Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an, Tổ phó Thường trực Tổ Công tác thực hiện Đề án 06 của Chính phủ chủ trì Hội thảo. Tham dự Hội thảo có đông đảo các chuyên gia, nhà khoa học trên lĩnh vực quản lý, công nghệ, dữ liệu, công nghệ thông tin...
Thời gian qua, Đảng, Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách về phát triển khoa học, công nghệ, chuyển đổi số quốc gia, xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, công dân số và chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Trong đó, việc xây dựng, phát triển, đồng bộ hạ tầng số, nghiên cứu xây dựng các Trung tâm Dữ liệu quốc gia là nền tảng cốt lõi để phát triển, đẩy mạnh Chính phủ số, cũng như kinh tế số, xã hội số.
Hiện nay, nhiều nước tiên tiến trên thế giới đã xây dựng các trung tâm dữ liệu tập trung và các hệ thống cơ sở dữ liệu. Trong khu vực châu Á, các nước như Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Singapore... đều đã tập trung xây dựng các Trung tâm Dữ liệu quốc gia để tạo nền tảng đẩy mạnh chuyển đổi số từ sớm và đã đạt được thành tựu đáng kể.
Ở nước ta, quá trình triển khai Chính phủ điện tử, Chính phủ số, đặc biệt là việc thực hiện Đề án "Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử, phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030" (Đề án 06) trong thời gian vừa qua đã đạt được nhiều kết quả tích cực, nhưng bên cạnh đó cũng bộc lộ một số hạn chế, bất cập về hạ tầng, nhân lực, nhiều hệ thống công nghệ thông tin được đầu tư từ lâu, thiếu đồng bộ, chưa đảm bảo an ninh an toàn. Nhiều cơ sở dữ liệu chưa được thu thập, lưu trữ trùng lặp, chưa được chuẩn hóa để kết nối, chia sẻ, khai thác dùng chung... Chính vì vậy, việc xây dựng Trung tâm Dữ liệu quốc gia tại Việt Nam là rất cần thiết và cấp bách, phù hợp với xu thế của thế giới và yêu cầu chuyển đổi số quốc gia.
Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc nhấn mạnh vị trí, ý nghĩa, vai trò đặc biệt quan trọng trong việc xây dựng Trung tâm Dữ liệu quốc gia.
"Trung tâm Dữ liệu quốc gia chúng ta đang nghiên cứu, đề xuất với Chính phủ xây dựng dữ liệu chỉ liên quan đến con người, phục vụ người dân, doanh nghiệp, Chính phủ. Đây chính là hướng duy nhất với những nội dung hội thảo đang nghiên cứu. Thủ tướng Chính phủ đã có thông điệp rõ ràng, đây là trung tâm của Chính phủ, giao cho Bộ Công an - đơn vị có nhiều kinh nghiệm trong việc xây dựng, triển khai các dự án về thu thập, xây dựng phát triển dữ liệu quốc gia về dân cư; sản xuất, cấp căn cước công dân và xác thực định danh điện tử…" - Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc khẳng định.
Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc thông tin, Bộ Công an có lực lượng Công an ở 4 cấp, mang tính kỷ luật cao, gắn liền với các nhiệm vụ, công việc liên quan đến con người, có rất nhiều điều kiện thuận lợi để thực hiện nhiệm vụ này Chính phủ giao. Hiện một số nước trên thế giới đã triển khai xây dựng trung tâm dữ liệu quốc gia, từng bước thành công, phục vụ rất lớn cho phát triển kinh tế - xã hội, Chính phủ điện tử, Chính phủ số, con người, xã hội số.
"Chúng ta đang từng bước tiếp cận, đương nhiên sẽ có nhiều khó khăn, nhiều vấn đề thậm chí chưa trải qua, như tính pháp lý của trung tâm, đòi hỏi lãnh đạo các cấp, bộ, ngành, địa phương phải đặt quyết tâm chính trị cao mới có thể hoàn thiện, đưa trung tâm vào hoạt động hiệu quả… Chúng ta xây dựng trung tâm này nhưng vẫn phải cần có những trung tâm dữ liệu thành viên, vệ tinh khác, bởi đây là trung tâm chính để thu nạp, kết nối chia sẻ. Cùng với đó, quan trọng nhất là con người, nhân lực phục vụ trung tâm, dữ liệu này để đảm bảo hiệu quả cao"- Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc khẳng định.
Cho ý kiến tại Hội thảo, Giáo sư, Tiến sỹ Hồ Tú Bảo, Giám đốc Phòng thí nghiệm Khoa học dữ liệu của Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán (VIASM), chuyên gia tư vấn của Đề án 06 khẳng định: Dữ liệu kết nối và khai thác dữ liệu là trái tim của chuyển đổi số. Nguồn dữ liệu và kết nối được tạo ra, khai thác được là cơ sở và động lực của đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, đồng thời tạo ra rất nhiều cơ hội cho kết nối và chia sẻ. Một chiến lược dữ liệu đúng đắn sẽ tạo ra sức bật để phát triển đất nước, kinh tế - xã hội.
Giáo sư Hồ Tú Bảo cũng khẳng định, hơn 1 năm qua, Đề án 06 đã đạt được nhiều thành tích, kết quả. 5 nhiệm vụ trọng tâm của Đề án 06 đặt ra đã có tác động rất lớn. Nhiệm vụ và kết quả của việc triển khai cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đạt được nhiều thành công, qua đó từng bước làm thay đổi cuộc sống, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng công dân số, dịch vụ công trực tuyến… Trong năm 2023, với 106 nhiệm vụ giao các bộ, ngành và 18 nhiệm vụ của các địa phương, cũng như lộ trình của Đề án 06 càng khẳng định tính cấp thiết trong việc sớm xây dựng, khai thác dữ liệu với các công nghệ số hiện nay.
Cho ý kiến về lợi ích của chia sẻ dữ liệu, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Tạ Hải Tùng, Hiệu trưởng Trường Công nghệ thông tin và truyền thông, Đại học Bách khoa Hà Nội khẳng định: Việc chia sẻ dữ liệu có lợi ích rất lớn, tăng từ 1 - 2,5% GDP, tạo ra lợi ích trực tiếp và gián tiếp lên đến hàng tỷ USD. Đây là xu thế của thời đại, là mặc định, không còn là một lựa chọn. Việc kết nối và chia sẻ dữ liệu cho phép nâng cao độ minh bạch cũng như trách nhiệm giải trình và tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội.
Phó Giáo sư Tạ Hải Tùng cũng đánh giá, kết nối và chia sẻ dữ liệu hiệu quả cần đặt người dân là trung tâm; chính sách, pháp luật và lộ trình triển khai rõ ràng cùng với việc xây dựng hạ tầng công nghệ đầu tư cần trọng điểm, hiệu quả, đảm bảo hiệu năng, tính tương thích, liên thông, an toàn, bảo mật. Những nội dung này được triển khai trên nền tảng nhận thức cũng như chất lượng nguồn nhân lực được đảm bảo.
Tại Hội thảo, cùng với việc khẳng định sự cấp thiết trong việc cần sớm xây dựng, triển khai Trung tâm Dữ liệu quốc gia, nhiều ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học tập trung đánh giá, thảo luận các nội dung về an ninh an toàn trong chia sẻ dữ liệu, các bài học kinh nghiệm, làm nổi bật lên nhóm vấn đề xác lập dữ liệu đúng đắn, tạo sức bật phát triển kinh tế - xã hội.
Lãnh đạo Bộ Công an giao Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội tập hợp những ý kiến đóng góp của các đại biểu, qua đó sơ kết, tổng kết và nâng tầm nội dung ở những cuộc hội thảo tiếp theo...