Tại hội đàm, hai bên trao đổi thông tin về tình hình phát triển kinh tế, thương mại của mỗi nước, ghi nhận bước phát triển trong quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam và Timor Leste. Năm 2022 đánh dấu kỷ niệm 20 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước. Tuy nhiên, trao đổi thương mại song phương còn hết sức khiêm tốn khi kim ngạch thương mại hai chiều năm 2021 mới đạt 33,6 triệu USD.
Phía Timor Leste cho biết trong thời gian qua, nước này đã quan tâm nỗ lực đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông. Đánh giá cao tiềm lực thương mại của Việt Nam và những cơ hội tăng cường hợp tác thương mại với Việt Nam, Timor Leste bày tỏ mong muốn thúc đẩy kết nối hợp tác với Việt Nam trong các lĩnh vực vận tải, xuất nhập khẩu, cảng biển để hỗ trợ cho hoạt động trao đổi thương mại; mong muốn phía Việt Nam hỗ trợ, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm xây dựng cơ chế một cửa quốc gia và kinh nghiệm quản lý trong các lĩnh vực xúc tiến thương mại, đầu tư.
Ở chiều ngược lại, phía Việt Nam nhận thấy các hoạt động giao lưu, trao đổi đoàn doanh nghiệp giữa hai nước còn hạn chế. Hai bên thiếu thông tin về cơ chế chính sách quản lý, nhu cầu xuất nhập khẩu của mỗi nước. Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khẳng định Việt Nam sẵn sàng hợp tác, hỗ trợ Timor Leste trong những lĩnh vực Việt Nam có nhu cầu hợp tác và Timor Leste có lợi thế như khoáng sản, lâm sản, thủy sản...
Đánh giá thị trường Timor Leste còn nhiều tiềm năng đối với các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam như gạo, thực phẩm chế biến, sữa và sản phẩm sữa, giày dép, đồ uống, sản phẩm gia dụng, máy móc thiết bị điện..., người đứng đầu ngành Công Thương Việt Nam đề nghị phía Timor Leste cung cấp danh sách các doanh nghiệp nhập khẩu gạo và các mặt hàng nêu trên, đồng thời hỗ trợ kết nối doanh nghiệp của Timor Leste với các nhà cung ứng phía Việt Nam.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết hiện nay Việt Nam đang trở thành công xưởng quan trọng của khu vực và thế giới. Các hoạt động kinh tế tại Việt Nam trong những năm tới sẽ cần nhiều hơn các mặt hàng đầu vào như nhiên liệu (xăng dầu), gỗ nguyên liệu, thủy sản nguyên liệu, khoáng sản, kim loại... Đây cũng là những sản phẩm tiềm năng tại Timor Leste. Hợp tác với Việt Nam, các mặt hàng của Timor Leste sẽ là đầu vào quan trọng cho sản xuất hàng hóa, giúp cả Timor Leste và Việt Nam tham gia sâu hơn vào các chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu.
Để khai thác được những tiềm năng hợp tác, Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam Nguyễn Hồng Diên đề nghị hai bên tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý và các cơ chế hợp tác kinh tế, thương mại, tăng cường trao đổi thông tin, trao đổi đoàn doanh nghiệp. Vào đầu năm 2023, Bộ Công Thương Việt Nam có kế hoạch tổ chức một đoàn doanh nghiệp sang làm việc tại Timor Leste để tìm kiếm các cơ hội hợp tác thương mại, đầu tư tại nước này.
Đánh giá cao tiềm năng và các cơ hội đầu tư mới tại Timor Leste, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị phía Timor Leste thuận lợi cho các hoạt động nghiên cứu, tìm kiếm cơ hội đầu tư trong các lĩnh vực như hợp tác thăm dò khai thác dầu khí, hợp tác khai thác chế biến tài nguyên rừng, tài nguyên khoáng sản, khai thác quặng kim loại, kim loại màu, hợp tác đầu tư để sản xuất hàng hóa xuất khẩu đi các nước có cơ chế ưu đãi đối với Timor Leste; đồng thời đề nghị phía Timor Leste sớm hoàn tất thủ tục phê chuẩn Hiệp định thương mại đã ký giữa hai nước.
Bên cạnh các nội dung hợp tác song phương, hai bên cũng trao đổi một số nội dung hợp tác trong các khuôn khổ đa phương.