống chế dịch bệnh cây trồng, gia súc, gia cầm đang ngày càng diễn biến phức tạp do tác động của thời tiết, khí hậu.
Bà Kundhavi Kadiresan ghi nhận những đề xuất của Thứ trưởng Lê Quốc Doanh và cho biết sẽ tiến hành thảo luận với Bộ Nông nghiệp Việt Nam để xây dựng khung chương trình hợp tác giai đoạn 2017 - 2021.
Trước mắt, FAO sẽ tiếp tục đồng hành và hỗ trợ Việt Nam thực hiện các chương trình, dự án đang được triển khai tại Việt Nam như: Chương trình giảm phát thải nhà kính thông qua nỗ lực hạn chế mất rừng và suy thoái rừng; Chiến dịch lồng ghép dinh dưỡng và an ninh lương thực cho trẻ em và nhóm có nguy cơ tại Việt Nam; thúc đẩy hệ thống thâm canh lúa cải tiến ở hạ lưu sông Mê Kông; tăng cường năng lực giám sát và quản lý thông tin dịch hại; xây dựng giải pháp cho việc cung cấp bền vững thức ăn cá tra; hỗ trợ nghiên cứu điển hình về nông nghiệp công nghệ cao thích ứng biến đổi khí hậu.