Dự Hội nghị có Đại tướng Lương Cường, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam; các Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng: Thượng tướng Nguyễn Tân Cương, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam và Phó Đô đốc Phạm Hoài Nam.
Phát biểu tại Hội nghị, Đại tướng Phan Văn Giang nhấn mạnh: Xây dựng và phát triển Công nghiệp quốc phòng là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước, là sự phát triển cao của nghệ thuật chiến tranh nhân dân Việt Nam để thể chế hóa các nghị quyết của Đảng về quốc phòng - an ninh, nhất là Nghị quyết Trung ương 8, khóa IX về chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Ngày 26/1/2008, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Pháp lệnh Công nghiệp quốc phòng. Đây là nội dung rất quan trọng, đặt nền móng cơ bản cho việc hình thành và từng bước đồng bộ hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực quốc phòng; xác định các khuôn khổ pháp lý, điều chỉnh mọi hoạt động của ngành kinh tế kỹ thuật đặc thù mang tính quốc gia.
Theo Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang, qua 12 năm triển khai thực hiện, Pháp lệnh Công nghiệp quốc phòng đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, cơ bản hoàn thiện về tổ chức hoạt động Công nghiệp quốc phòng. Từ cơ quan quản lý Nhà nước đến các cơ sở Công nghiệp quốc phòng nòng cốt, lực lượng Công nghiệp quốc phòng đã từng bước được củng cố theo hướng tập trung, chuyên môn hóa, gắn nghiên cứu thiết kế với sản xuất sửa chữa vũ khí trang bị quốc phòng và sản xuất các sản phẩm lưỡng dụng phục vụ nền kinh tế quốc dân.
Tuy nhiên, đứng trước yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn hiện nay, nhiều chủ trương, quan điểm mới liên quan đến xây dựng, phát triển Công nghiệp quốc phòng chưa được thể chế hóa đầy đủ trong Pháp lệnh hiện hành. Một số nội dung chưa phù hợp, chưa thống nhất với Hiến pháp năm 2013, đã bộc lộ những hạn chế, bất cập cần phải được nghiên cứu, bổ sung, chỉnh sửa để hoàn thiện các quy định của pháp luật về Công nghiệp quốc phòng.
Báo cáo trung tâm và các ý kiến phát biểu tại Hội nghị đều thống nhất, sau 12 năm triển khai thực hiện, Pháp lệnh đã tạo ra những chuyển biến tích cực và những thành công quan trọng đối với xây dựng, phát triển Công nghiệp quốc phòng Việt Nam. Pháp lệnh Công nghiệp quốc phòng đã tạo cơ sở pháp lý cho quá trình xây dựng, hoạch định chính sách phát triển Công nghiệp quốc phòng, đáp ứng yêu cầu sản xuất vũ khí trang bị cho các lực lượng vũ trang, đồng thời góp phần quan trọng vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Quá trình triển khai thực hiện, Bộ Quốc phòng đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, cơ quan, tổ chức liên quan tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành các văn bản quy phạm pháp luật cùng nhiều văn bản hướng dẫn tổ chức, triển khai thực hiện Pháp lệnh; lãnh đạo, tổ chức quán triệt, đề ra chủ trương nhiệm vụ, giải pháp; tạo sự chuyển biến về nhận thức, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn dân về xây dựng, phát triển Công nghiệp quốc phòng trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.
Bộ Quốc phòng đã hoàn thành xây dựng Đề án đẩy mạnh phát triển Công nghiệp quốc phòng - an ninh đáp ứng yêu cầu xây dựng, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; qua đó, tham mưu, đề xuất với Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ, Quân ủy Trung ương thông qua các nội dung về tổ chức lực lượng Công nghiệp quốc phòng và các nhiệm vụ, giải pháp tổ chức thực hiện, làm cơ sở quan trọng để triển khai các nhiệm vụ xây dựng, phát triển Công nghiệp quốc phòng trong những năm qua. Bộ Quốc phòng đã báo cáo, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt các kế hoạch đầu tư trung hạn và hằng năm, đảm bảo từng bước tăng cường tiềm lực Công nghiệp quốc phòng theo hướng tập trung, có chọn lọc, đáp ứng yêu cầu đảm bảo vũ khí trang bị phục vụ huấn luyện và sẵn sàng chiến đấu của Quân đội.
Các bộ, ban, ngành, địa phương đã phối hợp, tạo điều kiện về cơ chế chính sách, đề xuất, ưu tiên nguồn lực đầu tư cho phát triển Công nghiệp quốc phòng; cấp đất, tạo điều kiện trong các chính sách về thuế, thủ tục hành chính, giúp đỡ để các cơ sở Công nghiệp quốc phòng tham gia hoạt động sản xuất kinh tế tại địa phương; phối hợp đảm bảo an ninh, trật tự cho các cơ sở Công nghiệp quốc phòng, tạo môi trường ổn định cho sản xuất.
Công tác nghiên cứu khoa học, thiết kế, sản xuất, sửa chữa vũ khí, trang bị kỹ thuật đã có bước phát triển mạnh mẽ, hiệu quả; tổ chức thực hiện được nhiều đề án khoa học công nghệ các cấp, có nhiều sản phẩm quốc phòng đã nghiên cứu chế thử thành công.
Năng lực của các cơ sở Công nghiệp quốc phòng nòng cốt có bước phát triển mạnh mẽ cả về cơ sở hạ tầng kỹ thuật và chất lượng nguồn nhân lực. Đội ngũ cán bộ quản lý được đào tạo cơ bản, có năng lực hoạt động thực tiễn, tích lũy được kinh nghiệm trong quản lý, chỉ đạo cơ sở, có khả năng nghiên cứu, hoạch định, phát hiện, đề xuất các vấn đề định hướng chiến lược phát triển Công nghiệp quốc phòng.
Công nghệ sửa chữa đã được nâng cấp về chất lượng, số lượng chủng loại và tiến độ ngày càng tốt hơn. Vũ khí trang bị kỹ thuật sau sửa chữa đạt độ tin cậy, ổn định cao, đáp ứng tốt các yêu cầu nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu. Đồng thời, công tác hợp tác quốc tế trong lĩnh vực này được Bộ Quốc phòng chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện đúng đắn, sáng tạo. Nội dung, hình thức quan hệ đã được mở rộng trên nhiều lĩnh vực, với nhiều đối tác, đạt được những kết quả quan trọng.
Bộ Quốc phòng đã thiết lập, củng cố, phát triển mối quan hệ hợp tác với các nước, chủ động xây dựng các văn bản ghi nhớ, thỏa thuận hợp tác về Công nghiệp quốc phòng, tạo hành lang pháp lý cũng như các định hướng để triển khai các nội dung hợp tác.
Bên cạnh sản xuất quốc phòng, Bộ Quốc phòng luôn quan tâm tới sản xuất hàng kinh tế, xuất khẩu; tạo mọi điều kiện để các đơn vị đẩy mạnh phát triển thị trường, nâng cao chất lượng, năng lực cạnh tranh của các sản phẩm; tích cực tham gia các chương trình xúc tiến thương mại, hội nhập kinh tế quốc tế, từ đó mở rộng các mối quan hệ trong và ngoài nước, tìm kiếm khách hàng, phát triển hợp tác với các đối tác mới.
Hội nghị cũng đã xác định phương hướng, nhiệm vụ trong thời gian tới trong lĩnh vực Công nghiệp quốc phòng, theo đó, đặt mục tiêu xây dựng, phát triển nền Công nghiệp quốc phòng đạt trình độ khoa học công nghệ tiên tiến, hiện đại, góp phần xây dựng Quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, trong đó có một số quân chủng, binh chủng, lực lượng tiến thẳng lên hiện đại, đáp ứng yêu cầu nâng cao tiềm lực quốc phòng, an ninh quốc gia.
Ngành công nghiệp quốc phòng phát triển với quy mô, tổ chức, cơ chế quản lý phù hợp, bảo đảm tinh, gọn, mạnh, thống nhất về quản lý nhà nước, phát huy được vai trò, trách nhiệm tự chủ của các cơ sở Công nghiệp quốc phòng và sự tham gia tích cực, hiệu quả của các bộ phận, thành phần kinh tế quốc dân.
Bên cạnh đó, Việt Nam tập trung đầu tư nghiên cứu, sản xuất một số chủng loại vũ khí, trang bị, khí tài mới, hiện đại; nâng cao năng lực nghiên cứu thiết kế, chế tạo, sửa chữa, cải tiến, hiện đại hóa các loại vũ khí trang bị kỹ thuật có tính năng kỹ thuật, chiến thuật cao.
Việc xây dựng, phát triển Công nghiệp quốc phòng thực hiện theo hướng hiện đại, lưỡng dụng, vừa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, vừa góp phần quan trọng phát triển kinh tế - xã hội; thực sự trở thành mũi nhọn của công nghiệp quốc gia, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu xây dựng, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, đóng góp tích cực vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.