Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh, Trưởng Ban Chỉ đạo; Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Phạm Tấn Công chủ trì buổi làm việc.
Phát biểu khai mạc, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh nêu rõ: Qua hơn 35 năm đổi mới, đội ngũ doanh nhân Việt Nam không ngừng phát triển cả về số lượng và chất lượng, đã có những đóng góp to lớn, quan trọng đối với sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc trên nhiều phương diện. Năm 2011, Bộ Chính trị khóa XI đã ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TW. Đây là lần đầu tiên Bộ Chính trị có một nghị quyết riêng về đội ngũ doanh nhân.
Sau 10 năm thực hiện, Ban Kinh tế Trung ương được giao phụ trách Đề án tổng kết 10 năm việc thực hiện Nghị quyết; Đảng đoàn Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam là cơ quan chủ trì. Để có thêm thông tin, cơ sở thực tiễn cho việc xây dựng Báo cáo tổng kết, Đoàn Công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương tổ chức buổi làm việc với đại diện cộng đồng doanh nhân, đội ngũ doanh nghiệp nhằm nắm bắt được một cách thực chất, thấu đáo hơn kết quả thực hiện Nghị quyết đối với việc phát triển đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam trong giai đoạn vừa qua cũng như những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện để tiếp tục có những định hướng điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện chủ trương, đường lối của Đảng trong bối cảnh đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
Báo cáo tóm tắt tình hình xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam giai đoạn 2011 - 2021, Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Phạm Tấn Công cho biết, Nghị quyết 09 đã tạo ra sự nhất quán và xuyên suốt về mặt chủ trương, chính sách, hệ sinh thái cho cộng đồng doanh nghiệp hoạt động ngày càng thuận lợi hơn, trong đó đáng kể là nhận thức của xã hội về vai trò của doanh nghiệp, môi trường kinh doanh ngày càng được cải thiện, góp phần quan trọng vào sự phát triển, lớn mạnh của cộng đồng doanh nghiệp.
Với sự quan tâm đặc biệt từ Đảng và Nhà nước, đội ngũ doanh nhân Việt Nam ngày càng lớn mạnh và có những đóng góp to lớn vào sự thành công của sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trên nhiều phương diện. Về số lượng, hiện nay đã có hàng triệu doanh nhân. Chất lượng cũng ngày càng được cải thiện.
Với việc đầu tư sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, khai thác, sử dụng các nguồn lực, phát triển lực lượng sản xuất tạo ra nhiều sản phẩm hàng hóa, dịch vụ đáp ứng nhu cầu ngày càng phong phú, đa dạng của thị trường trong nước và thế giới, doanh nhân Việt Nam chính là lực lượng xung kích, chủ lực trong việc thay đổi cơ cấu kinh tế quốc dân, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa độc lập, tự chủ, hội nhập quốc tế, góp phần quan trọng đưa đất nước ra khỏi tình trạng kém phát triển trở thành nước đang phát triển có thu nhập trung bình. Khu vực doanh nghiệp đóng góp trên 60% GDP, khoảng 70% thu ngân sách nhà nước.
Hầu hết doanh nhân Việt Nam đều có ý thức làm ăn chân chính, bản lĩnh, sáng tạo, nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức để đổi mới, phát triển, nâng tầm góp phần hiện thực hóa khát vọng vì một nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc; có trách nhiệm với người lao động, với đối tác, với khách hàng, với cộng đồng xã hội, đặc biệt qua dịch COVID-19 thể hiện rất rõ.
Các ý kiến phát biểu tại Hội nghị đã tập trung làm rõ một số nội dung như: Các quan điểm chỉ đạo của Nghị quyết 09-NQ/TW; việc thực hiện các mục tiêu của Nghị quyết; kết quả thực hiện các nhóm nhiệm vụ của Nghị quyết; vai trò của đội ngũ doanh nhân, cộng đồng doanh nghiệp trong việc thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập kinh tế ở Việt Nam; đề xuất các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp để xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Một số đại biểu cho rằng, để đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế, Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục tạo cơ chế bình đẳng, thuận lợi cho tất cả các doanh nghiệp hoạt động. Bên cạnh đó, bản thân các doanh nghiệp cũng cần chủ động, sáng tạo hơn nữa, để nắm bắt các cơ hội mới của nền kinh tế trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Phát biểu kết luận, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh khẳng định: Nghị quyết 09 với các chủ trương, định hướng đúng đắn của Đảng về vai trò và vị trí của đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam đã đi vào cuộc sống, từ đó góp phần xây dựng đội ngũ doanh nhân Việt Nam ngày càng lớn mạnh, kể cả trong các doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp khu vực tư nhân, doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp nhỏ và cả các hợp tác xã.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn nhiều vấn đề cần được tiếp tục cải thiện hơn nữa để thúc đẩy sự phát triển của đội ngũ doanh nhân. Trong đó, việc cụ thể hóa, thể chế hóa một số đường lối, chủ trương của Đảng thành chính sách, pháp luật của Nhà nước còn chậm, việc xây dựng và triển khai thực hiện một số văn bản, đề án thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước về một số lĩnh vực còn chưa đạt so với yêu cầu. Hệ thống pháp luật về kinh doanh vẫn còn chứa đựng nhiều điểm hạn chế, vướng mắc và cản trở phần nào quyền tự do kinh doanh của người dân và doanh nghiệp. Năng lực cạnh tranh và môi trường kinh doanh của Việt Nam vẫn còn nhiều khía cạnh hạn chế, quá trình cải thiện còn kém ổn định và bền vững, vẫn ở mức trung bình so với ASEAN và thế giới, chưa đạt mục tiêu lọt vào nhóm 3 - 4 của ASEAN. Việc khơi dậy, phát huy đạo đức, văn hóa kinh doanh Việt Nam chưa được quan tâm tương xứng, văn hóa kinh doanh “chưa thật sự trở thành nguồn lực, động lực nội sinh của sự phát triển bền vững đất nước”.
Trưởng ban Kinh tế Trung ương yêu cầu Tổ biên tập nghiên cứu, chắt lọc và tiếp thu các ý kiến để tiếp tục hoàn thiện Báo cáo tổng kết, nhất là phần đề xuất về các quan điểm, mục tiêu, định hướng phát triển doanh nghiệp, phát huy vai trò của đội ngũ doanh trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa và đẩy mạnh hội nhập quốc tế trong giai đoạn tiếp theo, giải quyết tốt những vấn đề còn tồn tại trong triển khai, thực hiện Nghị quyết 09-NQ/TW.