Với sứ mệnh hỗ trợ nỗ lực bảo vệ nền kinh tế, các nhóm công tác này hoạt động trong các lĩnh vực tự do hóa dịch vụ tài chính; tự do hóa tài khoản vốn; phát triển thị trường vốn; tài chính bao trùm; khuôn khổ hội nhập ngân hàng ASEAN; và hệ thống thanh quyết toán. Nhắc lại chủ đề “ASEAN quan trọng: Tâm điểm tăng trưởng” trong nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN của Indonesia năm 2023, bà Sri Mulyani, nhấn mạnh ASEAN cần hướng tới trở thành một khu vực có tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ, bao trùm toàn diện và bền vững.
Bản thân ASEAN đã đạt tăng trưởng kinh tế cao trong nhiều năm. Trong giai đoạn 2010-2019, ASEAN đóng góp 3% tổng GDP thực tế của thế giới. Tuy nhiên, năm 2020, GDP của khu vực đã thu hẹp do đại dịch. Tiếp đó năm 2021, tốc độ tăng trưởng kinh tế của ASEAN vẫn thấp hơn mức trước đại dịch, trước khi phục hồi hoàn toàn vào năm 2022.
Rút kinh nghiệm từ các tác động của đại dịch COVID-19 vừa qua, theo cựu Giám đốc điều hành Ngân hàng Thế giới này, ASEAN cần đề cao cảnh giác và sẵn sàng đối mặt với một số thách thức bên ngoài hiện nay vốn có khả năng gây bất ổn cho kinh tế khu vực. Bên cạnh đó, bà cũng nhấn mạnh sự cần thiết của việc tiếp tục cập nhật chính sách để ứng phó với các tình huống có thể xảy ra cũng như không được tự mãn với kỳ vọng tăng trưởng kinh tế cao của khu vực.
Theo bà Sri Mulyani, bên cạnh xây dựng các chính sách để ứng phó với sự biến động của nền kinh tế toàn cầu, ASEAN cần tích cực khắc phục các thách thức và khó khăn hiện nay để có thể duy trì tăng trưởng kinh tế bền vững.
Về phần mình, Thống đốc Ngân hàng Indonesia (BI) Perry Warjiyo cho rằng cần có sự kết hợp giữa các chính sách tài khóa và tiền tệ để đối phó với tình trạng bất ổn kinh tế ở ASEAN, đặc biệt là chính sách tiền tệ kết hợp giữa điều hành lãi suất và an toàn vĩ mô. Không chỉ vậy, kết nối thanh toán kỹ thuật số xuyên biên giới giữa các quốc gia ASEAN là động lực phục hồi kinh tế. Việc sử dụng đồng nội tệ trong mọi giao dịch kinh tế của ASEAN cũng có thể giúp giảm sự phụ thuộc vào đồng USD, qua đó giảm thiểu biến động để củng cố sự ổn định bên ngoài của ASEAN.
AFMGM được tổ chức từ ngày 28-31/3 với 24 cuộc họp, trong đó có các cuộc họp chính từ cấp thứ trưởng đến bộ trưởng và các cuộc họp bên lề với chủ đề “Khám phá Indonesia” nhằm giới thiệu và quảng bá văn hóa của 2 khu vực Sulawesi và Kalimantan, cũng như giới thiệu các tiềm năng du lịch Indonesia.
Các cuộc họp chính bao gồm Hội nghị Thứ trưởng Tài chính ASEAN (AFDM), Hội nghị Phó Thống đốc Ngân hàng trung ương ASEAN (ACDM), Hội nghị Thứ trưởng Tài chính và Phó Thống đốc Ngân hàng trung ương ASEAN (AFCDM), Hội nghị Bộ trưởng Tài chính ASEAN (AFMM), Hội nghị Thống đốc Ngân hàng trung ương ASEAN (ACGM), và AFMGM.
Tại các cuộc họp chính này, các đại biểu đã thảo luận và thông qua các hành động hợp tác tập thể nhằm hiện thực hóa 3 nội dung kinh tế ưu tiên (PED), cụ thể là: Tái thiết và Phục hồi (phục hồi tăng trưởng khu vực, kết nối và năng lực cạnh tranh mới); Kinh tế số (đẩy nhanh quá trình chuyển đổi kinh tế kỹ thuật số bao trùm và có sự tham gia); và Phát triển bền vững (thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững vì một tương lai thích ứng).
Ngoài ra, để thúc đẩy thông điệp của các cuộc họp chính, một số cuộc họp và sự kiện quốc tế bên lề, do Ngân hàng Indonesia tổ chức, bao gồm hội thảo với chủ đề “Tăng cường hiệu chỉnh chính sách ứng phó tài chính vĩ mô” và các hội thảo cấp cao với chủ đề “Từ ASEAN đến hệ thống thanh toán toàn cầu trong kỷ nguyên số”, “Chiến lược sáng tạo nhằm thúc đẩy tài chính bao trùm”, “Điều chỉnh chính sách cho chuyển đổi khí hậu”.
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính Indonesia cũng tổ chức một số sự kiện bên lề, bao gồm Hội thảo đối thoại cấp cao về thúc đẩy tài chính kỹ thuật số bao trùm và phổ biến kiến thức kỹ thuật số cho các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa; Hội thảo về chuyển đổi tài chính trong ASEAN; Hội nghị chuyên đề về phát triển Đông Nam Á (SEADS) năm 2023 với chủ đề “Hình dung một ASEAN phát thải ròng bằng 0”.