Đồng chí Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương tham dự và phát biểu định hướng hội thảo.
Đồng chí Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh: Tây Nguyên gồm 5 tỉnh với 16,8% diện tích tự nhiên cả nước, dân số hơn 5 triệu người, với 46 dân tộc sinh sống, có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế, quốc phòng, an ninh chính trị và là nóc nhà của Đông Dương. Các ngành hàng chủ lực của Tây Nguyên đã tham gia và có vị trí quan trọng trong chuỗi giá trị toàn cầu như cà phê, hồ tiêu…
Bên cạnh đó, hệ sinh thái Tây Nguyên có vai rất quan trọng với phát triển vùng Đông Nam Bộ, vùng Đồng bằng sông Cửu Long và Duyên hải miền Trung. Bộ Chính trị có Kết luận số 12 ngày 24/10/2011, tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 10 khóa IX về phát triển vùng Tây Nguyên thời kỳ 2011 - 2020. Bên cạnh đó, Quy hoạch kinh tế - xã hội và quy hoạch xây dựng vùng Tây Nguyên đến năm 2030 cũng đã xác định thành phố Buôn Ma Thuột là trung tâm vùng Tây Nguyên có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế của toàn vùng. Thành phố Buôn Ma Thuột được quy hoạch và phát triển từ thời thuộc địa, có vị trí chiến lược rất quan trọng về quốc phòng, an ninh, kinh tế, là trung tâm vùng Tây Nguyên và được coi là “nóc nhà của nóc nhà”.
Nhận thức được tầm quan trọng của thành phố Buôn Ma Thuột, ngày 27/11/2009, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 60 về xây dựng và phát triển thành phố Buôn Ma Thuột thành trung tâm vùng Tây Nguyên, giai đoạn 2010-2020. Việc Bộ Chính trị ra một kết luận riêng về phát triển thành phố khi đó chưa là thành phố loại I trực thuộc tỉnh cho thấy Trung ương rất coi trọng việc phát triển thành phố, là thành phố có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về an ninh quốc phòng cấp Quốc gia cũng như của toàn vùng Tây Nguyên. Vì vậy, hội thảo lần này có ý nghĩa rất quan trọng. Đây là dịp để trao đổi, thảo luận về tầm nhìn, định hướng, mục tiêu phát triển thành phố Buôn Ma Thuột trong thời gian tới. Đồng thời là một bước quan trọng nhằm tiếp thu, tổng hợp các ý tưởng, góp ý của các cơ quan Trung ương, chuyên gia, nhà khoa học, để có thêm cơ sở hoàn thiện đề án tổng kết và đề xuất phương hướng phát triển thành phố Buôn Ma Thuột trong thời gian tới thành trung tâm đô thị vùng Tây Nguyên đến năm 2030 và tầm nhìn đến 2045.
Tại hội thảo, bên cạnh việc đánh giá những thành tựu, tồn tại hạn chế, nguyên nhân, bài học kinh nghiệm sau 10 năm thực hiện Kết luận 60 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Buôn Ma Thuột thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên, các nhà khoa học, nhà quản lý đã đề xuất nhiều giải pháp, mô hình phát triển cho thành phố trong thời gian tới.
Đề xuất một số giải pháp về phát triển, quản lý đô thị, cơ chế chính sách thúc đẩy sự phát triển của thành phố Buôn Ma Thuột, Kiến trúc sư Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam cho rằng: Thành phố Buôn Ma Thuột với chức năng là trung tâm vùng Tây Nguyên phải có vai trò “định hình, định vị, định hướng” dẫn dắt vùng Tây Nguyên phát triển gắn với liên kết vùng và quốc gia. Tỉnh Đắk Lắk và thành phố Buôn Ma Thuột phải chủ động đón đầu cuộc cách mạng 4.0 với các tầm nhìn đi trước trong xây dựng cơ chế chính sách và giải pháp thích hợp, để tạo đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội, từ đó tạo động lực và hiệu ứng lan tỏa cho toàn bộ vùng Tây Nguyên và khu vực miền Trung. Thành phố phát triển theo hướng “xanh – thân thiện – bền vững – bảo tồn giá trị văn hóa đặc trưng – gắn kết cộng đồng – bảo đảm an ninh, quốc phòng”, ông Trần Ngọc Chính nhấn mạnh.
Theo Tiến sỹ Trần Đình Thiên, Thành viên Tổ tư vấn của Thủ tướng Chính phủ, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế Trung ương, để thực hiện đúng vai trò, chức năng được trao và trở thành động lực phát triển hiện đại của vùng Tây Nguyên, Buôn Ma Thuột phải nhanh thoát khỏi tư duy cục bộ, coi phát triển Buôn Ma Thuột là việc riêng của Đắk Lắk, chủ yếu làm giàu cho Đắk Lắk. Cùng với đó, phải thống nhất về tầm quan trọng của việc phát triển Tây Nguyên để có cách tiếp cận phát triển thành phố Buôn Ma Thuột đúng tầm, đúng cách.
Nhiều nhà khoa học, quản lý cũng cho rằng, trong thời gian tới, việc xây dựng thành phố Buôn Ma Thuột hiện đại là trung tâm của vùng Tây Nguyên phải bảo tồn các giá trị truyền thống, mang nét đặc sắc riêng của thành phố này. Theo đó, Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Bá Thịnh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Giới, Dân số, Môi trường và Các vấn đề xã hội (Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội) đặt vấn đề: điều cần quan tâm là xây dựng và phát triển thành phố Buôn Ma Thuột như thế nào để có được “đặc sắc riêng của vùng Tây Nguyên”. Nếu thành phố Buôn Ma Thuột xây dựng và phát triển theo hướng hiện đại như Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng hoặc Thủ đô Hà Nội, thì Buôn Ma Thuột khó có thể sánh kịp với các thành phố này và sẽ chìm trong các thành phố hiện đại của cả nước. Vì vậy, quy hoạch phát triển không gian đô thị Buôn Ma Thuột phải bảo tồn được giá trị truyền thống, duy trì và bảo tồn các kiến trúc đô thị cổ, làng truyền thống, không nên vì lợi ích kinh tế hiện thời mà đánh mất những giá trị đô thị hàng thế kỷ, phát huy được bản sắc văn hóa vùng cao nguyên. Quy hoạch đô thị Buôn Ma Thuột cần tính đến không gian đô thị đặc thù của Tây Nguyên nói chung và của Buôn Ma Thuột nói riêng. Cùng với đó, cần kết hợp hài hòa giữa các khu phố cũ và khu đô thị mới, chú ý đến yếu tố biến đổi khí hậu, thời tiết khắc nghiệt; duy trì cấu trúc buôn làng truyền thống trong đô thị Buôn Ma Thuột, chú trọng xây dựng và phát triển đô thị "Buôn Ma Thuột xanh".
Sau 10 năm thực hiện Kết luận 60 của Bộ Chính trị, Đảng bộ, nhân dân thành phố và tỉnh Đắk Lắk đã nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức, đạt được những kết quả hết sức quan trọng trong điều kiện xuất phát điểm thấp, khó khăn, nguồn lực hạn chế, xa các trung tâm kinh tế lớn của cả nước, khả năng kết nối quốc tế không cao. Từ thành phố đô thị loại II, Buôn Ma Thuột đã được quy hoạch, xây dựng và phát triển thành đô thị loại I, có bản sắc Tây Nguyên. Tình hình phát triển kinh tế-xã hội của thành phố có bước phát triển khá, cơ bản đạt các chỉ tiêu đề ra, tổng sản phẩm tăng bình quân hàng năm là 13,98%; công nghiệp, thương mại, dịch vụ phát triển; thu nhập bình quân đầu người tăng đáng kể...
Tuy nhiên đến nay, một số định hướng phát triển thành phố chưa được triển khai thực hiện theo Kết luận số 60 và các quy hoạch đã được phê duyệt do thiếu nguồn lực, công tác thu hút đầu tư còn hạn chế; khai thác, phát huy lợi thế, tiềm năng là trung tâm vùng Tây Nguyên còn chậm. Ngoài ra, một số lĩnh vực lĩnh vực văn hóa, khoa học, công nghệ, giao thông chưa thể hiện rõ nét đi đầu so với các thành phố trong khu vực Tây Nguyên; công tác quản lý quy hoạch xây dựng đô thị vẫn còn nhiều bất cập, thiếu tầm nhìn dài hạn; chưa thu hút nhiều doanh nghiệp tham gia đầu tư…