Tham dự chuỗi hội nghị này còn có sự tham dự của Phó Tổng Thư ký ASEAN, đại diện các tổ chức quốc tế như Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Ủy ban Ổn định Tài chính (FSB), Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS), Cơ quan Nghiên cứu kinh tế vĩ mô khu vực ASEAN+3 (AMRO) và đại diện các Cộng đồng Doanh nghiệp các khu vực ASEAN, châu Âu, Hoa Kỳ. Thứ trưởng Tài chính Võ Thành Hưng dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam tham dự hội nghị.
Sáng 31/3, các Bộ trưởng Tài chính đã nhóm họp Hội nghị Bộ trưởng Tài chính ASEAN lần thứ 27. Tại hội nghị, các bộ trưởng đã nghe báo cáo tiến độ triển khai các hoạt động hợp tác tài chính trong khuôn khổ các ủy ban công tác ASEAN, bao gồm các nhóm công tác về Tài chính cơ sở hạ tầng, Hợp tác về bảo hiểm, Tài chính và Bảo hiểm rủi ro thiên tai, Hợp tác về hải quan, Tài chính chống rửa tiền và khủng bố, Diễn đàn Thuế ASEAN và Diễn đàn Thị trường vốn ASEAN.
Hội nghị đánh giá cao nỗ lực của các nhóm công tác trong việc triển khai các mục tiêu hợp tác, như phát triển mạng lưới hiệp định thuế song phương (DTA) giữa các nước thành viên ASEAN, thúc đẩy triển khai Khung khổ thực hiện Dự án chống xói mòn cơ sở thuế và chuyển dịch lợi nhuận (BEPS) của Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20)/Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), việc triển khai 8/10 nước đã thực hiện Danh mục hàng hoá ASEAN (AHTN) phiên bản 2022, triển khai giai đoạn 2 Chương trình tài chính và bảo hiểm rủi ro thiên tai (ADRFI), nghiên cứu định hướng hoạt động tiếp theo của Công cụ Tài chính xanh ASEAN (ACGF),…
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Võ Thành Hưng đã có những đánh giá và khuyến nghị về kết quả và định hướng hoạt động của các nhóm công tác. Thứ trưởng Võ Thành Hưng cũng thông báo với hội nghị về việc Việt Nam sẽ đăng cai chủ trì Hội nghị Các nhà quản lý bảo hiểm ASEAN (AIRM) lần thứ 26 vào cuối năm 2023.
Chiều cùng ngày đã diễn ra Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương ASEAN lần thứ 9. Tại phiên thảo luận về kinh tế vĩ mô toàn cầu và khu vực, các bộ trưởng và thống đốc đã trao đổi quan điểm với lãnh đạo các tổ chức tài chính quốc tế về tình hình kinh tế khu vực và cập nhật về các biện pháp phục hồi kinh tế.
Nhận định về các rủi ro tác động tới khu vực, các tổ chức tài chính quốc tế đánh giá khu vực ASEAN đang đối mặt với những rủi ro như lạm phát cao kéo dài, căng thẳng địa chính trị, việc nhiều nền kinh tế lớn tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ. Tuy vậy, hội nghị đánh giá ASEAN vẫn là điểm sáng về tăng trưởng kinh tế trên thế giới, với dự báo khoảng 4,9% năm 2023. Các bộ trưởng và thống đốc đánh giá cao sự phối hợp về chính sách tài khóa, tiền tệ và tài chính giữa các nước thành viên ASEAN để duy trì sự ổn định của hệ thống tài chính và kinh tế vĩ mô.
Đánh giá về các hoạt động hợp tác và hội nhập tài chính ASEAN, các bộ trưởng và thống đốc hoan nghênh các kết quả triển khai trong Lộ trình Hội nhập tài chính tiền tệ ASEAN (RIA-Fin), đặc biệt là việc kết thúc đàm phán nâng cấp Phụ lục Dịch vụ tài chính của Hiệp định thương mại tự do ASEAN – Australia - New Zealand, khởi động đàm phán Hiệp định thương mại tự do ASEAN - Canada, và triển khai ký kết Nghị định thư thực hiện Gói 9 về Tự do hóa dịch vụ tài chính.
Hội nghị đánh giá cao nỗ lực thúc đẩy tài chính bền vững của Ủy ban Công tác về phát triển thị trường vốn (WC-CMD) và Diễn đàn Thị trường vốn ASEAN (ACMF) đặc biệt trong quá trình xây dựng và triển khai bộ Phân loại tài chính bền vững ASEAN phiên bản 2. Ngoài ra, các Bộ trưởng và Thống đốc ASEAN cũng thể hiện quan điểm ủng hộ đối với 2 đề xuất ưu tiên mới của Indonesia về Hợp tác tài chính - y tế và An ninh lương thực, và giao các nhóm công tác tiếp tục nghiên cứu triển khai. Để tăng cường hợp tác trong khuôn khổ AFMGM, Indonesia đề xuất các bộ trưởng và thống đốc họp hai lần một năm. Các bộ trưởng và thống đốc đã thống nhất giao nhóm công tác tiếp tục thảo luận về vấn đề này.
Thay mặt Bộ Tài chính Việt Nam, Thứ trưởng Võ Thành Hưng chia sẻ các nhận định, đánh giá của các tổ chức quốc tế về tình hình kinh tế vĩ mô toàn cầu và khu vực. Thứ trưởng đã chia sẻ kết quả phát triển kinh tế - tài chính 2022 của Việt Nam cũng như các thách thức mà nền kinh tế Việt Nam đang phải đối mặt như áp lực lạm phát hay xuất khẩu tăng trưởng chậm do sức cầu yếu từ các đối tác thương mại lớn. Trong năm 2023, Chính phủ Việt Nam tiếp tục nhấn mạnh yêu cầu giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng, đồng thời kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 và các dịch bệnh mới phát sinh. Việt Nam tiếp tục tăng cường xây dựng, hoàn thiện thể chế và hệ thống pháp luật và đẩy mạnh cải cách hành chính gắn với Chính phủ điện tử.
Trên cơ sở đồng thuận chung, các bộ trưởng và thống đốc đã nhất trí thông qua Tuyên bố chung của Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương ASEAN lần thứ 9. Bộ trưởng và Thống đốc Ngân hàng Trung ương Indonesia đề xuất Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương ASEAN lần thứ hai trong năm tại Jakarta vào tháng 8/2023.
Bên cạnh các sự kiện chính nói trên, ngày 29/3, các bộ trưởng và thống đốc cũng đã có phiên đối thoại với các Cộng đồng Doanh nghiệp ASEAN, ASEAN - Hoa Kỳ, ASEAN - EU về các vấn đề quan tâm của khu vực doanh nghiệp trong lĩnh vực tài chính về chuyển đổi số, phát triển tài chính bền vững. Các Bộ trưởng Tài chính ASEAN cũng đã có phiên họp kín ngày 30/3 trao đổi về các vấn đề quan tâm chung.