Xóa nhà tạm, nhà dột nát: Mang mái ấm cho đồng bào

Nhiều địa phương đang đẩy nhanh việc triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát tại các địa bàn khó khăn với mong muốn người dân có mái ấm đón Tết.

Niềm vui cuối năm

Đầu tháng 12/2024, tại thị trấn Tam Sơn (huyện Quản Bạ), tỉnh Hà Giang tổ chức khánh thành căn nhà đầu tiên được xây dựng theo Chương trình “xóa nhà tạm, nhà dột nát”. Căn nhà này của gia đình anh Chu Thống Tài ở tổ 4, thị trấn Tam Sơn, hộ nghèo người đồng bào dân tộc thiểu số, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Sau gần một tháng khởi công, căn nhà được xây dựng kiên cố rộng 73 m², đáp ứng tiêu chuẩn “3 cứng” (cứng nền, cứng tường, cứng mái) bằng kinh phí được hỗ trợ từ nguồn quỹ chương trình và đóng góp của cộng đồng, các nhà hảo tâm.

Chú thích ảnh
Lãnh đạo Hà Giang trao quà cho gia đình anh Chu Thống Tài ở tổ 4, thị trấn Tam Sơn, huyện Quản Bạ. Đây là gia đình được nhận ngôi nhà đầu tiên trong khuôn khổ chương trình "Xóa nhà tạm, nhà dột nát". Ảnh: TTXVN phát

Ông Đỗ Anh Tuấn, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Hà Giang cho biết, nằm ở địa đầu cực Bắc Tổ quốc, Hà Giang là địa phương có tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo cao. Đến ngày 30/10/2024, tổng số hộ cần hỗ trợ nhà ở của tỉnh là 5.848 gia đình, trong đó xây mới 4.951 nhà, sửa chữa 897 nhà. Từ nay đến Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, Hà Giang tập trung đa dạng hóa nguồn lực theo hướng toàn dân, toàn diện, rộng khắp, bao trùm; kêu gọi mọi người dân, doanh nghiệp đa dạng hóa hình thức hỗ trợ. Phấn đấu hoàn thành trên 500 căn nhà đã khởi công, hoàn thành nhà mới trước Tết Nguyên đán cho bà con. Dự kiến, trong năm 2025, tỉnh hoàn thành ít nhất 500 ngôi nhà cho hộ nghèo và gia đình khó khăn…

Tại Bắc Giang, chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát được tỉnh phát động ngay từ đầu năm 2024 và coi đây là nhiệm vụ trọng tâm của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh. Ông Đinh Đức Cảnh, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) tỉnh Bắc Giang chia sẻ: “Sau khi phát động, cả hệ thống chính trị, nhân dân, các nhà hảo tâm, doanh nghiệp đã cùng vào cuộc”. Tỉnh Bắc Giang đã huy động được hơn 90 tỷ đồng để hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát. Nhờ đó, tỉnh đã xóa được 1.393 nhà tạm, nhà dột nát trong năm 2024. Theo rà soát, tỉnh Bắc Giang dự kiến còn khoảng 1.000 hộ cần hỗ trợ xóa nhà tạm trong năm 2025.

Tại tỉnh Gia Lai, triển khai chương trình “Cả nước chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước trong năm 2025”, tỉnh dự kiến hỗ trợ xây mới và sửa chữa 8.178 căn nhà ở địa phương, trong đó xây mới 6.441 căn và sửa chữa 1.737 căn. Cụ thể, tỉnh xây mới 133 căn và sửa chữa 115 căn cho gia đình chính sách, người có công; xây mới 4.417 căn và sửa chữa 937 căn cho hộ nghèo; xây mới 1.891 căn và sửa chữa 5 căn cho hộ cận nghèo. Để đạt được mục tiêu trên, tỉnh Gia Lai huy động sức mạnh của xã hội cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước; đa dạng hóa các hình thức hỗ trợ để cùng chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát; đảm bảo công khai, minh bạch, đúng quy định, đúng đối tượng, không để xảy ra thất thoát, lãng phí, tiêu cực, tham nhũng.

Còn tại An Giang, UBND tỉnh vừa tổ chức lễ phát động chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát, vận động quỹ “vì người nghèo” năm 2024 và “cây mùa Xuân” Tết Ất Tỵ năm 2025, nhằm huy động nguồn lực của cả hệ thống chính trị địa phương chăm lo cho người nghèo, đảm bảo an sinh xã hội. Tỉnh đặt mục tiêu đến hết năm 2025 cơ bản hoàn thành xóa nhà tạm, nhà dột nát. Tại lễ phát động, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Hồ Văn Mừng kêu gọi các cơ quan, tổ chức, cộng đồng cùng đồng lòng, chung sức, tích cực tham gia đóng góp với tinh thần “ai có gì góp nấy, ai có công góp công, ai có của góp của, có nhiều góp nhiều, có ít góp ít”, để giúp 3.721 hộ gia đình có điều kiện để sửa chữa, xây mới nhà ở và trên 24.395 hộ nghèo, cận nghèo được vui xuân, đón Tết Ất Tỵ 2025…

Cả cộng đồng chung tay

Ông Đinh Đức Cảnh, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Bắc Giang cho biết: Trong quá trình thực hiện chương trình, tỉnh đã hoàn thành xóa nhà tạm, nhà dột nát đối với những gia đình, hộ dân đủ điều kiện hỗ trợ. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều nhà tạm, nhà dột nát không đủ điều kiện hỗ trợ do vướng pháp lý về đất đai. Vì vậy, tỉnh đang khảo sát, kiểm tra, yêu cầu UBND cấp huyện, thành phố phải xác định các nhiệm vụ tháo gỡ cụ thể từng “nút thắt”. Năm 2025, Ủy ban MTTQ tỉnh sẽ tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành công văn hướng dẫn, chỉ đạo giải quyết dứt điểm tình trạng nhà có nguồn gốc đất bất hợp pháp, trường hợp chưa có trong quy hoạch đất thổ cư phải bổ sung quy hoạch, những hộ nằm trong vùng không thể quy hoạch thành đất thổ cư cần tuyên truyền, vận động di dời đến những vị trí phù hợp hoặc tái định cư…

Theo bà Đặng Thị Hoa Rây, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh An Giang, sau một tuần phát động, tỉnh An Giang đã tiếp nhận từ các tổ chức, cá nhân đăng ký ủng hộ với số tiền và hiện vật trên 223 tỷ đồng và cam kết quản lý tiền đúng mục đích, chăm lo đúng đối tượng, đặc biệt là mục tiêu xóa nhà tạm, nhà dột nát. Riêng tỉnh Gia Lai phân cấp chính quyền từ tỉnh đến huyện, xã tăng cường kiểm tra, giám sát về giá nguyên vật liệu xây dựng nhà ở, chủ yếu sử dụng vật liệu của địa phương, huy động mọi lực lượng hỗ trợ, vận động cộng đồng phối hợp lực lượng quân đội, công an tham gia hỗ trợ vận chuyển vật liệu, thi công để giảm bớt chi phí...

Theo thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, hơn 10 năm qua, Việt Nam đã giúp cho khoảng 340.000 hộ người có công với cách mạng và trên 800.000 hộ nghèo, hộ cận nghèo khó khăn về nhà ở có chỗ ở ổn định, an toàn, vươn lên thoát nghèo bền vững. Tuy nhiên, đến tháng 11/2024, cả nước vẫn còn trên 315.000 hộ có khó khăn về nhà ở (khoảng 106.000 hộ người có công, 46.000 hộ thuộc chương trình mục tiêu quốc gia và 153.000 hộ nghèo, hộ cận nghèo khác) cần được hỗ trợ để xóa nhà tạm, nhà dột nát. Trong số này, khoảng 106.000 hộ người có công khó khăn về nhà ở, với tổng kinh phí dự kiến trên 4.000 tỷ đồng (mức hỗ trợ xây mới là 60 triệu đồng, mức hỗ trợ sửa chữa là 30 triệu đồng) đã được bố trí đủ và sẽ triển khai trong năm 2025.

Dự kiến đến hết năm 2024, tổng số hộ được hỗ trợ nhà ở từ Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững là 60.040 hộ (ngân sách Trung ương đã bố trí hơn 2.300 tỷ đồng). Với khoảng 46.000 hộ còn lại theo Chương trình mục tiêu quốc gia với nguồn hỗ trợ hơn 1.266 tỷ đồng từ nguồn ngân sách Trung ương trong năm 2025. Còn nguồn kinh phí hỗ trợ khoảng 153.000 hộ còn lại cũng đã được các cấp huy động từ các nguồn xã hội hóa (khoảng 6.000 tỷ đồng).

Ông Nguyễn Lê Bình, Phó Chánh Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo cho biết, đến nay, nhiều địa phương đã kiện toàn, thành lập Ban Chỉ đạo 3 cấp (tỉnh, huyện, xã) do Bí thư cấp ủy làm Trưởng Ban chỉ đạo (như Cao Bằng, Lạng Sơn, Lào Cai, Thái Nguyên, Hưng Yên, Thanh Hóa, Quảng Nam, Cà Mau...); phát động phong trào huy động nguồn lực (Lào Cai, Yên Bái, Điện Biên, Bắc Ninh, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Bạc Liêu…); ban hành kế hoạch triển khai công tác xóa nhà tạm, nhà dột nát (Bắc Kạn, Lào Cai, An Giang, Cà Mau, Thái Bình, Đắk Lắk…). Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã có văn bản hướng dẫn các địa phương triển khai hiệu quả, tránh thất thoát, lãng phí việc phân bổ nguồn lực huy động được từ Chương trình “xóa nhà tạm, nhà dột nát” được Thủ tướng Chính phủ phát động.

“Các nguồn từ Trung ương đã bố trí đủ thực hiện trong năm 2025. Đối với nguồn lực huy động tại cơ sở, các địa phương cần đề cao tinh thần tự lực, từ cường, đa dạng hóa các nguồn lực hỗ trợ; tuyên truyền, thuyết phục các hộ gia đình được hỗ trợ tự bảo đảm một phần như tiết kiệm, vay ngân hàng chính sách, huy động bạn bè, người thân giúp đỡ về kinh phí, nhân lực. Để bảo đảm triển khai hiệu quả, công khai, minh bạch, kinh phí thực hiện thông qua Quỹ Vì người nghèo do Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp quản lý; các địa phương rà soát, phê duyệt danh sách cụ thể từng hộ có nhu cầu xây mới hoặc sửa chữa nhà ở làm căn cứ hỗ trợ, kiểm tra”, ông Nguyễn Lê Bình cho biết.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính: Các địa phương cần tháo gỡ vướng mắc về đất đai, thực hiện nguyên tắc "không có tranh chấp là có thể triển khai được", đây là vấn đề vướng mắc nhất. Có địa phương có đất, nhưng xây theo tiêu chí "3 cứng" không đủ diện tích... Do đó, vướng mắc về đất đai, công việc thuộc thẩm quyền của cấp nào, cấp đó giải quyết dứt điểm.
Xuân Minh - TTN
Tiếp tục hỗ trợ vận chuyển miễn phí hài cốt liệt sĩ bằng tàu hỏa về quê nhà
Tiếp tục hỗ trợ vận chuyển miễn phí hài cốt liệt sĩ bằng tàu hỏa về quê nhà

Sau 1 năm triển khai, Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam và Công ty Cổ phần vận tải đường sắt (Tổng Công ty đường sắt Việt Nam) đã hỗ trợ vận chuyển được 33 hài cốt liệt sĩ miễn phí từ các nghĩa trang phía Nam về các tỉnh, thành phố phía Bắc.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN