Những giá trị về chính trị, đạo đức, tư tưởng của Tuyên ngôn Nhân quyền trong suốt 70 năm qua được xem như “kim chỉ nam” trên con đường thực thi công lý, bảo vệ quyền và nhân phẩm con người. Các nguyên tắc và giá trị phổ quát về quyền con người trong Tuyên ngôn Nhân quyền được cộng đồng quốc tế thừa nhận và đã được thể chế hóa trong hiến pháp và hệ thống pháp luật của mỗi nước.
Là thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, Việt Nam đã và đang đóng góp tích cực và chủ động, không chỉ bằng cam kết mà còn bằng hành động cụ thể trong việc thúc đẩy và bảo vệ các quyền con người trên tất cả các cấp độ quốc gia, khu vực và quốc tế. Chăm lo cho con người, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mọi người, tôn trọng và thực hiện các điều ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam đã ký kết hoặc tham gia là chủ trương xuyên suốt và nhất quán được Đảng và Nhà nước Việt Nam nghiêm túc thực hiện.
Chủ trương này cũng được thể chế hóa từng bước, từ bản Hiến pháp đầu tiên năm 1946 cho tới Hiến pháp năm 2013 dành trọn 36 trong tổng số 120 điều để quy định các quyền con người, quyền công dân. Cùng với các văn bản pháp luật liên quan được ban hành, các nguyên tắc về tôn trọng và bảo đảm quyền con người đã và đang được Nhà nước Việt Nam thể chế hóa trên cơ sở hài hòa với các nguyên tắc và tiêu chuẩn quốc tế. Đây cũng là biểu hiện sống động của hoạt động lập hiến bảo đảm quyền con người ở Việt Nam.
Cam kết hành động của Việt Nam trong vấn đề bảo đảm quyền con người được thể hiện rõ nét qua việc thực hiện các chương trình quốc tế mà người dân là trọng tâm, trong đó phải kể tới các mục tiêu phát triển của Liên hợp quốc, vốn lồng ghép những nội dung quan trọng của quyền con người. Bất chấp điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn, Việt Nam là một trong số ít quốc gia đã hoàn thành trước thời hạn nhiều Mục tiêu Phát triển thiên niên kỷ (MDG) 2015 của Liên hợp quốc, nhất là về xóa đói giảm nghèo, thành tích được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao.
Trong cuộc gặp bên lề Đại hội đồng Quỹ Môi trường toàn cầu lần thứ 6 tại Đà Nẵng hồi tháng 6 vừa qua, Tổng Giám đốc Chương trình Phát triển LHQ (UNDP), ông Achim Steiner đã coi Việt Nam là tấm gương thành công về phát triển kinh tế - xã hội, hoàn thành trước thời hạn nhiều MDG. Thành công của Việt Nam trong thực hiện MDG, một mặt tạo điều kiện thúc đẩy kinh tế, qua đó bảo đảm mọi người dân được thụ hưởng đầy đủ quyền con người, đồng thời cũng góp phần đáng kể vào nỗ lực chung của LHQ trong mục tiêu thúc đẩy quyền con người.
Chương trình nghị sự Phát triển bền vững 2030 (SDG) của LHQ, trong đó đề cao quyền phát triển, xóa bỏ bất bình đẳng, quan tâm tới các nhóm dễ bị tổn thương,… cũng đang được Việt Nam triển khai tích cực.
Theo đánh giá của Điều phối viên thường trú LHQ tại Việt Nam Kamal Malhotra, Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong việc thực hiện Chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững. Ngoài việc ban hành Kế hoạch hành động quốc gia với 17 Mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam (VSDGs) và 115 mục tiêu cụ thể phù hợp với điều kiện và ưu tiên của quốc gia, tháng 7 vừa qua, Việt Nam và LHQ đã ký Kế hoạch Chiến lược chung mới (OSP) cho giai đoạn 2017 - 2021 để thực hiện SDG. Đây được coi là dấu mốc quan trọng thể hiện cam kết mạnh mẽ của Chính phủ Việt Nam phối hợp chặt chẽ với 18 cơ quan LHQ thực hiện những mục tiêu hướng tới bảo đảm và phát huy quyền con người.
Đóng góp chủ động của Việt Nam trong nỗ lực toàn cầu thực thi quyền con người còn được thể hiện thông qua việc tham gia tích cực và thực chất vào các diễn đàn quốc tế về quyền con người, tham gia 7 trong tổng số 9 Công ước cơ bản về quyền con người, mới nhất là Công ước chống tra tấn và Công ước về quyền của người khuyết tật. Tại phiên bảo vệ báo cáo quốc gia lần thứ nhất của Việt Nam về thực thi Công ước chống tra tấn, diễn ra cuối tháng 11 vừa qua ở Geneva, Thụy Sĩ, Ủy ban chống tra tấn của LHQ cũng đánh giá cao những nỗ lực, cố gắng của Việt Nam trong việc thực hiện công ước này.
Được tín nhiệm bầu vào Hội đồng Nhân quyền LHQ (nhiệm kỳ 2014-2016), Việt Nam đã tham gia tích cực trong các nỗ lực thúc đẩy quyền con người trên thế giới, đã đề xuất và thông qua Nghị quyết về tác động của biến đổi khí hậu với quyền trẻ em, đưa ra và tham gia nhiều sáng kiến như bảo vệ quyền lao động của người khuyết tật, bảo đảm môi trường làm việc an toàn cho người lao động trên biển, tăng cường giáo dục, phòng chống buôn bán phụ nữ và trẻ em gái. Những đóng góp thiết thực của Việt Nam đã góp phần thúc đẩy đối thoại và hợp tác, tăng cường tính hiệu quả, minh bạch trong công việc của Hội đồng Nhân quyền LHQ.
Việt Nam cũng luôn thực hiện nghiêm túc trách nhiệm và nghĩa vụ của các quốc gia thành viên Hội đồng Nhân quyền LHQ trong lĩnh vực bảo vệ quyền con người, thông qua việc tiến hành các Cơ chế kiểm điểm định kỳ phổ quát (UPR). Sau hai lần bảo vệ thành công UPR chu kỳ I và II vào các năm 2009 và 2014, trong đó đã thực hiện được 175 trong số 182 khuyến nghị mà Việt Nam chấp thuận ở chu kỳ II (chiếm 96,2%), Việt Nam đang hoàn tất báo cáo quốc gia về bảo đảm và thúc đẩy quyền con người theo UPR chu kỳ III, dự kiến sẽ trình bày vào tháng 1/2019 tới.
Trên tinh thần coi trọng hợp tác và đối thoại về nhân quyền trên bình diện song phương, khu vực cũng như quốc tế, Việt Nam hiện có đối thoại và tham vấn thường niên với nhiều đối tác như Mỹ, Thụy Sĩ, Australia, Na Uy, Liên minh châu Âu (EU). Điều này cũng phát đi thông điệp về sự chủ động và thiện chí của Việt Nam trong các vấn đề về quyền con người.
Có thể nói những cam kết và hành động cụ thể của Việt Nam thời gian qua không chỉ thể hiện nỗ lực trong việc bảo đảm quyền cho mọi người dân, mà còn cho thấy hình ảnh một Việt Nam chủ động, tích cực, đóng góp thiết thực để thực hiện các trụ cột hợp tác cơ bản của LHQ về duy trì hòa bình, an ninh quốc tế, hợp tác phát triển và bảo đảm quyền con người. Đây cũng là minh chứng cho thấy Việt Nam luôn là một thành viên chủ động, tích cực và có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế.